Kết cấu giản dị, tự nhiên

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 75 - 84)

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TÙY BÚT CỦA ĐỖ CHU

3.1.1.1 Kết cấu giản dị, tự nhiên

Đối với phần lớn các nhà văn thì xây dựng kết cấu cho tác phẩm là một việc làm quan trọng và tốn nhiều thời gian, công sức thể hiện quá trình vật lộn, thai nghén của nhà văn với tài liệu sống. Nhưng với nhà văn Đỗ Chu thì lại khác, ông đã từng tâm sự: “với tôi cốt truyện không thành vấn đề lắm”, nên khi xây dựng kết cấu cho tác phẩm nghiêng về trữ tình của mình, nhà văn không cần nhiều tâm lực, kĩ thuật. Theo như lời bộc bạch của Đỗ Chu, nhà văn dường như không có thói quen xây dựng kết cấu tác phẩm trước khi viết, mà kết cấu ra đời cùng một lúc với ý đồ nghệ thuật của tác giả.

Nói đến kết cấu giản dị, tự nhiên trong tùy bút của Đỗ Chu trước hết phải đề cập đến lối mở đầu và kết thúc tác phẩm. Dẫn vào đoạn mở đầu, bao giờ Đỗ Chu cũng lấy một đề tựa thật ngắn gọn, dễ hiểu, chân phương. Trong số ba mươi hai tựa đề thì không có một tựa đề nào đi ngược với sự giản dị, tự nhiên, tỏ ý làm duyên làm dáng, gợi sự tò mò hay khêu gợi cho mọi người cuộc săn lùnglí thú. Những cái tên như Quê ngoại, Ghi chép ở Ban Mê, Cát nóng, Một con người đã ra đi, Tản mạn trước đèn…xuất hiện trước phần mở đầu như một dấu hiệu thẩm mĩ của một khúc dạo đầu nhẹ nhàng, giản dị. Người đọc có thể thấy một số kiểu mở đầu thường hay xuất hiện trong tùy bút của Đỗ Chu. Đó là kiểu mở đầu bằng những chiêm nghiệm về lẽ đời: “Con người ta tưởng vậy chứ không dễ mỗi lúc đã được gọi cho ra đúng về nhau. Như anh Mai Ngữ đấy, nhà văn Mai Ngữ, quen biết nhau đã có trên bốn chục năm, vậy mà đến lúc muốn viết về anh lấy dăm ba trang thì thật là khó. Không phải anh nhạt, cũng không phải vì chưa hiểu anh, vậy là làm sao, là thế nào.” [17; 149]; “Hình như khi về già người ta đều muốn lui vào, cho nên nhà ông lang Bách mới nằm trong một ngõ nhỏ của phố Tràng Tiền, ông Hoàng Cầm lại ở trong một các hẻm khác trên đường Lí Quốc Sư, còn ông Kim Lân là xóm Hà Hồi.” [17; 129]; “Hình như mỗi nhà văn chúng ta, ở mọi thế hệ đều đã cầm bút trong những điều kiện không mấy thuận lợi, rất nhiều người sống chật vật. Hoàn cảnh xã hội lại càng bấp bênh” [17; 257]…Với kiểu mở đầu ấy, Đỗ Chu đã tìm cho mình một cái cớ để dẫn chuyện, đồng thời tạo cho người đọc mối đồng cảm, cùng trăn trở, suy tư ngay với ông ngay từ những câu văn đầu tiên của tác phẩm. Cái vấn đề tưởng như vu vơ ấy hóa ra lại có một cái duyên lạ để bắt vần cho phần mở đầu của một bài tùy bút. Có những bài tùy bút lại mở đầu theo kiểu hoài niệm: “Vậy mà đã trọn một năm kể từ nhà văn Nguyễn Đình Thi qua đời. Giờ đây mỗi chúng ta vẫn như đang còn thấy bóng dáng anh quẩn quanh đâu đó. Phảng phất trong hơi may, phảng phất trong mưa bụi, trong hoa cỏ giêng hai quê nhà vẫn như có hồn anh” [17; 209]; “Vào cuối đời của Nguyễn Minh Châu, ta thấy anh thường lặng lẽ mò vào Quảng Trị, chuyến lên núi, chuyến xuống biển.” [17; 163]. Đây là một kiểu mở đầu cho những bài tùy bút viết về những nhân vật đã qua đời nhưng trước đó từng in sâu vào tâm khảm nhà văn những kỉ niệm đẹp. Niềm thương nhớ trở thành điểm tựa để tác giả tái hiện chân dung những người đã ra đi, làm thành mạch xúc cảm chủ đạo xuyên suốt khắp tác phẩm.

