Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình trong nước, tình hình thế giới, Đảng Lao động Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc lãnh đạo triển khai nội dung chính sách đối ngoại. Trong đó, việc chủ trương đưa mặt trận ngoại giao sang cục diện vừa đánh - vừa đàm là một minh chứng cụ thể cho sự linh hoạt trong chuyển hướng đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam. Năm 1960, phong trào Đồng khởi ở miền Nam đã làm phá sản âm mưu không cần dùng đến chiến tranh vẫn có thể bình định được miền
Nam của Mỹ và tay sai. Tiếp đó, quân dân miền Nam đã anh dũng đánh bại Chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), làm thất bại âm mưu bình định miền Nam của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn.
Từ năm 1965, Mỹ mở rộng leo thang chiến tranh ở Việt Nam, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đồng minh vào Việt Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đồng thời, sử dụng quân bài chiến lược ném bom làm đối trọng trong các nội dung thương lượng, đàm phán với Việt Nam. Âm mưu, thủ đoạn đó của Mỹ không làm Việt Nam lo sợ, ngược lại Việt Nam đánh giá Mỹ đang rơi vào thế lúng túng, bế tắc và ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế đối với các vấn đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Theo đánh giá của Việt Nam, dư luận Mỹ đang lên án mạnh mẽ, đòi chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, bởi cuộc chiến tranh này, đang gây ra những tác động xấu đến đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của nước Mỹ, làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân Mỹ với chính phủ chia rẽ ngày càng sâu sắc.
Trên thế giới, nhiều chính phủ dân chủ, các đảng cộng sản, đảng công nhân, các tổ chức tiến bộ, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh đòi Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa, ngừng ném bom miền Bắc và công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
Nhân dân Việt Nam được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ ngày càng to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa khác, của chính phủ và nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ latinh, của mọi lực lượng yêu chuộng hòa bình kể cả những tầng lớp ngày càng rộng rãi của nhân dân Mỹ. Còn đế quốc Mỹ thì ngày càng bị cô lập và bị lên án mạnh mẽ trên thế giới và ngay cả ở nước Mỹ [110]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, hai miền Bắc - Nam đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng trong đấu tranh trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Việt Nam đã linh hoạt áp dụng hiệu quả sách lược đấu tranh
chính trị, ngoại giao, phối hợp với đấu tranh quân sự nhằm chủ động tiến công địch. Đồng thời, nêu cao ngọn cờ độc lập và hòa bình để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi dư luận thế giới và cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 Đảng Lao động Việt Nam (12/1965), đã tính tới khả năng khi đến thời cơ thích hợp sẽ triển khai chiến lược vừa đánh - vừa đàm. Tuy nhiên, Hội nghị cũng nhận định, triển khai nội dung này là rất khó khăn, "chỉ khi nào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị đè bẹp, những mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập của nhân dân miền Nam được bảo đảm thì ta mới có thể thương lượng để giải quyết vấn đề" [22, tr. 649]. Điều đó có nghĩa, những thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự sẽ tạo đà cho những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Ngược lại, việc chủ động, linh hoạt, nắm bắt thời cơ kịp thời trên mặt trận ngoại giao sẽ góp phần hỗ trợ rất lớn cho mặt trận chính trị và quân sự.
Để có cơ sở vững chắc cho đấu tranh ngoại giao đạt hiệu quả tốt nhất, ngày 8/4/1965 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu ra lập trường và quan điểm làm cơ sở đấu tranh ngoại giao, thể hiện trong tuyên bố 4 điểm với nội dung cơ bản sau:
Công nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ theo đúng Hiệp nghị Giơnevơ, Chính phủ Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam tất cả quân đội, nhân viên quân sự, tất cả mọi hình thức vũ trang, chấm dứt mọi việc xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Trong khi chờ đợi hòa bình đi đến thống nhất nước Việt Nam và trong khi Việt Nam vẫn còn tạm thời chia làm hai miền, các điều khoản về Hiệp nghị Giơnevơ về Việt Nam cần phải được triệt để thi hành, nghĩa là hai miền không được tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào với bên ngoài, trên lãnh thổ của mỗi miền; Công việc của Nam Việt Nam phải do nhân dân Nam Việt Nam tự quản, nước ngoài không được can thiệp, theo đúng Cương
lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng; Việc hòa bình thống nhất Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự tiến hành lấy, nước ngoài không được can thiệp... [103].
Đánh giá về lập trường đúng đắn của Việt Nam trong tuyên bố 4 điểm, trả lời báo Sự thật của Liên Xô (1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tuyên bố là hợp tình, hợp lý, phù hợp với các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và nội dung Hiệp định Giơnevơ, phù hợp với danh dự, lợi ích của nhân dân Mỹ và có lợi cho hòa bình thế giới.
Trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, quân và dân miền Nam đã chiến đấu anh dũng, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm ngàn quân địch, làm cho chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Chiến tranh phá hoại miền Bắc do Mỹ tiến hành không đạt được mục đích làm cho miền Bắc suy yếu và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, trái lại Mỹ còn chịu những tổn thất nặng nề khi rất nhiều máy bay bị bắn rơi. Đồng thời, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, Việt Nam liên tục cử nhiều đoàn ngoại giao đi nước ngoài, tổ chức đón tiếp trọng thị các phái đoàn sang thăm Việt Nam, trong đó có các phái đoàn hòa bình phương Tây và cả Mỹ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp bạn bè và dư luận thế giới hiểu rõ hơn quan điểm, lập trường và thiện chí hòa bình của Việt Nam. Qua đó, giúp nhân dân thế giới ngày càng hiểu hơn sự chính nghĩa, quyết tâm của nhân dân Việt Nam, ủng hộ ngày càng mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam. Tích cực ủng hộ lập trường 4 điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tuyên bố 5 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lúc này, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận thấy, đây là lúc cần phải triển khai chiến lược đánh - đàm, nhằm tạo thế liên hoàn trong kết hợp đấu tranh giữa chính trị, quân sự và ngoại giao.
Tại Hội nghị lần thứ 13 (1/1967) của Đảng Lao động Việt Nam đã khẳng định, trên mặt trận quân sự lực lượng cách mạng đã giành được những thắng
lợi quan trọng, "hiện nay tình hình đang trở nên thuận lợi cho việc ta chủ động vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh" [23, tr. 121], phải đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Chiến lược đánh - đàm là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc gắn với tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Việc triển khai chiến lược đánh - đàm, làm cho thế giới hiểu được thiện chí hòa bình của Việt Nam, từ đó nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ ngày càng to lớn của các nước dân chủ, các tổ chức tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Đồng thời, đập lại âm mưu, luận điệu "thương lượng hòa bình" để lừa bịp dư luận, chia rẽ khối xã hội chủ nghĩa và ép Việt Nam theo giải pháp chính trị có lợi cho Mỹ. Mặt khác, năm 1968 sẽ bầu cử tổng thống ở Mỹ, việc đưa ra chiến lược đánh - đàm nhằm tranh thủ thêm sự ủng hộ của nhân dân Mỹ, khoét sâu vào những mâu thuẫn trong giới cầm quyền, buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược và tiến tới một giải pháp hòa bình cho việc giải quyết cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Để triển khai hiệu quả chiến lược đánh - đàm, Đảng Lao động Việt Nam khẳng định, mặt trận quân sự đóng vai trò quyết định trực tiếp, chính trị và quân sự phối hợp làm tan rã quân địch. Mặt trận ngoại giao phục vụ cho mặt trận quân sự và chính trị, ngược lại thắng lợi trên mặt trận quân sự, chính trị tạo động lực lớn cho những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng của đấu tranh ngoại giao là kết hợp chặt chẽ với quân sự, chính trị, buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Trong thư gửi Tổng thống Johnson (15/2/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, Chính phủ Mỹ nếu muốn thật lòng nói chuyện thì cần phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và chống phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc biệt, Việt Nam xác định rõ mục tiêu chiến lược đánh - đàm, đàm - đánh:
Có nghĩa là trong khi ở miền Nam vẫn tranh thủ đánh để giành thắng lợi quyết định thì giữa ta và địch có thể nói chuyện từ hình thức tiếp
xúc cho đến hội đàm. Đương nhiên, thắng lợi trên chiến trường miền Nam là yếu tố quyết định; khi chưa giành được thắng lợi đó thì trên bàn hội nghị cũng chưa giành được thắng lợi [23, tr. 125]. Khi chuyển sang chiến lược đánh - đàm, một mặt tuyên truyền chống lại các âm mưu xuyên tạc của Mỹ khi cho rằng, Việt Nam yếu nên phải thương lượng, miền Bắc bỏ rơi miền Nam. Mặt khác, thông báo cho Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ tích cực ủng hộ Việt Nam, để họ hiểu rõ bản chất của vấn đề. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh ngoại giao với phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị miền Nam và đẩy mạnh công tác ngụy vận làm tan rã thêm hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh lên án việc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, xem việc chấm dứt ném bom phá hoạt miền Bắc không điều kiện là một trong những điều kiện tiên quyết để xem xét tiến tới đàm phán.
