Những suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội đương thờ

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 65 - 69)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI ĐỖ CHU TRONG TÙY BÚT

2.2.3 Những suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội đương thờ

Đỗ Chu không ít lần đưa người đọc đến với dải đất nối liền hai miền Nam – Bắc, một dải đất thắt thỏm đôi bờ vốn đã rất khắc nghiệt về khí hậu và thổ nhưỡng lại còn hứng chịu những cơn bão lũ khủng khiếp diễn ra hằng năm không báo trước. Ở tùy bút Hoa trước thềm văn, chỉ vài dòng tự sự ngắn, nhà văn đã làm hiển hiện trước mắt người đọc bức tranh điêu thương, đói khổ của khúc ruột miền Trung: “Suốt mùa hạ và mùa thu cả khu vực miền Trung gặp bão lụt lớn. Một con bão lụt mang ý nghĩa thế kỷ với sức tàn phá hơn bất kì một trận bom nào thời chiến. Đây cũng là một bài học đau xót cho sự tàn phá rừng đầu nguồn, bài học đau đớn cho sự tàn phá môi trường sinh thái kéo dài liên miên” [17; 284]. Không chỉ có miền Trung, vùng sông nước Tây Nam Bộ cũng là vùng lãnh thổ hằng năm phải hứng chịu dòng nước lũ từ khắp nơi đổ về gây thiệt hại to lớn về người và của, đẩy những người dân vào cảnh sống bi đát: “Suốt mấy tháng mùa hạ tôi đi ngang dọc trên vùng đất ấy, thấy đâu đâu cũng là làm ăn, bỗng sang thu dồn dập tin lũ, vườn tược nhà cửa chìm ngập, mức nước dâng cao trên cả những năm tháng đáng ghi nhớ” [17; 240]. Nhà văn cảm thương cho những phận người một đời chí thú làm ăn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời nay phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, u ám ở hiện tại, mờ mịt trong tương lai. Ông còn nhận ra khoảng cách giàu nghèo càng kéo dài thêm: “Đất nước vài chục năm lại đây năm nào cũng là chỗ này ấm chỗ kia lạnh, người này no kẻ kia đói. Cái chăn đắp chung còn rất chật hẹp, sự ổn định xem chừng chưa vững bền, lòng người hình như đang còn nhiều phấp phỏng” [17; 240 ].

Thiên tai lũ lụt là hậu quả của việc con người tàn phá môi trường sinh thái. Do đó cần có những hình thức để xử lí nghiêm minh với những kẻ tra tay làm hại đến cuộc sống an bình của con người: “Đây là bài học đau xót cho sự tàn phá rừng đầu nguồn, bài học cho sự tàn phá môi trường sinh thái kéo dài liên miên. Một đe dọa có ý nghĩa thường trực là cái nghèo đói đang đe dọa rình rập trước cửa mỗi nhà, và do đó, cái mệnh lệnh dứt khoát sẽ có kỷ luật nghiêm khắc đối với cán bộ chủ chốt ở các địa phương nếu dân chết đói, cũng là một mệnh lệnh không phải chỉ có hiệu lực trong vòng một năm” [17; 284]. Tiếng nói của Đỗ Chu cũng chính là tiếng nói chung của nhân dân và của các cơ quan chức năng.

Một lần nữa, trong chiều sâu suy tư của nhà văn lại chứa ẩn cả một tấm lòng thiết tha đối với dân tộc.

Một vấn đề nữa liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân là tình hình kinh tế trong thời kì đổi mới. Nhà văn đưa ra các số liệu cụ thể để chứng minh một điều là mặc dù kinh tế nước ta đang ngày càng đi lên nhưng so với tình hình phát triển chung của toàn cầu, nước ta có xu hướng tụt lùi: “Năm năn về trước, trong một cuộc điều tra của dân số thế giới, nền kinh tế của chúng ta được xếp hàng thứ 47 trong 58 nước được xem đến. Năm vừa qua, con tàu Việt Nam vẫn đang tiếp tục tiến lên với tốc độ tăng trưởng 7,04 % so với năm trước, nhưng vẫn với cuộc điều tra qui mô toàn cầu, chúng ta lại tụt xuống sáu bậc, đứng hàng thứ 53 trong 58 nước. Những con số ấy đủ để chúng ta phải giật mình giữa bối cảnh chung, trước sự quật khởi của thiên hạ trong cuộc làm ăn xây dựng và hòa nhập nói chung” [17; 7]. Rõ ràng, Đỗ Chu đã có một cái nhìn khá toàn diện về tình hình kinh tế. Ông không giấu nổi sự lo lắng trước sức ép trong cuộc chạy đua kinh tế trong thời kì hội nhập. Tự tin và giữ vững bản lĩnh sẽ giúp ta vượt qua những thách thức, bước lên vị trí cao trong khu vực và trên thế giới: “Trước mắt chúng ta là những cơ hội cùng những thách thức, những xô đẩy lớn, vượt qua nó chúng ta sẽ càng thêm hiểu mình, hiểu người, thêm sự nếm trải cần thiết để trở nên sâu sắc và vững vàng” [17; 7].

