Sự cảm nhận thiên nhiên tinh tế, tài hoa

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 72 - 75)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI ĐỖ CHU TRONG TÙY BÚT

2.2.3Sự cảm nhận thiên nhiên tinh tế, tài hoa

Xưa nay, người nghệ sĩ thường được người đời phong tặng cho danh hiệu: những người tài hoa. Đã là nghệ sĩ thì phải có tố chất tài hoa, không tài hoa không thể sáng tác nghệ thuật. Cái tài hoa của người nghệ sĩ thường biểu hiện ở lối viết, ở việc xây dựng hình tượng, ở việc cảm nhận khách thể bên ngoài…Trong văn học Việt Nam, nhắc đến cái tôi tài hoa trong tùy bút thì phải kể đến Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Hoàng Phủ Ngọc Tường,

Vũ Bằng, Băng Sơn…Đậm nhạt khác nhau, nhưng những tác giả kể trên là những người đã định hình được được phong cách cũng như sớm thể hiện cái tôi tài hoa. Bắt đầu từ tùy bút Những chân trời của các anh, xuất bản năm 1986, cái tôi tùy bút của Đỗ Chu còn rất mờ nhạt. Thời ấy, nhắc đến Đỗ Chu, người ta nghĩ đến ông là cây bút truyện ngắn với văn phong chuẩn mực, mượt mà, sâu lắng… chứ mấy ai đặt ông vào vị trí của một tác giả tùy bút. Thế nhưng, từ năm 2004, Đỗ Chu bất ngờ cho ra mắt độc giả tập Tùy bút Tản mạn trước đèn, bắt đầu cho sự gia nhập của một Đỗ Chu trong lãnh địa tùy bút. Năm 2008, ông tiếp tục cho ra đời tập tùy bút Thăm thẳm bóng người, tác phẩm đưa Đỗ Chu lên đỉnh cao của tài năng nghệ thuật. Cho tới thời điểm chúng tôi thực hiện luận văn này, tuổi đời của tác phẩm Thăm thẳm bóng người chưa tròn ba năm. Điều đáng mừng là về cuối hành trình sáng tác nghệ thuật, Đỗ Chu kịp tạo dựng thêm cho sự nghiệp văn chương của mình một thể loại văn học mới phù hợp với cái tôi nghệ sĩ của nhà văn và đạt được những thành công rực rỡ. Có thể nói, đó là những bông hoa nở muộn, lan tỏa và phô phang hương sắc sau một hành trình dài tích lũy và ấp ủ. Từ đây trong lãnh địa tùy bút, nhắc đến cái tôi tài hoa phải nhắc đến Đỗ Chu. Có thể sự tài hoa của Đỗ Chu chưa thể vượt qua nổi những cây đại thụ trong nền văn học hiện đại như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, Hoàng Phủ Ngọc Tường… nhưng nói Đỗ Chu có sự cảm nhận tinh tế, tài hoa chắc chắn ai cũng phải gật đầu thừa nhận.

Nhà văn tỏ ra rất nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên, nắm bắt những biến đổi dù là nhỏ nhất trong thiên nhiên. Đứng trước mùa xuân, Đỗ Chu lắng nghe tiếng chim ri hót, chuyện trò trong mấy lùm nhãn. Ông gọi cái thanh âm trong trẻo ấy là những lời tình tứ của đôi lứa yêu nhau. Đó là thông điệp riêng tư mà chỉ có những con chim ấy mới có thể hiểu nổi. Nhà văn còn nghe cả tiếng gà gáy văng vẳng báo hiệu một ngày mới đang ló dạng. Trong không khí náo nức của buổi sớm mai, nhà văn reo lên: “Chính mùa xuân đến rồi”. Vậy là giai điệu của loài chim rừng, những hạt mưa lất phất, chỉ cần có thế, nhà văn đã biết mùa xuân đang đến rất gần với tất cả tạo vật. Nhiều lần, với sự cảm nhận đầy tài hoa của mình, Đỗ Chu đã vẽ lên những bức tranh bằng ngôn từ rất đẹp: “Và, lại vẫn là những cây gạo đang mùa trổ hoa, những đám hoa như những vồng lửa thắp lên, cháy lên, đó là một loại cây dâng hiến hết mình, yêu thương hết mình” [18; 300]. Đỗ Chu yêu thiên nhiên, đến với thiên nhiên bằng xúc cảm tươi tắn, hồn nhiên nên không ít lần ông có được những bức tranh văn xuôi giàu sắc thái và sinh động: “Những chùm hoa lên men màu vàng chanh, hoa mà nom cứ như lá, hoa lá một hình giống nhau, giá không quen chả ai dám bảo

