Đặc điểm phát triển KCN ở Đài Loan.

Một phần của tài liệu Phát triển các khu công nghiệp trong quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa ở Nghệ An (Trang 32 - 36)

Hơn 4 thập kỷ qua, phát triển công nghiệp luôn là động lực cho phát triển kinh tế của Đài Loan, trong đó các KCN giữ một vị trí quan trọng. Các chính sách phát triển KCN luôn thay đổi theo từng giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau, chuyển dịch dần từ mô hình sản xuất tập trung truyền thống sử

dụng nhiều lao động sang hình thức các KCN công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị tăng thêm.

Chính những chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính, khuyến khích phát triển kinh tế đã đem lại những kết quả to lớn cho phát triển kinh tế Đài Loan trong những thập niên vừa qua.

Theo số liệu của Bộ Kinh tế Đài Loan, hiện có 88 KCN đang hoạt động trên khắp lãnh thổ với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 11.422 ha, thu hút được hơn 11.000 dự án đầu tư, trong đó Cục Phát triển công nghiệp (IDB) trực tiếp quản lý 54 KCN có vai trò quan trọng tới việc phát triển các vùng. Ngoài ra có 23 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích 18.414 ha và 18 KCN khác đã được quy hoạch với tổng diện tích gần 4.400 ha. Nhằm thu hút đầu tư vào các KCN, đặc biệt là các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, Đài Loan đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi khác nhau về thuế, hỗ trợ tài chính hoặc vay ưu đãi từ chính phủ, quy định mức khấu hao đặc biệt cho các thiết bị máy móc...Các thủ tục xin giấy phép đầu tư, giấy phép hải quan trong các KCN, KCX ở Đài Loan đều thực hiện chế độ “một cửa” cho nhà đầu tư.

Công tác phát triển các KCN ở Đài Loan được phân thành 4 nhiệm vụ quản lý chủ yếu sau: (i) lựa chọn địa điểm và đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư; (ii) lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng KCN; (iii) bán và cho thuê đất trong KCN và (iv) quản lý điều hành KCN.

Cục Phát triển công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện xây dựng và triển khai chính sách phát triển các KCN ở Đài Loan. Đối với các KCN do tư nhân xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm hoàn toàn việc đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN theo đúng quy hoạch của Chính phủ. Đối với các KCN do Chính phủ đầu tư, Cục Phát

triển kinh tế sẽ thành lập nhóm công tác phát triển KCN với thành phần đại diện các cấp chính quyền trung ương và địa phương cũng như các cơ quan chức năng của Bộ Kinh tế như Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cục Bảo vệ môi trường... Nhóm công tác này được tổ chức thành những bộ phận chuyên trách đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ cụ thể: Bộ phận hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng và phát triển KCN sau khi dự án đầu tư đã được thông qua; tự huy động các nguồn vốn cần thiết để triển khai dự án và thu hồi vốn đầu tư qua việc bán, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Việc lập kế hoạch, thiết kế và giám sát xây dựng sẽ do các bộ phận tư vấn kỹ thuật chuyên trách đảm nhiệm. Việc phối hợp công tác xây dựng với phát triển KCN như thu hồi đất, đăng ký đất đai, kết nối hạ tầng đòi hỏi sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trung ương, địa phương có liên quan. Sau khi đã hoàn tất việc xây dựng KCN, nhóm công tác phát triển KCN sẽ ban hành các điều lệ quản lý nhằm quy định các hoạt động của các nhà máy trong KCN, các quy định về bảo vệ môi trường, thuê nhân công và các dịch vụ tiện ích khác.

