Giai đoạn sau khi áp dụng nghị quyết 50-NQ/TW (2018-nay)

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách thu hút FDI ở việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 62 - 67)

a. Xây dựng khung khổ pháp lý:

Trước diễn biến khó lường của kinh tế chính trị thế giới, cùng với nhu cầu rất cao về vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam nhận thức rất rõ việc phải nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư nước ngoài, ngăn chặn được các dự án xấu, các nhà đầu tư không thiện chí và phải loại bỏ các hạn chế, yếu kém của đầu tư nước ngoài, sử dụng các đòn bẩy chính sách để hướng đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về thu hút FDI. Điều này cho thấy vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nguồn lực bên ngoài đối với sự phát triển đất nước hiện nay và tính cấp bách của việc đề ra những chủ trương, chính sách mới để lãnh đạo, định hướng vấn đề này sau hơn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài.

Với mục tiêu tổng quát như sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Để hoàn thành những mục tiêu đó, Chính Phủ đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp sau: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài. (2)Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư. (3) Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư. (4) Hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư. (5) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. (6) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. (7) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đầu tư nước ngoài. Trong bảy nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu trên, cũng như từ thực trạng tồn tại các hạn chế, yếu kém của đầu tư nước ngoài đến nay, cho thấy trước mắt cần tập trung vào bốn nhiệm vụ và giải pháp thứ (2), (4), (6), (7) nêu trên. Bên cạnh đó, cần chú ý tuyên truyền, phổ biến một cách dễ hiểu, thiết thực về nội dung, ý nghĩa của Nghị quyết đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đến người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng và xã hội nói chung nhằm nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ và nhất quán về vị trí, vai trò của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam. Như vậy sẽ tăng cường được sự giám sát của xã hội đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, góp phần vào nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nước ngoài.

Với mục tiêu giai đoạn 2021-2025, vốn đăng ký khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/ năm); vốn thực hiện 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm). Thu hút FDI quý I chưa thể hiện được sự thay đổi về chất lượng theo định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký mới đạt 10,13 tỷ USD ,vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD. Số dự án lớn đầu tư vào công nghệ thông tin, công nghệ tương lai chưa nhiều, đáng kể nhất là Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) do Bắc Giang sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay vốn đăng ký 293 triệu USD và Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư 750 triệu USD; trong khi hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM chưa có dự án lớn về công nghệ cao và dịch vụ hiện đại.

b. Chính sách ưu đãi:

Trong Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020, hàng loạt ưu đãi và hỗ trợ mới được ấn định để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào một số loại dự án đầu tư được nhà nước khuyến khích:

Tăng quyền cổ đông: dỡ bỏ điều kiện về thâm niên của cổ đông, nhằm cho phép họ có thể tham gia vào hoạt động doanh nghiệp sau khi được ghi nhận tư cách cổ đông của mình.

Nới lỏng thời hạn góp vốn: tuyên bố thời gian thực hiện các công việc: vận chuyển, nhập khẩu và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản sẽ không bị tính vào thời hạn 90 ngày.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư…

Còn những ưu đãi về thuế, cụ thể là:

(i) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

(ii) Ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu, đất đai:

Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Trong Quyết định số 850/QĐ-TTg ban hành hồi tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Vào ngày 26/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Tại điều 100, nghị định số 31/2021/NĐ-CP có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan xúc tiến đầu tư:

(i) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng định hướng, chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư; hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổng hợp, xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.

(ii) Hướng dẫn thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về hoạt động xúc tiến

đầu tư.

(iii) Thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quy định.

(iv) Theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình xúc tiến đầu tư và giám sát kiểm tra hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.

(v) Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ việc đặt và cử đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư đối với đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.

(vi) Tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác xúc tiến đầu tư.

(vi) Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư.

d. Phát triển năng lực tiếp nhận đầu tư:

(i) Cơ sở hạ tầng:

Theo nghị quyết 52-NQ/TW ban hành ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Bộ Chính trị ban hành, các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu:

Triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Quy hoạch xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, dùng chung, tận dụng và khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng, an ninh năng lượng quốc gia. Nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước hết là hạ tầng năng lượng và giao thông.

Với giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo nghị quyết 52- NQ/TW chính sách phát triển nguồn nhân lực chủ yếu:

Rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo, đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số. Phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc.

Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam. Thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá số trong cộng đồng.

Theo lời kêu gọi của Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đó là không thu hút, hợp tác ở các lĩnh vực đang dư thừa công suất vì chiến tranh thương mại, dự án được thẩm lậu công nghệ từ nước khác sang hay ở một số lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, cảng biển, đường sắt,... và loại trừ các dự án liên quan tới vấn đề an ninh quốc phòng.

(ii) Năng lực quản lý nhà nước:

Vào ngày 26/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Tại điều 98, nghị định số 31/2021/ NĐ-CP có quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam:

Bộ KH&ĐT giúp chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Đầu tư và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định này và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 69 Luật Đầu tư và các nhiệm vụ, quyền hạn. Những nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại khoản 4 Điều 69 Luật Đầu tư và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Tóm lại, trong hơn 30 năm mở cửa thu hút FDI vào Việt Nam, các chính sách, các ưu đãi ngày càng được cải thiện, nâng cấp một cách khoa học, tiến bộ. Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương ngày càng có sự liên kết, đồng bộ để đưa ra các chính sách, chương trình xúc tiến thu hút FDI vào Việt Nam một cách chọn lọc và chất lượng.

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách thu hút FDI ở việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 62 - 67)

w