Nhà văn Đỗ Chu cũng hay bắt đầu cho tác phẩm của mình bằng một vài nét chấm phá cảnh sắc thiên nhiên: “Chim ri đã từng đàn từ đâu bay về nhảy trong mấy lùm nhãn trước nhà. Và chúng hót, chúng ồn ã chuyện trò. Tôi ngồi bên cửa sổ hàng giờ lắng nghe

tiếng chim ngoài vườn và tự hỏi, chúng đang véo von những gì vậy, tình tứ một cách qua công khai nhưng ngoài chúng có lẽ chẳng ai trên đời này hiểu nổi.” [14; 5]; “Người Hà Nội bước đi trên hè phố, nhìn thấy qua những lùm sấu quả chín vàng là một vòm trời bao giờ cũng nhiều nắng.” [14; 79]; “Gió cứ mãi thổi ngoài kia. Mưa còn đang bay lây rây làm ướt nhão mảnh vườn, vậy mà xuân thì đã lại.” [14; 104]. Ngoài ra còn nhiều kiểu mở đầu khác nữa. Dù là kiểu mở đầu nào, Đỗ Chu vẫn luôn giữ một lối dẫn nhập hết sức tự nhiên, khác xa với kiểu mở đầu hoa mĩ tạo ấn tượng mạnh mẽ như ta thường thấy ở một số cây bút khác.

Thống nhất với phần mở đầu tác phẩm, Đỗ Chu có những đoạn văn khép lại cũng ngắn gọn, nhẹ nhàng, lấy sự dư ba làm mục đích thẩm mĩ. Ta thường thấy, phần cuối tác phẩm thường là phần người đọc chờ đợi kết quả sau cùng, điểm mở nút, nhất là ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Nếu đọc tác phẩm văn chương chỉ để xem hồi kết của câu chuyện như thế nào thì người ta sẽ gặp thất vọng hoàn toàn khi đọc tùy bút của nhà văn Đỗ Chu. Bởi vì phần lớn đoạn kết tác phẩm thường là những dòng suy tư thâm trầm hòa với những xúc cảm lắng đọng, mênh mang, khơi gợi những bài học về nhân sinh: “Cứ mỗi năm lại thấy quanh mình vắng đi một vài người thân thiết, rồi trông vào gương thấy tóc mình cũng đã bạc trắng cả, lòng không khỏi cô quạnh. Lại càng thấy phải biết yêu quí, lại càng thấy phải biết nhường nhịn và có lẽ cũng sắp phải học lấy sự lặng lẽ lịch lãm của anh.” [17; 216]; “Những trái sấu thảng thốt rơi trên mái làm lòng ta bâng khuâng vì hiểu rằng mùa thu đang về. Mùa thu năm nay là mùa thu nặng nề đối với mỗi người cầm bút trước sự rơi xuống của một trong những trái cây cuối cùng của một mùa văn học kháng chiến. Sự ra đi của anh Chính Hữu, một đại biểu xuất sắc của văn học đương đại Việt Nam là sự ra đi mang ý nghĩa đó.” [18; 131]. Đỗ Chu thường gửi gắm bao nỗi suy tư cùng với điệu xúc cảm nhẹ nhàng, sâu lắng, lan tỏa giữa những dòng văn giàu chất thơ trước khi khép lại tác phẩm.

