Chính sách huy động tiết kiệm của ngân hàng đối với hộ nghèo:

Một phần của tài liệu Mở rộng cho vay đối với hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt nam (Trang 36 - 38)

Tiết kiệm, xét trên khía cạnh NHCS huy động tiết kiệm nói chung và huy động từ chính hộ nghèo vay vốn nói riêng cũng là một yếu tố quan trọng mà ngân hàng cần xem xét. Nếu NHCS có thể tăng các tài khoản tiết kiệm của hộ nghèo tại ngân hàng thì có thể (i) gia tăng vốn cho vay (ii) tiếp cận được thông tin về hộ nghèo vay vốn và (iii) nâng cao trách nhiệm của hộ nghèo đối với vốn vay. Qua đó, quá trình mở rộng cho vay của ngân hàng đối với hộ nghèo sẽ an toàn hơn, nhất là trong điều kiện cho vay hộ nghèo không cần tài sản thế chấp như hiện nay.

Quan điểm cổ điển cho rằng hộ nghèo không có khả năng tiết kiệm. Nhận định rằng hộ nghèo không có khả năng tiết kiệm, và không hưởng ứng những khuyến khích hoặc cơ hội để tiết kiệm là không đúng. Trên thực tế, họ vẫn có thể tiết kiệm và đầu tư mặc dù hình thức tiết kiệm và đầu tư của họ không cần thiết dưới dạng có tính lỏng cao (bằng tiền mặt), mà bằng hình thức tài sản có thể tạo được thu nhập khá hơn và chống được rủi ro lạm phát. Nhiều cuộc nghiên cứu

thực tế đã tiến hành ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ chứng minh rằng nông dân sản xuất nhỏ có khả năng tiết kiệm lớn với mức lãi suất thực tế dương. Ở Việt Nam tiết kiệm chiếm khoảng 10% tổng thu nhập. Trên thực tế, người nghèo ở nông thôn hơn bất kỳ đối tượng nào khác phải có dự trữ tiền mặt để đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp.

Tiết kiệm của người nghèo tạo ra nhiều lợi thế cho cả người tiết kiệm và ngân hàng. Vốn cho sản xuất bao gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu có tác dụng hạn chế các hoạt động tiêu dùng phi sản xuất, tăng khả năng thương lượng khi vay vốn của hộ nghèo trên thị trường. Đối với ngân hàng, tiết kiệm làm tăng vốn có thể sử dụng để cho vay, giảm sự phụ thuộc vào vốn từ NSNN hoặc từ các nhà tài trợ. Thông qua huy động tiết kiệm, ngân hàng đến được với số đông người nghèo (so với chỉ thực hiện cho vay), điều này đến lượt nó giúp cho ngân hàng biết rõ hơn nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng, đặc điểm và thói quen của hộ nghèo.

Thu nhập của hộ nghèo có thể không đều đặn hoặc khả năng của họ có thể chỉ tiết kiệm những khoản nhỏ mỗi lần nhưng thực tế vẫn cho thấy rằng họ có thể và họ thực sự tiết kiệm. Những gì cần thiết là chính sách phù hợp để thúc đẩy hộ nghèo tham gia vào tiết kiệm tự nguyện một cách thường xuyên, thưởng cho họ một cách thoả đáng và làm cho họ tin tưởng để gưit tiết kiệm. Những yếu tố tạo khả năng tiết kiệm liên quan đến ổn định và tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng và các cơ hội đầu tư…cũng phải được cân nhắc khi xây dựng chính sách huy động tiết kiệm của ngân hàng. Một biện pháp để tăng cường huy động tiết kiệm, đặc biệt ở nông thôn là đặt các chi nhánh ngân hàng gần các khu dân cư, tăng số giờ hoạt động để khách hàng có thể tiếp cận tới tiền gửi dễ dàng, sắp xếp hợp lý các quy định và các thủ tục (công việc giấy tờ, các khoản phí, các công cụ tiết kiệm đa dạng và linh hoạt …). Có ba điều kiện mà ngân hàng phải cân nhắc khi huy động tiết kiệm tự nguyện là:

- Môi trường hoạt động thuận lợi, bao gồm khung pháp lý và các quy định, mức độ ổn định chính trị và điều kiện địa lý thích hợp;

- Khả năng giám sát đầy đủ và hiệu quả để bảo vệ cho người gửi tiền; - Khả năng thanh khoản của ngân hàng tốt.

Một phần của tài liệu Mở rộng cho vay đối với hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt nam (Trang 36 - 38)