Tầm hiểu biết sâu rộng

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 69 - 71)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI ĐỖ CHU TRONG TÙY BÚT

2.3.1 Tầm hiểu biết sâu rộng

Tùy bút là thể loại văn học thể hiện rõ nét tầm hiểu biết của nhà văn về các vấn đề xã hội. Trong đó, tri thức của người viết trở thành nguồn chất liệu quan trọng để nhà văn có được những trang tùy bút vừa có giá trị thẩm mĩ vừa có giá trị nhận thức, mang lại cho người đọc những rung cảm dồi dào và mở ra những chân trời tri thức. Lượng thông tin chứa đựng trong tùy bút có chính xác và phong phú hay không là tùy thuộc rất nhiều vào vốn kiến thức mà người nghệ sĩ tích lũy được. Đọc tùy bút của Đỗ Chu, cái tôi uyên bác trong ông thể hiện một cách gián tiếp thông qua những gì ông phản ánh. Đó là các đề tài về quê hương, người lính, nghệ sĩ, trí thức bác học…Mỗi đề tài, ông đều có một cái nhìn tường tận, sự am hiểu sâu sắc, thấu đáo. Có lẽ với các đề tài ấy, nhà văn vừa là người trong cuộc vừa là người thu thập thông tin. Ta chưa bao giờ thấy Đỗ Chu cố viết những gì xa lạ hay mơ hồ trong nhận thức và xúc cảm. Với các đề tài ấy, rất nhiều những nhân vật được Đỗ Chu tái hiện trên trang giấy, ai ai cũng rõ nét, ấn tượng và có chiều sâu. Nhất là các bài tùy bút chân dung, ông có sự hiểu biết toàn diện, từ hình dáng tướng mạo đến cốt cách, cá tính, từ cuộc sống đời thường đến lĩnh vực nghề nghiệp…

Qua các trang tùy bút, người đọc nhận thấy Đỗ Chu có sự am tường sâu rộng về văn hóa, nhất là văn hóa dân gian. Quê hương được tác giả nói đến là vùng quê Kinh Bắc. Cả vỉa tầng văn hóa được Đỗ Chu khơi lên, từ đình chùa miếu mạo, đến những cái cổng làng, từ những câu chuyện huyền thoại đến những danh nhân văn hóa, từ những câu ca dao đến làn điệu dân ca ngọt ngào, quyến rũ…..

Không những thế, Đỗ Chu còn giới thiệu cho người đọc về sinh vật, thổ nhưỡng và văn hóa vùng đất Tây Nguyên. Ống kính nghệ thuật của nhà văn nhẹ nhàng lướt qua từng cánh đồng, dòng sông, ngọn đồi: “Dòng sông Sêpêpốc chảy qua hướng Tây để gặp sông

lớn Mê Kông, nó là hợp lưu của hai nhánh sông Krông Nô và Krông Ana. Nô là chàng trai, Ana là cô gái. Cánh đồng Krông Pông bát ngát chính là lưu vực của hai dòng sông đó” [17; 27]. Ở đây, kiến thức về địa lí đã được hòa trộn với kiến thức văn hóa huyền sử và giai thoại Tây Nguyên. Ông tỏ ra rất am tường về những cánh đồng được tạo nên bởi những nhánh sông lớn ở Tây Nguyên: “Cùng với cánh đồng Krông Pông còn có mấy cánh đồng khác nữa, chúng nằm thanh thản bình yên sau những miền đồi núi hùng vĩ, cánh đồng nào lúa cũng thơm gạo cũng ngon” [17; 47]. Chính những cánh đồng xanh tốt, hào phóng ấy là nguồn cung cấp lương thực chính cho người dân nơi đây.

Tây Nguyên nổi tiếng với những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, bất tận. Nơi đó có nhiều loài cây lạ. Nhà văn Đỗ Chu khi miêu tả những cánh rừng Tây nguyên đã giới thiệu cho người đọc về hai loài cây chỉ có ở miền đất này. Đó là cây khộp và cây Ktung Ktang. “Cây khộp thuộc họ cây dầu, rừng khộp thoáng sạch như rừng Châu Âu. Sức sống rất mạnh mẽ, nhiều cánh rừng bị đốt phá, bị khai thác trần trụi chỉ vài năm quay lại đều đã thấy các gốc đều trổ mầm xanh um, vài năm nữa lại đã gặp một cánh rừng tái sinh đẹp nao lòng” [17; 31]. Sức sống và khả năng sinh tồn mạnh mẽ chính là vẻ đẹp độc đáo của loài cây ở xứ rừng Tây Nguyên. Một loài cây khác nữa mà nhà văn giới thiệu với người đọc là cây Ktung, Ktang. “Nó là loài cây họ bấc, ngày xưa mọc rất nhiều trong rừng sâu. Tới mùa, quả bấc rơi đầu suối, đàn cá bong Klong đua nhau nhảy lên đớp ăn tùm tũm trên mặt nước. Ktung, Ktang được gọi theo hình những trái quả. Cùng với cây thì giống cá Bong Klong cũng mất rồi” [17; 50].

