Kế hoạch phát triển giao thông địa phương :
Mỗi địa phương phải lập kế hoạch phát triển giao thông của địa phương cho thời kỳ từ 10 đến 20 năm. Chẳng hạn như thành phố Hồ Chí Minh đã có quy hoạch phát triển giao thông thành phố : phát triển mạnh giao thông công cộng để đến năm 2010 có thể bảo đảm 50% nhu cầu đi lại của nhân dân trong thành phố, sẽ xây dựng 1 tuyến tàu điện ngầm, xây dựng hệ thống xe điện nổi bánh lốp. Đến năm 2010 giao thông thành phố Hồ Chí Minh có thể đáp ứng yêu cầu đi lại cho 2,1 tỷ lượt người đi lại ở khu vực đô thị mới của thành phố
Có dự án xây dựng đường, cầu, cống thoát nước : nhu cầu này sẽ rất lớn vì Việt Nam sẽ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa trong thời gian đến. Xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp đường. Nhiệm vụ này rất nặng đối với địa phương nhất là khu vực miền Trung, vì đây là nơi thường xảy ra lũ lụt.
Kế hoạch phát triển vận tải địa phương
Xác định nhu cầu vận chuyển hàng hóa : có thể xác định theo tốc độ tăng của các ngành sản xuất và tỷ suất hàng hóa của mỗi ngành, có thể xác định theo tốc độ tăng của ngành vận tải địa phương hoặc xác định theo nhu cầu vận chuyển của địa phương và trung ương
Xác định nhu cầu đi lại của dân cư : có thể dựa vào số liệu năm báo cáo, dựa vào quy mô dân số, dựa vào nhu cầu của khách vãng lai, hoặc có thể dựa vào tốc độ tăng của ngành vận tải hành khách
Cân đối giữa năng lực vật chất và nhu cầu vật chất : nếu thừa năng lực thì phải tiếp thị, phải hợp đồng vận chuyển cho địa phương khác, cho trung ương. Nếu thiếu năng lực vận chuyển thì có kế hoạch yêu cầu các địa phương khác hổ trợ
Kế hoạch xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn : Giao thông nông
thôn thường phát huy tác dụng trên địa bàn huyện, xã và thôn xóm
Hệ thống giao thông nông thôn gồm : Hệ thống đường làng, thôn xóm. Hệ thống đường xã, liên xã. Hệ thống đường chuyên dùng (đường phục vụ cho sản xuất ở nông thôn). Cả ba hệ thống đó kết hợp với hệ thống đường phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp tạo thành mạng lưới giao thông nông thôn.
Các nguyên tắc cần quán triệt khi xây dựng hệ thống giao thông nông thôn :
- Phải xuất phát từ yêu cầu của sản xuất mà xây dựng giao thông nông thôn, đồng thời phải kết hợp với quá trình xây dựng hệ thống thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp nhằm tiết kiệm đất.
- Bảo đảm tính liên tục và linh hoạt của hệ thống giao thông nông thôn.
Để phát triển nhanh giao thông nông thôn, cần bảo đảm nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, đa dạng hóa nguồn vốn trong xây dựng giao thông nông thôn
* Kế hoạch hóa xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc trên mỗi vùng lãnh thổ
Ý nghĩa :
Trong nền kinh tế thị trường, thông tin có vai trò vô cùng quan trọng.
Muốn có thông tin thì phải thu thập xử lý, bảo quản và truyền thông tin. Trong đó hệ thông thông tin liên lạc đóng vai trò quan trọng về chuyển tải thông tin. Từ đó thông tin liên lạc góp phần trực tiếp và gián tiếp phát triển sản xuất.
Hệ thống thông tin liên lạc góp phần giảm chi phí giao dịch, đi lại, chi phí quản lý kinh tế, quản lý nhà nước
Hệ thống thông tin liên lạc hiện đại tạo điều kiện cho các vùng lãnh thổ tiếp cận với bên ngoài, thúc đẩy chính sách mở cửa
Hệ thống thông tin liên lạc là điều kiện quan trọng trong hoạt động của an ninh, quốc phòng. Trong những năm gần đây hệ thống thông tin liên lạc Việt Nam phát triển nhanh. Song so với yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống vẫn còn hạn chế. Cụ thể là tốc độ truyền thông tin còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giá cước thông tin liên lạc còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Mức độ phối hợp giữa các loại thông tin liên lạc như vô tuyến, phát thanh, truyền hình, giữa hiện đại và thô sơ chưa tốt.
Nội dung kế hoạch xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc trên mỗi vùng lãnh thổ
Mỗi vùng lãnh thổ cần xác định lại thực trạng về mạng lưới thông tin liên lạc về số lượng, chất lượng, mức độ đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới thông tin liên lạc thời kỳ 2001- 2010 phải nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa các loại phương tiện thông tin liên lạc và chú ý đến những yêu cầu cơ bản về thông tin liên lạc. Chẳng hạn như phải đảm bảo 100% số xã phải liên lạc được với huyện, với các xã bạn
Kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư xây dựng mới, vừa coi trọng cải tạo nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc hiện có nhất là ở các thành phố lớn, các sân bay quốc tế, các bến cảng lớn phải đạt trình độ quốc tế
Coi trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý về kỹ thuật, về kinh tế cho các ngành thông tin liên lạc trên mỗi vùng lãnh thổ. Đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ của đội ngũ. Trên cơ sở có đội ngũ cán bộ lành nghề đó mà xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ, hiệu quả cao.