KHẢ NĂNG NGUỒN NƯỚC CẤP

Một phần của tài liệu Báo cáo thuyết minh đồ án: Quy hoạch tổng thể cấp nước nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 (Trang 73 - 76)

4.1. Đối với nguồn nước dưới đất:

Với đặc điểm Địa chất thủy văn đã nêu tại Chương I và hiện trạng khai thác và sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh hiện nay và dự báo diễn biến tình hình trong các năm tới cho thấy có một số vấn đề cần quan tâm như sau:

- Việc khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất rất đa dạng, nước nhạt chủ yếu chỉ có thể khai thác tập trung từ các tầng chứa nước lỗ hổng (nhất là các trầm tích cát, cuội sỏi đa nguồn gốc thuộc bãi bồi, trầm tích dọc theo các sông suối) hoặc các khu vực dưới chân các đồi cát ven biển từ Bắc Bình đến Hàm Tân. Trong các loại đá cứng, cần lưu ý khái thác trong Bazan hoặc đá phiến sét bị nứt nẻ mạnh; ngoài ra cần nghiên cứu kỹ hơn để có thể xác định tương đối chính xác vị trí các đứt gãy kiến tạo chứa nước và bố trí các bãi giếng khai thác dọc theo các đứt gãy đó;

- Nước giếng là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu và phục vụ các nhu cầu khác của hầu hết nhân dân nông thôn trong tỉnh, đặc biệt là các khu đông dân cư ven biển; tuy nhiên hiện nay tình trạng giữ gìn vệ sinh nguồn nước ngầm còn hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các nguồn nước và gây nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm vi sinh, hóa chất, hữu cơ,..Mặt khác việc xử lý nước thải, chất thải tại các khu đô thị, các khu tập trung đông dân cư và các cơ sở công nghiệp chưa được chú trọng bảo vệ và xử lý nên nguy cơ gây ô nhiễm các nguồn nước và môi trường sẽ khó tránh khỏi. Các công trình cấp nước phân tán có thể thực hiện ở đa số các địa bàn trong tỉnh để khai thác nguồn nước dưới đất phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và các nhu cầu khác thuộc phạm vi hộ hoặc nhóm hộ với lưu lượng nước khoảng vài m3 đếnvài mươi m3/ngày; đối với các khu vực nguồn nước dưới đất có hàm lượng chất căn lơ lửng cao (nước đục), bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn,...cần được xử lý sơ bộ qua bể lọc sắt, lọc chậm để có nguồn nước hợp vệ sinh. Một số khu vực dân cư có hàm lượng vôi cao nhưng chưa có HTN có thể xử lý bằng thiết bị lọc vôi quy mô hộ gia đình (nếu hàm lượng vôi cao trên 300 mg/l) hoặc có thể đun sôi để giảm lượng vôi trước khi sử dụng cho ăn uống. Các khu vực do nền đá gốc nằm nông, không thể khoan, đào giếng có thể sử dụng nguồn nước mưa hoặc nguồn nước mặt từ sông, suối, ao hồ có xử lý sơ bộ qua bể lọc để sử dụng.

- Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 34 HTN nông thôn sử dụng nguồn nước dưới đất với tổng công suất thiết kế 13.725 m3/ngày. Qua thực tế khai thác nguồn nước dưới đất từ các giếng đào và giếng khoan của các HTN cho thấy:

+ HTN thị trấn Liên Hương sử dụng nguồn nước giếng khoan từ bãi bồi sông Lòng Sông có khả năng khai thác với công suất trên 1.000 m3/ngày, mỗi giếng có thể khai thác trên 100 m3/ngày;

+ Các khu vực địa hình thấp dưới chân các đồi cát ven biển bằng hệ thống các giếng đào nông nối thông nhau hoặc các giếng khoan có độ sâu bình quân từ 25-40 m có khả năng khai thác nước dưới đất có chất lượng tốt với công suất từ vài trăm đến dưới 1.000 m3/ngày, như: HTN Lương Sơn, Sông Lũy, Bình Tân, Hàm Đức, Phú Long, Mũi Né, Thiện Nghiệp, Tiến Lợi, Tân Hải,..công suất khai thác trung bình từ vài chục m3/ngày, một số trường hợp có thể đạt trên 100 m3/ngày;

+ Các HTN sử dụng giếng khoan trong các tầng chứa nước nứt nẻ: Phan Tiến, Hàm Thạnh, Tân Nghĩa, Tân Hà, Lạc Tánh,..công suất khai thác mỗi giếng không nhiều, bình quân khoảng 50 – 80 m3/ngày.

+ Chỉ có thể sử dụng nguồn nước dưới đất cho các công trình đầu tư mới có quy mô nhỏ, khoảng vài trăm m3/ngày đối với các khu dân cư độc lập, nơi không có nguồn nước mặt đáp ứng yêu cầu hoặc nguồn nước mặt ở quá xa, đầu tư không hiệu quả và đầu tư nâng cấp mở rộng để bổ sung công suất cho các công trình cấp nước hiện có đang sử dụng nguồn nước dưới đất nhưng đã vận hành quá tải, vượt công suất thiết kế trong trường hợp chưa có khả năng kinh phí đầu tư các công trình cấp nước quy mô vài nghìn m3/ngày sử dụng nước mặt để bổ sung nguồn nước sạch cấp cho các HTN hiện có hoặc đối với trường hợp đặc thù như huyện Phú Quý trong thời gian chưa tìm được phương án khả thi, có hiệu quả để đầu tư công trình thủy lợi dự trữ nguồn nước mặt trên Đảo.

