Trong 5 năm qua (2001 - 2006), nền kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh và đúng hướng, bước đầu tạo ra thế và lực cao hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,6%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp -
xây dựng trong GDP từ 18,6% năm 2001 đã tăng lên 31,18% năm 2006; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp từ 44,3% giảm xuống còn 32,97%. GDP bình quân đầu người năm 2006 đạt 6,5 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2001.
Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, bình quân hàng năm 6%. Các vùng nguyên liệu tập trung đã hình thành gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: lạc là 24 nghìn ha, mía 25 nghìn ha, dứa 3.100 ha, chè 8.000 ha, cao su 2.700 ha, cà phê 2.500 ha... Diện tích nuôi trồng thuỷ sản được được mở rộng. Năng suất cây trồng vật nuôi hàng năm đều tăng. Độ che phủ rừng năm 2006 đã đạt 47%.
Lĩnh vực công nghiệp có sự phát triển nhanh chóng, giá trị sản xuất hàng năm tăng 30%. Năm 2006, nhiều sản phẩm chủ lực đã hoàn thành vượt mục tiêu đề ra và tăng gấp nhiều lần so với năm 2001, như: bia 32 triệu lít, tăng gấp 2,7 lần; đường kính 152.000 tấn, tăng gấp 3 lần; xi măng 1,4 triệu tấn, tăng gấp 9 lần; gạch nung 330 triệu viên, tăng gấp 2 lần...
Các ngành dịch vụ phát triển bước đầu đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sông nhân dân; giá trị sản xuất dịch vụ tăng bình quân 8,74%/năm. Một số khu du lịch trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành và được đầu tư nâng cấp, thu hút khách du lịch tăng bình quân 18,4%/năm, doanh thu du lịch tăng 24%/năm. Dịch vụ bưu chính viễn thông tăng bình quân 20%/năm, năm 2006 số máy điện thoại đạt 8 máy/100 dân.
Hạ tầng kỹ thuật có sự cải thiện đáng kể. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông được triển khai như: nâng cấp các tuyến quốc lộ 1, 7, 15, 46, 48; đường Hồ Chí Minh; cảng Cửa Lò; sân bay Vinh...Thực hiện chủ trương huy động sức dân cùng hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 642 km đường nhựa và 3.257 km đường bêtông, kiên cố hóa kênh mương được 4.200 km.
Lĩnh vực xã hội có tiến bộ nhiều trên các mặt. Giáo dục phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh đã phổ cập tiểu học và cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Đến 2006 có 362 trường đạt chuẩn quốc gia. Số học sinh thi và trúng tuyển vào các trường đại học, học sinh giỏi quốc gia thuộc diện cao của cả nước. Các bệnh viện từ tỉnh đến huyện được tăng cường cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Trong 5 năm qua toàn tỉnh đã tạo được 130.000 việc làm, trong đó có 30.000 chỗ làm việc tập trung, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 8,5% năm 2000 xuống còn 4,1%; giảm được 31.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,0% vào năm 2006.