Tài nguyên du lịch:

Một phần của tài liệu Luận văn phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch (Trang 63 - 67)

- Bài học thứ tư là cần xác định đào tạo du lịch là đào tạo nghề, cần chuyển hướng sang đào tạo chuyên sâu, tăng cường kỹ năng thực hành;

2.1.2. Tài nguyên du lịch:

2.1.2.1. Duyên hải Nam Trung Bộ:

Tài nguyên du lịch của DHNTB phong phú và đa dạng, nổi bật nhất chính là tài nguyên du lịch biển. DHNTB là dải đất chạy dọc biển Đông, có đường bờ biển dài gần 800 km. Các bãi biển, bãi tắm ở đây khá đẹp, đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả với khu vực như Ghềng Ráng, Tuy Hoà, Vũng Rô, Vân Phong, Dốc Lết, Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Chữ, Cà Ná, Phan Thiết – Mũi Né. Nổi bật là dải ven biển Nha Trang - vịnh Vân Phong (Khánh Hoà), với vịnh Nha Trang được chính thức xếp hạng là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới vào tháng 7/2003 và khu vực Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận), trong đó Phan Thiết được công nhận là đô thị du lịch. Cam Ranh là vịnh nước sâu tốt nhất của nước ta, trước đây được giao cho quân đội quản lý phục vụ mục đích quốc phòng, hiện nay được chuyển về phục vụ cho dân sự, mở ra triển vọng rất lớn để phát triển thành một khu du lịch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đặc điểm của dải ven biển và các bãi tắm của khu vực DHNTB là độ tinh khiết của nước biển và độ mịn thoải của bãi cát trắng, khí hậu nóng ấm quanh năm nên rất thuận tiện cho việc tổ chức khai thác loại

hình du lịch biển với những sản phẩm du lịch độc đáo như: tắm biển, lặn biển, tắm bùn, tắm nước khoáng nóng, và tham gia các môn thể thao biển: nhảy dù, lướt ván, canoeing, kayaking, bóng chuyền bãi biển.

DHNTB là vùng đất xa xưa của người Chăm, đến nay, vùng đất này vẫn còn lưu dấu những dải tháp Chăm thể hiện tín ngưỡng tâm linh và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Trong đó nổi bật nhất là Tháp Bà (Tháp Pô Nagar) - đền thờ Nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm. Tháp là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Chăm. Trên thân tháp đắp những tượng và phù điêu bằng đất nung như thần Pô Nagar, thần Jênêxa, các loài thú…

DHNTB cũng là vùng đất của những lễ hội của người Chăm. Với những lễ hội như lễ hội Katê (tưởng niệm đấng Cha), lễ hội ChaBun (tưởng niệm đấng Mẹ), lễ hội Rija Nưga (tưởng niệm thần xứ sở và các thần linh khác) cùng các nghi lễ múa linh thiêng, huyền bí đã thu hút không chỉ cộng đồng người Chăm của vùng đất này mà còn là điểm hẹn của du khách bốn phương. Tài nguyên du lịch nhân văn của vùng không đa dạng như một số vùng khác nhưng lại mang tính độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch như du lịch tham quan, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh…

2.1.2.2. Tây Nguyên:

Các tỉnh Tây Nguyên đều có tiềm năng du lịch khá phong phú và đa dạng cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Nói đến Tây Nguyên là nói đến núi rừng hùng vĩ với những vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên như Tou Mơ Rông, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Yokdon, nơi có hệ sinh thái đa dạng và quỹ Gien được coi là lớn nhất của nước ta hiện nay. Điểm nổi bật của tài nguyên du lịch tự nhiên khu vực Tây Nguyên là hệ sinh thái rừng khộp (điển hình là vườn quốc gia Yokdon) và hệ sinh thái núi cao (điển hình là khu bảo tồn tự nhiên Ngọc Linh), có giá trị không chỉ thu hút các nhà khoa học mà cả với những du khách ưa thích thiên nhiên. Bên cạnh đó hệ thống các

hồ nước, thác nước rất nổi tiếng như Ealy, Biển Hồ, Đa Nhim, Suối Vàng, Đray Sáp, Trinh Nữ, Gia Long, Ba Tầng, Đăk G’Lun, Thác Liêng Nung… là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên quý giá để phát triển loại hình du lịch xanh ở khu vực Tây Nguyên.

