CỦA VIỆT NAM TRÊN LĨNH VỰC ĐỐI NGOẠI TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1975
4.1.1. Thuận lợi
Thứ nhất, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa
Căn cứ vào tình hình thế giới, tình hình khu vực, truyền thống ngoại giao của dân tộc và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam và Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dựa trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quan hệ quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại đã hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại phù hợp. Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, kiên quyết đấu tranh đến cùng để thống nhất đất nước với quyết tâm sắt đá "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Trong tình hình thế giới có những diễn biến khó lường, đối đầu Đông - Tây diễn biến hết sức phức tạp, mối quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa có những mâu thuẫn, rạn nứt, đặc biệt quan hệ Xô - Trung từ đồng minh thân cận trở thành đối đầu với nhau. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam xây dựng cho mình chính sách đối ngoại, độc lập, tự chủ, luôn đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa để tạo thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng mà Việt Nam giành được từ sự thành công của Cách mạng Tháng 8/1945.
Đối ngoại trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trở thành kim chỉ nam cho việc triển khai chính sách đối ngoại, là căn cứ vững chắc
đánh giá đúng, sai, tốt, xấu trong các mối quan hệ quốc tế mà Việt Nam quan tâm. Nhận thấy, trong cuộc đấu tranh với một kẻ thù mạnh như đế quốc Mỹ, Việt Nam không thể đơn độc, cần phải phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước trong khối xã hội chủ nghĩa.
Các chuyến thăm liên tục của các đoàn ngoại giao cấp cao Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Việt Nam dẫn đầu đã phát huy tác dụng, gây chú ý trong dư luận quốc tế, giúp các nước bạn hiểu rõ quyết tâm đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam và mục đích đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Sự chủ động, chân thành, quyết tâm của Việt Nam, tác động lớn đến các nước xã hội chủ nghĩa, nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu và từng bước ủng hộ tích cực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã giúp Việt Nam có được sự ủng hộ cần thiết trong khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam. Đồng thời, giúp Việt Nam tự tin triển khai chiến lược từ thế giữ gìn lực lượng sang tiến công ở miền Nam, cung cấp các vũ khí hiện đại, đẩy mạnh tác chiến khoa học, đánh bại các loại hình chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam. Có thể khẳng định, sẽ không có được thắng lợi huy hoàng của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc nếu không tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại xây dựng liên minh chiến đấu vững chắc Việt Nam - Lào - Campuchia
Việt Nam, Lào và Campuchia là ba nước láng giềng cùng tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, có mối quan hệ truyền thống lâu đời, đều trở thành
thuộc địa của Pháp trước sự can thiệp của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam phải triển khai thật hiệu quả đường lối đối ngoại, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết, tin tưởng lẫn nhau, tạo nên liên minh đoàn kết chiến đấu vững chắc của ba nước Đông Dương. Việt Nam đã tích cực ủng hộ lực lượng cách mạng Lào cả về vật chất lẫn tinh thần, ủng hộ đường lối hòa bình, trung lập của N.Sihanouk, giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia. Quân đội Việt Nam đã sát cánh cùng quân dân Lào và Campuchia chiến đấu giành nhiều thắng lợi quan trọng, làm thất bại âm mưu "dùng người Đông Dương đánh
người Đông Dương" của Mỹ.
Đặc biệt, việc quyết định xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh dọc theo dải Trường Sơn đi trên đất của cả ba nước để chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến trường Lào, Campuchia. Điều này, không chỉ là biểu hiện sinh động cho tình đoàn kết của ba nước Đông Dương mà còn mang tính chất chiến lược, hợp đồng tác chiến giữa ba nước hiệu quả hơn, tăng thêm thế và lực cho chiến trường đem đến những thắng lợi quan trọng. Tính từ năm 1959 đến 1975, thông qua tuyến đường mòn Hồ Chí Minh dọc theo dải Trường Sơn, Việt Nam đã thực hiện: "Vận chuyển được gần 1.400.000 tấn hàng hóa, vũ khí, trong đó cho các chiến trường và cách mạng Lào, Campuchia hơn 583.000 tấn, 5.500.000m3 xăng dầu; bảo đảm hành quân cơ động, tiêu thụ trên tuyến...năm 1974 vận chuyển số hàng gấp 22 lần 1966 = 217.426 tấn; mùa xuân 1975 được 413.450 tấn gấp đôi 1974; đưa đón, vận chuyển trên 2 triệu cán bộ, chiến sĩ và cán bộ, nhân dân vào ra tiền tuyến" [2, tr. 571].
Đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương đã tạo nên sức mạnh, góp phần làm cho Mỹ thất bại, tháng 4/1970 Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương ra tuyên bố cùng nhau đoàn kết, chống Mỹ đã khẳng định quyết tâm của ba nước trong việc đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm và các thế lực tay sai, bảo vệ độc lập dân tộc. Đoàn kết chặt chẽ, hợp đồng tác chiến hiệu quả trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương
là quyết định đúng đắn trong đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Giúp Việt Nam tạo nên khối đoàn kết chiến đấu, tập hợp lực lượng hiệu quả, góp phần quan trọng vào thắng lợi công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.
Thứ ba, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, chủ động tập hợp lực lượng các nước dân chủ, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và các tổ chức quốc tế tiến bộ ủng hộ Việt Nam
Việc nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, sự vận động và phát triển của phong trào cách mạng thế giới để nắm bắt những cơ hội thuận lợi là nhân tố hết sức quan trọng, đem đến sự thành công cho chính sách đối ngoại góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.
Từ năm 1954 đến năm 1975, chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ với tiềm lực mạnh về kinh tế, quân sự tỏ rất hung hăng. Mỹ âm mưu thiết lập chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên nhiều nước, mở rộng phạm vi ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nhiều cuộc chiến tranh cục bộ trong đó có chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ và các nước đế quốc gặp phải sự đấu tranh mạnh mẽ của "ba dòng thác cách mạng" đó là phong trào giải phóng dân tộc dâng cao ở các nước thuộc địa, phong trào cách mạng vô sản trong lòng các nước đế quốc và sự lớn mạnh của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, còn có các phong trào dân chủ, ủng hộ hòa bình của nhân dân tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Do đó, nắm bắt được xu thế vận động và phát triển này của tình hình thế giới, nếu biết nắm bắt thời cơ, Việt Nam sẽ không đơn độc. Ngược lại, nếu làm tốt sẽ có được lực lượng hùng hậu ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa để bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam. Ngoài sự ủng hộ tích cực trên nhiều mặt của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, sự đoàn kết, hợp đồng chiến đấu hiệu quả của nhân dân ba nước Đông Dương, Việt Nam đẩy mạnh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Đối ngoại của Việt Nam giúp nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, các nước dân chủ, các tổ chức tiến bộ thấy được sự chính nghĩa của Việt Nam, sự tàn bạo trong cuộc chiến tranh do Mỹ
tiến hành ở Việt Nam. Từ đó nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ, động viên, ủng hộ, tạo thêm sức mạnh cho Việt Nam để quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng. Có thể khẳng định, chưa có cuộc chiến tranh nào trên thế giới nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ, tạo nên những làn sóng phản chiến rộng lớn, rầm rộ như chiến tranh Việt Nam.
Các thành phần, tầng lớp tham gia phong trào đấu tranh phản chiến hết sức phong phú, đa dạng, từ Đức Giáo hoàng Paul VI, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palmer, các nhà khoa học, học giả, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động khắp nơi trên thế giới.
Từ châu Âu, châu Á, châu Phi đến châu Mỹ đều lên tiếng và có những hành động ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Nhân dân các nước ở Tây Bắc Âu đã tổ chức nhiều hành động phong phú, thiết thực để ủng hộ Việt Nam, thông qua các bài viết sống động trên sách, báo để lên án tội ác chiến tranh của Mỹ, thực hiện các cuộc hội thảo, mít tinh, biểu tình để ủng hộ Việt Nam. Nhân dân các nước như Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp, Thụy Điển, Na Uy tiến hành quyên góp tiền và hàng lên tới hàng triệu USD gửi sang ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam. Các nước như Indonesia, Angiêri, Irắc giúp đỡ Việt Nam bằng cách cung cấp xăng dầu. Nhiều tổ chức như ủy ban, mặt trận, hội, nhóm ủng hộ Việt Nam được thành lập ở nhiều nước như Anh, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Thụy Điển và ngay cả tại nước Mỹ.
