Nhu cầu vốn cho xoá đói giảm nghèo là rất lớn trong điều kiện hộ nghèo ngày càng gia tăng như hiện nay. Nếu ngân hàng không đủ vốn cung ứng đến hộ nghèo cần vốn thì ngân hàng không thể mở rộng cho vay đến đúng đối tượng cần vốn mà sẽ xảy ra tình trạng cho vay bình quân không tính đến nhu cầu vốn thực sự, hay hộ chỉ được vay một lần.
Vốn cho hộ nghèo vay bao gồm cả hai dạng là vốn ngắn hạn và vốn trung, dài hạn. Trong giai đoạn đầu của xoá đói giảm nghèo, để lựa chọn được đúng đối tượng là hộ nghèo cần vay vốn và do hộ nghèo chưa có đủ khả năng sử dụng vốn dài hạn với khối lượng lớn nên ngân hàng chỉ cho vay món nhỏ và thời hạn ngắn. Tuy nhiên, vốn trung và dài hạn đóng vai trò quyết định, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hộ nghèo cần vốn trung và dài hạn để đầu tư chuyển đổi cơ cấu, mua sắm máy móc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
NHCS là một ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng là công cụ thực hiện sự nghiệp xoá đói giảm nghèo, sự tồn tại của nó không phải ngày một ngày hai mà nó phải hoạt động chừng nào người
nghèo vẫn chưa thể tiếp cận với các nguồn vốn thương mại khác. Nếu NHCS chỉ tiếp cận các nguồn vốn từ NSNN, từ các chương trình của Chính phủ, địa phương thì việc đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo sẽ vô cùng khó khăn, sự tồn tại của ngân hàng trở thành gáng nặng cho Nhà nước. Trên thực tế, rất ít NHCS chỉ trông chờ vào những nguồn vốn này mà phải huy động các nguồn khác trên thị trường. Để huy động được vốn trên thị trường đòi hỏi ngân hàng phải chuẩn bị kỹ về mạng lưới huy động, phương thức huy động, xác định thời điểm huy động thích hợp, công tác tuyên truyền, uy tín của ngân hàng, phương tiện và trụ sở, kinh nghiệm…
Một quan điểm được chấp nhận rộng rãi hiện nay vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo là thương mại hoá mọi nguồn vốn cho xoá đói giảm nghèo. Điều này sẽ dẫn đến triệt tiêu dần tư tưởng và phương thức bao cấp vốn qua kênh NSNN và qua các tổ chức, cá nhân theo con đường “từ thiện cứu rỗi” đối với hộ nghèo. Bản thân việc cấp phát, cho vay theo lãi suất ưu đãi đã làm giảm đi đáng kể việc tái tạo nguồn vốn đủ để hộ nghèo bước qua ngưỡng cửa đói nghèo. Thương mại hoá vốn cho vay đối với hộ nghèo tức là đã thực hiện phương châm “cho cần câu hơn cho xâu cá” trong việc giúp người nghèo thoát khỏi đói nghèo.