THIÊN TAI VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Một phần của tài liệu Báo cáo thuyết minh đồ án: Quy hoạch tổng thể cấp nước nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 (Trang 45 - 46)

5.1. Lũ lụt

Do địa hình tự nhiên Bình Thuận có dạng núi cao nằm gần đồng bằng ven biển, các sông suối trong tỉnh đều ngắn và dốc nên thường có lũ về mùa mưa, nước sông lên và xuống nhanh. Ngoài ra một vài nơi ven biển có cao độ địa hình thấp cũng bị ngập do triều cường biển Đông. Hiện nay hiện tượng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên khá nghiêm trọng chủ yếu tại các sông chính trong vùng.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có các vùng thường bị ngập như sau:

- Vùng hạ lưu sông La Ngà thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa khi có các trận lũ từ thượng nguồn đổ về, các khu vực bị ngập nặng là vùng ven sông gồm các xã La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình, Đức Thuận, Gia An và thị trấn Lạc Tánh; nơi thường xảy ra lũ quét gồm các xã Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Măng Tố, Đức Tân, Đức Phú, Nghị Đức (thuộc huyện Tánh Linh) độ sâu ngập lụt từ 1 – 2 m. Các khu vự này thường xảy ra ngập úng trầm trọng, thời gian ngập lụt kéo dài có khi tới cả tháng.

- Khu vực huyện Đức Linh cũng là vùng ngập nặng của tỉnh, chủ yếu là các khu vực ven sông thuộc xã Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai, thời gian ngập kéo dài là do thoát lũ ở vùng hạ lưu kém.

- Khu vực sông Lòng Sông và sông Lũy gây ra ngập lụt ở huyện Tuy Phong. Vùng hạ lưu sông Lũy thuộc huyện Bắc Bình thường xảy ra ngập lụt do lũ quét.

- Vùng hạ lưu sông Cà Ty và sông Cái Phan Thiết cũng thường xuyên gây ra ngập lụt cho thành phố Phan Thiết do lũ trên sông kết hợp với triều cường; độ sâu ngập lụt từ 1 – 2 m, thời gian ngập 7 - 8 giờ. Vùng ngập gồm các phường Đức Nghĩa, Đức Thắng, Phú Trinh, Thanh Hải và các xã Phong Nẫm, Tiến Lợi và các xã Hàm Hiệp, Hàm Liêm, Hàm Thắng huyện Hàm Thuận Bắc, các vùng dân cư ven sông thường hay bị lũ quét, triều dâng và sự cố xả lũ hồ sông Quao.

- Vùng hạ lưu sông Phan thường xảy ra lụt nặng cho các xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam, ngập sâu từ 1 – 2 m, có trường hợp gây ách tắc quốc lộ 1A, tỉnh lộ 712.

- Vùng hạ lưu sông Dinh lũ cũng đã gây ra ngập lụt nặng gồm khu vực Tân Bình, Tân An, Tân Thiện, tân Hải thuộc thi xã La Gi, thời gian ngập từ 3 - 5 giờ, ngập sâu từ 1 - 1,5 m.

5.2. Các thiên tai khác

Hiện tượng sạt lở xảy ra thường xuyên, nhiều đoạn sạt lở đã được gia cố như: đoạn kè sông La Ngà ở khu vực Võ Xu, kè sông Dinh khu vực Tân Lý, kè sông Lũy (Bắc Bình) tổng chiều dài 3.340,3 m.

Hiện tượng xâm thực xảy ra khá nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến độ an toàn của các công trình hạ tầng và đời sống dân cư như: bờ biển Đồi Dương, Đức Long, Hàm Tiến, Mũi Né (Phan Thiết), bờ biển Phan Rí Cửa, Phước Thể (Tuy Phong), bờ biển Phú Quý (Phú Quý), bờ biển La Gi với tổng chiều dài tên 20 km, tuy nhiên do nguồn kinh phí có hạn nên việc đầu tư các kè sông, kè biển chưa kịp thời.

Ngoài ra chưa có các hiện tượng về tai biến địa chất như động đất, lầy thụt, diễn biến thời tiết đặc biệt và các loại thiên tai khác ảnh hưởng nghiêm trọng xảy ra trong khu vực.

Một phần của tài liệu Báo cáo thuyết minh đồ án: Quy hoạch tổng thể cấp nước nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 (Trang 45 - 46)