Triển khai đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc trên lĩnh vực đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa được chia thành hai giai đoạn 1954 - 1964 và 1964 - 1975, điều này căn cứ vào tình hình thế giới và tình hình thực tế của cách mạng Việt Nam. Xét về góc độ quy mô và tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam, giai đoạn 1954 - 1964 Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam nhưng vẫn trên danh nghĩa viện trợ, giúp đỡ cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ lớn của Trung Quốc, nhưng đối với sự quan tâm, ủng hộ của Liên Xô thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Giai đoạn 1954 - 1964, đấu tranh giữa hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa chủ yếu giằng co xung quanh vấn đề thi hành Hiệp định Giơnevơ và quy mô chiến tranh diễn ra chủ yếu ở miền Nam. Tuy nhiên, giai đoạn 1964 - 1975 các vấn đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam trở nên phức tạp hơn nhiều, khi Mỹ dựng lên "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", trực tiếp đưa quân Mỹ và quân đồng minh xâm lược Việt Nam. Về phía Liên Xô trong giai đoạn này, thấy được vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong chiến lược của mình đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ cuộc đấu tranh của Việt Nam. Sự tích cực của Liên Xô đối với Việt Nam làm Trung Quốc "không hài lòng" càng khoét sâu mâu thuẫn Xô - Trung, đồng thời diễn ra sự cạnh tranh ngấm ngầm nhưng rất quyết liệt trong việc thể hiện vai trò ảnh hưởng ở Việt Nam. Như vậy, trong giai đoạn 1964 - 1975, tính chất cuộc chiến tranh Việt Nam xét ở khía cạnh nào đó đã được quốc tế hóa sâu sắc hơn, ở đây không chỉ là cuộc đối đầu giữa Việt Nam với Mỹ mà còn là sự đối đầu gián tiếp giữa Mỹ - Xô, Mỹ - Trung,
Xô - Trung. Quy mô và tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh lớn hơn, chiến tranh đã lan rộng ra khắp cả nước Việt Nam và còn mở rộng sang cả Lào và Campuchia. Do đặc điểm, tính chất có nhiều khác biệt như vậy, nên Việt Nam phải lựa chọn cho mình việc triển khai chính sách đối ngoại phù hợp trong từng giai đoạn để phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhằm giải quyết những khó khăn, tranh thủ sự ủng hộ, tập hợp lực lượng để góp phần chiến thắng đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập dân tộc.
* Giai đoạn 1954 - 1964
Từ năm 1954, trong thế phải đối đầu với đế quốc Mỹ hùng mạnh, đối ngoại của Việt Nam phải thực hiện mục tiêu tăng cường tập hợp lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của các nước dân chủ, các nước tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Trong đó, việc đẩy mạnh mối quan hệ của Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa trở thành mục tiêu lớn, giúp Việt Nam có thêm sự ủng hộ, giúp đỡ cần thiết, tạo thế và lực trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước để bảo vệ độc lập dân tộc. Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng Lao động Việt Nam khẳng định quyết tâm: "Tiếp tục phát triển và củng cố tình hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và tất cả các nước dân chủ khác" [15, tr. 305].
Thực tế cho thấy, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc đã có những giúp đỡ tích cực, tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam để tiến lên giành thắng lợi trước thực dân Pháp. Trên cơ sở hiểu biết, tin cậy, dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế, giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc tăng cường quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa. Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa giành cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sự ủng hộ tích cực, khi lần lượt đặt đại sứ hoặc cơ quan đại diện, đồng thời có những giúp đỡ tích cực cho miền Bắc trong việc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 mở rộng khóa II khẳng định: "Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á" [18, tr. 66]. Trên cơ sở đánh giá tình hình trong nước và thế giới trong Chiến tranh lạnh, Đảng Lao động Việt Nam xác định đế quốc Mỹ là kẻ thù chính và ngày càng can thiệp sâu vào tình hình Việt Nam. Do đó, việc xây dựng mối quan hệ vững chắc với các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có hai nước lớn là Liên Xô và Trung Quốc, giúp Đảng Lao động Việt Nam có cơ sở vững chắc khi đánh giá tình hình chung và đưa ra Nghị quyết Trung ương 15 (1959). Nghị quyết khẳng định, quyết tâm chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang tiến công, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Để tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, củng cố thêm tình đoàn kết, tháng 7/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thăm các nước xã hội chủ nghĩa. Qua chuyến đi, Việt Nam đã giải thích cho các nước bạn hiểu rõ hơn mục tiêu đấu tranh dân chủ, hòa bình trong thi hành Hiệp định Giơnevơ. Khẳng định, Việt Nam là một thành viên tích cực trong khối xã hội chủ nghĩa, quyết tâm đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, vì sự tiến bộ của nhân loại. Chuyến đi thể hiện sự triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn trong việc tập hợp lực lượng ủng hộ, gặt hái được nhiều thành công khi Việt Nam và Liên Xô đã ký Tuyên bố chung, bên cạnh đó Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa cam kết ủng hộ những thứ cần thiết cho Việt Nam trong khả năng có thể. Tiếp đó, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị 64 đảng cộng sản và công nhân quốc tế tháng 11/1957, Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân quốc tế tháng 11/1960 tại Matxcơva. Tranh thủ các diễn đàn đa phương, song phương, phái đoàn đã lên án mạnh mẽ âm mưu của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ một Việt Nam hòa bình, thống nhất. Việc tranh thủ các hội nghị có nhiều đảng cộng sản và công nhân quốc tế để đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích về mục đích đấu tranh của Đảng Lao động Việt
Nam và nhân dân Việt Nam là bước triển khai đối ngoại khôn ngoan và mang lại nhiều kết quả tích cực trong sự ủng hộ cho cách mạng Việt Nam.
Có thể khẳng định, trước khi phong trào Đồng khởi nổ ra ở miền Nam (1960), Đảng Lao động Việt Nam và Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liên tiếp cử nhiều đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa khác để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết. Qua đó khẳng định, Việt Nam là một thành viên của khối xã hội chủ nghĩa đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Sự chủ động, tích cực trong đối ngoại của Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ nhiều hơn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhanh chóng thúc đẩy để biến những cam kết giúp đỡ của các nước bạn sớm thành hiện thực, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam. Liên Xô, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đấu tranh đòi Mỹ và Chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ và lên án hành động can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.
Thành quả của chính sách đối ngoại đúng đắn, linh hoạt, chủ động trong triển nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa trong 10 năm đầu tiến hành cuộc đấu tranh chống Mỹ (1954 - 1964) đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực, nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã ký với Liên Xô nhiều hiệp định hợp tác trên nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thương mại, vận tải, khoa học - kĩ thuật. Liên Xô cam kết giành cho Việt Nam những gói viện trợ không hoàn lại lớn, "Năm 1955 đến năm 1964, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam số tiền vào khoảng 320 triệu rúp, trong đó 94,5 triệu rúp cho vay không hoàn lại, số còn lại cho vay với điều kiện ưu đãi" [39, tr. 136], giúp Việt Nam khôi phục kinh tế, chống thiên tai, dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, Liên Xô còn giúp Việt Nam huấn luyện tác chiến và sử dụng vũ khí hiện đại cho quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 8/7/1964 phát biểu tại cuộc chiêu đãi các sinh viên tốt nghiệp Trường
Đại học quân sự Liên Xô, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Khrushchev tuyên bố: "Nhân dân miền Nam Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh anh dũng vì hòa bình và độc lập, chúng ta ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh này" [98]. Có thể khẳng định, trong giai đoạn này, sự ưu tiên của Liên Xô là tập trung củng cố vững chắc vị trí ảnh hưởng của mình ở châu Âu. Tuy nhiên, những bước đi ngoại giao chủ động, tích cực của Việt Nam đã có tác động lớn đến quan điểm đối ngoại Liên Xô. Nhận thấy vị trí địa chính trị hết sức quan trọng của Việt Nam trên bàn cờ chính trị quốc tế, qua đây có thể giúp nâng cao vai trò, vị trí của mình, nên Liên Xô quyết định ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã giành cho Việt Nam những gói viện trợ không hoàn lại lớn, "tính trong 10 năm 1954 - 1964, viện trợ kinh tế của Trung Quốc cho Việt Nam là 1,1 triệu nhân dân tệ" [39, tr. 149]. Ngoài ra, Trung Quốc còn ký với Việt Nam nhiều hiệp định giúp xây dựng công trình công nghiệp, giúp đỡ về kĩ thuật, cung cấp hàng hóa, mậu dịch dài hạn, cử các chuyên gia sang giúp đỡ và đào tạo nhân lực cho Việt Nam. Về phía Trung Quốc, đã có những giúp đỡ tích cực cho Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần, Trung Quốc đã lên án hết sức mạnh mẽ việc Mỹ dựng lên "sự kiện
Vịnh Bắc bộ", lấy cớ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đồng thời, tổ
chức các cuộc biểu tình lớn, lên án hành động đánh phá miền Bắc của Mỹ và tuyên bố sẵn sàng đưa quân sang miền Bắc Việt Nam để chống Mỹ. Việt Nam đã triển khai chính sách đối ngoại hiệu quả, dựa trên tinh thần đồng chí, láng giềng, phát huy những giá trị quan hệ mà Trung Quốc giành cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Mặt khác, qua nghiên cứu quan điểm, chủ trương của Trung Quốc trong đối ngoại, Việt Nam nhận thấy mục tiêu của Trung Quốc luôn muốn thể hiện vai trò nước lớn, phát huy tầm ảnh hưởng ở châu Á. Trên cơ sở đánh giá đó, Việt Nam đã xây dựng chiến lược, sách lược ngoại giao phù hợp trong quan hệ nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Trung Quốc.
