Thị trường tài chính có tác động rất lớn đến sự phát triển của thị trường chứng khoán. Sự mở rộng của thị trường chứng khoán mà không có sự phát triển của thị trường tài chính thì việc đánh giá các giá trị tài sản sẽ bị sai lệch. Sự tăng trưởng kinh tế thông qua chỉ số GDP/ người, tỉ lệ lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp hoặc rủi ro hệ thống là những số liệu kinh tế vĩ mô ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, diễn biến lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước cũng tác động rất lớn đến quyết định của các ngân hàng thương mại, từ đó tác động lên thị trường tài chính, khu vực doanh nghiệp và người dân.
Về nền kinh tế, có thể nói, Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực từ Quý III/2020 và tạo đà cho tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thách thức là tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, tỉ lệ tiết kiệm cao hơn, niềm tin của người tiêu dùng bị ảnh hưởng trong năm 2020. Tuy nhiên, tất cả các chỉ số chuyên gia kỳ vọng sẽ tích cực trở lại trong năm 2021.
Hình 3.10: Tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số GDP/ người (2011- 2020)
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Theo Báo cáo kinh tế-xã hội năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 đạt mức tăng 2,91% so với năm 2019, trong đó quý I tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,69%; quý 4 tăng 4,48%. Mức tăng trưởng năm nay đạt giá trị thấp nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây của nền kinh tế Việt Nam, nhưng lại thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới do tác động toàn cầu của dịch Covid-19. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 343 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt tương đương 3.521 USD, tăng 735 USD so với năm 2019. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính chung trong năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 19,9 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 20194. Năm 2020, FDI đã đầu tư vào 60 tỉnh thành phố, trong đó TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 4,36 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Bạc Liêu đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương,...
Đơn vị: Tỉ USD
Hình 3.11: Sự biến động của chỉ số FDI (2013 – 2020)
Nguồn: Cục Đầu tư Nước ngoài
CPI bình quân năm 2020 tăng lên mức 3,23%, cao hơn so với giá trị năm 2019 là 2,79%. Tuy vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn đạt được mục tiêu do Quốc hội đề ra là dưới 4%. Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến tốc độ tăng CPI trong năm vừa qua đến từ việc giá các mặt hàng lương thực tăng 4,51% và nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng tăng. Ngoài ra, Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 12,28%, tác động 2,61% vào đà tăng của CPI chung, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 57,23% do nguồn cung chưa được đảm bảo và ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung khiến cho diện tích rau màu ngập nặng, nhiều ao, hồ, chuồng, trại bị hư hỏng, cuốn trôi.... Mặt khác, lộ trình tăng học phí tiếp tục được thực hiện trong năm 2020 làm giá dịch vụ này tăng 4,32% so với năm 2019. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại các yếu tố góp phần làm giảm tốc độ tăng của chỉ số CPI. Đầu tiên là việc giá xăng, dầu trong nước chịu ảnh hưởng bởi biến động của giá nhiên liệu thế giới, làm giá mặt hàng này trong nước giảm 23,03%. Điều này giúp chỉ số CPI chung giảm 0,83%. Một yếu tố nữa góp phần làm giảm tốc độ tăng của chỉ số đến từ việc các cấp, các ngành tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường. Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân cũng góp phần giảm chỉ số CPI do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm giá của nhóm du lịch giảm 6,24% so với năm trước.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được Quốc hội thông qua; trong đó, đề ra mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát khoảng 4% được ưu tiên hàng đầu.
Hình 3.12: Chỉ số CPI (2007- 2020)
Nguồn: Tổng cục thống kê
Ở khía cạnh khác, lãi suất và dư nợ xấu của nền kinh tế có nhiều biến động. Trong đó, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, dư nợ xấu tăng cao. Giai đoạn từ cuối năm 2019 đến nay chứng kiến nhiều biến động lớn của thị trường, giai đoạn nhiều thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước trong ổn định thị trường, hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình trước tác động của đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành và mặt bằng lãi suất cho vay VND có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức từ 3 - 6%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 11-2020, cho thấy các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng với dư nợ 341.855 tỷ đồng. Bên cạnh đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 552.725 khách hàng với dư nợ 931.018 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1 đạt 2.017.761 tỷ đồng cho 356.385 khách hàng.
Tính đến thời điểm 21-12-2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,1%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,14%). Bên cạnh đó, một trong những nỗi lo lớn của ngành ngân hàng hiện nay là sự phình to của khối nợ xấu. Dù kết thúc quý 3-2020, nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương, nhưng các báo cáo về nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng năm nay chưa thể hiện đúng thực chất, bởi họ được phép không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Báo cáo mới nhất từ Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng được thống kê tại ngày 30-9-2020 là hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm, trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu
Tương tự như thị tường tài chính thì sự ổn định thị trường tiền tệ có tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán. Để tạo ra một TTTT ổn định thì ngân hàng trung ương sẽ áp dụng các chính sách tiền tệ như chính sách lãi suất, dự trữ bắt buộc, thị trường mở. Dưới đây sẽ là một số phân tích làm rõ góc độ liên quan đến mối quan hệ giữa TTTT và TTCK.
Tính đến hết năm 2020, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 60 nghìn tỷ đồng, gấp ba lần so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/12/2020.
