1.4.2.1. Các nghiên cứu về hình thái cơ thể và tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em
Ở Việt Nam, nhân trắc học được quan tâm khá sớm. Công trình nghiên cứu đầu tiên về tăng trưởng, phát triển chiều cao, cân nặng ở trẻ em có lẽ là của Mondiere (1875) và sau này của Huard và Bigot (1938) và Đỗ Xuân Hợp (1942). Trong các công trình này tuy số lượng đối tượng chưa lớn nhưng đã nêu được những đặc điểm về nhân trắc học người Việt Nam đương thời [82], [97].
Từ sau năm 1954, các nghiên cứu hình thái học về sự sinh trưởng, phát triển của cơ thể người đã được đẩy mạnh và đã có những đóng góp đáng kể cho khoa học, nhiều công trình nghiên cứu về các chỉ tiêu nhân trắc ở người lớn như của Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Quang Quyền (1967), Lê Gia Khải và cộng sự (1969), Đinh Kỷ, Nguyễn Văn Khoa (1972); ở trẻ em có công trình của Chu Văn Tường và Nguyễn Công Khanh (1972) [37].
Cuốn “Nhân trắc học và sự ứng dụng nghiên cứu trên người Việt Nam” (1974) của Nguyễn Quang Quyền được coi là “cuốn sách đầu tay” cho những người nghiên cứu nhân trắc học ở Việt Nam [66].
Năm 1975, cuốn “Hằng số sinh học người Việt Nam” do Nguyễn Tấn Gi Trọng chủ biên đã tổng hợp kết quả nghiên cứu từ 1960 đến 1972 trên đối tượng chủ yếu là trẻ em, học sinh thành thị ở phía Bắc nước ta, làm cơ sở cho nhiều công trình nghiên cứu tăng trưởng trẻ em về sau [2].
Sau khi thống nhất đất nước (1975), các công trình nghiên cứu hình thái người đã được mở rộng trên toàn quốc.
Nguyễn Văn Lực và cộng sự (1992) nghiên cứu về thể lực của học sinh từ 12 đến 16 tuổi ở Bắc Kạn và trường An Ninh III cho thấy trẻ em dân tộc Tày, Hmông và Kinh ở miền núi có chiều cao và cân nặng lớn hơn trẻ miền xuôi. Trẻ em Hmông có cân nặng tương đương, nhưng chiều cao đứng lại thấp hơn dân tộc Tày và Kinh [49], [50].
Đoàn Yên và cộng sự (1993) khi nghiên cứu một số chỉ tiêu sinh học người Việt Nam từ 3 tuổi trở lên đã nhận thấy chiều cao đứng, cân nặng trung bình của
người Việt Nam nhỏ hơn người Âu, Mỹ ở mọi lứa tuổi, nhịp độ tăng trưởng phát triển chậm. Nữ bước vào thời kỳ tăng trưởng và ổn định sớm hơn nam; tăng trưởng nhảy vọt về chiều cao đứng ở nữ xuất hiện lúc 12-13 tuổi và về cân nặng từ 13 tuổi. Còn ở nam, về chiều cao lúc 13-16 tuổi, về cân nặng lúc 15 tuổi [48], [96].
Năm 1984, khi điều tra thể lực trẻ em ở một bản người Dao thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Văn Lực và cộng sự phát hiện thấy chiều cao đứng, cân nặng của trẻ em tăng dần nhưng rất chậm [51].
Đào Huy Khuê (1991) nghiên cứu cắt ngang gần 50 chỉ tiêu nhân trắc và mô tả của 1.478 học sinh phổ thông 6-17 tuổi ở thị xã Hà Đông, bao gồm các đặc điểm hình thái, BDLMDD và đặc điểm phát dục cho rằng hầu hết các thông số hình thái đều tăng dần theo tuổi ở hai giới, nhưng nhịp độ tăng trưởng không đồng đều theo tuổi và giới tính; tốc độ tăng tối đa các thông số hình thái thường ở 14-16 tuổi với nam và 11-15 tuổi với nữ; số đo nhiều kích thước không khác nhau ở giai đoạn 6-9 tuổi, nhưng ở 10-15 tuổi nữ thường vượt nam, nhất là ở 13 tuổi, ngược lại, ở 16-17 tuổi, nam lại vượt nữ. Tác giả đã cho rằng trong thời kỳ phát triển tầm vóc 6-17 tuổi, học sinh thị xã Hà Đông có những giai đoạn phát triển khác nhau liên quan tới giới tính: Nam (6-10 tuổi; 11-13 tuổi và 14-17 tuổi); nữ (6-9 tuổi; 10-11 tuổi; 12-13 tuổi và 14-17 tuổi) [45].
