Hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư theo PCI đối với thu hút FD

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách thu hút FDI ở việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 69 - 75)

FDI

a. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu:

Mô hình và kết quả chạy số liệu được lấy từ Huỳnh Thị Thúy Giang, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân Hàng, số 228, đăng ngày 19/05/2021. “Mối quan hệ giữa chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương Việt Nam”

Mô hình ước lượng để xác định mối quan hệ giữa các chỉ số thành phần của PCI và thu hút FDI vào các địa phương Việt Nam được xác định như sau:

Log(FDI)i,t = β 0 + β1gntt i,t-k+ β2tcdd i,t-k + β3tmb i,t-k + β4cptg i,t-k + β5cpkct i,t-k + β6ctbd i,t-k + β7tndi i,t-k + β8dvhtdn i,t-k + β9dtld i,t-k + β10 tcplan i,t-k + U i,t-k

Trong đó:

(1) gntt: Gia nhập thị trường (2) tcdd: Tiếp cận đất đai (3) tmb: Tính minh bạch (4) cptg: Chi phí thời gian (5) cpkct: Chi phí không chính thức (6) ctbđ: Cạnh tranh bình đẳng (7) tnd: Tính năng động của lãnh đạo tỉnh (8) dvhtdn: Dịch vụ hỗ trợ DN (9) dtld: đào tạo lao động (10) tcplan: thiết chế pháp lý và an ninh.

i: lần lượt các địa phương trong cả nước (i = 1,2…63) t: năm quan sát (t=2013, 2014….2019)

k: độ trễ trong thời gian quan sát (k=0,1,2)

Log: được lấy cho biến FDI để giảm độ biến thiên của dữ liệu.

Với mô hình nghiên cứu được xác định, giả thuyết nghiên cứu được đặt ra là các chỉ số thành phần PCI đều có tác động cùng chiều lên dòng vốn FDI thu hút vào các địa phương.

b. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu: * Phương pháp nghiên cứu và tiếp cận:

Với dữ liệu bảng (data panel) được sử dụng trong nghiên cứu, các quan sát có sự thay đổi theo cả thời gian và không gian, phương pháp ước lượng hiệu ứng cố định (FEM) và hiệu ứng ngẫu nhiên (REM) đối với các nghiên cứu định lượng sử dụng dữ liệu bảng thường được đề xuất (Khachoo, 2012; Shahriar & cộng sự, 2019). Mô hình ước lượng theo FEM sẽ loại bỏ những biến có giá trị không thay đổi theo thời gian và thực hiện trong điều kiện có sự tương quan giữa các yếu tố cố định với phần dư. Mô hình ước lượng theo REM giả định rằng không có sự tương quan giữa biến độc lập và phần dư, tức là tồn tại các ngẫu nhiên (Khachoo, 2012). Nghiên cứu chạy mô hình hồi quy đa biến với dữ liệu bảng trên chương trình Stata với các ước lượng REM và FEM để lựa chọn mô hình ước lượng phù hợp. Cách thức tiếp cận để thực nghiên cứu như sau:

Ước lượng mô hình với kiểm định hausman để lựa chọn phương pháp ước lượng phù hợp giữa REM và FEM, thực hiện các kiểm định kinh tế lượng để lượng hóa mức độ tác động của các yếu tố là chỉ số thành phần PCI tác động lên thu hút FDI vào các địa phương trong cả nước.

Trong quá trình ước lượng, lấy độ trễ đối với các biến độc lập (lấy độ trễ lần lượt là k = 1, k = 2) do tác động trễ của các yếu tố độc lập lên yếu tố phụ thuộc. Nghĩa là quan sát dữ liệu biến phụ thuộc là thu hút FDI trong năm t sẽ được ước lượng tương ứng với quan sát dữ liệu của các biến độc lập là chỉ số thành phần PCI trong những năm trước đó, lần lượt là 1 năm và 2 năm.

* Dữ liệu nghiên cứu:

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng với thời gian nghiên cứu từ năm 2013 đến năm 2019 và không gian nghiên cứu là 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam. Thời gian nghiên cứu được chọn từ năm 2013 là do kể từ năm 2013, bộ chỉ số thành phần của PCI ổn định với 10 chỉ số thành phần.

Dữ liệu nghiên cứu cho biến phụ thuộc trong mô hình là nguồn vốn đăng ký FDI vào các địa phương qua các năm (được tính bằng triệu USD). Dữ liệu cho các biến độc lập trong mô hình là điểm số của các chỉ số thành phần PCI qua các năm. Các chỉ số thành phần có giá trị đo lường biến thiên từ 1 đến 10, thể hiện sự đánh giá của doanh nghiệp lên quá trình điều hành của địa phương trong mảng công việc liên quan đến các chỉ số thành phần. Đối với ước lượng không có độ trễ (k=0), số quan sát được sử dụng để ước lượng là 441 (63 địa phương x 7 năm). Với ước lượng có độ trễ bằng 1 (k=1), dữ liệu quan sát cho biến phụ thuộc FDI lấy từ năm 2014 đến 2019, trong khi dữ liệu cho các biến phụ thuộc lấy tương ứng từ năm 2013 đến 2018, do đó số quan sát được sử dụng để ước lượng trong trường hợp này là 378 (63 địa phương x 6 năm). Tương tự, với ước lượng có độ trễ bằng 2 (k=2), dữ liệu quan sát cho biến phụ thuộc FDI lấy từ năm 2015 đến 2019, trong khi dữ liệu cho các biến phụ thuộc lấy tương ứng từ năm 2013 đến 2017, do đó số quan sát được sử dụng để ước lượng trong trường hợp này là 315 (63 địa phương x 5 năm).