(Đơn vị: Tỷ đồng)
Hình 3.13: Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại CTCK (2019-2020)
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính năm 2019 và quý IV/2020 của các CTCK (2019 - 2020)
Như vậy, một lượng lớn tiền đáng ra phải nằm trên thị TTTT thì được chuyển sang TTCK tăng mạnh trong cuối năm 2020, thể hiện ở số dư tiền của nhà đầu tư tại CTCK tăng vọt trong quý IV/2020. Giá trị khớp lệnh bình quân sàn HOSE trong quý IV/2020 đạt 8.715 tỷ đồng/phiên, tăng gần gấp đôi so với quý trước và tăng 175% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản quý IV/2020 cũng được ghi nhận là cao nhất lịch sử TTCK Việt Nam, vượt xa đỉnh trước đó vào quý I/2018 (6.295 tỷ đồng/phiên) (HOSE, 2015 - 2020).
(Đơn vị: Tỷ đồng)
Hình 3.14: Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HOSE qua các quý (2015-2020)
Nguồn: HOSE (2015 - 2020)
Nhìn vào diễn biến của đồ thị trên có thể thấy, trong năm 2020, TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong 3 quý đầu năm 2020. Đây cũng là giai đoạn TTTT khó khăn. Song khi đại dịch được kiểm soát tại Việt Nam thì giao dịch trên TTCK tăng trưởng mạnh trong quý IV/2020. Sự cải thiện thanh khoản trong quý IV/2020 không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền margin. Dư nợ cho vay của các CTCK đối với khách hàng, chủ yếu là cho vay margin, trên toàn thị trường tính tới cuối quý IV/2020 vào khoảng 90 nghìn tỷ đồng (~3,9 tỷ USD). Đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập đến cuối năm 2020. Trong số dư nợ 90 nghìn tỷ đồng kể trên có khoảng 81 nghìn tỷ đồng là dư nợ margin, còn lại là các khoản ứng trước tiền bán. Vốn chủ sở hữu của các CTCK đến hết năm 2020 đạt khoảng 87 nghìn tỷ đồng (HOSE, 2015 - 2020).
Tính riêng 20 CTCK lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối năm 2020 lên tới 81,265 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23,6 nghìn tỷ đồng (+41%) so với quý 3 và tăng 88% so với thời điểm thị trường tạo đáy tại vùng 660 điểm vào cuối quý I/2020 (HOSE, 2015 - 2020). Như vậy, dư nợ cho vay của các NHTM đối với nền kinh tế tăng trưởng chậm thì dư nợ cho vay tại các CTCK đối với khách hàng lại tăng đột biến trong quý IV/2020.
(Đơn vị: Tỷ đồng)
Hình 3.15: Dư nợ cho vay của 20 CTCK lớn nhất thị trường
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính năm 2019 và quý IV/2020 của các CTCK (2018 - 2020)
Dòng tiền margin từ các nhà đầu tư trong nước đã góp phần quan trọng giúp thị trường đứng vững trước áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong thời gian qua. Tiền margin từ các CTCK được xem là một luồng tiền quan trọng nâng đỡ thị trường trong mọi hoàn cảnh. Tổng hợp số liệu từ Báo cáo tài chính quý IV/2020 của 25 CTCK có dư nợ cho vay khách hàng (trong đó cho vay margin chiếm 95% tổng dư nợ) cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý IV/2020 đạt 85,762 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 57,4% so với đầu năm, tăng thêm 39,8% so với cuối quý III/2020 (CTCK, 2018 - 2020)
Hình 3.16: Tổng vay nợ của 25 CTCK
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính năm 2019 và quý IV/2020
Tổng vay nợ của 25 CTCK có số dư cho vay margin lớn trên thị trường đến cuối quý IV/2020 đã lên đến 84,977 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 48,9% so với hồi đầu năm. Nhưng số vay nợ ngân hàng phát sinh trong năm 2020 của 21 CTCK (không có VPS, VCSC, TVSI, VIX) lên đến 461,467 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD) (CTCK, 2018 - 2020).
Hình 3.17: Dư nợ cho vay khách hàng của 25 CTCK
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính năm 2019 và quý IV/2020
của các CTCK (2018 - 2020)
Nguồn tài trợ cho vay của các CTCK ngoài vốn chủ sở hữu phần còn lại đến chủ yếu từ nguồn vốn vay bao gồm: vay các ngân hàng, phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn. Cụ thể, tổng vay nợ của 25 CTCK nói trên đến hết năm 2020 lên đến 84,977 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 48,9% so với hồi đầu năm và tăng 24,9% so với cuối quý III/2020. Trong đó, vay ngắn hạn của các ngân hàng chiếm áp đảo, hơn 90% tổng vay nợ, tăng bình quân 65% trong năm 2020 và tăng 28,6% so với 3 tháng trước đó (CTCK, 2018 - 2020).
Dư nợ cho vay khách hàng của 25 CTCK lớn có tốc độ tăng nhanh hơn tổng vay nợ của các công ty nói trên trong năm 2020. Điều này đồng nghĩa, hoạt động vay margin của khách hàng trong quý IV/2020 đã tăng mạnh mẽ. Bởi trước đó, số liệu 9 tháng cho thấy tăng trưởng vay nợ của các CTCK nhanh hơn số dư cho vay khách hàng (CTCK, 2018 - 2020).