Sự ra đời của hệ thống các văn bản chỉ đạo hoạt động Thông tin

Một phần của tài liệu Hệ thống thư viện công cộng việt nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập phát triển (Trang 33 - 40)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Sự ra đời của hệ thống các văn bản chỉ đạo hoạt động Thông tin

tin Thư viện.

2.1.1.1. Các văn kiện của Đảng nói về công tác thư viện

Trong giai đoạn đổi mới đất nước công tác thông tin thư viện được quan tâm và nhắc đến rất nhiều qua các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Điều này cho thấy công tác thư viện đã được quan tâm đúng mức và từ đây sẽ có những thay đổi, những khởi sắc mới.

Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng có đoạn: “…Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa quần chúng thành nề nếp, nhất là trong thanh niên, khắc phục bệnh phô trương, hình thức. Xây dựng và sử dụng các hệ thống thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, viện bảo tàng, nhà truyền thống từ trung ương đến cơ sở, ở các ngành và các địa phương. Quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, công tác điện ảnh, và công tác phát hành sách báo, phim ảnh…”[21, tr.108]. Sự chỉ đạo công tác này còn được nhắc đến và khẳng định liên tục, thể hiện trong các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa văn nghệ từ Đại hội VI đến Đại hội VII cụ thể như sau: “…Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đưa văn hóa văn nghệ đến các vùng kinh tế mới, vùng căn cứ cách mạng cũ, vùng dân tộc thiểu số và các vùng xa xôi hẻo lánh, quan tâm các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi khác nhau. Xây dựng và củng cố các nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, nhà bảo tàng,

công viên văn hóa…nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa quần chúng…”[21, tr.108]. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng lại được tiếp tục khẳng định: “…Tăng nhanh mức đầu tư của Nhà nước và của xã hội cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân ngày càng nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật, trở thành những chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời hưởng thụ ngày càng nhiều các thành quả văn hóa. Nâng cao chất lượng hệ thống bảo tàng lịch sử, bảo tàng cách mạng; đẩy mạnh xây dựng thư viện, nhà văn hóa, nhà thông tin, câu lạc bộ sức khỏe, sân bãi thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí…”[21, tr.108].

“…Chú trọng gìn giữ, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể, tôn tạo và quản lý tốt các di sản văn hóa vật thể, các di tích lịch sử; nâng cấp các bảo tàng. Phát triển mạng lưới thư viện, hiện đại hóa công tác thư viện, lưu trữ. Xây dựng các công trình văn hóa, khu vui chơi công cộng…”[21, tr.108].

Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu BCHTW, khóa IX có đoạn viết: “…Tổ chức hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, các thư viện điện tử theo hướng hiện đại. Mở rộng mạng thông tin để đưa tri thức khoa học đến với mọi người…”[21, tr.108].

Tiếp đến trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X có đoạn: “…Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, chú trọng công trình văn hóa lớn, tiêu biểu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện, phòng đọc, điểm bưu điện - văn hóa xã, khu vui chơi giải trí… Bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ…”[21, tr.108].

2.1.1.2. Các văn bản pháp quy về công tác thư viện

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tăng cường sự quan tâm đầu tư cho ngành thông tin thư viện nói chung, trong đó có HTTVCC. Các cấp có

thẩm quyền đã nhanh chóng đưa ra các văn bản pháp quy trong lĩnh vực thư viện nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thông tin thư viện. Văn bản quan trọng bậc nhất, có ảnh hưởng đến toàn ngành thông tin thư viện đó là Pháp lệnh Thư viện. Pháp lệnh Thư viện được Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001 và tiếp theo đó là Nghị định số 72/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện. Sự ra đời của Pháp lệnh Thư viện đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động thông tin thư viện nói chung. Sự kiện này đã tạo sự phấn khởi cho người làm công tác thông tin thư viện. Trong điều kiện chưa có Luật Thư viện làm định hướng pháp lý cho hoạt động thông thư viện thì Pháp lệnh này đã trở thành cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động thông tin thư viện nước nhà. Đây cũng là cơ sở giúp các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác thư viện. Sau khi Pháp lệnh Thư viện được ban hành, các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương và địa phương đã làm rất nhiều việc để đưa Pháp lệnh vào thực tiễn hoạt động thông tin thư viện.

Có thể nói, song hành với công cuộc đổi mới đất bước, ngành thông tin thư viện cũng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là HTTVCC. Một loạt các văn bản ra đời nhằm cụ thể hóa sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp thông tin thư viện nói chung và HTTVCC nói riêng. Các văn bản pháp quy về Hệ thống Thống Thư viện Công cộng có thể phân theo các nhóm sau đây:

- Nhóm văn bản pháp quy về công tác tổ chức, quản lý Hệ thống Thư viện Công cộng:

Điều 18, Nghị định 72/2002/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đối với thư viện công cộng.

Điều 19, Nghị định 72/2002/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với thư viện công cộng.

Điều 20, Nghị định 72/2002/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với thư viện công cộng.

Điều 21, Nghị định 72/2002/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đối với thư viện công cộng.

Điều 22, Nghị định 72/2002/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan đối với thư viện công cộng.

Điều 23, Nghị định 72/2002/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về thư viện.

Quy định về quản lý HTTVCC có Quyết định số 32/2004/QĐ-BVHTT của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành ngày 18/06/2004 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Thư viện. Theo đó, Vụ Thư viện có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thư viện và hướng dẫn phát triển sự nghiệp thư viện trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Vụ Thư viện phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam trong quản lý nghiệp vụ. Thư viện Quốc gia là cơ quan chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn, nghiên cứu soạn thảo các văn bản hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ, chỉ đạo toàn hệ thống thư viện công cộng.