Từ 1984 đến 1992, Thẩm Thị Hoàng Điệp đã tiến hành nghiên cứu dọc các đặc điểm hình thái và thể lực của học sinh một trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội. Công trình này đã nêu lên tính quy luật phát triển của các kích thước chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, vòng bụng, vòng mông, vòng đùi phải, vòng cánh tay phải co, các chỉ số thế lực và tuồi dậy thì. Nghiên cứu cho thấy trẻ em Việt Nam có sự gia tăng chiều cao theo thời gian; các vòng thân mình và các vòng chi có tính quy luật phát triển gần giống nhau, đăc biệt là vòng ngực trung bình và vòng ngực hít vào hết sức. Qua đó, nghiên cứu cho rằng: chỉ cần theo dõi sự phát triển của một vòng thì có thể suy ra được sự phát triển của các vòng khác; có thể dùng các vòng thay thế cho cân nặng hoặc ngược lại [19].
Phạm Ngọc Khái và cộng sự (1987) nghiên cứu BDLMDD trẻ em 0-7 tuổi, đánh giá một số chỉ tiêu nhân trắc trong điều kiện dinh dưỡng của nhân dân vùng đay Thái Bình [36]. Nguyễn Mạnh Cường và cộng sự (1996) tìm hiểu tình trạng bề dày lớp mỡ dưới da ở trẻ em tuổi học đường vùng nông thôn ven biển Thái Bình [10].
Năm 2000, một nghiên cứu về chỉ tiêu sinh học người Việt Nam cho thấy ở 4-6 tuổi mức tăng chiều cao đứng vẫn diễn ra đều đặn, mỗi năm tăng 4,75-7,08 cm, cân nặng mỗi năm tăng 0,98-1,69 kg. Trong hằng số sinh học năm 1975, trẻ 6 tuổi chỉ bằng trẻ 5 tuổi rưỡi ở thập kỷ 90 về cả cân nặng và chiều cao đứng [83].
Nhận định trên càng thấy rõ hơn ở đường biểu diễn cân nặng theo tuổi của bé trai cũng như bé gái đều tăng rất nhanh trong những năm đầu, nhưng từ năm thứ hai trở đi mức độ tăng đã giảm dần, đường biểu diễn có chiều hướng đi ngang và duy trì mức tăng cho đến 9-10 tuổi (đó là giai đoạn phát triển tĩnh). Sau đó cân nặng tiếp tục tăng mạnh ở lứa tuổi trước dậy thì và dậy thì [6]. Nếu tính theo BMI, trong năm đầu chỉ số BMI tăng dần theo tuổi nhưng từ năm thứ hai trở đi đến 6 tuổi thì chỉ số BMI lại giảm dần theo tuổi ở cả hai giới [83], [108]. Mei Z. và cộng sự (2004) nghiên cứu 10.844 trẻ dưới 60 tháng cho thấy tốc độ tăng trưởng thay đổi phổ biến nhất là trẻ dưới 6 tháng, ít thay đổi hơn ở 6-24 tháng và ít hơn nữa ở 24-60 tháng [117].
Dự án “Điều tra cơ bản một số chỉ tiêu sinh học người Việt Nam bình thường thập kỷ 90 – Thế kỷ thứ XX” do trường Đại học Y Hà Nội chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học ở 7 trường Đại học Y và 8 Viện, Bệnh viện trung ương đã thực hiện ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam bao gồm cả thành thị, nông thôn, miền núi và đồng bằng đã đưa ra các chỉ số về nhân trắc, huyết học, v.v. của người Việt Nam gồm nhiều chỉ số sinh học chịu ảnh hưởng của sự thay đổi môi trường sống và tộc người cũng như các chỉ số sinh học trước đây chưa được nghiên cứu [4].
Năm 1996, khi nghiên cứu về chiều cao, cân nặng của học sinh từ 9 đến 17 tuổi ở Huế, Phan Thị Sang đã có nhận xét rằng chiều cao đứng và cân nặng của nữ sinh Huế tăng dần theo tuổi, chiều cao đứng và cân nặng tăng rất ít. Ở lứa tuổi 11-
15, chiều cao đứng và cân nặng của nhóm nữ sinh đã có kinh nguyệt trội hơn hẳn các em chưa có kinh nguyệt ở cùng nhóm tuổi [67].
Âu Xuân Đôn (1998) nhận xét về đặc điểm thể hình của học sinh dân tộc Khơ me ở An Giang (11-14 tuổi): các chỉ tiêu về chiều cao đứng, cân nặng của các em học sinh Khơ me ở An Giang thời điểm 1998 tuy lớn hơn các em học sinh Vĩnh Phúc nhưng vẫn nhỏ hơn các em người Hà Nội thời điểm năm 1993. Các chỉ tiêu về vòng ngực trung bình, hiệu số vòng cánh tay co cứng và thả lỏng, vòng đùi và rộng vai của các em học sinh Khơ me đều lớn hơn so với hằng số sinh học 1975 [20].
