Quá trình hình thành của NHCSXH Việt nam:

Một phần của tài liệu Mở rộng cho vay đối với hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt nam (Trang 41 - 45)

THỰC TRẠNG MỞ RỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO Ở NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VIỆT NAM.

2.1.1.Quá trình hình thành của NHCSXH Việt nam:

Trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh và phát triển, tuy nhiệm vụ cách mạng trong các thời kỳ có khác nhau, nhưng xoá đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội luôn là một trong những nhiệm vụ và chính sách kinh tế, xã hội cơ bản, được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, thể hiện bản chất của chế độ ta, là một bộ phận quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của vốn trong việc phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo, nhiều chương trình và chính sách của Nhà nước để đưa vốn tới hộ nghèo đã được thực hiện, chẳng hạn: Cho vay theo kế hoạch của Nhà nước do các NHTM Nhà nước và Quỹ Hỗ trợ phát triển thực hiện; Chương trình cho vay Xoá đói giảm nghèo thực hiện cấp vốn thông qua NHNo và các chương trình lồng ghép khác do các Bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội cùng thực hiện; Chương trình cho vay giải quyết việc làm, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hỗ trợ vùng sâu, xa do Bộ LĐ, TB&XH quản lý và Kho bạc Nhà nước thực hiện cho vay… Việc triển khai các chương trình này đã góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, tuy nhiên còn nhiều hạn chế, tiêu biểu là:

Thứ nhất, các món vay đều mang tính chất ưu đãi với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường theo quy định của Chính phủ, không đủ để trang trải chi phí cần thiết của các ngân hàng và các chương trình. Hộ nghèo chỉ có thể nhận vốn một vài lần, không đủ để thoát nghèo dẫn đến lãng phí vốn. Vốn rẻ gây ra các hậu quả tiêu cực trong quá trình xét duyệt cho vay.

Thứ hai, tất cả các chương trình đều nhằm mục tiêu đưa đồng vốn đến tay hộ nghèo nhưng lại được thực hiện thông qua rất nhiều kênh khác nhau (NHTM, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài…) dẫn đến các nguồn

vốn ưu đãi từ nhiều nguồn khác nhau dẫn đến sử dụng vốn lãng phí, sai mục đích trong khi một số đối tượng khác không tiếp cận được với vốn ưu đãi này.

Thứ ba, sự trộn lẫn cho vay chính sách và cho vay theo cơ chế thị trường đã tạo nên sự hạn chế rất lớn trong các NHTM. Phụ thuộc, bị động vào chính sách của Chính phủ đã làm giảm tính năng động của các ngân hàng. Tự chịu trách nhiệm đến cùng – yếu tố quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động cho vay – bị giảm sút trong cho vay chính sách. Nhiều khoản cho vay không phải chính sách, song khi không thu được vốn lại chuyển thành cho vay chính sách…

Theo sáng kiến của NHNo, tháng 3/1995, Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo được thành lập, với số vốn ban đầu là 400 tỷ đồng từ vốn góp của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và các tổ chức khác của Nhà nước. Quỹ được sử dụng để cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay của NHTM, thủ tục vay vốn đơn giản, hộ vay không phải thế chấp tài sản. Từ kết quả hoạt động thực tế của Quỹ cho thấy cần phải có một tổ chức tín dụng của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cho vay đối với hộ nghèo thiếu vốn. Do vậy, tháng 8/1995, NHNg được thành lập và đi vào hoạt động, vốn điều lệ 500 tỷ đồng và huy động các nguồn vốn khác để uỷ thác qua ngân hàng NHNo cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp, cầm cố tài sản, thủ tục cho vay đơn giản thông qua tổ vay vốn ở các xã, phường.

Hàng triệu người nghèo được hỗ trợ vốn sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, làm quen với các dịch vụ ngân hàng. Tính ưu việt trong hoạt động của NHNg thể hiện:

- Khả năng huy động vốn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo được xác lập. Ngân hàng đã huy động được một lượng vốn đáng kể, đặc biệt vốn từ ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo

- Điều kiện vay vốn được nới rộng, hộ vay không phải thế chấp tài sản hoặc xây dựng các dự án vay vốn. Hộ có thể vay đến 100% nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh mà không yêu cầu phải có vốn chủ sở hữu tham gia như các NHTM khác.

