Câu văn giàu tính nhạc, nhiều liên tưởng, so sánh

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 101 - 105)

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TÙY BÚT CỦA ĐỖ CHU

3.3.2 Câu văn giàu tính nhạc, nhiều liên tưởng, so sánh

Văn học, nhất là các tác phẩm trữ tình vốn gắn bó chặt chẽ với âm nhạc. Ở nhiều tác phẩm trữ tình nhiều khi ranh giới giữa văn học và âm nhạc bị xóa bỏ. Rõ ràng, không nên đồng nhất âm nhạc và văn học nhưng văn thơ không tách rời với âm nhạc là điều hiển nhiên. Bởi vì, trong quá trình hình thành ý đồ sáng tác, người nghệ sĩ thường mang một tâm trạng có màu sắc nhạc tính. Và ứng với mỗi trạng thái tình cảm thì sẽ có một giọng

nói, một cách nói, tốc độ nói thích hợp như thế. Tính nhạc trong văn văn xuôi thường thể hiện ở lối đặt câu và sự phối hợp chúng trong một liên khúc, thể hiện ở sự phối thanh, đôi khi còn thấy trong cách hiệp vần theo cấu trúc ngang. Các đoạn văn được nhà văn triển khai như một cuộc diễu binh hùng tráng.

Đối với văn xuôi Đỗ Chu, gần như nhà văn không quá chú trọng, nhấn mạnh đến vai trò của tính nhạc như tùy bút Nguyễn Tuân, bút kí nghệ thuật của Hoàng phủ Ngọc Tường nhưng nơi ông có một nguồn cảm xúc luôn rào rạt chảy không ngừng và phát ra những giai điệu giàu nhạc tính.

Tính nhạc trong câu văn của Đỗ Chu có trong cấu trúc câu phức mà trong đó thành phần vị ngữ được mở rộng biên độ đến mức tối đa. Sự tương tác, cộng hưởng giữa các vế nối đuôi nhau, lặp lại nhau, bổ sung cho nhau đã tạo cho lời văn một giọng điệu giàu tính nhạc: “Anh tên là Trần Nhị, cũng gốc quê choa, đi khắp trần gian này gặp đồng hương quê choa là yên trí lớn, đói có ăn khát có uống, gian nan đùm bọc lẫn nhau, sống chết có nhau, đó là cái nghĩa, cái cách sống mà già trẻ người nào cũng có sẵn, không thế không phải là người xứ Nghệ” [17; 32]. Nó mang âm hưởng của một kiểu văn biền ngẫu trong văn học trung đại Việt Nam. Những dấu phẩy tựa như quãng âm ngắn tưởng là tồn tại độc lập nhưng hóa ra lại hưởng ứng nhau về ngữ nghĩa và âm sắc. Chúng được móc xích trong một chuỗi thể hiện được cái ngữ khí sôi nổi, hứng khởi của nhà văn khi nói về tình đồng hương mặn mà, sâu đậm. Tương tự thế, trong tùy bút Quê ngoại, tác giả cũng có vẫn sử dụng kiểu cấu trúc này, mang lại nhạc tính cao: “Con người ta sống trong trời đất là ngổn ngang những khôn dại đúng sai, hết đứng dậy lại vấp ngã, lẫn lộn những kiêu hãnh và tầm thường, đầu óc lúc quang lúc tối, khi nó mở ra thì khôn ngoan vượt cả Khổng Minh, Hàn Tín, mà khi nó đóng lại thì mở mịt yếu đuối như con vờ ngoài sông vào lúc chiều tà” [17; 112]. Lối suy nghĩ liền mạch, muốn đi tới tận cùng những nghĩa lí của vấn đề là một trong những yếu tố mang lại ngữ điệu. Trong nội bộ một câu, Đỗ Chu viết những câu có vẻ như hơi rườm rà, dây cà dây muống mà đọc kĩ thì chỉ còn thấy một mạch suy tư, xúc cảm liền mạch trào dâng mà ai cũng có thể hiểu được ý tình. Có thể nói, những câu dài như một con dao hai lưỡi, nếu non tay sẽ dễ dẫn tới hiện tượng sai cấu trúc, chập cấu trúc, mơ hồ, khiến người đọc có cảm giác đi vào mê cung chữ nghĩa. Ngược lại, người nghệ sĩ không chỉ tạo ra được một chuỗi vế câu có tác dụng chuyển tải trọn vẹn ý tưởng mà còn nhạc hóa cú pháp văn xuôi. Đỗ Chu là người thuộc trường hợp thứ hai, vì ông xây dựng những câu văn vừa có sức biểu đạt, biểu cảm cao mà vừa có sức tác động nơi độc giả những âm vang,

