* Quan niệm về độc lập
Trong Đại Từ điển Tiếng Việt, nêu ra thuật ngữ "độc lập" của một (nước) dân tộc là: "Nước, dân tộc có chủ quyền không phụ thuộc vào nước khác, dân tộc khác" [131, tr. 655]. Nghĩa độc lập ở đây khẳng định độc lập về thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết của chủ thể (nước, dân tộc...) trước các vấn đề của mình mà không chịu bất cứ sự chi phối, can thiệp từ bên ngoài (nước khác, dân tộc khác). Điều đó khẳng định, độc lập là quyền bất khả xâm phạm, thể hiện chủ quyền tối cao của một nước. Quan niệm "độc
lập" (Independence) cũng có ý nghĩa tương phản với quan niệm "nô dịch"
(Slavish) của vùng hay lãnh thổ chịu sự điều khiển, chi phối về chính trị, quân sự của bên ngoài. Ngoài ra, "độc lập" cũng được dùng để chỉ một đất nước mới giành được quyền làm chủ, thoát khỏi sự thống trị, không bị điều khiển hay cai trị của một quốc gia khác.
Theo Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc (24/10/1970), "Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh
quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc" thì nội hàm "độc lập của một quốc gia" được hiểu rất rộng
vừa mang quyền riêng tư của quốc gia vừa ràng buộc với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó khẳng định: Tất cả các quốc gia từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế để chống lại sự
toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc bất cứ cách thức nào khác không phù hợp với những mục đích của Liên hợp quốc. Giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình mà không làm phương hại đến hòa bình, an ninh và công lý quốc tế. Tôn trọng, không can thiệp vào các vấn đề thuộc thẩm quyền của các quốc gia khác, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác phù hợp với Hiến chương, có quyền tự quyết dân tộc và bình đẳng chủ quyền quốc gia [14].
* Quan niệm về dân tộc
Theo Đại Từ điển Tiếng Việt thì "dân tộc" là: "Cộng đồng người ổn định hình thành trong quá trình lịch sử của xã hội, có chung tiếng nói, lãnh thổ, đời sống kinh tế và tâm lý" [131, tr. 650]. Như vậy, quan niệm dân tộc ở đây, chỉ dân tộc chung trên cơ sở một quốc gia, lãnh thổ đã hình thành, phát triển khá ổn định trong lịch sử. Dân tộc là đại diện cho những nét đặc trưng phổ biến của một quốc gia, lãnh thổ, để phân biệt với các quốc gia, lãnh thổ khác (dân tộc Việt Nam, dân tộc Trung Hoa, dân tộc Nga...).
* Quan niệm về độc lập dân tộc
Tác giả Phan Văn Rân, Nguyễn Hoàng Giáp trong cuốn sách "Chủ
quyền quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa và vấn đề đặt ra với Việt Nam" đưa ra quan niệm:
Độc lập dân tộc thể hiện ở quyền độc lập tự chủ trong việc lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình, thể hiện qua việc quyết định mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, trong việc thiết lập và thực thi quyền lực thông qua các hoạt động lập pháp, tư pháp, tiến hành mà không có sự can thiệp từ phía các quốc gia khác [90, tr. 65]. Tác giả Mai Hải Oanh trong bài viết "Độc lập dân tộc, lợi ích cơ bản
của đất nước" quan niệm rằng: "Độc lập dân tộc được thể hiện rõ nhất ở hai
nội dung là quyền tối cao của quốc gia dân tộc trong phạm vi lãnh thổ và quyền độc lập của quốc gia dân tộc trong quan hệ quốc tế" [87, tr. 54].
Tác giả Nguyễn Viết Thảo trong bài viết "Bảo vệ chủ quyền quốc gia
và độc lập dân tộc trong thế giới toàn cầu" đưa ra quan niệm "Độc lập dân tộc
(national independence) là chủ quyền về mặt pháp lý (sovereignty de jure), hay chủ quyền danh nghĩa (conceptual sovereignty) trên tất cả các lĩnh vực: lãnh thổ, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh..." [95, tr. 89].
Nội hàm của độc lập dân tộc theo các quan niệm nêu trên về cơ bản là tương đồng với nhau, đều nhấn mạnh đến quyền lực tối cao, bất khả xâm phạm trong việc sở hữu các lợi ích hợp pháp của riêng mỗi quốc gia, dân tộc. Một quốc gia độc lập có quyền lựa chọn thể chế chính trị, quyền xây dựng đường lối, chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại phù hợp với lợi ích chính đáng của dân tộc và quy định của luật pháp quốc tế. Mặt khác, độc lập dân tộc của một quốc gia còn được thể hiện quyền bình đẳng với các quốc gia khác trong các mối quan hệ, hợp tác dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, quy định của luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Từ các quan niệm trên, tác giả luận án đưa ra quan niệm: Độc lập dân
tộc của một quốc gia, dùng để chỉ một thực thể quốc gia toàn vẹn lãnh thổ, thực sự làm chủ được tất cả các quyền và lợi ích chính đáng của mình, trên các lĩnh vực: thể chế chính trị (lập pháp, hành pháp, tư pháp), kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội và đối ngoại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.