Đa dạng hóa các dịch vụ

Một phần của tài liệu Hệ thống thư viện công cộng việt nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập phát triển (Trang 64 - 66)

7. Cấu trúc của luận văn

2.5.2. Đa dạng hóa các dịch vụ

Trải qua hơn hai mươi năm đổi mới, các dịch vụ truyền thống của ngành thư viện vẫn giữ nguyên giá trị, bên cạnh đó một số cơ quan thông tin thư viện còn phát triển thêm các loại hình dịch vụ mới với mục tiêu tất cả vì bạn đọc. Chính điều này đã mang lại cho công tác phục vụ bạn đọc những sự thay đổi theo hướng ngày một tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày một phong phú của độc giả.

Các dịch vụ đọc tại chỗ và dịch vụ mượn về là các dịch vụ cơ bản của các thư viện.

Hàng năm, Thư viện Quốc gia Việt Nam cấp hơn 25.000 thẻ đọc, trong đó đối tượng bạn đọc là sinh viên chiếm hơn 60%. Là thư viện công cộng đầu ngành của cả nước, Thư viện thường xuyên đón và phục vụ gần 2.000 lượt bạn đọc tại thư viện mỗi ngày và trên 5.000 lượt bạn đọc truy cập trực tuyến trên www.nlv.gov.vn.

Các thư viện cấp tỉnh cấp số lượng thẻ bạn đọc tính đến 6 tháng đầu năm 2010 là gần 200.000 thẻ, tổng số lượt bạn đọc là 3.758.558 lượt, tổng số lượt tài liệu luân chuyển là 14.725.425 lượt trên toàn bộ các thư viện tỉnh, thành. Thời lượng phục vụ bạn đọc cũng được tăng lên. Trong đó TVQG mở cửa tất cả các ngày trong năm trừ ngày lễ, tết; 24 thư viện tỉnh mở cửa 5 ngày/ tuần; 18 thư viện mở cửa 6 ngày/tuần; 7 thư viện tỉnh mở cửa 7 ngày/tuần (Bình Thuận, Tiền Giang, Sơn La, Cần Thơ, Trà Vinh, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Hải Dương); 1 thư viện mở cửa 4,5 ngày/tuần (Vĩnh Phúc).

Hầu hết các thư viện tỉnh, thành đều tìm tòi các hình thức mới để phục vụ bạn đọc giúp đáp ứng tối đa nhu cầu của các đối tượng bạn đọc khác nhau. Thực hiện Chỉ thị 2195/CT - TV ngày 12/12/1991 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc tổ chức phục vụ sách báo cho thiếu nhi trong các Thư viện công cộng nhà nước, tất cả các thư viện tỉnh thành đều đã tổ chức các phòng đọc thiếu nhi.

Một nét nổi bật nữa của các thư viện tỉnh, thành trong công các phục vụ bạn đọc là đã tổ chức phục vụ bạn đọc theo hình thức kho mở bằng việc tổ chức các phòng đọc, phòng mượn tự chọn. Đây là hình thức phục vụ mới đưa vào các thư viện công cộng Việt Nam. Tuy vậy hình thức phục vụ đọc tự chọn sách còn hạn chế, mới chỉ có ít thư viện tỉnh, thành làm đươc. Đại đa số các thư viện chủ yếu phục vụ đọc tự chọn các loại báo, tạp chí thậm chí chỉ các số báo tạp chí mới mới được đưa ra phục vụ tự chọn.

Năm 1999 Thư viện Hà Nội và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh khai trương phòng đọc phục vụ người khiếm thị sau một thời gian tìm hiểu về nhu cầu, cách thức hoạt động, thiết bị, phần mềm chuyên dụng. Đây là những Thư viện công cộng đầu tiên của nước ta phục vụ đối tượng bạn đọc này, sau một thời gian ngắn dịch vụ này đã thu hút được khá nhiều độc giả là người khiếm thị và dư luận xã hội quan tâm đánh giá cao.

Một dịch vụ cơ bản khác là dịch vụ tra cứu thông tin, đây là dịch vụ không thể thiếu trong hoạt động của các thư viện. Ngày nay, bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ này đang có nhiều thay đổi từ phương pháp cho đến cách thức tiếp cận. Trong HTTVCC đã có nhiều thư viện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình, do vậy bạn đọc ngoài việc có tra cứu bằng phương pháp thủ công trên các mục lục phiếu nay có thể tra cứu bằng máy tính. Ngoài ra thay vì phải đến tận thư viện để tra cứu tài liệu theo cách truyền thống thì bằng kết nối internet bạn đọc có thể tra cứu tài liệu ở bất cứ đâu.

Ngoài ra còn các dịch vụ khác cũng được quan tâm phát triển như trưng bày triển lãm, giới thiệu sách, dịch vụ cung cấp các sản phẩm thông tin, cung cấp thông tin chọn lọc, dịch vụ in, sao chụp tài liệu, dịch vụ internet…Các dịch vụ này đang ngày càng được cải tiến hơn nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn đọc và nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin thư viện.

Một phần của tài liệu Hệ thống thư viện công cộng việt nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập phát triển (Trang 64 - 66)