- Bài học thứ tư là cần xác định đào tạo du lịch là đào tạo nghề, cần chuyển hướng sang đào tạo chuyên sâu, tăng cường kỹ năng thực hành;
(tính đến cuối tháng 6 năm 2009)
2.2.2. Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Du lịch:
Theo thống kê chưa đầy đủ thì cả nước hiện có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, gồm 62 trường đại học; 80 cao đẳng (trong đó có 8 trường cao đẳng nghề); 117 trung cấp (trong đó có 12 trung cấp nghề); 02 công ty đào tạo và 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề. Hiện nay mỗi năm cả nước tuyển sinh khoảng 22.000 học sinh, sinh viên du lịch (tăng 22,2% so với năm 2007), trong đó tuyển sinh đào tạo đại học là 3.870 sinh viên (1.770 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp và 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch); trung cấp là 18.190 học sinh (tăng gần 30% so với năm 2007; gồm 14.495 học sinh trung học chuyên nghiệp và 3.695 học sinh trung cấp nghề du lịch); sơ cấp nghề và đào tạo du lịch dưới 3 tháng chưa có số liệu thống kê đầy đủ, ước khoảng 5.000 học viên. Số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 20.000. Đào tạo nghề sơ cấp, ngắn hạn có xu hướng tăng hơn so với 2 năm trước. Tuyển sinh thạc sỹ và tiến sĩ với các đề tài về du lịch, nhưng quy mô còn hạn chế.
Trên địa bàn các tỉnh khu vực DHNTB và Tây Nguyên có các trường đại học là Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Thái Bình Dương, Trường Đại học Phan Thiết, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Yersin Đà Lạt và các trường cao đẳng là Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Trường Cao đẳng Bình Định, Trường Cao đẳng Sư phạm Kontum tham gia đào tạo trình độ đại học, cao đẳng du lịch với tổng lượng sinh viên hàng năm gần 3.250 sinh viên
Ở cấp đào tạo trình độ trung cấp du lịch có 09 trường Trung cấp, 03 trường cao đẳng và 02 trường đại học tham gia đào tạo với tổng lượng sinh viên hàng năm là 3.560. Trường Trung cấp Du lịch Đà Lạt và Trường Trung cấp Du lịch Nha Trang được ngành Du lịch đầu tư đi vào hoạt động năm 2007. Tổng quy mô của các cơ sở đào tạo du lịch các cấp đào tạo với 6.800 sinh viên là con số quá ít nếu xét theo nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Du lịch của khu vực.
Trên địa bàn của khu vực còn một số cơ sở đào tạo, trong đó có đào tạo nghề có liên quan đến du lịch, nhưng ngoại trừ Trường Trung cấp Du lịch Nha Trang là trường nghiệp vụ chuyên nghiệp nhất của khu vực (được Tổng cục Du lịch thành lập, đầu tư năm 2007, dự kiến hoàn tất khâu xây dựng trong năm 2010, năm học 2008 – 2009 tuyển sinh khoá đầu tiên được gần 300 sinh viên), nên cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng các tiêu chuẩn đào tạo nghề của châu Âu, có với cơ sở thực hành là khách sạn 3 sao; những cơ sở đào tạo còn lại thường đào tạo không chuyên sâu về du lịch: Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (đào tạo ngoại ngữ du lịch, địa lý du lịch và văn hoá du lịch), Trường Cao đẳng nghề Nha Trang (đào tạo ngành Du lịch với trình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật bậc 2/7 và 3/7); Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ - chi nhánh Nha Trang chủ yếu là đào tạo về
ngoại ngữ, do vậy năng lực và chất lượng đào tạo chuyên ngành du lịch vẫn còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, ngành Du lịch cả nước nói chung và các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên nói riêng vẫn chưa có chương trình khung thống nhất ở các cấp đào tạo; dẫn đến tình trạng mỗi cơ sở đào tạo đều có những giáo trình riêng, thậm chí giáo trình của một số cơ sở đào tạo còn chưa tiêu chuẩn. Trong ngành Du lịch mới chỉ có 5 môn cơ sở ngành hệ trung học chuyên nghiệp là (1) Tổng quan du lịch ; (2) Tổng quan cơ sở lưu trú du lịch ; (3) Marketing du lịch ; (4) Tâm lý khách du lịch và (5) Kỹ năng giao tiếp là có giáo trình chuẩn. Thực trạng giáo trình của các trường đại học, cao đẳng đào tạo du lịch ở khu vực DHNTB và Tây Nguyên cũng nằm trong tình trạng chung này; tính liên thông giữa các cấp học bậc học của chương trình và giáo trình đào tạo du lịch đang là vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, về chương trình, giáo trình đào tạo nghề du lịch cho đến nay vẫn chưa được giảng dạy đồng bộ tại các trường.