Đinh Văn Thức và cộng sự (1999) nghiên cứu trên học sinh 6-15 tuổi xã Lê Lợi, huyện An Hải, Hải Phòng cho thấy các chỉ tiêu nhân trắc của học sinh 7-15 tuổi phát triển hợp với tính quy luật của trẻ em Việt Nam theo tuổi và giới. Nghiên cứu cho thấy các chỉ số nhân trắc của học sinh Lê Lợi cao hơn các giá trị trong hằng số sinh học người Việt Nam (1975) rõ rệt, tương đương với các chỉ số nhân trắc của học sinh ở Đặng Cương, An Hải và học sinh Kiến Thuỵ, Hải Phòng nhưng nói chung còn thấp hơn so với học sinh ở thị trấn An Dương, huyện An Hải và nội thành Hải Phòng. Các chỉ số Pignet, BMI cho thấy học sinh 7-15 tuổi ở xã Lê Lợi còn rất gầy, ưu thế phát triển nghiêng về phía chiều cao đứng hơn là cân nặng [75].
Nguyễn Anh Tuấn (1995) thông qua việc phân tích sự phát triển tố chất thể lực, nghiên cứu sự phát triển hình thái cơ thể của nam học sinh ở thành phố HCM lứa tuổi 8-17 cho thấy ở lứa tuổi này trung bình mỗi năm học sinh cao lên 4,6 cm và nặng lên 3 kg. Chiều cao đứng và cân nặng tăng nhanh nhất ở tuổi 14 (8 cm và 5,7 kg), sau đó vẫn tiếp tục tăng tương đối nhanh và chỉ chậm lại ở tuổi 17 [85].
Nguyễn Hữu Chỉnh (1997) đã nghiên cứu và nhận xét về sự phát triển thể lực của học sinh Hải Phòng giai đoạn 6-11 tuổi, cho rằng thể lực của học sinh Hải Phòng tăng cao so với những năm trước, ở 6-9 tuổi trẻ em nam cao hơn trẻ em nữ cùng tuổi và ngược lại trẻ em nữ phát triển mạnh hơn trẻ em nam ở 11 tuổi [7].
Năm 2001, trong nghiên cứu về một số chỉ số thể lực và trí tuệ của học sinh 6-17 tuổi tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, Trần Thị Loan cho biết thời điểm tăng nhanh về chiều cao đứng, trọng lượng và vòng ngực của học sinh nữ xuất hiện sớm hơn so
với học sinh nam 2 năm. Còn chỉ số BMI ở cả học sinh nam và nữ đều tăng dần theo tuổi trong quá trình phát triển cá thể [48].
Nghiên cứu của Hồng Xuân Trường (2001) cho biết chiều cao đứng và cân nặng trung bình của trẻ em Khơ me ở Kiên Giang thấp hơn so với trẻ em người Kinh cùng lứa tuổi [84].
Nghiên cứu của Đỗ Thị Phương Hà và Nguyễn Công Khẩn (2002) về “SDD thể thấp còi lúc còn nhỏ liên quan tới chậm phát triển thể lực ở học sinh tiểu học” cho thấy có sự tăng trưởng phục hồi của trẻ thấp còi sớm với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nhóm trẻ không thấp còi sớm; tuy nhiên, tình trạng dinh dưỡng dựa vào chiều cao của chúng vẫn thấp hơn so với nhóm không thấp còi sớm [22].
1.4.2.2. Một số nghiên cứu về các yếu tố liên quan đến hình thái cơ thể và tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em
Để đảm bảo sự phát triển tốt cho trẻ em ngay từ năm đầu tiên thì trước hết những ảnh hưởng của nuôi con bằng sữa mẹ và thức ăn bổ sung không hợp lý đang được nhiều tác giả quan tâm [38].
Từ đầu năm 1980, các nghiên cứu về tập quán nuôi con của các bà mẹ đã được triển khai trên nhiều vùng trong cả nước. Đào Ngọc Diễn, Nguyễn Trọng An và cộng sự đã nghiên cứu trên 500 trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nông thôn và nội thành Hà Nội trong năm 1983. Kết quả cho thấy hầu hết trẻ được bú mẹ sau 2-8 ngày sau khi sinh. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 24 giờ chỉ đạt 15,8% ở nội thành và 35,5% ở nông thôn trong cả hai nhóm đủ sữa và thiếu sữa mẹ. Từ 68% đến 97% trẻ được ăn thêm trong vòng 4 tháng đầu, thời gian cai sữa trung bình là 12 tháng, trong đó 13,4% trẻ được cai sữa trước 12 tháng [13].
