Phương pháp nhân trắc học

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái cơ thể trẻ em người dân tộc Thái, Hmông, Dao ở tỉnh Yên Bái và các yếu tố liên quan (Trang 43 - 47)

2.3.2.1. Một số kích thước nhân trắc được sử dụng

Sử dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang đối với trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ 8-10 tuổi.

Đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi: Đo các kích thước nhân trắc theo khuyến nghị của WHO (1995) gồm cân nặng, chiều cao đứng/chiều dài, vòng đầu, VCTTD, BDLMDD tại cơ tam đầu cánh tay (điểm I15) và dưới mỏm bả (điểm E6).

Đối với nhóm trẻ 8-10 tuổi: Bên cạnh việc đo các kích thước nhân trắc theo khuyến nghị của WHO (chiều cao đứng, cân nặng, VCTTD), chúng tôi đo thêm các kích thước vòng đầu, vòng ngực bình thường, vòng bụng và BDLMDD tại các điểm A8, E6, I15 và G15 của trẻ để đánh giá đánh giá sự phát triển cơ thể (hình 2.2).

Hình 2.2. Các điểm mỡ dưới da A8, E6, I15 và G15 ở người 2.3.2.2. Dụng cụ đo

- Cân trẻ em SECA lòng máng với độ chính xác 0,1 kg.

- Cân người lớn và trẻ em lớn: cân SECA điện tử với độ chính xác 0,1 kg.

- Thước đo chiều cao đứng cho trẻ  24 tháng và bà mẹ: Dùng thước dây treo tường SECA của UNICEF, độ chính xác đến cm.

- Thước đo chiều dài nằm của trẻ < 24 tháng: Dùng thước đo nằm bằng gỗ của UNICEF, chiều cao được tính bằng cm.

- Thước dây có chia số tới mm được dùng để đo các kích thước vòng. - Compa đo BDLMDD của Thụy Sĩ, độ chính xác đến mm.

2.3.2.3. Thu thập số liệu đo các kích thước nhân trắc của trẻ

- Cân nặng: Cân được đặt ở vị trí ổn định và bằng phẳng. Cân được kiểm tra và hiệu chỉnh trước khi cân. Trẻ được cân mặc quần áo mỏng, đi chân không, đứng giữa bàn cân, không cử động, mắt nhìn thẳng, trọng lượng phân bổ đều cả hai chân. Cân nặng được tính bằng kg với 1 số lẻ.

- Chiều dài nằm (đối với trẻ dưới 2 tuổi): chiều dài cơ thể được đo bằng thước đo chiều dài trẻ dưới 2 tuổi (infantometer). Trẻ được đặt nằm trên thước, giữ đầu của trẻ thẳng sao cho mắt vuông góc với mặt phẳng nằm ngang, giữ cho thân và chân của trẻ thẳng bằng cách nhấn một lực vừa đủ vào đầu gối của trẻ. Chiều dài cơ thể được tính bằng cm với 1 số thập phân sau dấu phẩy.

- Chiều cao đứng: Đối với trẻ trên 2 tuổi, sử dụng thước dây căn thẳng áp sát vào tường nhà, vuông góc với mặt đất nằm ngang. Trẻ đi chân không, đứng quay lưng vào thước đo. Gót chân, mông, vai và chẩm theo một đường thẳng áp sát vào thước đo, mắt nhìn thẳng ra phía trước theo đường thẳng nằm ngang, hai tay bỏ thõng hai bên mình. Dùng thước vuông áp sát đỉnh đầu thẳng góc với thước đo để đọc kết quả. Chiều cao đứng được tính bằng cm với 1 số thập phân sau dấu phẩy.

- Các vòng: Sử dụng thước dây để đo chu vi các vòng: vòng đầu, vòng ngực bình thường, vòng bụng qua rốn, vòng cánh tay trái duỗi của trẻ. Với các kích thước vòng, khi đo cần đặt thước sao cho chu vi đo thước tạo thành trên mặt phẳng ngang song song với mặt đất

+ Vòng đầu: đo chu vi của đầu, phía trước đặt thước qua ụ trán giữa (metopion), phía sau qua ụ chẩm (opisthocranion);

+ Vòng ngực bình thường: đo chu vi của vòng ngực qua mũi ức (xyphion) khi trẻ hít thở bình thường;

+ Vòng bụng qua rốn: đo chu vi của vòng bụng qua vị trí của rốn; + Vòng cánh tay trái duỗi: để đo vòng cánh tay trái duỗi, đầu tiên phải xác định điểm giữa cánh tay (điểm giữa mỏm cùng vai và khuỷu tay); khi đo để tay trái của trẻ thả lỏng, vòng thước đo qua điểm giữa cánh tay để đo với độ chính xác tới 1 mm.

- Bề dày lớp mỡ dưới da: sử dụng compa đo BDLMDD của Thụy Sĩ để đo BDLMDD tại các điểm: A8(nằm cạnh rốn), E6(nằm ở dưới mỏm xương bả vai), I15(nằm ở mặt sau cánh tay), G15(nằm ở mặt trước cánh tay) theo sơ đồ Erdheim. Với các kích thước BDLMDD tại các điểm, khi đo dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái cần nhấc một nếp da ở vị trí thích hợp sao cho chỉ có phần da và mô mỡ được

nhấc lên (không nhấc phần cơ lên), compa được kẹp ở một góc vuông với chỗ nếp da được nhấc lên.

+ BDLMDD tại điểm A8: nhấc một nếp gấp da theo chiều dọc, cách rốn 5 cm, compa đo được kẹp ở góc vuông với nếp gấp, chờ 2 giây và ghi số đo chính xác đến mm;

+ BDLMDD tại điểm E6: nhấc một nếp da cách điểm dưới xương mỏm bả trái 1 cm, compa đo được kẹp vuông góc với nếp da, chờ 2 giây và ghi số đo chính xác tới mm;

+ BDLMDD tại điểm I15: sau khi xác định được điểm giữa cánh tay, người đo nhấc một nếp da ở vị trí cách điểm giữa cánh tay 1 cm, compa đo kẹp ở một góc vuông với nếp da được nhấc lên; chờ 2 giây và sau đó ghi số đo chính xác tới mm;

+ BDLMDD tại điểm G15: điểm G15 là điểm nằm giữa cánh tay ở mặt trước, phía trên cơ nhị đầu cánh tay. Khi đo tay của trẻ được thả lỏng với lòng bàn tay hướng về phía trước. Nhấc một nếp da có chiều dọc (song song với trục của cánh tay), compa đo được kẹp vuông góc với nếp gấp, chờ 2 giây và ghi số đo chính xác tới mm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái cơ thể trẻ em người dân tộc Thái, Hmông, Dao ở tỉnh Yên Bái và các yếu tố liên quan (Trang 43 - 47)