Một thế mạnh khác rất đặc trưng của Tây Nguyên là giá trị văn hoá bản địa đa dạng, đặc sắc mà tiêu biểu là “Không gian Cồng Chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Các tộc người bản địa ở Tây Nguyên đều có những nét văn hoá rất riêng của mình và vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, thể hiện qua tập quán ăn uống, nhà cửa và hình thái cư trú, trang phục, công cụ dụng cụ, các lễ hội, văn học dân gian, ca múa nhạc, nghệ thuật tạo hình trang trí dân gian, các công trình kiến trúc, di sản văn hoá… Những giá trị của văn hoá đặc sắc này có thể khai thác phục vụ du lịch với mô hình đưa khách du lịch tham dự trực tiếp và cảm nhận văn hoá dân tộc trong chính môi trường, không gian văn hoá của họ.

Tây Nguyên có thế mạnh phát triển du lịch và liên kết hoạt động du lịch với các khu vực khác, đặc biệt là với miền Trung. Nằm trên trục nối liền các “điểm đến” đầy hấp dẫn, các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên đang tiến theo hướng đi đầy triển vọng cho ngành công nghiệp không khói - liên kết vùng trong phát triển du lịch. Do những yếu tố địa lý, nhân văn, đặc trưng văn hóa mà tiềm năng du lịch miền Trung - Tây Nguyên có sự gắn kết rất chặt chẽ. Vì vậy, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, việc liên kết giữa các tỉnh, thành phố ở khu vực này là hướng đi đúng và đầy triển vọng. 14 tỉnh, thành phố tại khu vực này, từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên, đều có tiềm năng du lịch rất lớn, phù hợp phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch biển, sinh thái rừng, mạo hiểm, du lịch hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa. Với những tuyến du lịch độc đáo như “Con đường di sản miền Trung” hay “Con đường xanh Tây Nguyên”, khách du lịch có dịp đi xuyên suốt các tỉnh, thành phố trong vùng, thưởng thức những cảnh

quan thiên nhiên quyến rũ cùng những di sản văn hóa-lịch sử quý giá như cố đô Huế cổ kính, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, Vịnh Nha Trang và tham gia những hoạt động đầy hấp dẫn như cưỡi voi, săn thú trên cao nguyên Lâm Viên, uống rượu cần và nghe kể sử thi Tây Nguyên ở Đắk Lắk. Du khách cũng có nhiều sự lựa chọn với các tour liên kết khu vực như tuyến “Đà Lạt - Nha Trang: Lên rừng xuống biển” hay “Theo dấu chân Yersin”.

2.1.2.3. Vị trí của các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam”

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2002 đã xác định không gian phát triển du lịch Việt Nam gồm 3 vùng: Vùng du lịch Bắc Bộ, Vùng du lịch Bắc Trung Bộ và Vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ, khu vực Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt thuộc DHNTB và Tây Nguyên được xác định là địa bàn hoạt động du lịch chủ yếu với các dự án kết hợp giữa khu nghỉ biển và núi. Trong việc phát triển địa bàn tăng trưởng này cần gắn kết với các điểm tham quan, nghỉ dưỡng thuộc khu vực DHNTB và Tây Nguyên với các cảnh quan vùng ven biển Phú Yên, Khánh Hòa như Vũng Rô, Dốc Lết, Bãi Tiên Đồng Đế (Nha Trang), Hòn Chũ, các bãi biển như Ninh Chữ, Cà Ná (Ninh Thuận), Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận), các cảnh quan vùng núi và cao nguyên thuộc một số tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk với các hệ sinh thái núi, hồ, thác, hang động, thực vật rừng gắn với các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng. Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển và núi để khai thác thế mạnh du lịch của dải ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong Dự án VIE 89/003 (do Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO, Chương trình Phát triển du lịch Liên hiệp quốc - UNDP và Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch phối hợp thực hiện), các chuyên gia của Tổ chức Du lịch

Thế giới đánh giá khu vực DHNTB và Tây Nguyên hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển trở thành một vùng du lịch độc lập (Lãnh thổ Việt Nam có thể chia thành 4 vùng du lịch, trong đó khu vực DHNTB và Tây Nguyên trở thành vùng du lịch số 3), đã cho thấy sự đánh giá rất cao của các chuyên gia quốc tế đối với khu vực này. Do điều kiện hạ tầng còn nhiều bất cập, đặc biệt là chưa có cảng hàng không quốc tế để đón khách du lịch quốc tế trực tiếp từ các thị trường du lịch nguồn nên Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010 tạm ghép khu vực DHNTB và Tây Nguyên vào vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tuy nhiên, dù ghép hay đứng độc lập thành một vùng thì khu vực DHNTB và Tây Nguyên vẫn luôn có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Đây sẽ là địa bàn hoạt động du lịch sôi động nhất của nước ta trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Luận văn phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w