Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động giao dịch ngoại thương cần được chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng cán bộ ở các thương vụ, cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại. Để phục vụ hiệu quả và đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của các công tác này, các cán bộ thương vụ không chỉ cần vững vàng về chuyên môn, có khả năng nghiên cứu thị trường, phán đoán, phân tích sâu sắc mọi biến động của thị trường mà còn phải có nghệ thuật đàm phán thể hiện qua khả năng thông thạo ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, tập quán, thói quen của người tiêu dùng nơi đây. Ngoài ra, việc thực hiện tốt nhiệm
vụ cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp sở tại đòi hỏi các thương vụ Việt Nam tại các thị trường này phải được đầu tư hơn nữa về trang thiết bị làm việc. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực là công việc cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên. Do vậy, các cán bộ phục vụ cho công tác xúc tiến thương mại không chỉ đơn thuần được trang bị các kiến thức đầy đủ và cơ bản về thị trường mà cần được đi đào tạo thực tế tạo tại các thị trường đó thông qua hình thức trao đổi và hợp tác chuyên gia, được cập nhật thông tin, kiến thức qua các lớp hoặc các chương trình bổ trợ định kỳ được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để nâng cao hiệu quả của công tác nhân lực doanh nghiệp, chính phủ cần nhanh chóng ban hành văn bản quy định chế độ thuê và mở rộng quyền quyết định của chức danh tổng giám đốc. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích các tu nghiệp sinh Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc. Với những kiến thức tiên tiến, phong phú và những bài học kinh nghiệm được tiếp nhận từ các nước tiên tiến, lực lượng này sẽ có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường được xem là mới mẻ với Việt Nam.