- Là một tỉnh ven biển khí hậu rất khô hạn nên việc quản lý và bảo vệ nước dưới đất phải đi đôi với việc bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng cây gây rừng trên những vùng đất trống, đồi trọc và các đồi cát có nguy cơ bị sa mạc hóa. Mặt khác, cần lưu ý đến việc ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển. Sự lấn sâu của nước biển ngược dòng sông trong tình trạng ấm lên toàn cầu và hiện tượng nước biển dâng cao, đồng thời việc khai thác nước dưới đất quá nhiều, bất hợp lý phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trong các năm qua (khu vực trồng thanh long, các khu du lịch ven biển, khai thác titan ven biển,…) đang góp phần làm suy kiệt nhanh chóng các tầng chứa nước và làm cho ranh mặn – nhạt ngày càng bị lấn sâu vào trong đất liền và diễn biến phức tạp. Để bảo vệ nguồn nước dưới đất cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất ở các vùng có nhu cầu cấp thiết, đặc biệt là đảo Phú Quý bằng cách hạn chế làm cứng hóa trên bề mặt khi xây dựng các công trình, cần sử dụng các loại vật liệu có thể thu được nước mưa để ngấm xuống đất hoặc xây dựng các đập, hồ chứa ngăn dòng chảy mặt. Các giải pháp này không chỉ có ý nghĩa trong việc tích trữ và lấy nguồn nước mặt từ hồ chứa mà còn có tác dụng bổ sung nguồn nước mặt vào tầng ngầm, làm nhạt hóa các tầng chứa có độ tổng khoáng hóa cao, đẩy lùi sự xâm nhập của nước mặn vào tầng nước nhạt;

Tuy nhiên, trong các năm gần đây do công tác bảo vệ rừng đầu nguồn còn thiếu kiên quyết, tình trạng chặt phá diễn ra thường xuyên làm cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp đáng kể; mặt khác việc khai thác sử dụng quá mức nguồn nước dưới đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (nhất là tại các khu vực trồng cây thanh long), du lịch và khai thác khoáng sản,...làm cho nguồn nước dưới đất ngày càng có nguy cơ bị suy kiệt và ô nhiễm.

Do vậy, với các nội dung phân tích nêu trên cho thấy nguồn nước dưới đất có khả năng đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nước đạt QCVN 02/BYT đối với các công trình cấp nước phân tán quy mô hộ gia đình; riêng việc tiếp tục sử dụng nguồn nước dưới đất để cung cấp cho các nhà máy nước nông thôn đầu tư mới trong giai đoạn tới sẽ không còn phù hợp, ngoại trừ đối với các HTN cho các khu dân cư quy mô nhỏ, biệt lập, không có nguồn nước mặt và nhu cầu sử dụng trong khoảng vài ba trăm m3/ngày hoặc nâng cấp mở rộng các HTN sử dụng nước dưới đất đã có. Các HTN đầu tư mới có công suất từ > 500 đến vài nghìn m3/ngày cần chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt từ sông, suối hoặc các công trình thủy lợi.

4.2. Nguồn nước mặt

Ngoài nguồn nước mặt từ các sông lớn và các sông nhánh, khe, suối đã nêu ở phần đặc điểm thủy văn tại Chương I, còn có các nguồn nước mặt từ các các công

trình thủy lợi đã đầu tư (Chương II) và các công trình thủy lợi sẽ được đầu tư mới hoặc nâng cấp theo Đồ án Quy hoạch thủy lợi đến năm 2020 (Chương IV) cho thấy nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh có trữ lượng tương đối lớn, chất lượng khá tốt nhưng phân bố không đều. Việc khai thác tiềm năng nước trên cơ sở tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi và thủy điện, tìm các giải pháp tính toán cân bằng để tiếp nước hỗ trợ giữa các lưu vực; có biện pháp xây dựng các công trình thủy lợi phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng vùng sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước thô của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trong tỉnh trong giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Do nhu cầu sử dụng nước (kể cả nước mặt và nước dưới đất) của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn rất nhỏ so với các nhu cầu sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các nhu cầu khác nên nguồn nước mặt từ các sông, suối lớn (khu vực không bị ảnh hưởng của thủy triều) và các công trình thủy lợi đã và sẽ đầu tư có đủ khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng nước thô của các công trình cấp nước khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh với quy mô công suất đa dạng từ vài trăm đến hàng chục nghìn m3/ngày. Nguồn nước mặt chủ yếu trên địa bàn các huyện có thể sử dụng cho các CTCN nông thôn như sau:

- Huyện Tuy Phong: Hồ sông Lòng Sông, Hồ Đá Bạc, Hồ Phan Dũng; khả năng cung cấp nguồn nước thô trên 10.000 m3/ngày.

