THỰC TRẠNG MỞ RỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO Ở NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VIỆT NAM.
2.2.2. Nhu cầu về vốn của các hộ nghèo ở Việt Nam:
Vấn đề về thiếu vốn nổi lên như một trở ngại trên con đường duy trì cuộc sống và phát triển sản xuất của người nghèo ở Việt Nam.
Một thực tế chứng minh cho tính chất cấp thiết trong nhu cầu vốn của hộ nghèo là do tính chất dễ bị tổn thương của người nghèo. Các cuộc điều tra về mức sống dân cư cho thấy tồn tại mối quan hệ giữa nghèo đói, nguy cơ dễ bị tổn thương và sự phụ thuộc vào các nguồn thu nhập không ổn định của những hộ nghèo. Chẳng hạn những hộ ở nông thôn chỉ sống dựa vào một số hoạt động nông nghiệp hạn chế (chăn nuôi và trồng trọt) được coi là dễ bị tổn thương nhất. Những
hộ không có đất trồng trọt phải đi làm dễ bị tổn thương vì nhu cầu thuê mướn lao động rất thất thường và theo thời vụ. Thậm chí có hộ vốn khá giả nhưng trong gia đình có người bị ốm nặng hay chủ gia đình mất việc thì cũng lâm vào tình trạng nghèo đói rất nhanh...Đứng trước những đột biến trong cuộc sống, chiến lược đối phó của các hộ được sắp xếp theo thứ tự: đầu tiên là vay tiền và lương thực, tiếp theo là giảm chi tiêu, đi làm công ăn lương, bán tài sản và cuối cùng là các biện pháp tuyệt vọng như bán máu, bán phụ nữ làm dâu và bán con làm con nuôi. Trong đó vay tiền và vay lương thực là một trong những chiến lược được nhắc đến nhiều nhất và được đề cập đến tất cả các địa bàn nghiên cứu. Hộ tìm mọi cách để có tiền trang trải cho các chi phí trước mắt và duy trì cuộc sống của gia đình: thế chấp đất đai hoặc nhà cửa, vay từ họ hàng hoặc hàng xóm, mua chịu thức ăn, con giống, vay nặng lãi…Hiện nay cũng có nhiều hộ nghèo ngày càng bị mắc vào vòng nợ nần luẩn quẩn. Họ vay để giải quyết khủng hoảng trước mắt nhưng khoản nợ này lại làm tăng đáng kể khoản chi tiêu của hộ đó vì lãi suất cao. Họ không có khả năng tăng thu nhập để thanh toán nợ và phải vay các khoản nợ khác để trả cho khoản nợ đầu. Điều này, tất nhiên, sẽ dẫn đến một món nợ lớn hơn với mức lãi suất cao. Trong một vài trường hợp, vay nợ được nhắc đến như là một nguyên nhân của nghèo đói và một vài hộ rất miễn cưỡng đi vay vì họ sợ không trả được nợ.
Vốn cũng là một yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất tạo thu nhập để duy trì cuộc sống gia đình, phải có vốn mới có thể xây dựng các nhà xưởng, chuồng trại, mua thiết bị, trâu bò, thiết bị tưới tiêu, cây con giống và phân bón...Vốn được coi là công cụ chủ chốt nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo: thu nhập thấp - tiết kiệm ít - sản lượng thấp, đặc biệt là ở vùng nông thôn nơi mà chủ yếu là những người nông dân có thu nhập thấp.
Trong số hộ nghèo ở nông thôn và thành thị thì khả năng tiếp cận đến vốn từ khu vực tài chính chính thức của các hộ ở thành thị cao hơn so với các hộ ở nông thôn. Theo thống kê đến cuối năm 2001, ở Việt Nam có 6,7 triệu hộ nông dân nghèo, trong đó 27% có khả năng tiếp cận với dịch vụ của NHNo, khoảng 9% có thể vay vốn của Ngân hàng Phục vụ Người nghèo, Quỹ tín dụng Nhân Dân là 4%, các ngân hàng cổ phần nông thôn 0,08%, và các chương trình tín dụng do các
tổ chức xã hội thực hiện là 3%. Số còn lại hoặc vay vốn từ các nguồn phi chính thức; hoặc không thể tiếp cận với bất cứ nguồn nào; hoặc không có nhu cầu về vốn… Nhu cầu về vốn của hộ nghèo là thường xuyên và lâu dài nhưng khả năng tiếp cận đến các nguồn vốn chính thức của hộ nghèo rất hạn chế do một số nguyên nhân truyền thống ở cả hai phía hộ nghèo và ngân hàng:
Từ phía ngân hàng:
(i) Những nguyên tắc tín dụng khắt khe của các ngân hàng về thủ tục và tài sản thế chấp. Để vay vốn từ NHNo hay Quỹ Hỗ trợ phát triển thì hộ nghèo phải tuân thủ theo đầy đủ các nguyên tắc tín dụng như: cam kết hoàn trả gốc và lãi vay với thời hạn xác định, cam kết sử dụng vốn đúng mục đích và dùng vốn vào phương án hiệu quả. Thêm nữa là quy trình thẩm định phức tạp, yêu cầu bắt buộc đối với tài sản thế chấp nên rất khó để được vay một khoản vốn.