Để vận động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, hai miền Bắc - Nam phối hợp thực hiện chiến lược đánh đàm có hiệu quả. Đảng Lao động Việt Nam xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải duy trì tính nguyên tắc, bên cạnh việc cơ động, linh hoạt trong triển khai đấu tranh. Nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 khóa III về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, mở ra cục diện vừa đánh - vừa đàm đã phát huy hiệu quả tích cực trong tiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam. Trên cơ sở nội dung Nghị quyết 13 khóa III, Việt Nam đã phát huy điểm mạnh, thế thắng, chủ động xây dựng chiến lược, sách lược tiến công địch, phát huy nội lực, chủ động phối hợp với các nước xã hội chủ nghĩa, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên một tầm cao mới, thu hút được đông đảo các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Thông qua đó, Việt Nam vạch trần được những luận điệu lừa bịp hòa bình mà Mỹ nêu ra, khẳng định lập trường chính nghĩa, giương cao ngọn cờ độc lập và hòa bình của Việt Nam. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến lược đánh - đàm, Việt Nam chủ động mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, gây cho Mỹ và đồng minh nhiều
tổn thất. Thêm vào đó, làn sóng dư luận thế giới phản đối cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ngày càng dâng cao cả về cường độ, quy mô với hàng ngàn cuộc biểu tình phản chiến thu hút hàng triệu người trên thế giới tham gia. Điều đó đã gây sức ép mạnh lên Chính phủ Mỹ, ngày 31/3/1968 Tổng thống Johnson tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nắm bắt thời cơ và tiếp tục chủ động tấn công địch trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam tuyên bố cử người gặp đại diện của Chính phủ Mỹ để tiếp tục thương lượng và yêu cầu Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom phá hoại miền Bắc để đi đến đàm phán chính thức.
Như vậy, mục đích đánh - đàm của Việt Nam đã đạt được những hiệu quả tích cực trong tập hợp sự ủng hộ của dư luận quốc tế, gây cho Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nhiều khó khăn, tạo ra những thời cơ thuận lợi cho lực lượng cách mạng trên chiến trường. Với những thắng lợi quyết định trên chiến trường, Việt Nam buộc Mỹ phải nghiêm túc giải quyết việc kết thúc chiến tranh bằng biện pháp thương lượng. Những bước đi ngoại giao khôn khéo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cộng với những thất bại liên tiếp trên chiến trường đã đẩy Mỹ và Chính quyền Sài Gòn rơi vào tình thế khó khăn. Ngay cả các nước đồng minh trong khối NATO cũng không hoàn toàn ủng hộ Mỹ, trong khi các nước đồng minh cùng Mỹ tham chiến ở Việt Nam thì hoang mang vì sợ Mỹ thất bại sẽ bỏ rơi họ.
Với những bước đi ngoại giao chủ động, linh hoạt trong thực hiện chiến lược đánh - đàm, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào đàm phán với Việt Nam. Ngày 13/5/1968, tại Paris phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu và phái đoàn Chính phủ Mỹ do Averell Harriman dẫn đầu gặp nhau tiến hành hội đàm. Mục đích của Việt Nam trong hội đàm là kiên định với lập trường đánh - đàm, một mặt vừa đàm phán, mặt khác vừa đẩy mạnh tấn công địch trên chiến trường miền Nam. Sử dụng đàm phán để lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ, tranh thủ thu hút sự ủng hộ của dư luận quốc tế, khéo léo nắm bắt tư tưởng của địch để phục vụ các hoạt
động quân sự trên chiến trường. Việt Nam khẳng định quan điểm, lên án Mỹ và chế độ Sài Gòn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chia cắt Việt Nam lâu dài, đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện ném bom miền Bắc, rút khỏi miền Nam, tôn trọng độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Trong khi phía Mỹ cho rằng, miền Bắc xâm lược miền Nam, giúp đỡ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam thực hiện mục đích lật đổ Chính quyền Sài Gòn. Mỹ đòi khôi phục khu phi quân sự, đòi chấm dứt sự ủng hộ của miền Bắc cho miền Nam và rút quân đội miền Bắc khỏi miền Nam. Đấu tranh trên bàn đàm phán giữa hai bên diễn ra căng thẳng, quyết liệt và phụ thuộc khá lớn vào những diễn biến quân sự trên chiến trường.
Tháng 11/1968, trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược Chiến tranh cục bộ, Mỹ chính thức tuyên bố chấm dứt không điều kiện ném bom miền Bắc Việt Nam và thống nhất tiến hành thương lượng 4 bên gồm Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Rõ ràng, đây là thành công bước đầu rất quan trọng trong chiến lược đánh - đàm của Việt Nam, buộc Mỹ phải xuống thang