Một lĩnh vực quan trọng và đầy nhạy cảm trong nền kinh tế nước ta chính là tiền tệ. Mấy năm gần đây, Việt Nam và các nước khu vực đang đối diện với hiện trạng khủng hoảng tiền tệ. Nhà văn gọi đó là “cơn bão tiền tệ”. Nó có một sức tàn phá kém so với thiên tai bão lũ. Xoay quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau: “Hiện nay đang có hai xu hướng dự báo song song tồn tại: xu hướng thứ nhất cho rằng nó đã lui dần, bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế các nước Đông Nam Á cũng như cả thế giới là khả quan; xu hướng thứ hai, vẫn nhìn nhận nó như một nguy cơ còn nguyên, với những biến thái phức tạp, không mấy phấn khởi” [17; 284]. Bên ánh đèn mờ tỏ, người nghệ sĩ nặng tình với nhân dân hằn sâu nỗi lo lắng, trăn trở về sự mất giá của Việt Nam đồng: “Lập tức trong đời sống xã hội xuất hiện một câu hỏi tất nhiên, giá cả thị trường sẽ ra sao, liệu chừng đồng tiền của ta có đủ sức đứng vững trong cơn bão dễ sợ này ? Một câu hỏi liên quan thiết thực tới sự sống còn của mỗi gia đình và chỉnh thể” [17; 285]. Hơn nữa, theo Đỗ Chu, nền tài chính nước ta còn rất non kém, tuy nhiên cũng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển sự nghiệp chung. Nó đang tự hoàn thiện mình để trở nên lành và mạnh hơn nữa. Nhà văn gọi đó là một cuộc chiến đấu toàn diện và đầy cam go trong công cuộc quản lí một nền kinh tế từ

đơn ngành lên đa ngành, từ cơ chế bao cấp xin – cho đã lỗi thời bước vào nền kinh tế thị trường mới mẻ với nhiều phức tạp nhưng lại cũng rất hấp dẫn. Ông bày tỏ niềm tin vào những phẩm chất tốt đẹp và năng lực dồi dào của nhân dân: “Chúng ta tin vào những sáng tạo, tài năng và bản lĩnh vốn đã trở thành truyền thống của một nền tài chính mang tính nhân dân, của dân, do dân, và vì dân như lịch sử ghi nhận nửa thế kỉ qua” [17; 286].

Tuy nhiên, trong dòng người yêu nước đang từng ngày ra sức xây dựng, phát triển đất nước, vẫn có một bộ phận quan chức lạm quyền trục lợi gây ra tệ nạn tham nhũng và những hiện tượng nhiễu nhương khác. Những căn bệnh trầm kha của những kẻ rời xa lí tưởng cách mạng biểu hiện thành muôn vàn những hành vi tiêu cực như tham nhũng, hoang phí, ngông cuồng, cửa quyền, kiêu ngạo…Đỗ Chu cho đó là những hành vi bất chấp đạo lí, bất nhân, bất nghĩa. Tai hại hơn nữa, chính bộ phận này làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Đỗ Chu gọi đó cũng là một thách thức hiểm nghèo, là nội dung rất chủ yếu của những năm tháng này.

Ngoài ra, cái tôi ưu tư của nhà văn Đỗ Chu, dưới ngọn đèn khuya lại lo lắng, phiền muộn về lối sống thực dụng, đồi trụy… trong bộ phận nhân dân. Cảnh tượng xấu diễn ra ngay trước mắt mọi người: “Trên con đê sông Hồng nay đã thành đường phố, nhà tầng mọc lên nhấp nhô, phần lớn là nhà nghỉ, cửa đóng im ỉm, nom rất bí hiểm. nhà nào cũng có treo biển đề tên, cái là Hoa Hồng, Bông Sen, cái là Hoa Mơ, Hoa Sim, cái là Chiều Tím, Đêm Sương…Những chữ mập mờ khơi gợi, nghe nửa bẩn nửa sạch, nửa tin cậy, nửa rất đáng nghi ngờ, giống như những ông bà trẻ tuổi trưa từ các nhiệm sở gọi nhau đi ăn cơm bụi xong là dắt nhau qua đó” [17; 152]. Những tệ nạn ấy ảnh hưởng nguy hại đến đời sống tinh thần của nhân dân. Nó ẩn náu, thâm nhập vào từng thôn làng ngõ xóm. Cái làng Niềm trước kia rất giàu bản sắc văn hóa, nay đã đầy rẫy những tệ nạn như mại dâm, hút chích ma túy. Một cô bé mới mười lăm, mười sáu tuổi đã sống buông thả, trở thành gái không chồng có con, nhẫn tâm đem bán những đứa con của mình mà không một lần cật vấn lương tâm để biết tủi hổ, thương xót, thức tỉmh. Lại nữa, cô gái còn tuyên phán một câu dạy khôn nhằm biểu hiện sự sành đời, trải đời : “Chú là nhà văn mà lẩn thẩn thế, theo kịp làm sao bước đi của thời đại, bị cuộc sống bỏ lại tụt hậu là cái chắc” [17; 321]. Những giá trị truyền thống, những thuần phong mĩ tục của người Việt ta nay bị một thành phần, nhất là giới trẻ làm lung lay, phai mờ khiến người nghệ sĩ không khỏi băn khoăn trăn trở…