Do cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo cũng như cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chưa xây dựng những tiêu chí cụ thể về chuyên môn làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, giáo trình dẫn đến nội dung đào tạo của các cơ sở không thống nhất, không có quy chuẩn tối thiểu về nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành du lịch cho từng bậc học, từng ngành học; học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó xác định trình độ tay nghề hoặc trình độ quản lý. Việc bổ sung cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy cũng phụ thuộc chủ yếu vào từng cơ sở đào tạo.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo đã tăng nhưng không nhiều. Số giáo viên được đào tạo bài bản về du lịch vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp ; nhìn chung kiến thức chuyên sâu về du lịch của giáo viên, giảng viên được tích luỹ chủ yếu thông qua các lớp bồi dưỡng và tự học, chưa được trang bị một cách tổng thể, bài bản ; phương pháp giảng dạy phần nhiều vẫn mang tính thuyết trình.
Ở đào tạo du lịch bậc đại học, cao đẳng, trình độ giáo viên đại học được nâng cao và lực lượng giáo viên trẻ cũng đã tiếp cận với kiến thức mới, được bồi dưỡng và đào tạo thêm tại một số nước có ngành du lịch phát triển. Nhưng lực lượng này còn quá ít, số lượng đào tạo tại nước ngoài chưa nhiều và vẫn thiếu về kinh nghiệm giảng dạy lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Chính vì vậy, các giáo viên mới đều trong tình trạng truyền đạt lý thuyết đơn thuần, kinh nghiệm nghề nghiệp và quản lý thực tế còn thiếu.
Ở đào tạo du lịch bậc trung cấp và đào tạo nghề, phần lớn giáo viên, giảng viên giảng dạy đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức thực tế. Nhiều cơ sở đã có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo nghiệp vụ. Tuy nhiên, năng lực ngoại ngữ, năng lực tin học… vẫn còn những hạn chế nhất định, nhất là ở những giáo viên có tuổi.
Cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo du lịch đã được đầu tư và trang bị phục vụ cho công tác thực hành cũng như phục vụ học tập nhưng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu đồng bộ và lạc hậu. Hệ thống giáo trình đã được cải thiện nhiều, đưa vào hệ thống giáo trình trực tuyến nhưng vẫn còn ở mức độ sơ khai. Các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập còn thiếu.
Cơ sở vật chất kỹ thuật đào tạo du lịch ở hầu hết các trường đào tạo nghề du lịch khác trong khu vực còn rất thiếu thốn, chắp vá; mới chỉ có phòng học lý thuyết, hầu như không có cơ sở thực hành, thường đi thuê hoặc sử dụng một số buổi tại các cơ sở kinh doanh trong thời gian kinh doanh thấp điểm. Bởi vậy, nhiều trường mang tên đào tạo các chuyên ngành du lịch nhưng khi tham gia vào hệ thống đào tạo nghề du lịch chưa có hoạt động, chưa tích cực và không hòa đồng với các cơ sở đào tạo du lịch chuyên nghiệp, chưa đạt được mức chất lượng đào tạo trung bình.
Nhìn chung hệ thống cơ sở đào tạo nghề du lịch ở khu vực còn nhiều hạn chế, bước đầu hình thành mạng lưới đào tạo nghề trên cơ sở các trường
đào tạo chuyên nghiệp du lịch. Để hình thành và phát triển mạng lưới đào tạo nghề du lịch thực thụ, cần phải mở rộng thành lập các cơ sở đào tạo mới ở các vùng du lịch trọng điểm và tăng cường hợp táp giữa các trường, thống nhất chương trình, giáo trình đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.
Mặc dù nguồn nhân lực ngành Du lịch của khu vực chưa đáp ứng cả về chất lượng và số lượng, nhưng chỉ trên 60% số lượng học viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng về du lịch ở các bậc tại các cơ sở đào tạo du lịch trong khu vực, tìm kiếm được việc làm tại các cơ sở kinh doanh du lịch và cơ quan có hoạt động liên quan đến du lịch. Theo phản ánh, các cơ sở kinh doanh du lịch sau khi nhận về, vẫn phải tổ chức đào tạo lại cho các học viên trước khi giao cho họ những công việc cụ thể tại doanh nghiệp của mình, do còn có khoảng cách giữa những gì học viên được trang bị từ các cơ sở đào tạo du lịch với nhu cầu thực tiễn của công việc mà học viên được giao.
Một thực tế khác khiến cho công tác đào tạo, bồi dưỡng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn là hầu hết các doanh nghiệp du lịch đứng ngoài cuộc, không tham gia vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng du lịch. Có nhiều lý do, nhưng vấn đề chính là ngay bản thân các doanh nghiệp cũng chưa ý thức hết được vai trò của nguồn nhân lực ngành Du lịch đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nên chưa có chiến lược phát triển nhân sự, và vì vậy họ ít quan tâm đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực cũng như hợp tác với các cơ sở đào tạo du lịch.
Ở các doanh nghiệp du lịch có yếu tố nước ngoài hoặc doanh nghiệp liên doanh với các hãng du lịch danh tiếng (ví dụ Saigontourist), công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch được chú trọng hơn thông qua hệ thống đào tạo riêng, có chiến lược thu hút, bồi dưỡng, sử dụng riêng nên chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch thường có chất lượng cao hơn so với mặt bằng chung của khu vực.