Nguồn dữ liệu nghiên cứu được lấy từ các nguồn đáng tin cậy: số liệu FDI đăng ký được lấy từ Tổng cục Thống kê và số liệu về các chỉ số thành phần PCI được lấy từ báo cáo PCI chính thức hàng năm được công bố bởi VCCI.

c. Kết quả nghiên cứu:

Với mô hình nghiên cứu được xác định, mục đích nghiên cứu cứu là xác định và đo lường mức độ tác động của các yếu tố là các chỉ số thành phần PCI (10 chỉ số ổn định từ năm 2013 đến năm 2019) lên thu hút FDI vào các địa phương. Kết quả ước lượng với kiểm định Hausman cho thấy ước lượng theo REM sẽ tối ưu hơn FEM. Ước lượng cũng được thực hiện với độ trễ do tác động trễ về thời gian của các biến độc lập lên thu hút FDI.

Ước lượng lần 1 cho thấy 05 biến gntt (gia nhập thị trường), tmb (tính minh bạch), cpkct (chi phí không chính thức), dtld (đào tạo lao động) và tcplan (thiết chế pháp lý an ninh) không có ý nghĩa trong mô hình. Trong số đó, biến tmb (tính minh bạch) và cpkct (chi phí không chính thức) lần lượt có hệ số đa cộng tuyến (VIF) rất cao. Tiến hành loại bỏ biến tmb (tính minh bạch) ra khỏi mô hình để kiểm tra tác động đa cộng tuyến tới các biến khác. Kết quả cho thấy trong số 4 biến không có ý nghĩa còn lại thì biến cpkct (chi phí không chính thức) lại có ý nghĩa giải thích trong mô hình và hệ số VIF trong giới hạn cho phép. Điều này cho thấy tính minh bạch có tác động đáng kể đến các chi phí

không chính thức mà doanh nghiệp phải trả để đầu tư sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Hệ số R bình phương hiệu chỉnh ở mức không quá cao là do không đưa thêm các biến kiểm soát vào mô hình vì số biến giải thích đã tương đối nhiều, tránh đưa thêm nhiều biến làm giảm bậc tự do khi ước lượng. Tuy nhiên kiểm định F hoàn toàn thỏa mãn với hệ số P = 0.000. Điều này cho thấy, với độ trễ bằng 1, các biến độc lập đã giải thích được 38% sự thay đổi trong thu hút FDI vào các địa phương và với độ trễ bằng 2, các các biến độc lập đã giải thích được 37% sự thay đổi trong đầu tư FDI vào các địa phương.

Kết quả chạy mô hình như sau:

Hình 2-2: Kết quả ước lượng với 63 tỉnh thành (loại biến tính minh bạch)

Nguồn: Huỳnh Thị Thùy Trang (Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng) Cụ thể, các phát hiện từ kết quả nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, với mô hình ước lượng không có độ trễ, hầu như các chỉ số thành phần của PCI đều không có ý nghĩa giải thích lên sự thay đổi vốn đầu tư FDI vào các địa phương. Điều này cho cho thấy, sự điều hành tốt hay xấu của địa phương cần một thời gian dài hơn (trong một hoặc hai năm sau đó) để phát huy tác dụng trong thu hút FDI.

Thứ hai, khả năng tiếp cận đất đai (biến tcdd) có tác động dương và lớn nhất đến việc thu hút đầu tư FDI vào các địa phương. Tại các độ trễ càng lớn thì tác động của yếu tố này đến thu hút đầu tư càng lớn. Đối với các doanh

nghiệp FDI, việc tiếp cận đất đai, ổn định trong sử dụng đất và các giao dịch về đất đai thuận lợi luôn là bài toán quan trọng nhất cần giải quyết để triển khai đầu tư. Đây cũng được xác định là nút thắt quan trọng nhất cần tháo gỡ để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ ba, chi phí thời gian (biến cptg) và chi phí không chính thức (biến cpkct) có tác động dương và đáng kể đến việc thu hút FDI vào các địa phương. Chi phí thời gian liên quan đến thủ tục hành chính và công tác thanh kiểm tra của cơ quan công quyền, trong khi chi phí không chính thức liên quan đến các khoản chi phí bôi trơn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và chi phí lớn để đầu tư dự án. Quá trình cải cách hành chính mạnh mẽ của các địa phương trong thời gian qua đã có tác động đáng kể đến quyết định của các nhà đầu tư.

