1.3.1.1. Kinh nghiệm phát triển các KCN ở Đồng Nai.
Từ chủ trương, chính sách của nhà nước và những tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong 15 năm qua, tỉnh Đồng Nai đã chọn khu công nghiệp là mô
hình phát triển kinh tế trọng điểm nhằm tạo các điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ để thu hút mạnh vốn đầu tư và công nghệ, từng bước chủ động hội nhập kinh tế quốc tế một cách bền vững.
Năm 1963, Công ty khuyếch trương công kỹ nghệ Biên Hoà (SONADEZI) đã tiến hành xây dựng khu kỹ nghệ Biên Hoà (nay là KCN Biên Hoà I) trên diện tích 376 ha tại phường An Bình. Bằng hình thức chìa khoá trao tay, SONADEZI đã xây dựng 94 nhà máy các loại, trở thành khu công nghiệp lớn nhất miền Nam. Sau giải phóng mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng qua thực tiễn cho thấy đây là một mô hình hoạt động có hiệu quả trong nhiều mặt. Thực tiễn phát triển của KCN Biên Hoà I đã để lại những kinh nghiệm quý cho việc quy hoạch phát triển các KCN tại Đồng Nai mà cụ thể là việc thành lập Công ty SONADEZI Biên Hoà vào năm 1990 và khu công nghiệp Biên Hoà 2 trở thành khu công nghiệp đầu tiên cả nước được thành lập trước khi Chính phủ ban hành qui chế KCN. Thành công của KCN Biên Hoà 2 đã trở thành động lực mạnh mẽ trong quá trình xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai.
- Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai, ngay từ đầu những năm 1990, Đồng Nai đã quy hoạch phát triển 17 KCN với tổng diện tích 8.119 ha, nhưng qua quy hoạch chi tiết, thực tế đã hình thành 25 KCN do KCN Nhơn Trạch 2.700 ha chia thành nhiều KCN nhỏ. Năm 2004 - 2005, Đồng Nai đăng ký bổ sung thêm 9 KCN với diện tích tăng thêm 3.070 ha, do đó đến năm 2010, Đồng Nai quy hoạch phát triển 34 KCN tập trung với tổng diện tích khoảng 11.189 ha. Trong đó:19 KCN Chính phủ đã phê duyệt diện tích 5.377 ha (4 KCN đang làm thủ tục mở rộng giai đoạn 2; 6 KCN đang xin thành lập; tổng diện tích 1.734 ha; 9 KCN mới đăng ký bổ sung; tổng diện tích 3.070ha).
Việc qui hoạch các KCN tại Đồng Nai, bước đầu Đồng Nai tập trung đầu tư xây dựng các KCN tại các địa bàn có lợi thế nhất dọc theo hành lang quốc lộ 1A và quốc lộ 51, sau đó phát triển đến các KCN thuộc miền núi và các địa bàn kém lợi thế hơn.
Bên cạnh việc phát triển các KCN, Đồng Nai đã và đang qui hoạch nhiều cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, để đa dạng địa bàn thu hút đầu tư, hạn chế việc đầu tư sản xuất công nghiệp nằm phân tán tại các khu dân cư, nhất là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đầu tư, từng bước góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.
1.3.1.2. Kinh nghiệm phát triển KCN ở Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, gần thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, thuận lợi cho việc hình thành, phát triển các KCN nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Xây dựng và phát triển các KCN là một trong những nội dung cơ bản của quyết sách trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX xác định. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, trong thời gian qua, các KCN trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần quan trọng vào việc phân công lại lao động phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc phát triển các KCN cũng là điều kiện cho việc hình thành các Khu đô thị mới và khu du lịch, phát triển các ngành CN phụ trợ và du lịch, tạo việc làm cho người lao động, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Về thu hút các dự án đầu tư:
Từ năm 2002 trở về trước, trên địa bàn của tỉnh đã thu hút được 103 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 595 triệu USD. Sau khi được thành lập (tháng 12/2002), Ban quản lý các KCN của tỉnh đã chú trọng hơn tới công tác vận động, xúc tiến đầu tư, đổi mới hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", phối hợp tốt với các cấp, các ngành trong công tác bồi thường GPMB... Vì vậy trong 03 năm qua (2004-2006) toàn tỉnh đã thu hút được 310 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.369 triệu USD, tăng ba lần về số dự án và 2,3 lần về số vốn đầu tư trong giai đoạn từ 2002 trở về trước, đưa Vĩnh Phúc đứng thứ 7 cả nước về vốn đầu tư nước ngoài. Đến hết tháng 11/2006, trên địa bàn tỉnh đã có 413 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó 84 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 739,6 triệu USD và 329 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 19.108,4 tỷ đồng.
Công nghiệp được Tỉnh xác định là nền tảng của kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy các ngành dịch vụ, nông nghiệp phát triển. Trong tổng số 413 dự án đầu tư có 342 dự án thuộc lĩnh vực CN, chiếm 82,81% tổng các dự án đầu tư, với số vốn đầu tư 11.646 tỷ đồng và 664,315 triệu USD. Các dự án đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đã và đang tích cực triển khai xây dựng. Đến nay đã có 136 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chiếm trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, trên 70% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, trên 70% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho trên hai vạn lao động, trong đó lao động là người tỉnh Vĩnh Phúc chiếm tỷ lệ 65-70%.
Trong thời gian qua, Ban quản lý các KCN của Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các Công ty hạ tầng các KCN khẩn trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật các
KCN, đến nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Trong đó KCN Quang Minh I với diện tích đất quy hoạch 344 hecta đã được lấp đầy các dự án đầu tư; KCN Khai Quang khoảng 60% diện tích đất công nghiệp; KCN Bình Xuyên giai đoạn I với diện tích 60 hécta lấp đầy. Với những kết quả đã đạt được, năm 2004 Ban quản lý các KCN và thu hút đầu tư Vĩnh Phúc đã được Bộ Kế hoạch & Đầu tư tặng Cờ thi đua xuất sắc và hằng năm đều được UBND tỉnh tặng Bằng khen về hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Kết quả trên có được là do Ban đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của Tỉnh và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư của Tỉnh, các chính sách về đền bù, GPMB, về chi phí hạ tầng các KCN, các cơ chế phối hợp với các cấp, các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ KCN như thông tin liên lạc, điện nước... đảm bảo đáp ứng kịp thời với các chi phí thấp nhất giúp các nhà đầu tư dễ dàng trong việc lựa chọn và quyết định đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc.
Đặc biệt với phương châm cởi mở, thông thoáng trong thu hút, cấp phép đầu tư, Ban đã thực hiện triệt để việc cải cách thủ tục hành chính với cơ chế "một cửa" giúp các nhà đầu tư rút ngắn thời gian và chi phí trong việc phê duyệt các dự án, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Vĩnh Phúc, đã tạo được niềm tin, là địa chỉ đáng tin cậy cho các nhà đầu tư.