Nói về Tây Nguyên chừng ấy xem ra vẫn chưa đủ, nhà văn còn mang vào những trang viết của mình những kiến thức về văn hóa – văn học của vùng đất này. Dân cư ở Tây Nguyên có đặc điểm độc đáo không giống với bất kì một miền đất nào: “Nơi ấy là một tập hợp lạ, phong phú, quần tụ nhiều dân tộc anh em, mặc dù có sự phát triển không đồng đều, có dân tộc còn non yếu như vừa thời nguyên thủy bước ra, lại có những dân tộc đã đạt tới trình độ cao” [17; 48]. Đời sống tinh thần của họ cũng rất đỗi phong phú và giàu có. Tây Nguyên có sẵn một kho tàng văn học dân gian. Đỗ Chu không phải là người nghiên cứu sử thi nhưng ông tỏ ra rất am tường lịch sử dịch thuật khá thăng trầm và phức tạp của khan Đăm Săn: “Trường ca Đăm Săn hay khan Đăm Săn là một bộ sử thi truyền miệng lớn của dân tộc Êđê, được nhiều người quan tâm nên đã có nhiều bản dịch mới ra đời. Được phát hiện vào năm 1924, đến năm 1927 nó đã có mặt ở Paris cùng với lời giới thiệu trang trọng của L. Sabatier. Năm 1957 tại Hà Nội, trường ca Đăm Săn đã được nhà nghiên cứu Đào

Tử Chí giới thiệu dịch ra tiếng Việt. Ông Chí là người am hiểu Tây Nguyên đã từng sống ở Tây Nguyên từ 1941. Ngoài ra còn có những dị bản gốc Êđê, như bản của Y Vông Mơno, một cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, đây là bản có độ tin cậy, chính ông Y Ngông Niêkdam cũng cho là như vậy. Ngoài ra còn có một bản nữa của Y Dung, một bản nữa của Y Bí Alêô” [17; 55- 56].

Tầm hiểu biết sâu rộng của Đỗ Chu còn được thể hiện ở những đoạn mô tả, lí giải các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong câu chuyện của ông Trần Nhị và bà Đạm, nhà văn cho nhân vật lí giải về cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ thống xương bàn chân: “Cũng giống hệt bàn tay, bàn chân cũng có xương năm ngón, tính từ trong ra thì chỉ có ngón số một, tức là ngón cái gồm hai xương, còn từ ngón hai đến ngón năm, ngón nào cũng gồm ba xương. Ngoài các xương ngón lại có xương hộp, xương sên, xương ghe, xương gót, xương chày, xương mác, xương chèm một, chèm hai. Rồi bên trên gót lại có xương trụ trước, trụ sau, bao quanh các xương là các cơ, các cơ níu được vào các khớp bằng các gân…” [17; 39]. Rồi bàn về nghệ thuật làm gốm sứ, nhà văn cũng tỏ là là người rất sành về các yếu tố quan trọng để tạo nên sản phẩm chất lượng, đẹp mắt: “Đứng về kĩ thuật mà nhìn nhận một cái lọ thì phải theo một một tiêu chuẩn khác, nhất xương nhì da thứ ba đến lửa. Lửa phải hoàn nguyên mới ra được những men quí như men ngọc hoặc men thúy hồng. Một cái lọ có men chìm mờ sẽ hơn hẳn những đồ bóng loáng phù quang. Có lẽ thuật xem người cũng vậy mà xem văn cũng vậy, xem tranh cũng vậy. Là cái lọ đất nung tưởng tầm thường mà thực quí, thực sang, trong khi màu mè xanh đỏ lại chứng tỏ nhà quê. Nó là chuyện đời vậy. Xương ở đây là đất, còn men được gọi là da” [17; 140]. Tác giả hào hứng đi vào giải thích các từ ngữ và khái niệm tồn tại trong cuộc sống quanh ta nhưng ta lại ít khi lưu tâm đến. Ông giải thích tường tận, không bỏ qua một nét nghĩa nào như Kì nghiêm hồ, tổ chức, tứ hóa…Những lí giải Đỗ Chu đưa ra bao giờ cũng sáng tỏ, đầy đủ và chính xác. Đỗ Chu thực sự đã tích lũy cho mình một nguồn kiến thức sâu rộng, dày dặn mà không phải nhà văn nào cũng có được.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 69 - 71)