Đặc biệt, phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ diễn ra hết sức rầm rộ, từ các hội thảo khoa học ủng hộ Việt Nam đến hàng ngàn các cuộc biểu tình lớn thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Bên cạnh đó, các ủy ban, nhóm phản chiến được thành lập để tiến hành đấu tranh cho hiệu quả hơn. Phong trào phản chiến trong giới sinh viên Mỹ diễn ra quyết liệt làm cho chính quyền lúng túng, một số người Mỹ còn tự thiêu, để phản đối chính quyền Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Việt Nam còn nhận được sự giúp đỡ của Hội giúp đỡ y tế cho Việt Nam gồm các nước Tây Âu và Bắc Mỹ khi thành lập Ủy ban Châu Âu phối
hợp hoạt động y tế. Lần đầu tiên, tòa án quốc tế được thành lập theo sáng kiến của nhà triết học Anh - Bertrand Russell được thành lập ở Luân Đôn thu thập hàng ngàn chứng cứ, phỏng vấn hàng trăm nhân chứng đem đến sức thuyết phục cao để xét xử tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp và Chính phủ Pháp với tư cách là nước chủ nhà trong đàm phán hòa bình đã có những giúp đỡ tích cực cho Việt Nam, trong cung cấp tài liệu, giúp đỡ trong sinh hoạt khi phái đoàn ngoại giao lưu trú tại Pháp.
Đối ngoại của Việt Nam tích cực đẩy mạnh, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trên thế giới, các hội nghị quốc tế. Đáng chú ý là việc Việt Nam phối hợp với Liên Xô vận động Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU), tổ chức hội nghị quốc tế ủng hộ Việt Nam với tên gọi Hội nghị Quốc tế đoàn kết nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình tại Hà Nội (25 - 28/10/1964) với 64 đoàn đại biểu tham dự kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, tháng 7/1969, Hội nghị phong trào Không liên kết tại Belgrade (Nam Tư) lên tiếng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, ủng hộ giải pháp 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 9/1970, Hội nghị cấp cao phong trào Không liên kết họp ở Luxaka (Dămbia), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được mời làm quan sát viên của hội nghị, đặc biệt hội nghị đã ra nghị quyết riêng về Đông Dương ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 8/1972, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Không liên kết họp tại Georgettown (Guyana) đã quyết định kết nạp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm thành viên chính thức của phong trào thông qua tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương. Sau Hiệp định Paris, hội nghị các nước Không liên kết họp tại Angiêri lên án hành động của Mỹ - Thiệu phá hoại Hiệp định Paris.
Trong giai đoạn này, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mặc dù có những mâu thuẫn, bất đồng nhưng cũng có những hành động ủng hộ Việt Nam, Hội nghị 27 đảng cộng sản và công nhân châu Âu (7/1972) đoàn kết với Việt Nam, lên án Mỹ và tay sai. Trong giai đoạn 1973 - 1975, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam từ đó nhận được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Thứ tư, đoàn kết, nhất trí triển khai đường lối đối ngoại "tuy hai mà một", kiên trì thực hiện chiến lược "vừa đánh, vừa đàm" đúng thời điểm và phát huy hiệu quả tích cực tiến đến giành thắng lợi cuối cùng
Trong điều kiện đất nước đang bị chia cắt, Mỹ ra sức giúp đỡ, ủng hộ Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tuyên truyền cho đây là đại diện hợp pháp cho nhân dân miền Nam và cho rằng miền Bắc đã xâm lược miền Nam đã gây không ít khó khăn trong đấu tranh ngoại giao. Nắm bắt được những khó khăn trong tình hình thực tế, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969). Mục đích, đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, đập tan luận điệu của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tuyên truyền cho nhân dân thế giới biết Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mới là đại diện hợp pháp cho nhân dân miền Nam. Vừa ra đời, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được 21 nước công nhận, đến 1972 trở thành thành viên Phong trào Không liên kết và thiết lập quan hệ với 34 nước trên thế giới. Vị thế, uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế đã giáng một đòn mạnh vào âm mưu, thủ đoạn của Mỹ trong tuyên truyền đối ngoại.
Với những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường, sự lên án của nhân dân thế giới đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ngày càng mạnh mẽ,
để đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh chống Mỹ, nêu cao tính chính nghĩa, tinh thần yêu chuộng hòa bình, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 khóa III (1967) Đảng Lao động Việt Nam khẳng định, quyết tâm bên cạnh