Từ khi sinh ra, việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu giúp trẻ tránh được một số bệnh nhiễm trùng, tăng sức đề kháng [105], [106]. Ăn bổ sung sớm, thức ăn không đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng dẫn đến tình trạng SDD của trẻ. Bên cạnh đó, tình trạng dinh dưỡng của trẻ lứa tuổi này có liên quan tới nhiều yếu tố khác như điều kiện sống, vệ sinh môi trường, trình độ văn hoá của cha, mẹ [15].
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và bà mẹ Việt Nam năm 2000 cho thấy vùng núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu chỉ đạt 18,5%, bú sữa mẹ cộng với uống các loại nước khác trong 4 tháng đầu đạt 45,5% [92]. Đáng chú ý là thời gian trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu theo điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2002 mới chỉ có 29,2% [91].
Nghiên cứu của Hà Huy Khôi (1990) về ăn sam sớm đã xem lại tiền sử nuôi dưỡng trẻ ở một số vùng của Việt Nam và nhận thấy trẻ thường được ăn sam vào tháng thứ 2 hoặc tháng thứ 3 sau khi sinh [43].
Sữa mẹ có xu hướng chỉ thỏa mãn nhu cầu trẻ trong 6 tháng đầu vì cơ thể trẻ ngày càng lớn lên [109]. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ, đến một giai đoạn nhất định, trẻ cần được ăn bổ sung thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Thời gian bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung ngoài sữa mẹ là một yếu tố nguy cơ [38]. Ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn không đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng đều ảnh hưởng đến tình trạng SDD của trẻ. Tỷ lệ ăn bổ sung trước 4 tháng dao động từ 19% ở vùng Đông Nam Bộ đến 39,8% ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và 41% ở vùng Bắc Trung Bộ. Hiểu biết đúng của các bà mẹ về thời điểm cho trẻ ăn bổ sung chỉ chiếm 21,2%. Điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2002 cho thấy: Tỷ lệ trẻ ăn bổ sung quá sớm khá cao, ngay ở tháng tuổi thứ 2 đã là 12,5%, trước 4 tháng tuổi là 32,7% [91].
Nguyễn Thu Nhạn và cộng sự (1991) nghiên cứu thời gian cho con bú sữa mẹ ở 3 nhóm: cán bộ công nhân viên, công nhân nhà máy và nông dân giai đoạn 1985-1989 cho thấy trẻ em được bú sữa mẹ kéo dài trên 18 tháng và trẻ em nông thôn được bú mẹ kéo dài hơn so với thành thị; bà mẹ có trình độ văn hóa thấp cho con bú kéo dài hơn. Lý do ngừng cho trẻ bú mẹ ở thành thị là do mẹ đi làm hoặc hết sữa, còn ở nông thôn là do trẻ lớn đến tuổi phải cai sữa. Thức ăn cho trẻ ăn bổ sung là bột gạo cùng với thịt, trứng, sữa, đậu, đỗ nhưng không thường xuyên, trẻ miền núi chỉ ăn bột với muối và mì chính. Rau xanh và dầu mỡ là rất hiếm [58].
Thực hành về chăm sóc trẻ em là kết quả của nhiều yếu tố từ khía cạnh văn hoá, tập quán, điều kiện kinh tế gia đình đến hiểu biết của phụ nữ và những người chăm sóc trẻ. Nhìn chung, những hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng gồm từ lựa chọn thực phẩm đến chế biến và cách cho trẻ ăn của các bà mẹ vẫn còn hạn chế. Ngay cả khi đã có những hiểu biết thì thực hành vẫn còn chưa được như mong đợi [38]. Vì vậy, vấn đề này càng phải chú ý hơn ở các bà mẹ trẻ, các bà mẹ ở vùng cao, vùng nông thôn xa đô thị.
Nghiên cứu tại khu vực Tây Nguyên của Trương Bút, Nguyễn Đình Quang (1989) đã cho thấy 100% bà mẹ Ê đê, Mnông cho con bú bằng sữa mẹ, trong đó bú mẹ sớm trong 6 giờ đầu là 23,2%, trong vòng 24 giờ là 25%, sau 24 giờ là 73,9%. Khi chưa có sữa hoặc thiếu sữa trẻ được bú chực (có nghĩa là bú sữa của người mẹ khác cũng đang cho con bú) các bà mẹ khác (45,5%) và uống nước cháo (35,7%). Trẻ bú kéo dài trên 24 tháng là 15%, có 59,5% trẻ được ăn bổ sung ngay từ đầu bằng nước cháo, 11,8% dùng bột gạo và 9% dùng bột hỗn hợp và có đến 19,2% trẻ trên 6 tháng vẫn chưa ăn bổ sung. Thời điểm cho trẻ ăn cơm rất sớm, 69,7% trước 12 tháng và không thấy có sự ưu tiên thức ăn cho trẻ trong bữa ăn gia đình [63].