Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại giữa việt nam và các quốc gia bắc phi thực trạng và một số giải pháp phát triển (Trang 95 - 97)

Với châu Phi nói chung, trong kế hoạch triển khai Chương trình hành động hành động Việt Nam - châu Phi, về nội bộ, ta đã lập Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-châu Phi (27/10/2004), lập Hội hữu nghị Việt Nam-châu Phi (17/11/2004) và lập Phân viện Châu Phi- Trung Đông thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và nhân văn quốc gia (10/2004), tổ chức Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Châu Phi - Trung Đông (tháng 4/2007). Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã xây dựng được cổng thương mại điện tử Việt Nam - Châu Phi (chính thức đi vào hoạt động tháng 9/2005). Đây là một hoạt động năm trong khuôn khổ của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Châu Phi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi tiếp cận với thương mại điện tử. Với ngôn ngữ thể hiện là tiếng Anh và tiếng Việt, cổng thông tin này sẽ rất thuận tiện cho các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng và tra cứu.

Từ năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia trong đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia khảo sát thị trường tiền vé máy bay và chi phí hội thảo và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm tiền thuê gian hàng. Đây là sự hỗ trợ quý báu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp này bớt những khó khăn bước đầu khi thâm nhập thị trường châu Phi.

Hàng năm, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và khảo sát thị trường của các Hiệp hội, ngành hàng và của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương (trước đây là Bộ công thương) đều cố gắng tổ chức các Đoàn xúc tiến thương mại kết hợp với chuyến thăm của Đoàn lãnh đạo Bộ tại các nước châu Phi nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước trong châu lục. Việc kết hợp này tỏ ra khá hiệu quả vì một mặt chuyến thăm của Đoàn Lãnh đạo Bộ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác về mặt nhà nước với các

Bộ ngành đối tác, mặt khác góp phần tạo ra uy tín ban đầu cho các doanh nghiệp tham gia Đoàn, giúp các doanh nghiệp bước đầu tiếp cận thị trường dễ hơn.

Tháng 11/2007, đoàn Bộ Công Thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại Nam Phi và Ăng-gô-la. Tại hai nước, Đoàn đã tổ chức các cuộc Hội thảo Doanh nghiệp, đi thăm quan các cơ sở sản xuất của Bạn và các trung tâm mua sắm của Bạn. Trong chuyến đi này, đại diện của hai Bộ Công Thương Việt Nam và Angola đã ký tắt nội dung Hiệp định Thương mại giữa hai nước. Theo như dự kiến năm 2008, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước Marốc và Bờ Biển Ngà vào tháng 9/2008.

Sau các chương trình xúc tiến thương mại và khảo sát thị trường nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy bạn hàng và có những thông tin cụ thể về nhu cầu các mặt hàng của bạn đặc biệt như lĩnh vực dược phẩm và các mặt hàng tiêu dùng. Có những doanh nghiệp bạn sau khi tham dự Hội thảo do phía Việt Nam tổ chức tại các nước sở tại đã chủ động sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường và gặp gỡ đối tác.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chú trọng đến công tác nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. Các cơ quan trên đã phối hợp cùng với Thương vụ tại các nước sở tại đã nghiên cứu và biên soạn các cuốn sách Giới thiệu thị trường Ai Cập, Marốc và gần đây nhất là An-giê-ri (10/2007). Mỗi cuốn sách là những cẩm nang cần thiết cho các doanh nghiệp khi bước đầu nghiên cứu, tìm hiểu thị trường.

Ngoài ra, nhân dịp chuyến thăm của các nhà Lãnh đạo cấp cao của các quốc gia châu Phi sang Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về kinh doanh và các Diễn dàn doanh nghiệp song phương để doanh nghiệp hai nước có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu trực tiếp đối tác như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Mô-dăm-bích (tháng 1/2007), Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Nam Phi (tháng 5/2007), Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam - Marốc (12/2005)…

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại giữa việt nam và các quốc gia bắc phi thực trạng và một số giải pháp phát triển (Trang 95 - 97)