Ai đó từng bảo: “Ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi người, cái bất ngờ cũng vẫn thường tới”. Kết cấu hệ thống nhân vật và sự kiện trong tùy bút của Đỗ Chu cũng khá đơn giản, mang tính đơn tuyến, hiếm có những mâu thuẫn, xung đột giữa các nhân vật. Nhìn chung, đối tượng thẩm mĩ mà nhà văn hướng đến chủ yếu là những nhân vật ưu tú, có những nhân cách đẹp, tài năng và tài hoa. Trong các tác phẩm tự sự hiện đại, hệ thống nhân vật xuất hiện dưới dạng thức đa tuyến, đa chiều, phát triển tối đa những xung đột với môi trường xung quanh và trong nội tại của chính mình. Số lượng các nhân vật chính

trong một bài tùy bút của Đỗ Chu không nhiều. Nhất là các tùy bút chân dung, ông chỉ tập trung viết về nhân vật chính, các nhân vật khác nếu có xuất hiện chỉ là phương thức để làm nổi bật nhân vật chính. Bài tùy bút số 2 trong phần Hoa bờ giậu, Đỗ Chu viết về Việt kiều Thái tên là Châu Kim Qưới. Hơn mười sáu trang, Đỗ Chu chỉ tập trung viết về cuộc sống và quá trình phấn đấu của nhân vật trên nước Thái từ lúc còn trẻ cho đến khi về già. Nhà văn có nhắc đến một số nhân vật khác như vợ của Thavi Quý, Bằng Việt, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Đức Quỳ… cũng chỉ với dụng ý làm nổi bật chân dung của nhân vật Thavi Quý mà thôi. Hay ở bài tùy bút số 6 cùng phần với tùy bút số 2 ở trên, nhà văn Trần Hoài Dương hiện lên với tất cả những sự kiện cốt yếu trong cuộc sống đời thường và trong sự nghiệp cầm bút của ông. Từ sự kiện Trần Hoài Dương rời bỏ báo Văn nghệ vào Nam nhận công tác đến việc ông có mặt tại trường giáo dưỡng trẻ vị thành niên, rồi những cuốn sách ra đời từ những trải nghiệm trong khoảng thời gian dài….Tất cả dần dần hiện lên tự nhiên mà không cần đến những xung đột hay mâu thuẫn dữ dội từ bên ngoài hay bên trong nhân vật. Theo đó, những khái niệm thắt nút, mở nút, phát triển, cao trào hầu như không được vận dụng trong sáng tác tùy bút của Đỗ Chu. Chuỗi sự kiện phản ánh quan hệ xã hội và bản chất của nhân vật, phản ánh sự vận động của nhân vật. Tuy nhiên, sự kiện trong tùy bút của Đỗ Chu chủ yếu có tính chất đơn nhất, giũ vai trò bổ sung, hỗ trợ cho nhau, góp phần làm sáng tỏ chân dung nhân vật. Tổng hợp các sự kiện, người đọc có cái nhìn toàn diện về các nhân vật mà nhà văn xây dựng