nhạc điệu của câu chữ nghệ thuật. Đỗ Chu còn có khuynh hướng giải thể vai trò của chủ thể đã xuất hiện ở câu trước để làm nổi bật một vấn đề nào đó, đồng thời trùng điệp hóa những vế câu dài: “Là cứu cánh, là hạt nổ, là khởi thủy của mọi điều hệ trọng cho giờ đây con cháu luận bàn, chiêm nghiệm, là những đốm lửa lấp lóa xa xa trong một đêm đông, là những người móc lửa trong tim mình ra mà thắp sáng, là những viên đá dài lát đường, là phong thanh áo vải lặn xuống mở cửa đập, là thác lũ, là êm đềm một con sông lớn, là bản giao hưởng lớn với giai điệu trầm hùng của buổi nhân dân bước vào lịch sử, là của thật không gì có thể lẫn lộn được” [14; 102]. Ngữ khí của câu văn giúp tác giả khẳng định mạnh mẽ, xác tín mạnh mẽ điều mà ông suy tư. Sức thuyết phục vì thế cũng rất cao trong một hình thức cấu trúc trùng điệp như một đoàn binh xung trận với khí thế háo hức, mê say.

Đỗ Chu cũng thường bắt đầu các câu văn, các vế câu trong một câu, một cụm câu bằng cùng một từ hoặc một ngữ: “Chào sông Hàn. ChàoSơn Trà. Chào những người anh em với những khuôn mặt quen thuộc, nhữngkhuôn mặt mới mẻ, nhữngngườitôi đã từng gặp, những người tôi mới chỉ được biết trong chuyến đi này” [17; 87].

Tính nhạc của câu văn còn là hiệu quả thẩm mĩ của việc điều phối, sắp xếp các câu dài xen câu ngắn và những câu có cấu trúc khác nhau kết hợp với nghệ thuật điệp từ, điệp ngữ tạo ra một hợp âm đa thanh: “Mùa hạ trời miền Trung xanh thật là xanh. Và nắng dữ, cát nóng. Nhưng người thì hình như rất dịu dàng’ [17; 87]; “Anh em chúng tôi lớn lên ở hai bên bờ sông Hồng, ở những cánh đồng mở ra bát ngát, màu mỡ phù sa, ở những làng quê có tre xanh, có ngói đỏ, có rơm mùa chất đống trước sân nhà. Ao sen tỏa hương mùa hạ, nếp cơm theo mùa thu. Chiều chiều tiếng người về đồng, tiếng trâu bò đi ngang ngoài đường, tiếng chày giã gạo bên hàng xóm, xôn xao, huyên náo khắp ngõ. Và, những lời dân ca mộc mạc tắm mát như những mạch nước thấm sâu vào trong lòng đất” [14; 71]. Trong tùy bút Đứng trước mùa xuân, ở phần mở đầu, Đỗ Chu có một đoạn văn được viết theo mô hình phối hợp những câu dài ngắn đan xen với nhau: “Tôi ngồi bên cửa sổ hằng giờ lắng nghe tiếng chim ngoài vườn và tự hỏi, chúng đang véo von những gì vậy, tình tứ một cách quá công khai, nhưng ngoài chúng có lẽ chẳng ai trên đời này hiểu nổi. Đêm xuống. Trời chuyển rét. Và bất chợt những tiếng mưa nho nhỏ, nhè nhẹ reo lên mái nhà như rây bột. Mưa khe khẽ. Khe khẽ mưa. Tôi lắng nghe tiếng mưa vang vỡ trong đêm. Đôi mắt mở to, đầy tỉnh táo” [14; 5]. Trong đoạn văn trên có tám câu, trong đó độ dài ngắn của các sau được mô hình hóa như sau: câu 1 (dài) - câu 2 (ngắn) - câu 3 (ngắn) - câu 4 (vừa) – câu 5