- Nâng cao vai trò kiểm soát thông qua điều hành của Hội đồng quản trị từ trung ương đến địa phương và qua việc bình xét đối tượng được vay vốn của các tổ chức cộng đồng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, NHNg trong quá trình cung ứng vốn cho hộ nghèo đã bộc lộ một số hạn chế sau đây:

Thứ nhất, là một tổ chức tín dụng Nhà nước, có tư cách pháp nhân, song NHNg mới chỉ hoạt động như một quỹ ưu đãi, giao điều hành tác nghiệp cho NHNo nên tổ chức quản lý và tác nghiệp đều theo hình thức kiêm nhiệm, phân định trách nhiệm không rõ ràng, cán bộ ngân hàng cơ sở coi trọng nhiệm vụ kinh doanh (là nhiệm vụ của NHNo) mà chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ cho vay hộ nghèo. Đến cuối năm 2002, cả nước vẫn cón 92 xã, phường chưa có quan hệ vay vốn với NHNg (xã trắng), trong đó có 35 xã thuộc vùng sâu, xa và 57 xã, phường ở khu vực thành thị. Nguyên nhân của những ‘xã trắng’ này là:

- Đó là các xã ở vùng sâu, xa, dân trí thấp, hạ tầng cơ sở yếu kém, có nơi vẫn chưa có đường giao thông đến xã nên nhiều hộ nghèo chưa có điều kiện tiếp cận vốn.

- Số lượng hộ nghèo ngày càng tăng, món vay nhỏ, lại ở vùng xa nên xảy ra tình trạng quá tải trong công việc, vượt quá khả năng của cán bộ tín dụng. Mặt khác, chưa có chính sách thoả đáng đối với số cán bộ này, điều kiện làm việc khó khăn.

Thứ hai, bản chất NHNg là một ngân hàng, song vốn đưa vào hoạt động chủ yếu là vốn ưu đãi, khả năng tài chính của ngân hàng chưa bền vững nên việc huy động vốn trong dân cư rất hạn chế nên ngân hàng phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa, trong cơ cấu vốn thì vốn trung hạn chiếm 35% trong khi đó sử dụng vốn thể hiện qua dư nợ cho vay trung hạn chiếm tới 77,6% đã ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả vốn và mở rộng cho vay của ngân hàng.

Thứ ba, về xác định đối tượng được vay vốn. Ngân hàng không tự xác định danh sách hộ nghèo mà dựa vào UBND các địa phương nhằm lựa chọn các hộ nghèo để cho vay. Điều này dẫn đến danh sách thường đơn thuần chỉ là danh sách hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ nghèo không có năng lực và điều kiện tổ chức sản

xuất, hộ nghèo thuộc diện cứu trợ xã hội…Về nguyên tắc, trên cơ sở danh sách hộ nghèo, NHNg có thể thẩm định lại và từ chối cho những hộ không phù hợp vay vốn nhưng trên thực tế danh sách đưa lên được chấp nhận hết.

Với những kết quả và kinh nghiệm sau 7 năm hoạt động, trên cơ sở khắc phục những tồn tại về mô hình tổ chức, quản lý và cơ chế hoạt động của NHNg, để thiết lập một ngân hàng Chính sách của Chính phủ dành riêng cho thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện và thực tiễn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 về việc thành lập ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. NHCSXH được thành lập nhằm tập trung đầu mối huy động vốn trong xã hội để cho vay đối tượng chính sách, phối hợp và lồng ghép có hiệu quả với các dự án hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

NHCSXH là tổ chức tín dụng Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được Nhà nước cấp, giao vốn và đảm bảo khả năng thanh toán; huy động vốn có trả lãi hoặc tự nguyện không lấy lãi, vốn nhận uỷ thác của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để uỷ thác hoặc trực tiếp cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo đó, là một pháp nhân, NHCSXH Việt Nam có bộ máy quản lý và điều hành thống nhất trong phạm vi cả nước, ngân hàng có hệ thống giao dịch từ Trung ương đến địa phương. Bộ phận điều hành tác nghiệp gồm có: Hội sở chính ở Trung ương, Sở giao dịch và 61 chi nhánh cấp tỉnh, 575 Phòng giao dịch cấp huyện.

Sơ đồ 2: MÔ HÌNH TỔ CHỨC CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Mở rộng cho vay đối với hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt nam (Trang 41 - 45)