A. Định hướng tổng quát phát triển đô thị Việt Nam :
1, Mạng lưới đô thị nước ta hiện có khoảng 521 đô thị lớn nhỏ, (4 thành phố trực thuộc trung ương, 61 thành phố thị xã trực thuộc tỉnh và 440 thị trấn), phân bố tương đối đều đặn trên lãnh thổ hẹp, dài. Mạng lưới đô thị đó tạo được điều kiện thuận lợi “để khai thác thế mạnh của cả nước, của mỗi vùng, mỗi ngành; tập trung thích đáng cho các nguồn lực cho các lĩnh vực, các địa bàn trọng điểm, có điều kiện sớm đưa lại hiệu quả kinh tế cao” (Báo cáo chính trị Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ thuộc Đại hội Đảng VII). Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VII) nêu phương hướng phát triển đô thị nước ta trong thời gian tới là : “cải tạo, mở rộng, nâng cấp đô thị hiện có, xây dựng Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ thành những trung tâm lớn, song tránh sự tập trung quá đông dân cư.
Nâng cấp một số đô thị loại vừa, trước hết là các đô thị nằm trên các trục giao thông chính, ở các cửa khẩu, các địa bàn Kinh tế trọng điểm.
Phát triển mạng lưới đô thị nhỏ (thị trấn, thị trí) làm chức năng trung tâm Kinh tế- Xã hội của huyện hoặc làm vệ tinh cho các đô thị lớn và vừa” (Nghị quyết trung ương 7 khóa VII).
2, Tại các đô thị, với mức độ khác nhau, cần huy động mọi nguồn vốn của các thành phần Kinh tế và của nước ngoài “đầu tư phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm, tăng nhanh sản phẩm xã hồivà thu nhập quốc dân để các đô thị làm hạt nhân thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa trong vùng và trên cả nước” (Nghị quyết Trung ương 7 Khóa VII)
- Các đô thị ven biển phải là điểm tựa để phát triển kinh tế biển của cả nước, của các tỉnh vùng ven biển, một số đô thị trở thành điểm tựa để giao lưu với bên ngoài, phát triển kinh tế vùng biên giới. Các đô thị trong những vùng du lịch trọng điểm phải trở thành điểm tựa cho các ngành công nghiệp du lịch có quy mô ngày càng tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của nước ta.
- Các đô thị nhỏ là những điểm tựa để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, làm cho nông dân và nông thôn ngày càng khá giả, “giảm bớt sự cách biệt về trình độ phát triển Kinh tế, văn hóa xã hội giữa thành thị và nông thôn, hạn chế việc di chuyển dân cư từ nông thôn vào các đô thị, khuyến khích nông dân rời ruộng không rời làng, phát triển ngành nghề trên địa bàn, không làm nông nghiệp nhưng vẫn sinh sống ở nông thôn” (Văn kiện Hội nghị Trung ương 7).
- Phát triển đô thị phải luôn luôn gắn bó với quốc phòng.
3, Đang có những thuận lợi và thời cơ lớn để đẩy tới một bước sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, gia tăng mức độ đô thị hóa ngang tầm với mức độ công nghiệp hóa.
Đồng thời phải rút kinh nghiệm của các nước đang phát triển, hướng quá trình đô thị hóa Việt Nam theo con đường phát triển bền vững.
Ở đây đặt ra :
- Sử dụng đất đô thị phải hợp lý, hạn chế việc chuyển đất nông nghiệp màu mỡ thành đất đô thị.
- Phải coi trọng bảo vệ môi trường sống, hạn chế tác hại của thiên tai, bảo vệ tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên (nước ngầm, núi, sông, hồ,biển v.v..), bảo vệ các di tích lịch sử và văn hóa có giá trị ngay từ lúc mới xây dựng đô thị mới.
- Quá trình phát triển đô thị phải “bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển “. (Văn kiện hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ).
B. Tăng trưởng của đô thị.
1. Sự tăng trưởng của đô thị là sự tăng dân số trong đô thị. Tỷ lệ của dân cư đô thị trên tổng dân số tại thời điểm nhất định được gọi là mức độ đô thị hóa. Ở Việt Nam năm 1990 tỷ lệ đó là 20%, năm 1999 là 23,5%.
Thời gian qua do kinh tế đô thị chưa phát triển nên qua trình phát triển đô thị nước ta chậm. Hy vọng từ 2000-2010, đô thị Việt Nam sẽ được phát triển nhanh hơn, đạt
tỷ lệ 30-35% dân cư sống ở đô thị vào 2010. Mức độ gia tăng dân cư đô thị những năm đến chủ yếu là do tăng cơ học.
2, Khi xem xét sự tăng trưởng đô thị đồng thời phải xem xét mật độ dân số trong các đô thị . Hiện nay, ở một số khu vực nội thành của một số thành phố lớn, mật độ dân số đã vượt mức chấp nhận được từ 2-3 lần.
3, Sự tăng trưởng của đô thị phải kèm theo sự tăng trưởng về kinh tế, nghĩa là phải tăng GDP và thu nhập trên đầu người thì đô thị mới có sức sống để phát triển lâu dài.
Ở Việt Nam, thời kỳ 1991-1995, đô thị đóng góp 40% GDP/đầu người ở đô thị phải đạt 730 USD, trong đó ở đô thị loại I và II phải đạt 800-1000 USD, ở các đô thị còn lại phải đạt 400-600 USD.
4, Sự tăng trưởng đô thị Việt Nam sẽ tập trung vào 3 địa bàn kinh tế trọng điểm : Tam giác phát triển phía Nam : Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai Biên hòa -Bà Rịa Vũng tàu
Tam giác phát triển phía Bắc : Hà Nội - Hải Phòng - Quãng Ninh.
Tam giác phát triển miền Trung : Huế -Đà Nẵng -Quãng Ngãi Dung Quất.
Tại các địa bàn trọng điểm này sẽ xây dựng nhiều khu Công nghiệp, nhiều đô thị mới gắn với các khu Công nghiệp này như thành phố Nam Nhơn Trạch, thị xã Vạn tường, thị xã Sóc Sơn v.v..