Bên cạnh sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác trong khối (Nam Tư, Tiệp Khắc, Hunggary, Rumani...) cũng có nhiều hành động thiết thực đã giúp đỡ Việt Nam. Các nước cử các đoàn đại biểu thăm Việt Nam nhằm khẳng định quyết tâm ủng hộ lập trường của Việt Nam, đồng thời ký với Việt Nam các văn bản thực hiện các chương trình hợp tác thương mại, khoa học - kĩ thuật, văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân lực và cử chuyên gia trực tiếp giúp đỡ Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, việc triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam đã đi đúng hướng, phát huy hiệu quả tích cực, nhận được sự đồng cảm, tin tưởng và giúp đỡ của các nước anh em xã hội chủ nghĩa.
Có thể khẳng định, giai đoạn 1954 - 1964 đối ngoại của Việt Nam vừa định hình nội dung triển khai đấu tranh, vừa thăm dò thái độ các nước, đặc biệt các nước lớn. Với đường lối đối ngoại đúng đắn, sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai đối ngoại của Việt Nam đã giúp các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có hai nước lớn là Liên Xô, Trung Quốc thấy được sự chính nghĩa của nhân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chống lại sự can thiệp và chống phá của đế quốc Mỹ. Việt Nam khẳng định: "Vấn đề thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta trước hết là vấn đề đấu tranh giữa dân tộc ta với đế quốc Mỹ và bọn tay sai, đồng thời cũng là vấn đề đấu tranh giữa phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc chủ nghĩa" [18, tr. 66]. Từ đó, cần phải tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa để tạo thêm sức mạnh cho Việt Nam trong đấu tranh chống Mỹ. Thực tế trong giai đoạn chống Mỹ, các nước xã hội chủ nghĩa đã có những giúp đỡ tích cực cho Việt Nam trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc, khắc phục khó khăn do chiến tranh, thiên tai và từng bước ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, giúp miền Bắc những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc về quân sự, giúp Việt Nam có được những trang thiết bị
chiến tranh hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động tác chiến, giúp quân đội nhân dân Việt Nam nhanh chóng tiến lên chính quy, hiện đại, làm chủ khí tài quân sự để sẵn sàng đương đầu với đội quân được trang bị hiện đại của Mỹ. Rõ ràng, việc triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn trong thắt chặt quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa từ năm 1954 đến năm 1964 đã đặt cơ sở, nền móng, tạo điều kiện thuận lợi căn bản cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
* Giai đoạn 1964 - 1975
Từ năm 1964 đến năm 1975, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến hết sức khó lường, trong đó có nhiều vấn đề gây khó khăn cho Việt Nam trong việc triển khai chính sách đối ngoại. Liên Xô và Mỹ đối đầu quyết liệt với nhau dựa trên mục tiêu riêng của mỗi nước và sự khác biệt về ý thức hệ, tuy nhiên giai đoạn này hai nước đã có những động thái đàm phán, trao đổi, hợp tác vì quyền lợi của mỗi nước. Đầu những năm 70, hai bên tăng cường trao đổi đoàn, thảo luận rồi đi đến ký kết một số hiệp định về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược, một số hiệp định về hợp tác khoa học - kĩ thuật. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Trung từ đối đầu căng thẳng trong thập niên 50 của thế kỷ XX đã có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt, dần dần khép lại những bất đồng và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Giai đoạn này cũng chứng kiến, mối quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa xuất hiện những rạn nứt lớn, đặc biệt là mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân sâu xa vẫn là thái độ không