- Huyện Bắc Bình: sông Lũy (được bổ sung nguồn nước từ Thủy điện Đại Ninh) và các hồ chứa trên sông Lũy: Hồ Cà Giây, Hồ Sông Lũy, Hồ Cà Tót; khả năng cung cấp nguồn nước thô trên 10,000 m3/ngày

- Huyện Hàm Thuận Bắc: Hồ sông Quao, Hồ Daguiry và các khe nước nhĩ dọc theo chân các động cát; khả năng cung cấp nguồn nước thô trên 15.000 m3/ngày.

- Huyện Hàm Thuận Nam: Đập dâng Ba Bàu, đập suối ké, Hồ Tân Lập, Hồ Tà Mon; khả năng cung cấp nguồn nước thô trên 5.000 m3/ngày

- Huyện Hàm Tân: sông Phan, Hồ sông Dinh 3, Hồ suối Hoay, Đập dâng Cô Kiều; khả năng cung cấp nguồn nước thô trên 5.000 m3/ngày

- Huyện Tánh Linh và Đức Linh: sông La Ngà; khả năng cung cấp nguồn nước thô trên 20.000 m3/ngày

Phương án sử dụng nước mặt cụ thể cho từng HTN sẽ được trình bày tại

Mục 7.2.2. “Phương án quy hoạch cấp nước sạch từ các HTN”.

4.3. Các nguồn nước khác 4.3.1. Nước mưa 4.3.1. Nước mưa

Lượng mưa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc loại từ thấp đến trung bình theo hướng từ huyện phía Tuy Phong trở vào, nước mưa có tác dụng bổ sung cho nguồn nước mặt trên các sông suối, ao hồ tự nhiên, các công trình thủy lợi và bổ cập cho các tầng chứa nước dưới đất. Việc thu hứng, dự trữ nguồn nước mưa chỉ phù hợp với quy mô sử dụng sinh hoạt cho từng hộ gia đình (chủ yếu dùng cho ăn uống); không có ý nghĩa đối với các công trình cấp nước sạch tập trung ở nông thôn, thậm chí đối với quy mô công suất rất nhỏ, vài chục m3/ngày.

4.3.2. Nước biển

Việc sử dụng nước biển qua xử lý để làm nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt chỉ có thể phù hợp với đảo Phú Quý và khu vực dân cư ven biển. Được biết hiện nay

ở Việt Nam chỉ mới được một số tổ chức tài trợ quốc tế và tổ chức phi chính phủ giới thiệu và khuyến khích áp dụng với quy mô hộ gia đình vài chục lít/ngày chủ yếu phục vụ cho ăn uống theo công nghệ đơn giản là làm bốc hơi nước biển bằng năng lượng mặt trời nhưng chưa phổ biến.

Vào ngày 04/05/2012 tại đảo Bé (rộng 17 ha với 12 hộ/500 khẩu thuộc tỉnh Quảng Ngãi) không có nguồn nước dưới đất, phải chuyển chở nước ngọt từ nơi khác đến với giá nước từ 180.000 – 200.000 đồng/m3, Cty Doosan Vina (liên doanh với Hàn Quốc, trụ sở tại Khu kinh tế Dung Quất) đã tổ chức khởi công công trình nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt với công suất khoảng 200 m3/ngày, khả năng cung cấp bình quân 400 lít/người/ngày, gồm 2 thiết bị khử muối nước biển với công nghệ tách muối, hóa hơi bằng phương pháp thẩm thấu ngược (SWRO), với số vốn tài trợ khoảng 1 triệu USD, dự kiến đến cuối tháng 08/2012 sẽ chính thức đưa vào vận hành, đây có thể xem như là công trình đầu tiên ở Việt Nam thực hiện việc xử lý nước biển để cung cấp cho khu dân cư quy mô nhỏ phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Với thông tin trên cho thấy việc đầu tư nhà máy nước xử lý từ nước biển rất tốn kém cả về kinh phí đầu tư và giá thành sản xuất nước (dự kiến có thể lên đến trên 50.000 đồng/m3

) nên chỉ có thể áp dụng đối với các khu vực đặc biệt khó khăn, thường là các đảo nhỏ, nơi mà không có bất kỳ nguồn nước nào khác như nước dưới đất, nước mặt, nước mưa. Do vậy, trong giai đoạn đến năm 2020 và khả năng có thể đến trước 2030, nước biển chưa thể xem xét là nguồn nước khả thi đối với quy hoạch các công trình cấp nước sạch nông thôn trong tỉnh, kể cả đối với huyện đảo Phú Quý.

Tóm lại nguồn nước chủ yếu sử dụng cho các HTN nông thôn giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo cơ bản vẫn là nguồn nước mặt từ các sông suối lớn, các công trình thủy lợi đã có và sẽ được đầu tư.

Một phần của tài liệu Báo cáo thuyết minh đồ án: Quy hoạch tổng thể cấp nước nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)