Thứ tư, tính năng động của lãnh đạo (biến tnd) và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (biến dvhtdn) có tác động dương và tương đối đến thu hút dòng vốn FDI vào các địa phương. Đặc biệt là tiêu chí về sự năng động của lãnh đạo địa phương có ý nghĩa tác động ngay từ ước lượng với độ trễ bằng 0. Đây là kết quả thu được nhờ quyết liệt và chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo một số địa phương trong tháo gỡ những khó khăn để thu hút các dự án FDI.

Thứ năm, cạnh tranh bình đẳng (biến ctbd) có tác động dương nhưng không đáng kể đến thu hút dòng vốn FDI đăng ký vào các địa phương. Tiêu chí cạnh tranh bình đẳng cũng được đưa vào bộ tiêu chí PCI từ năm 2013 liên quan đến mức độ chính quyền địa phương ưu ái hơn cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp sân sau.

Thứ sáu, các tiêu chí chi phí gia nhập thị trường (gntt), đào tạo lao động (dtld), thiết chế pháp lý và an ninh (biến tcplan) không có ý nghĩa tác động đến thu hút nguồn vốn FDI đăng ký vào các địa phương tại cả 3 mô hình. Đối với các doanh nghiệp FDI, đa phần là sản xuất cho xuất khẩu nên khá dễ dàng trong việc lý giải chi phí gia nhập thị trường không có ý nghĩa tác động đến quyết định đầu tư của họ. Bên cạnh đó, lao động cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là nguồn lao động giá rẻ, đa phần lao động được đào tạo lại để phù hợp với dây chuyền sản xuất đặc thù, do đó việc đào tạo lao động của địa phương hầu như không có tác động đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư FDI. Tình hình quốc phòng an ninh của hầu hết các địa phương trong cả nước trong thời gian qua được giữ vững, hầu như không đáng lo ngại để các doanh nghiệp FDI cân nhắc khi quyết định đầu tư.

Từ kết quả trên, chúng ta có thể gợi ý một số giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư theo khung khổ PCI đối với FDI như sau:

(i) Gia nhập thị trường: Cần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, tăng cường cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập và tăng cường hỗ trợ đặc biệt là hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp FDI mới.

(ii) Chi phí không chính thức: Cần minh bạch hóa các thủ tục hành chính cũng như các chi phí chính thức doanh nghiệp phải chi trả để giảm bớt tính bất ổn định trong chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. (iii) Tiếp cận đất đai: Cần có cơ chế để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đất đai và doanh nghiệp cảm thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt bằng kinh doanh.

(iv) Tính minh bạch: Tăng cường khả năng tiếp cận một cách công bằng các kế hoạch, quy hoạch, chính sách của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Các chính sách và quy định mới cần được tham khảo ý kiến của doanh nghiệp. Nâng cao vai trò cung cấp thông tin của trang web tỉnh đối với doanh nghiệp.

(v) Chi phí thời gian: Cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

(vi) Tính năng động của lãnh đạo tỉnh: Tăng cường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương, cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

(vii) Thể chế pháp luật: Cần tuyên truyền và thể hiện bằng các hành động thiết thực để doanh nghiệp tư nhân đặt lòng tin vào hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, xem đây là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi doanh nghiệp có thể khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương.

(viii) Hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động: Việc cải cách thể chế phải xác định rõ các cơ sở nền tảng, từ đó có những thay đổi cụ thể cho các quy định. Chú trọng đầu tư, đẩy mạnh khâu giáo dục đào tạo, có định hướng rõ ràng về các nguồn tri thức mũi nhọn trong các ngành công nghệ cao, các ngành áp dụng những kỹ năng kinh doanh, quản lý tiên tiến như tài chính - ngân hàng, quản trị khách sạn và du lịch để đẩy mạnh quá trình tuyển dụng đội ngũ lao động Việt

Nam tri thức này của khu vực FDI, từ đó thúc đẩy được khâu đào tạo lao động tại chỗ của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như hiệu ứng khuếch tán chất lượng nhân lực của FDI cho nước ta.

Qua thực tiễn có thể thấy một số tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhưng khả năng thu hút FDI lại rất thấp ví dụ như các thành phố: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Quảng Nam, Bến Tre… Nguyên do là có rất nhiều dự án có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đăng ký đầu tư; các dự án có quy mô lớn, đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ nguồn và công nghệ phụ trợ còn hạn chế. Sự chuyển giao công nghệ nguồn của các dự án FDI chưa cao, tác động lan tỏa và khả năng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và địa phương còn thấp. Một số tỉnh, thành phố chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch. Việc lựa chọn này phần nào cũng làm giảm bớt cơ hội thu hút vốn FDI vào các thành phố này. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu và thiếu một số kỹ năng mềm, ngoại ngữ nên ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư vào thành phố. Vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả hơn khi đã có những tiềm năng nhất định để phát triển thu hút vốn FDI.

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách thu hút FDI ở việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 69 - 75)

w