(ii) Thiếu sự giám sát và hỗ trợ về phương án sử dụng vốn vay từ phía ngân hàng. Hộ nghèo thường không có khả năng dự đoán về nhu cầu thị trường cũng như tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, họ lại thường tập trung ở các vùng sâu, xa, cơ sở hạ tầng thấp kém nên họ không biết nên dùng vốn vào sản xuất hàng hóa gì, trồng cây gì và nuôi con gì cho có hiệu quả.
(iii) Cán bộ tín dụng quá tải về công việc do nhu cầu vốn vay quá lớn. Số lượng hộ nghèo ngày càng gia tăng, nhiều địa phương chưa có quan hệ vay vốn với ngân hàng, đặc biệt tại các xã thuộc vùng xa, dân trí thấp, hạ tầng cơ sở yếu kém… Trong khi đó ngân hàng lại thiếu cơ chế khuyến khích cán bộ tín dụng cho vay hộ nghèo ở các vùng sâu, xa, điều kiện và phương tiện làm việc khó khăn.
Từ phía hộ nghèo:
(i) Không biết sự tồn tại của ngân hàng ở địa phương do không có các phương tiện thông tin đại chúng; cảm thấy ngân hàng quá xa lạ đối với mình. Tại nhiều địa phương, nơi mà hộ nghèo có thể vay vốn dễ dàng khi cần thiết là từ những người cho vay nặng lãi vì những người cho vay tư nhân có thể cho vay bất kỳ ai, vào bất kỳ thời điểm nào dù người vay vốn là người nghèo hay khá giả; hoàn trả vốn vay thường bằng tiền mặt song các hình thức khác như lúa, gạo, trâu bò, đồ đạc, vàng bạc... cũng được chấp nhận để thanh toán. Theo Điều tra về tiêu chuẩn cuộc sống
tại Việt nam năm 1993 do WB tài trợ cho thấy khoảng 59% số hộ được phỏng vấn trên toàn quốc trả lời rằng họ có vay mượn, và 70% tổng số món vay được vung cấp bởi khu vực không chính thức.
(ii) Điều kiện khó khăn của hệ thống đường giao thông nông thôn đã gây cản trở dân tại các làng xã trong việc tiếp cận nguồn tín dụng tại các ngân hàng. Có nhiều làng xã mà người ta thậm chí không thể sử dụng xe đạp hoặc xe máy để vào làng vào mùa mưa được. Do vậy, để vay ngân hàng thì họ phải đi một chặng đường xa, thường là lên thị xã hoặc thành phố thì những người cho vay tư nhân lại có ở ngay địa phương, tại một làng thường có 2 đến 3 người cho cung cấp dịch vụ cho vay tư nhân thường xuyên và từ 5 đến 10 người cung cấp dịch vụ này mang tính thời vụ…
(iii) Chi phí vốn vay cao: Có quan điểm cho rằng các lĩnh vực sử dụng vốn của hộ nghèo chứa đựng nhiều rủi ro, tồn tại tư tưởng cho rằng hộ nghèo vay vốn không có khả năng trả nợ. Hoạt động cho vay khi đồng vốn ra khỏi ngân hàng là đã tiềm ẩn rủi ro. Cho vay các đối tượng khác mà việc sử dụng vốn vay không hiệu quả thì có thể tịch thu tài sản thế chấp, yêu cầu bảo lãnh của bên thứ ba hoặc phát mại tài sản khác để trả nợ. Song, cho vay đối với hộ nghèo là cho vay không có tài sản thế chấp, hơn nữa, tài sản của bản thân gia đình họ cũng không có gì, vốn vay nhiều khi sử dụng để tiêu dùng nuôi sống gia đình trước rồi mới tính đến sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, lĩnh vực sử dụng vốn đơn điệu (nông nghiệp, buôn bán nhỏ), hộ nghèo thiếu kinh nghiệm sản xuất nên thất bại trong làm ăn khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy hộ nghèo vay vốn hoàn toàn có khả năng trả nợ nếu lựa chọn đúng hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để thoát nghèo và có sự giúp đỡ của ngân hàng trong sử dụng vốn có hiệu quả.
Hạn chế về khả năng tiếp cận các nguồn lực, trong đó có có khả năng tiếp cận về vốn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng nghèo đói ở Việt Nam. NHCSXH Việt nam đã được thành lập để cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Liệu NHCSXH đã đáp ứng được những nhu cầu trên chưa và sự phục vụ của ngân hàng đến mức nào?