đâu là hoa đâu là lá. Sớm ra có nắng là nức mùi hoa men, chiều xuống mặt trời lặn là có mùi cây cơm nếp. Trong bóng đêm choàng phủ mênh mông, khắp đường làng ngõ xóm, mùi cơm nếp dâng lên ngào ngạt” [18; 258]. Bức tranh thiên nhiên của Đỗ Chu thật đa sắc, vừa có màu vàng của hoa lá, của nắng vừa có mùi hương của hương hoa men, của cây cơm nếp. Nó được nhà văn cảm nhận đa chiều với nhiều loại cảm giác khác nhau. Nhà văn phát hiện ra có sự lan tỏa, xôn xao, phô bày hương sắc trong các loài thảo một tưởng chừng như bất động, lặng lẽ, vô tình. Ai đến với tùy bút Hoa bờ giậucũng sẽ đi ngang qua những giậu hoa dại bên tường rêu phủ kín. Có lẽ, chính tâm hồn nhạy cảm, ẩn chứa nhiều tâm sự và triết lí nhân sinh đã đưa người viết tìm đến những loài hoa dại: “Không thiếu những loài hoa đang bò lan khắp bờ rào nhà ta. Những dây hoa mỏng manh yếu đuối tự trình bày thân phận của mình một cách kín đáo bằng những chùm hoa nhỏ li ti, màu sắc âm thầm thì càng dễ ưa. Chúng có hương thơm không thì chỉ có gió mới biết, những loài hoa dại khó lòng để có hương thơm, nhưng sao vẫn thấy có đàn bướm bay lên đậu xuống, buớm hoa hoa bướm, hoa bướm lẫn lộn, khiến rặng rào xao động hẳn lên” [18; 5-6]. Nhà văn đến với loài hoa dại không chỉ bằng tình yêu cái đẹp dân dã, mộc mạc mà con bằng cả triết lí nhân sinh. Hoa dại là thế đấy mà vẫn sở hữu được vẻ đẹp, khoe hương tỏa sắc với bướm ong, tạo ra một không gian hò hẹn vô cùng tình tứ, thơ mộng. Có thể nói, nhà văn không quan sát thiên nhiên bằng con mắt bình thường mà bằng cả sự nhạy cảm tinh tế và mạnh mẽ trước thiên nhiên. Chính sự cảm nhận tinh tế, tài hoa mà thiên nhiên trong tùy bút của ông đã thơ hóa những trang văn xuôi, tô điểm thêm nhiều màu sắc trong thế giới nghệ thuật tùy bút của nhà văn Đỗ Chu.

Có thể nói rằng, cái tôi tùy bút của Đỗ Chu chưa làm cho người đọc phải say mê vì những cá tính sáng tạo siêu phàm, vượt trội. Cái tôi tùy bút ấy rất lặng lẽ, khiêm nhường, ít công phá, đậm chất thơ và sắc màu suy tưởng. Nhưng trong vô số những người viết tuỳ bút ở nền văn học đương đại Việt Nam thì Đỗ Chu là một trong số ít người để lại dấu ấn rõ nét và lâu bền nhất.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 72 - 75)