Giáo dục bao giờ cũng là nền tảng căn yếu của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Vì thế, từ xưa đến nay, vấn đề giáo dục luôn đứng ở những vị trí đầu trong chương trình xây dựng và

phát triển đất nước. Cha ông ta luôn quan tâm, chăm lo cho đạo học ngày càng vững bền, bởi vì “nhìn vào sự thịnh suy của Đạo học mà thấy ra sự thịnh suy của xã tắc”. Sự hưng thịnh của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào tầng lớp trí thức hiền tài, rường cột của đất nước mà còn phụ thuộc chủ yếu vào mặt bằng dân trí chung: “Chung qui trăm sự vẫn là vấn đề dân trí, nó vừa là cái trần lại vừa là cái nền, một khi cái trần và cái nền đều còn thấp thì hết thảy đặt nó trên đều thấp theo, không thể tính chuyện nhảy vọt chặn đầu đi tắt bỏ qua giai đoạn, tính toán thế là tự lừa mình, giống như câu chuyện tếu lâm, có anh nhà quê nóng ruột vì càng nhìn vào ruộng nhà mình càng thấy lúa lên chậm quá, anh ta bèn lội xuống nắm thân lúa kéo lên, được mấy hôm ruộng lúa héo vì đứt hết rễ” [18; 309]. Chính vì vậy, ngay từ những năm tháng mới dành được độc lập, tự do, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân bắt tay vào việc tiêu diệt “giặc đói và giặc dốt”. Phong trào bình dân học vụ được phát động sâu rộng trong quần chúng đã đạt được những kết quả khả quan. Đỗ Chu đã nhắc lại bài học đó như để khẳng định giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu.

Trở về với hiện tại, nhà văn chỉ ra những yếu kém của nền giáo dục nước ta. Đó là tư tưởng trọng hình thức hơn là năng lực. Hễ có bằng cấp cao thì tức khắc sẽ được trọng dụng mà không hề để tâm đến năng lực lao động. Chính vì thế mới có hiện tượng mua bán bằng giả. Nó làm thui chột ý thức phấn đấu của con người, nhất là thế hệ trẻ. Nhà văn cho rằng cần phải có những biện pháp ngăn chặn và xử lí nghiêm khắc đối với những kẻ tham gia vào tệ nạn này. Có như thế thì “các cô các cậu con nhà quyền quý sẽ trở nên lễ phép nghiêm ngắn, các anh các chị con nhà thứ dân sẽ biết thân biết phận mà dùi mài học hỏi tu thân vượt lên làm những người xuất chúng có ích cho đời, để được đời kính trọng, chứ không thể yên lòng vào cái lí lịch ba đời nghèo khó theo cách nhìn hết sức vớ vẩn…” [17; 291]. Lúc ấy, người ta sẽ lo thân mà cố gắng tự học, tự rèn luyện để trở thành người thực học, thực tài phục vụ cho đất nước. Đỗ Chu mạnh dạn đề ra một đường hướng giáo dục: “Cơ sở vững chãi nhất để ta có thể đặt niềm tin vào một hướng đi bởi thấy đó là một phương pháp giáo dục mang tính hệ thống cao. Không vội vã, không khoa trương ầm ĩ, sẵn lòng lắng nghe mọi sự nhắc nhở, dọc đường đi kiên quyết từ chối mọi hình thức tụng ca, đề cao thực học, coi trọng những giá trị thật, khe khắt đòi hỏi ở chính mình, đấy chính là phẩm chất quý báu trong Đạo học” [17; 297]. Và việc chọn mặt gửi vàng là điều tối cần thiết, như Đỗ Chu phân tích: “Chọn lựa những cái gì để dạy là vô cùng khó. Người ta gọi đó là lập chương trình, là công việc của các ông thầy lớn, không phải bạ ai cũng gọi về

giao phó được” [17; 300]. Đồng thời, đội ngũ giáo viên cũng phải có lương tâm nhà giáo, có đủ năng lực và phẩm chất cao quý: “ …không chỉ cần có tinh thần trách nhiệm cao trước sự nghiệp giáo dục nước nhà là đủ, mà còn cần phải có đầy đủ lòng dũng cảm, phải có đầy đủ ý chí và nghị lực, phải có đức hi sinh lớn, phải có phẩm chất nhẫn của tri thức có tầm nhìn xa” [17; 295]. Có như thế thì nền giáo dục nước ta mới thoát khỏi sự bế tắc, lạc hậu, vững vàng bước lên phía trước.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 65 - 69)