Vào thời điểm đầu năm 2020, nhiều đánh giá quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế có được từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, củng cố vị thế quốc gia như một trong những “công xưởng” của thế giới và có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 7% (VOA News 2020). Thực vậy, Việt Nam đã trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu cho chiến lược “Trung Quốc +1” của các nhà đầu tư; các tranh chấp thương mại gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Đại dịch Covid-19 phần nào đã làm đình trệ tiến trình này, khiến tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam chỉ còn 2,9%. Đại dịch Covid-19 xảy ra đã tạo nên một khoảng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới nói chung, dù vậy Việt Nam vẫn thu hút được một lượng đáng kể vốn FDI trong năm 2020. Tính đến cuối tháng 12 năm 2020, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam là 28,5 tỷ USD, bằng 75% so với năm 2019. Vốn đầu tư thực hiện năm 2020 đạt gần 20 tỷ USD, tương đương mức cùng kỳ năm trước (Cục đầu tư nước ngoài 2021). Kết quả ấn tượng
của Việt Nam trong ứng phó, kiềm chế dịch bệnh cũng đã góp phần tăng sức hút của Việt Nam như điểm đến cho đầu tư nước ngoài.
Hơn hết vào đầu năm 2020 khi Covid 19 xảy ra, cả thế giới đặc biệt các tập đoàn lớn bỗng choàng tỉnh bởi bấy lâu nay họ đã phụ thuộc quá lớn vào một thị trường hay một quốc qia nào đó như Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Covid 19 đến như một phép thử và bắt buộc phải có làn sóng dịch chuyển mới nên Việt Nam là một trong những địa điểm được ưu tiên lựa chọn, mang đến nhiều hơn các cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, khó có thể đạt được như thời điểm trước khi có Covid-19 nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì những gì Việt Nam đạt được đã tốt hơn nhiều quốc gia khác và điều này thể hiện sức hấp dẫn của cái tên Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Khi sóng Covid-19 được chặn, thì sóng đầu tư sẽ vào. Điều đáng mừng là, làn sóng này đang mang tới những nhà đầu tư có chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như Apple (Airpords), Pegatron (linh kiện điện tử), Foxconn (Smart TV), Intel (Chip),…
Trong 3 tháng đầu năm 2021, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm đã được cải thiện. Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/2/2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án FDI ở Việt Nam ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù tổng vốn FDI vào Việt Nam có sự sụt giảm song Việt Nam vẫn thu hút được một số siêu dự án vào đầu năm 2021, đặc biệt nổi bật như:
Hải Phòng: Dự án LG Display Hải Phòng với số vốn đầu tư 750 triệu USD. Tổng đầu tư tích lũy của LG Display tại Việt Nam đã lên đến 3,25 tỷ USD.
Bắc Giang: 4 dự án lớn gồm dự án nhà máy Fukang Technology - 270 triệu USD; Dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV VN - 210 triệu
USD; Dự án nhà máy Risesun New Material VN - 75 triệu USD và Dự án nhà máy Kodi New Material VN - 6 triệu USD)
Quảng Ninh: Dự án nhà máy Lioncore Việt Nam - 30 triệu USD
Đồng Nai: Thu hút 11 dự án FDI trong 13 ngày đầu năm, với tổng số vốn hơn 226 triệu USD, cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua.