THỰC TRẠNG MỞ RỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO Ở NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VIỆT NAM.
2.2.3. Hoạt động cho vay đối với hộ nghèo của NHCSXH Việt nam:
NHCSXH mặc dù phục vụ nhiều đối tượng chính sách khác nhau, song cho vay đối với hộ nghèo là hoạt động chủ yếu của ngân hàng. Mục tiêu của NHCSXH trong cho vay đối với hộ nghèo nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Đồng thời, ngân hàng không chỉ cho vay hộ nghèo ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà còn mở rộng cho vay cả trong lĩnh vực tiêu dùng.
Là một trung gian tài chính nên hoạt động cho vay của NHCSXH vẫn phải đảm bảo những nguyên tắc tín dụng cơ bản, đó là (i) hộ nghèo vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích và (ii) hoàn trả gốc và lãi vay đúng thời hạn thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng. Tuy vậy, do đối tượng phục vụ của ngân hàng là hộ nghèo nên trong chính sách tín dụng của ngân hàng có nhiều khác biệt so với các NHTM khác. Cụ thể:
Về phương thức cho vay:
Để vốn của NHCSXH đến tay hộ nghèo có hai phương thức là trực tiếp và qua ủy thác, trong đó phương thức ủy thác là chủ yếu. Dù thực hiện phương thức cho vay trực tiếp hay qua ủy thác thì tại địa phương đều phải thiết lập Tổ tiết kiệm và vay vốn như NHNg trước đây.
Uỷ thác được hiểu là việc bên uỷ thác (NHCSXH) giao vốn cho bên nhận uỷ thác thông qua Hợp đồng uỷ thác cho vay để bên nhận ủy thác trực tiếp cho vay đến các đối tượng khách hàng và nhận phí uỷ thác. Hiện NHCSXH đang thực hiện hai hình thức uỷ thác:
Thứ nhất, uỷ thác toàn phần: là việc NHCSXH uỷ thác toàn bộ quy trình cho vay từ khâu tiếp nhận hồ sơ xin vay vốn của khách hàng, thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn, thẩm định, xét duyệt cho vay, giải ngân, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc khách hàng trả nợ và thực hiện việc thu nợ (gốc, lãi), hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro (nếu có) và các nghiệp vụ khác liên quan đến uỷ thác cho vay cho bên nhận ủy thác.
Để được ủy thác toàn phần, tổ chức nhận uỷ thác phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của NHCSXH, trong đó
đặc biệt là điều kiện về quản lý nghiệp vụ và tổ chức hạch toán, kế toán, thống kê, báo cáo theo quy định.
Cho đến nay, NHNo là ngân hàng duy nhất nhận vốn uỷ thác của NHCSXH để cho vay hộ nghèo. Được thành lập từ năm 1988, NHNo là một ngân hàng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cho vay đối với hộ nông dân, ngân hàng có mạng lưới rộng khắp đến các xã, liên xã trong toàn quốc.
Thứ hai, uỷ thác bán phần: là việc NHCSXH uỷ thác một hoặc một số công đoạn trong quy trình cho vay cho bên nhận ủy thác. Tuỳ theo tình hình và điều kiện thực tế, bên nhận uỷ thác chỉ thực hiện một số khâu như: giải ngân, thu nợ, thu lãi….NHCSXH vẫn đảm nhiệm công tác hạch toán theo quy định. NHCSXH đang ủy thác bán phần qua các tổ chức chính trị, xã hội.
Là trung gian giữa NHCSXH và hộ nghèo, dịch vụ tín dụng cung cấp bởi các tổ chức xã hội được đánh giá rất cao do một số lý do: (1) vốn được chuyển trực tiếp đến tay người có nhu cầu vốn ở cấp cơ sở; (2) hoạt động trực tiếp với cấp làng xã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức này tiếp cận gần hơn với khách hàng nông thôn so với các chương trình tín dụng chính thức khác; (3) các tổ chức xã hội có thể huy động tiết kiệm ở các địa phương; (4) cho vay các món vay nhỏ một cách hiệu quả hơn với tỷ lệ hoàn vốn cao hơn và có độ linh hoạt cao hơn, các thủ tục vay vốn và gửi tiền đơn giản hơn; và (5) các tổ chức này cũng giúp củng cố mức độ tham gia của người dân ở cấp cơ sở vào các hoạt động xã hội và bảo đảm tiếng nói của người dân được tôn trọng. Các tổ chức xã hội thực hiện được vai trò này do họ có mạng lưới rộng khắp từ trung ương đến các địa phương và kinh nghiệm của mình trong việc vận động quần chúng.
Trong tổng dư nợ cho vay hộ nghèo đến 31/12/2003 là 8.272 tỷ đồng, uỷ thác qua NHNo: 6.617 tỷ đồng chiếm 80%, uỷ thác qua các tổ chức chính trị – xã hội tại địa bàn thành phố, thị xã và một số huyện (triển khai từ tháng 5/2003) đạt 1.655 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ.
Về lãi suất cho vay:
Trong hoạt động tín dụng, lãi suất là giá cả của vốn cho vay. Mức giá này được cấu thành bởi nhiều yếu tố: lãi suất nguồn huy động, chi phí quản lý, rủi ro
của món vay…NHCSXH với mục tiêu đưa vốn đến hộ nghèo với lãi suất ưu đãi, ưu đãi tức là không thể bao hàm hết tất cả các chi phí mà ngân hàng bỏ ra cho khoản vay đó. Trong 7 năm hoạt động của NHNg, lãi suất cho vay đã điều chỉnh bốn lần theo hướng giảm dần: từ 1,2%/tháng năm 1996 hạ xuống 1%/tháng đến 0,8%/tháng rồi 0,7%/tháng và từ 1/6/2001 đến nay lãi suất chỉ còn 0,5%/tháng. Mức 0,5% này không phải ngân hàng được hưởng toàn bộ mà còn phải trích một phần cho ngân hàng đại lý, tổ chức chính trị, xã hội làm nhiệm vụ nhận vốn uỷ thác cho vay và Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngoài lãi suất cho vay của ngân hàng thì hộ nghèo vay vốn không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào khác.
Về hình thức đảm bảo vốn vay:
Hộ nghèo vay vốn của NHCSXH Việt nam không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục vay vốn nhưng phải là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập nhằm tập hợp các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn của NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống; cùng liên đới chịu trách nhiệm trong việc vay vốn và trả nợ ngân hàng. Tổ viên có thể xin ra khỏi tổ khi không còn nợ ngân hàng và nợ tổ. Tổ được tổ chức hoạt động theo hướng phát triển như một tổ cho vay cấp cơ sở (thôn, ấp, bản, làng) dưới sự chỉ đạo của cấp Hội chủ quản (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…), mỗi tổ không quá 50 thành viên. Tổ có quyền lợi được đào tạo, được trả hoa hồng làm dịch vụ tương đương với công việc được giao (mức hiện nay là 0,1%/tháng). Tổ bình xét các hộ nghèo có đủ điều kiện vay vốn theo các chỉ tiêu (1) địa chỉ cư trú hợp pháp (2) hộ có tên trong danh sách hộ nghèo của xã được vay vốn ngân hàng (3) nhu cầu vay vốn phù hợp với thức tế nhu cầu sản xuất, đời sống của hộ (4) mức vốn xin vay phù hợp nhu cầu vay…Chỉ có những hộ trong danh sách tổ lập sau khi bình xét mới được ngân hàng xét cho vay vốn. Ngoài ra, tổ xem xét cho các hộ đã vay và trả nợ sòng phẳng nhưng chưa thoát nghèo có nhu cầu vay tiếp, tổ thực hiện đôn đốc thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm.
Để ràng buộc trách nhiệm của tổ viên đối với tổ, tổ yêu cầu các tổ viên gửi tiết kiệm vào tổ với hai hình thức là tiết kiệm ban đầu (số tiền tiết kiệm mà mỗi tổ viên gửi lần đầu khi gia nhập tổ) và tiết kiệm định kỳ (số tiền tiết kiệm mỗi tổ viên gửi vào tổ theo định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, mức này tùy thuộc vào khả năng kinh tế của tổ viên, điều kiện kinh tế của mỗi vùng).
Về hạn mức vốn cho vay:
Mức cho vay đối với từng hộ nghèo được xác định căn cứ vào (i) nhu cầu vay vốn (ii) vốn tự có và khả năng hoàn trả khoản nợ của hộ vay. Mỗi hộ có thể vay vốn một hay nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa đối với hộ nghèo do Hội đồng quản trị NHCSXH công bố từng thời kỳ.
Mức cho vay tối đa đối với một hộ nghèo từ khi là NHNg và hiện nay là NHCSXH được điều chỉnh tăng dần cho phù hợp với quy mô tăng trưởng nguồn vốn của NHCSXH cung như nhu cầu và khả năng sử dụng vốn vay của của hộ nghèo. Thời kỳ đầu, do vốn còn hạn chế và để có nhiều người nghèo được vay vốn, tập làm quen với việc sử dụng vốn vay nên quy định mức cho vay tối đa đối với mỗi hộ nghèo không quá 2,5 triệu đồng. Từ tháng 1/1998, ngân hàng đã điều chỉnh mức cho vay tối đa lên 3 triệu đồng. Đến tháng 2/1999 qua kiểm tra nắm bắt tình hình thực tiễn và theo kiến nghị của các địa phương, ngân hàng nâng mức cho vay tối đa lên 5 triệu đồng đối với các hộ vay vốn để chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, sửa chữa chuồng trại, phát triển nghề thủ công... nhưng dư nợ của loại cho vay này tối đa bằng 15% tổng dư nợ trên địa bàn của ngân hàng tỉnh, thành phố. Đồng thời, thực hiện cho vay bổ sung đối với các hộ trước đây vay còn ít nay có nhu cầu vay thêm đến 3 triệu (trước quy định trả nợ món trước mới cho vay món sau). Từ tháng 11/2001 riêng hộ vay vốn để chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, mua sắm công cụ, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản, kinh doanh ngành nghề được vay 7 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, dư nợ loại này không vượt quá 15% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Để vốn được sử dụng tiết kiệm và giúp hộ nghèo dần quen với sử dụng vốn ngân hàng, đối với những lần vay đầu ngân hàng thường cho vay ít, sau đó mới tăng dần vốn cho vay đối với hộ sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Về xác định nợ quá hạn:
NHCSXH chuyển nợ quá hạn trong các trường hợp (i) xác định hộ vay sử dụng vốn vay sai mục đích, (ii) hộ vay có khả năng hoàn trả nợ khi đến hạn nhưng không trả hoặc đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng, hộ vay không được gia hạn nợ thì ngân hàng sẽ chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn.
Do đối tượng phục vụ của ngân hàng là hộ nghèo nên ngân hàng luôn đặt mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo sử dụng vốn có hiệu quả với chi phí rẻ. Vì vậy, khi cần thiết, ngân hàng thực hiện khoanh nợ, xóa nợ cho hộ nghèo khi họ gặp các rủi ro bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh...), các rủi ro từ phía thị trường (biến động giá cả thị trường không có lợi), do chính sách của Nhà nước thay đổi. Tổng nợ quá hạn cho vay hộ nghèo của ngân hàng đến 31/12/2002 là 154 tỷ đồng chiếm 2,2% tổng dư nợ. Nếu tính cả số nợ khoanh 231 tỷ và nợ chờ xử lý 25 tỷ thì số nợ quá hạn của NHCSXH là 410 tỷ đồng, chiếm 5,85% tổng dư nợ. Nợ quán hạn năm 2003 là 370 ỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ,
Để tạo điều kiện cho những hộ nghèo yên tâm sử dụng vốn, NHCSXH còn có hình thức cho vay lưu vụ. Đây là hình thức áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn bao gồm các ngành nghề sản xuất kinh doanh có chu kỳ kế tiếp như chu kỳ sản xuất kinh doanh trước. Khi khoản vay trước đã đến hạn song hộ vẫn chưa thoát nghèo và có nhu cầu sử dụng vốn cho chu kỳ sản xuất kinh doanh liền kề thì ngân hàng sẽ cho vay tiếp với mức cho vay lưu vụ tối đa không quá số dư còn lại trên sổ tiết kiệm và vay vốn đến ngày cho vay lưu vụ. (Trong Giấy đề nghị vay lưu vụ hộ phải ghi rõ đang có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và gia đình chưa thoát khỏi nghèo đói, đề nghị ngân hàng cho vay lưu vụ số tiền gốc). Tuy nhiên, để được vay lưu vụ thì hộ phải trả hết số lãi vay lần trước để ngân hàng trang trải các chi phí quản lý của mình. Hình thức này đã khắc phục được tình trạng trước đây khi đến hạn hộ không có tiền trả nợ buộc phải vay “nóng” để trả nợ ngân hàng dẫn đến đã nghèo càng nghèo thêm.