THỰC TRẠNG MỞ RỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO Ở NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VIỆT NAM.
2.2.1. Các đặc điểm của hộ nghèo ở Việt Nam:
Các số liệu điều tra Mức sống dân cư Việt nam 1992-1993 do Thụy Điển, WB và UNDP tài trợ đã cho thấy hơn 60% số dân sống dưới ngưỡng nghèo quốc tế. Nhờ những nỗ lực giảm nghèo của quốc gia kết hợp với những thành tựu đem lại từ hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa con số này xuống còn 32% vào năm 2000. Xét theo tiêu chuẩn nghèo của Việt nam, con số này giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 17% năm 2000 và 12% năm 2003. Tỷ lệ nghèo đói về lương thực cũng giảm từ 25% xuống còn 15%. Điều này cho thấy thậm chí bộ phận nghèo nhất của dân số cũng đã nâng cao đáng kể mức sống trong thời kỳ này. Về mức độ cải thiện mức sống của các thành viên trong xã hội, kết quả điều tra cho thấy giảm nghèo ở Việt nam trong giai đoạn từ 1990 trở lại đây diễn ra cả ở thành thị và nông thôn. Cụ thể, tỷ lệ dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói chung giảm từ 66% xuống còn 45% ở khu vực nông thôn và từ 25% xuống còn 9% ở khu vực thành thị. Trên bình diện cả nước, nghèo đói đã giảm ở tất cả các vùng, mặc dù mức độ giảm chưa cân bằng, giai đoạn 1993-1998, nghèo đói giảm mạnh ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng, trong khi tốc độ này chậm hơn ở vùng núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuẩn nghèo của Việt nam do Bộ LĐ, TB&XH công bố từng thời kỳ và dựa trên các căn cứ cơ bản: (i) mức sống trung bình của dân cư, trong đó tiêu chí
mà trước hết là chi tiêu cho lương thực và thực phẩm và (iii) khả năng của nền kinh tế, cụ thể là khả năng huy động các nguồn lực (đặc biệt là NSNN cho công tác xóa đói giảm nghèo). Theo đó, các mức chuẩn nghèo đã được công bố 4 lần (năm 1993, 1996, 1997 và năm 2001). Trong giai đoạn 2001-2005, hộ nghèo là hộ:
- Ở vùng nông thôn miền núi có thu nhập bình quân đầu người dưới 80 nghìn đồng/người/tháng;
- Ở vùng nông thôn đồng bằng là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới 100 nghìn đồng/người/tháng;
- Ở vùng thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới 150 nghìn đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Chính phủ còn khuyến khích các địa phương có thể tính toán và sử dụng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn của quốc gia, nếu có đủ 3 điều kiện (i) thu nhập bình quân đầu người cao hơn thu nhập bình quân chung của cả nước; (ii) có tỷ lệ đói nghèo thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước và (iii) có đủ nguồn lực cho giải pháp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của mình. Đến cuối năm 2002, cả nước đã có 11 tỉnh, thành phố sử dụng chuẩn nghèo riêng, cao hơn chuẩn nghèo chung.
Một cách tổng quát, có thể xác định hộ nghèo ở Việt Nam dựa trên một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, hộ nghèo thường là những hộ gia đình lớn, đặc biệt là các hộ có nhiều trẻ em và người già hoặc không có vợ hoặc chồng. Hộ có nhiều trẻ em không những phải trả chi phí cho giáo dục cao hơn, hay phải chịu thêm các chi phí khám chữa bệnh mà còn có ít lao động hơn so với số miệng ăn trong gia đình.
Thứ hai, hộ nghèo thường tập trung ở các nhóm dân tộc thiểu số. Ngay cả khi mọi điều kiện khác giống nhau, chi tiêu của một người thuộc dân tộc thiểu số thấp hơn chi tiêu của một người thuộc hộ người Kinh hoặc người Hoa là 13%. Ở những vùng định cư của các dân tộc thiểu số thường đất đai không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, ít được tiếp cận các dịch vụ xã hội, “đói thông tin” được coi là nhân tố cản trở sự hội nhập của các dân tộc này vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Không những thế, bản thân các hộ dân tộc thường có nhiều con
hơn các hộ khác, trình độ học vấn của chủ hộ và của vợ hoặc chồng cũng thấp hơn. Khoảng 15% dân tộc thiểu số của Việt Nam sống ở vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung hoặc Đông Nam bộ, trong đó khoảng 3/4 trong nhóm này có mức tiêu dùng dưới ngưỡng nghèo và được cải thiện rất ít trong thập kỷ qua.
Thứ ba, hộ nghèo thường là hộ mà các thành viên trong đó có trình độ học vấn thấp, họ thiếu kinh nghiệm, không có khả năng và năng lực để áp dụng những kỹ thuật canh tác mới. Khoảng 90% số người nghèo là những người chỉ có trình độ phổ thông cơ sở hoặc thấp hơn, trong khi đó chỉ có 4% người có trình độ đại học là người nghèo.
Thứ tư, hộ nghèo thường là những hộ di cư từ nông thôn lên thành thị. Nếu nghèo ở nông thôn tập trung ở nhóm dân tộc thiểu số thì nghèo ở đô thị có xu hướng tập trung ở những người di cư. Họ dễ bị loại ra không được hưởng những lợi ích mà hộ nghèo có hộ khẩu được hưởng (thẻ khám chữa bệnh, miễn học phí, tiếp cận các chương trình giáo dục chung…). Họ gặp trở ngại về hành chính khi mua nhà hay đăng ký địa chỉ chính thức, do vậy họ dễ bị tác động trong những trường hợp phát triển đô thị đòi hỏi giãn dân.
Thứ năm, mặc dù bộ phận dân cư thoát nghèo đã tăng dần ở Việt Nam nhưng nhiều hộ vẫn có nguy cơ tái nghèo nếu gặp phải những đột biến bất lợi: bệnh tật hoặc tai nạn nghề nghiệp, đặc biệt nếu xảy ra với người kiếm thu nhập chính trong hộ; mất mùa hoặc thiệt hại trong đầu tư; biến động bất lợi trong giá cả hàng nông sản đặc biệt khi thu nhập của hộ gia đình kém đa dạng; xảy ra thiên tai…