Hơn nữa các hệ thống sự kiện cũng được tái hiện hết sức tự nhiên, tưởng chừng như rời rạc, không có mối liên hệ với nhau nhưng lại được chi phối bởi một mạch cảm hứng chủ đạo tạo nên sự thống nhất, kết dính với nhau theo dòng ý thức tự sự hết sức liền mạch. Nhà văn như một người thích ngao du đó đây, từ hiện tại lùi về quá khứ rồi từ quá khứ lại trở về hiện tại, hòa trộn, đan xen hiện tại và quá khứ trong không gian nghệ thuật rất riêng của nhà văn. Nhà văn hết đến với thế giới con người này lại đến với thế giới con người khác, hết tả cảnh rồi đến kể chuyện con người, chốc chốc lại bày tỏ xúc cảm hay nỗi trăn trở về nhân tình thế thái, rồi nghiệm ra những nghĩa lí của cuộc đời…Trong tùy bút Quê ngoại, nhà văn bắt đầu từ nhân vật Nguyễn Khải, sau đó kể lại cuộc thăm thú cảnh vật Thuận Thành, song song đó là những nhận xét về nhà văn Nguyễn Khải. Dần dần, Đỗ Chu đề cập đến các nhân vật tài danh ở xứ Kinh Bắc qua dòng hồi tưởng như Trần Đức Thảo, Đỗ Đình Chất, Ngô Ngọc Quản…Cảnh và người Kinh Bắc cứ thế hiện lên tự nhiên và sống động, cuối cùng nhà văn trở về với hiện tại thấy vùng đất Kinh Bắc, chiếc nôi nuôi

dưỡng nhiều danh nhân văn hóa. Từ đó ông thêm yêu, thêm tự hào, thêm gắn bó với miền quê Kinh Bắc dấu yêu. Cái sự thoải mái, tung tăng trong cảm xúc và ý tưởng của chủ thể sáng tạo góp phần quan trọng tạo nên đặc trưng cho thể loại này.

Có thể thấy bố cục trần thuật cũng hết sức tự do, không theo một khuôn mẫu nào, mang tính năng động, linh hoạt. Những đoạn văn dài ngắn khác nhau, lúc thì mang một nội dung lớn, lúc chỉ là một điểm nhấn của cảm xúc, giọng điệu. Khảo sát một số đoạn văn, chúng tôi thấy có đoạn rất dày những tình tiết, sự việc như đoạn văn nói về cuộc sống gia đình của thầy giáo Vũ Đình Chất gồm 35 dòng (Quê Ngoại, trang 123 đến trang 125), đoạn văn nói việc họa sĩ Linh Chi gồm 42 dòng (Bài tùy bút số 3 trong Thăm thẳm bóng người, từ trang 126 đến trang 127), đoạn văn nói về nhà văn Mai Ngữ gồm 41 dòng (Lời mai trò chuyện, từ trang 157 đến trang 159)…Bên cạnh đó là những tiểu đoạn, có khi chỉ là một câu: “Ung dung biết mấy, điềm tĩnh cứng cỏi biết mấy. [17; 147]; “Rồi ông Nguyễn Huyến cũng bày tranh với những bức sơn dầu lớn, mang phong cách hiện thực, bút pháp cổ điển chắc chắn. [18; 214] ; “Cụ Thiên Tích ngồi lặng lẽ trước bàn, chén nước cầm trong tay nguội lâu rồi, ánh mắt đặt vào một nơi xa xôi” [18; 317]… Có thể nói, không chỉ những chi tiết và các nhân vật xuất hiện tự nhiên, tùy hứng mà số lượng câu trong một đoạn văn, số đoạn văn trong một bài tùy bút, dung lượng của các bài tùy bút cũng không theo một sự qui định nào mà hoàn toàn tự nhiên, tùy thuộc vào mạch cảm hứng. Có lẽ, mạch cảm xúc đến đâu thì bố cục nối bước theo đến đó. Nhờ thế mà kết cấu tác phẩm mang tính tự nhiên, giản dị.