Căn cứ vào điều kiện tài nguyên, đặc điểm kinh tế xã hội từng khu vực kết hợp với việc dự đoán, đánh giá xu hướng phát triển khoa học-kỹ thuật, công nghệ, triển vọng thị trường thế giới trong thời gian 10-20 năm mà chính quyền Đài Loan xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế quốc dân, quy hoạch phát triển các KCN và đưa ra các chính sách phát triển phù hợp theo từng giai đoạn. Chính sách phát triển KCN được hoạch định theo trình tự các bước: xác định trọng tâm vấn đề cần giải quyết; xác lập mục tiêu cần phải đạt được; đề xuất các giải pháp và lựa chọn phương án chính sách tối ưu. Nhằm đảm bảo tính khách quan trong điều hành nền kinh tế, các cơ quan hoạch định chính sách và chiến lược phát triển, quy hoạch được tách ra khỏi cơ quan quản lý điều hành. Thí dụ Hội đồng Kế hoạch và Phát triển kinh tế chịu trách

nhiệm hoạch định chiến lược phát triển, quy hoạch các ngành, các vùng, kế hoạch phát triển, các chính sách phát triển KCN...; Bộ Kinh tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và cụ thể hoá các chính sách. Trong quá trình triển khai, các cơ quan này có thể kiểm tra công việc của nhau để kịp trình Chính phủ những giải pháp, điều chỉnh thích hợp nhằm khắc phục kịp thời những khiếm khuyết hoặc sai lệch trong quy hoạch, kế hoạch, chính sách hay trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Để bắt kịp với yêu cầu phát triển công nghiệp ngày càng tăng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt từ khi Đài Loan gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO vào đầu năm 2002, Bộ Kinh tế Đài Loan đã đề ra những định hướng điều chỉnh trong chính sách phát triển KCN trong thời gian tới như sau :

Thứ nhất, chuyển đổi thu hút đầu tư vào KCN từ dựa trên yếu tố giá thành sang yếu tố chất lượng dịch vụ Trước đây chủ đầu tư KCN chỉ cung cấp những dịch vụ công cộng cơ bản với mức giá cho thuê đất thấp nhằm giảm chi phí sản xuất và quản lý của các doanh nghiệp KCN...thì nay chuyển hướng sang đầu tư xây dựng các KCN có chất lượng dịch vụ cao với giá cho thuê đất ở mức hợp lý.

Thứ hai, chuyển từ định hướng “trọng cung” sang định hướng “trọng cầu” việc cho thuê đất phát triển công nghiệp trong các KCN sẽ dựa trên nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp; đồng thời, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển KCN.

Thứ ba, chuyển từ mô hình phát triển các KCN tập trung sang mô hình công viên công nghiệp, theo đó sẽ chú trọng hơn công tác bảo vệ môi trường sinh thái, ưu tiên quy hoạch đất cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển

(R&D), các ngành công nghệ cao và các hoạt động giải trí nhằm tạo ra một hình ảnh mới, chất lượng dịch vụ cao của các công viên công nghiệp.

Thứ tư, chuyển từ cung cấp các dịch vụ cơ bản sang các loại dịch vụ cao cấp. Các KCN mới sẽ ngày càng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, không chỉ đơn thuần những dịch vụ sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng như trước đây, mà còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về quản lý doanh nghiệp, dịch vụ xúc tiến thương mại, tư vấn pháp lý, phát triển công nghiệp.

Thứ năm, phát triển “các công viên công nghiệp thông minh” để nâng cao năng lực hoạt động sản xuất của Đài Loan. Nhằm mục tiêu đưa Đài Loan thành một trung tâm công nghiệp của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ mới, tạo giá trị gia tăng cao, Đài Loan đang nỗ lực thành lập các “công viên công nghiệp thông minh” được quy hoạch hạ tầng hoàn thiện có hệ thông viễn thông hiện đại và cung cấp các dịch vụ quản lý tập trung tiên tiến. Các KCN thông minh này sẽ chủ yếu phát triển các ngành công nghệ thông tin, các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D, phát triển công nghệ mới, tạo giá trị gia tăng cao, bao gồm cả các trung tâm đào tạo và các viện nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Phát triển các khu công nghiệp trong quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa ở Nghệ An (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w