Nội dung thông tin về châu Phi nói chung và các quốc gia Bắc Phi nói riêng là rất nghèo nàn, độ tin cậy thấp và thiếu tính cập nhật. Các doanh nghiệp cần tích cực hơn trong việc tìm kiếm thông tin về thị trường này, kiên trì và nếu có thể nên đặt đại diện tại những nước trọng điểm, cửa ngõ của châu Phi. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các thương vụ, các đại sứ quán, các vụ thị trường ngoài nước để thu thập thông tin một cách
có hiệu quả. Đặc biệt tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán văn hoá và sở thích của người dân địa phương để tổ chức nguồn hàng phù hợp; nghiên cứu để có thể mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty tại một số thị trường chính như Xu-đăng, Ai Cập, Libi.. Để nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, nhiệm vụ cung cấp thông tin của chính phủ cần đáp ứng được những điểm sau:
- Nâng cao hiệu quả của các website, cổng thông tin điện tử, xây dựng các ngân hàng dữ liệu có tính cập nhật và độ tin cậy cao
- Nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin của các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài. Đối với các thông tin phục vụ cơ quan quản lý của nhà nước, phải đảm bảo các yêu cầu chi tiết, đầy đủ, cập nhật những nội dung liên quan đến đường lối, chiến lược, chính sách phát triển vĩ mô, môi trường pháp lý, động thái thị trường cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.. nhằm cung cấp cho nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước có những cơ sở chính xác để phân tích, đánh giá và có những đề xuất mang tính khoa học, thiết thực và kịp thời cho các cơ quan chức năng của nhà nước. Bên cạnh đó, phải có những nhận định, đánh giá và dự báo tác động của các yếu tố liên quan đến thương mại của từng nước với Việt Nam. Để làm được điều này cần tiến hành nghiên cứu thường xuyên và chi tiết thị trường từng nước. Nhà nước, với khả năng thực hiện tốt hơn, thông qua các cơ quan đại diện nước ngoài đồng thời thể hiện rõ vai trò định hướng và có hỗ trợ cụ thể đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường này.