Xây dựng chiến lược xuất khẩu

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại giữa việt nam và các quốc gia bắc phi thực trạng và một số giải pháp phát triển (Trang 104 - 106)

Các doanh nghiệp cần xây dựng và hoàn thiện chiến lược xuất khẩu theo định hướng sau:

- Theo sát biến động trên thị trường để tổ chức nguồn cung hàng hóa cho phù hợp. Cung và cầu thể hiện không chỉ qua chỉ số về tổng lượng mà còn qua chỉ số về cơ cấu, chủng loại, chất lượng, giá cả.. trong xu thế vận động của thị trường nhập khẩu. Việc nắm bắt xu thế tiêu thụ của từng mặt hàng ở cả khu vực cũng như từng nước sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động trong nguồn cung ứng, xây dựng kế hoạch đầu tư lâu dài cho sản xuất, chế biến, tồn trữ.. đó cũng chính là nắm bắt được nhu cầu, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đa dạng hóa mặt hàng đi đôi với việc xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu sang Bắc Phi: hiện nay, hàng hóa xuất khẩu sang Bắc Phi mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm như nông sản, giày dép, hàng điện tử.. trong đó mỗi loại mới chỉ có một hoặc một vài chủng loại, cơ cấu vô cùng nhỏ bé. Vì vậy, rất khó khăn trong việc tiếp cận và đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu đa dạng của thị trường. Mỗi thị trường, mỗi tầng lớp dân cư có một mức thu nhập khác nhau, có sở thích tiêu dùng khác nhau nên họ có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau về chủng loại, số lượng, chất lượng, giá cả.. do vậy, trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý trong hoạt động xuất khẩu, không chỉ xuất khẩu với khối lượng lớn theo từng lô hàng, theo từng tầu mà còn có thể chia nhỏ, phân loại đóng gói theo nhiều trọng lượng khác nhau để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Bên cạnh đó, việc hình thành thương hiệu quốc gia và thương hiệu cho từng doanh nghiệp phải được xem là một trong những yếu tố kinh doanh quan trọng vì thương hiệu giúp dễ dàng nhận diện và tạo sự thân thiện gần gũi

giữa khách hàng và sản phẩm. Cần tiến hành đăng ký bản quyền, thương hiệu sản phẩm tại thị trường sở tại, tránh tình trạng viện đến sự can thiệp của pháp luật khi xảy ra tranh chấp..

- Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu vì đây là phân đoạn thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá cao về mặt chất lượng sản phẩm nhưng yếu tố giá rẻ và ổn định phải được đảm bảo. Nhất là trước các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ đang có mặt ở thị trường này như Trung Quốc, Thái Lan thì các doanh nghiệp càng phải quan tâm đến việc giảm giá thành sản phẩm. Cụ thể là doanh nghiệp cần đổi mới khâu thiết kế, tổ chức sản xuất đến phân loại, bao gói và lưu kho.. Một yêu cầu quan trọng là cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, hạch toán giá chính xác, nghiêm túc, thực hành tiết kiệm, cố gắng giảm thiểu các chi phí không cần thiết.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần có các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm chủ lực

- Hàng dệt may: Ngoài việc tăng khả năng cạnh tranh bằng giá, cần nhấn trọng tâm đến một số sản phẩm đặc biệt, phù hợp với yêu cầu và đáp ứng trúng nhu cầu hiện tại của người tiêu dùng trên châu lục này: màn chống muỗi.. Ngoài ra sản xuất những mặt hàng phù hợp với thời tiết như khăn mặt, khăn tắm, áo choàng.. bằng chất liệu thô, thấm hút mồ hôi..

- Giày dép: mặc dù mặt hàng này phải cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của giày dép Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Trên thị trường, giày dép Vietj Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh, thậm chí là có ưu thế hơn hẳn về chủng loại, giá cả so với các sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia khác. Một số mặt hàng đang là thế mạnh của Việt Nam tại phân đoạn thị trường Bắc Phi là: giày thể thao các loại bằng da thuộc, da tổng hợp có

để plastic hoặc cao su, giày thể thao có mũi da thuộc hoặc nguyên liệu dệt, giảy vải, dép đi trong nhà,.. Tuy nhiên, sản phẩm giày da công sở vẫn chưa vào được thị trường này.

- Gạo: thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gạo trên thị trường Bắc Phi cần được nghiên cứu. Hiện nay, gạo Thái Lan với đặc trưng hương thơm, chất lượng tốt song do giá thành cao nên không đáp ứng được nhu cầu của đông đảo tầng lớp dân cư. Chính vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, bên cạnh việc xuất khẩu mặt hàng chất lượng cao cho một số ít dân cư thuộc tầng lớp trung lưu, giàu có hoặc những nhà hàng phục vụ khách du lịch, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng vào xuất khẩu các sản phẩm gạo thường, giá thành rẻ.. phục vụ đại đa số dân chúng bình dân. Tuy xuất khẩu sản phẩm giá trị thấp, nhưng với một số lượng lớn sản phẩm đang là thế mạnh của mình do năng suất cao, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc thì các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn vẫn có cơ hội xâm nhập vào châu lục đang có sức mua lớn đồi với mặt hàng gạo này. Một yêu cầu nữa là cần thiết lập mối quan hệ đối tác trực tiếp và chiến lược giữa các tổng công ty xuất nhập khẩu của hai nước để giảm nhanh, giảm thiểu việc nhập khẩu qua các công ty trung gian thứ ba (thường là một công ty đa quốc gia Châu Âu có công ty con hoặc văn phòng đại diện ở các nước này) vì khả năng chi trả của các quốc gia khu vực này rất thấp trong khi giá trị mỗi lô hàng lại rất lớn và không thể thanh toán ngay. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao tiềm lực tài chính để có thể tự chi trả được khoản chi phí lớn về vận tải, xây dựng riêng cho mình kho ngoại quan và bán hàng theo phương thức: chuyển hàng sang – nhập kho – bán dần.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại giữa việt nam và các quốc gia bắc phi thực trạng và một số giải pháp phát triển (Trang 104 - 106)