- Nhóm văn bản pháp quy về chức năng, nhiệm vụ của các thư viện công cộng:

Nhóm văn bản này bao gồm các văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ của các thư viện trong HTTVCC như Thư viện Quốc gia, Thư viện do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập.

Chức năng nhiệm vụ của Thư viện Quốc gia Việt Nam được quy định tại Điều 17 - Pháp lệnh Thư viện. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thư viện Quốc gia còn được quy định cụ thể trong Quyết định số 81/2004/QĐ-BVHTT ngày 28/04/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Điều 18 - Pháp lệnh Thư viện quy định chức năng, nhiệm vụ của Thư viện do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập và được cụ thể hóa ở điều 6 - Nghị định số 72/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra còn có một số văn bản khác cũng có thay đổi, bổ sung quy định về chức năng nhiệm vụ của các thư viện. Đó là các Quyết định ban hành các Quy chế mẫu về “Tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” và “Tổ chức và hoạt động của thư viện huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”.

- Nhóm các văn bản pháp quy về tổ chức, hoạt động thư viện:

Tại khoản 1 và 2 Điều 7, Điều 9 - Pháp lệnh Thư viện quy định về quyền thành lập thư viện của các cá nhân và tổ chức.

Thông tư số 56/2003/TT-BVHTT ngày 16/9/2003 quy định cụ thể, chi tiết các điều kiện thành lập một thư viện và thủ tục đăng ký hoạt động thư viện. Các điều kiện thành lập thư viện quy định trong Điều 9 - Pháp lệnh Thư viện về vốn tài liệu, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí đều được cụ thể theo từng tiêu chí.

Thông tư số 20/VH-TT của Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành ngày 09/5/1989 hướng dẫn xếp hạng thư viện. Thông tư đã đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể và cách xếp hạng thư viện.

Ngày 10/8/2006 Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT thay thế cho Thông tư số 20/VH-TT do vậy cách xếp hạng thư viện cũng có sự thay đổi.

- Nhóm văn bản quy định về chính sách đầu tư kinh phí cho Hệ thống TVCC:

Điều 4 - Pháp lệnh Thư viện đã nêu ra nguyên tắc và lĩnh vực trong chính sách của Nhà nước đầu tư cho thư viện: Nhà nước đầu tư ngân sách để phát triển thư viện, vốn tài liệu thư viện; mở rộng sự liên thông giữa các thư viện trong nước và hợp tác, trao đổi tài liệu với thư viện nước ngoài; khuyến khích tổ chức, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân người nước ngoài tham gia phát triển các loại hình thư viện, thực hiện xã hội hóa hoạt động thư viện; đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ những nguời làm công tác thư viện đáp ứng nhu cầu phát triển các loại hình thư viện.

Theo Pháp lệnh Thư viện, Nhà nước còn thực hiện các chính sách ưu đãi đối với hoạt động thư viện như miễn giảm thuế nhập khẩu những tài liệu, trang thiết bị máy móc chuyên dùng theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ kinh phí cho việc khai thác mạng thông tin thư viện trong nước và nước ngoài, cho mượn tài liệu giữa các thư viện và người đọc (Điều 22).

Điều 13 - Nghị định 72/2002/NĐ-CP nêu rõ các thư viện được hưởng sự đầu tư toàn diện của Nhà nước trong đó có các thư viện trong Hệ thống TVCC.

Thông tư Liên tịch số 97 - TTLT/BVHTT-BTC của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Bộ Tài chính ban hành ngày 15/6/1990 về chính sách đầu tư của Nhà nước đối với Hệ thống TVCC. Theo đó, Nhà nước cấp 100% ngân sách cho hoạt động của các thư viện công

cộng. Tuy nhiên ngày 04/03/2002, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2004 sửa đổi, bổ sung một số quy đinh tại Thông tư số 97 - TTLT/BVHTT-BTC. Trong đó điểm 1.b, phần III có bổ sung thêm nội dung “Chi ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin trong thư viện”. Theo đó, các thư viện được cấp kinh phí để đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

Ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP của Chính phủ là danh mục phí và lệ phí trong lĩnh vực thư viện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ tài chính phối hợp xây dựng. Theo quy định này, thư viện được thu phí một số dịch vụ nhất định nhằm tăng thêm nguồn thu cho các thư viện đồng thời tái đầu tư cho hoạt động thư viện.

- Văn bản quy định chế độ đãi ngộ với người làm công tác thư viện:

Nhà nước rất quan tâm đến chế độ đãi ngộ với người làm trong ngành thông tin thư viện, một ngành được xếp vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Có rất nhiều văn bản được ban hành quy định về mức phụ cấp cho người làm công tác thông tin thư viện.

Thông tư số 46/TC-TT ngày 17/6/1997 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của ngành Văn hóa - Thông tin.

Hướng dẫn số 5174/HD-BVHTT ngày 21/12/2005 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa - Thông tin.

Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 26/2/2006 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa - Thông tin.

Ngoài các nhóm văn bản trên còn rất nhiều văn bản về HTTVCC hoặc liên quan đến HTTVCC đã được ban hành. Ví dụ như Luật xuất bản, Luật báo chí quy định về vấn đề nộp lưu chiểu xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam. Các văn bản do Ủy ban nhân dân các cấp ban hành, do các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành về công tác thư viện của Hệ thống thư viện các tỉnh, thành và cấp dưới. Hệ thống các văn bản pháp quy này tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện được thuận lợi và thông suốt. Đó cũng chính là thành quả trong suốt thời kỳ đổi mới của ngành thông tin thư viện nói chung và HTTVCC nói riêng.

Một phần của tài liệu Hệ thống thư viện công cộng việt nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập phát triển (Trang 33 - 40)