(ngắn) – câu 6 (ngắn) – câu 7 (vừa) – câu 8 (ngắn). Số lượng các câu ngắn có phần đông đảo hơn, dày hơn đem lại cảm giác về âm thanh của sự thay đổi đột ngột, nhanh nhanh chóng của thời tiết, những giọt mưa ngắn, nhỏ bé rơi đều trong đêm như một khúc ca trầm buồn khiến cho lòng ai phải tỉ tê, lạnh giá…Đồng thời những từ gợi thanh như vang vỡ, nho nhỏ, nhè nhẹcó tác dụng mô phỏng âm thanh tiếng nhạc mưa trong đêm khuya quạnh vắng…

Trong quá trình tự sự, công việc chính của nhà văn là phải tái hiện, miêu tả sự kiện, biểu lộ thái độ tình cảm hay quan niệm riêng tư của mình. Nhưng đây là tác phẩm nghệ thuật. Nhà văn chỉ có thể đưa trang viết đi sâu vào lòng độc giả khi anh ta biết cách tự sự và có nghệ thuật tự sự. Trong hàng loạt những thủ pháp, phương pháp nghệ thuật thì phải kể đến sự liên tưởng và thủ pháp so sánh. Tuy nhiên nếu không có sức sáng tạo dồi dào, người viết rất dễ làm cho tác phẩm của mình rơi vào hiện tượng sáo mòn, kệch cỡm, gây ra phản cảm. Đỗ Chu dường như là người thích chêm xen vào trong dòng tự sự của mình những liên tưởng, so sánh. Và bao giờ cũng ông cũng đạt được những giá trị thẩm mĩ nhất định. Bởi lẽ mỗi lần liên tưởng, so sánh là một lần nữa nhà văn thể hiện sự sáng tạo của mình. Vì thế, có vô số những liên tưởng, so sánh trong các tập tùy bút nhưng không hề thấy sự trùng lặp hay sáo mòn. Không những thế, với biện pháp liên tưởng, so sánh, Đỗ Chu luôn khiến cho người đọc phải bất ngờ và thú vị. Trường liên tưởng và so sánh trong trang viết của Đỗ Chu có sắc thái khác so với Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Với Nguyễn Tuân, sự liên tưởng luôn ấn tượng đến mức kinh ngạc, mang dấu ấn của cái tôi độc đáo, đầy cá tính. Còn với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sự liên tưởng có thiên về chất lãng mạn, hướng nội, đẹp một cách mê đắm lòng người.

Thông thường trong tùy bút của Đỗ Chu, so sánh và liên tưởng là cặp đôi luôn sánh bước bên nhau, so sánh là phương tiện để liên tưởng. Có vô số những liên tưởng, so sánh theo kiểu này: “Nơi ấy sen súng mới nhiều làm sao, chúng mọc bát ngát khắp cánh đồng, đang là mùa hoa, sen nở trắng hồng, còn súng thì tím đỏ, đỏ như máu như lửa” [17; 98]; “Vùng hồ Lắc dấu tích muôn đời của núi lửa giờ nằm yên ả như một mảng sương soi bóng những tầng mây trắng, in bóng đàn nhạn núi đang bay về” [17; 44]; “Miền Trung là một bản giao hưởng cát. Quảng Nam – Đà Nẵng là một chương trầm hùng của bản giao hưởng đó” [17; 66]. Các hình ảnh so sánh, liên tưởng ở tùy bút Đỗ Chu có phần nhẹ nhàng, xuất hiện đơn tính nhưng không đơn điệu, mờ nhạt. Nó có một phong vị riêng thấm mãi vào lòng người.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 101 - 105)