Một điểm cuối ở phần này là điểm nhìn trần thuật của nhà văn Đỗ Chu qua nghìn trang tùy bút. Ở đây có một sự nhất quán trong điểm nhìn trần thuật. Xét trên phương diện trường nhìn trần thuật, tức là điểm nhìn bao quát cái phần thế giới được nhìn từ một chỗ đứng nào đó, có thể chia làm hai loại: trường nhìn tác giả và trường nhìn nhân vật. Tùy bút của Đỗ Chu là tác phẩm tự sự nhưng mang đậm chất trữ tình. Người đọc dễ nhận ra các tác phẩm tùy bút của ông có trường nhìn nhân vật. Cần lưu ý rằng, nhân vật này chính là tác giả, là cái tôi tùy bút của Đỗ Chu. Nhờ thế, tác giả dễ dàng thể hiện quan điểm riêng, sắc thái tâm lí, cá tính, tình cảm khiến tác phẩm đậm chất thơ. Cái tôi tùy bút Đỗ Chu nhìn sự kiện, nhân vật dưới nhiều góc độ và góc cạnh khác nhau, nhiều chiều kích khác nhau, có khi hòa trộn những cái tưởng chừng như cách xa nhau vào một khối thống nhất. Chính sự phối hợp các thành phần trần thuật, sự đan xen, luân phiên các sự kiện, và các đoạn tả cảnh

và các đoạn bộc lộ trực tiếp suy nghĩ và tâm trạng, các đoạn hồi tưởng… đã tạo nên một nhịp điệu trần thuật đa sắc nhưng lại tự nhiên, thoải mái.

3.1.1.2 Kết cấu lồng và xâu chuỗi nhiều chuyện kể trong cùng một tác phẩm

Lồng chuyện là kiểu tự sự trong đó trên cái nền của một chuyện kể chạy dọc từ mở đầu đến kết thúc tác phẩm, nhà văn đã đính vào trong cái câu chuyện cơ bản một số câu chuyện nhỏ khác nhằm bổ sung ý nghĩa cho vấn đề tự sự. Có thể khái quát kiểu kết cấu này theo mô hình sau: một câu chuyện chính + một hay nhiều câu chuyện phụ. Đó là mô hình xương cá. Như thế có nghĩa là trong dòng tự sự đã được phân chia thành từng tầng bậc lớn nhỏ, chính phụ. Còn xâu chuỗi chuyện là kiểu tự sự mà trong đó người viết tập hợp nhiều câu chuyện khác nhau nhưng cùng cấp độ trong cùng một tác phẩm nhằm làm nổi bật một chủ đề nào đó. Đối với tùy bút, kiểu kết cấu này khá phổ biến, thể hiện đặc trưng thể loại. Người viết có thể kể chuyện nọ xọ chuyện kia, pha trộn nhiều loại không gian và thời gian khác nhau một cách tự do, phóng túng.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy tùy bút của Đỗ Chu sử dụng kiểu trần thuật như trên khá phổ biến. Tùy bút Ông già ngồi dịch Đăm Săn là tác phẩm sử dụng kết cấu chuyện lồng chuyện. Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện về cụ giáo Thấu, một người đam mê nghiên cứu và sưu tầm văn hóa – văn học Tây Nguyên, nhất là sử thi Đăm Săn. Cụ giáo Thấu là người gốc Huế, tính tình phóng khoáng thích bay nhảy hoạt động, sớm tham gia phong trào Hướng đạo sinh. Năm 1936, cụ Thấu từ Huế ngồi tàu hỏa ra Hà Nội xin vào trường học Thăng Long, sau một năm thi đỗ Secondaire, lại chào Hà nội về Huế kịp thi vào trường Sư phạm. Cụ học cấp tốc một năm, học xong lại được điều lên Ban Mê Thuộc. Và thế là thành gắn bó lâu dài với nơi này, quần áo trắng, mũ trắng, giày tất trắng, thanh xuân và nghị lực, thầy giáo Thấu nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống nơi miền đất lạ. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ về sống tại Hà Nội, vẫn lặng lẽ đi về với Tây Nguyên. Hạnh phúc nhất là cụ đã hoàn thành công trình dịch thuật và hiệu đính bộ khan Đăn Săn. Đó là chuyện đóng vai trò chủ đạo, được triển khai xuyên suốt tác phẩm. Men theo câu chuyện về cụ Thấu, còn có những câu chuyện khác với vai trò phụ bổ trợ. Khi đề cập đến các vị tiền bối có công trong việc sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, nhà văn còn kể

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 75 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)