Nhịp điệu và giọng điệu

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 88 - 91)

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TÙY BÚT CỦA ĐỖ CHU

3.2 Nhịp điệu và giọng điệu

3.2.1 Nhịp điệu

Nhịp điệu là phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật trong văn học, dựa trên sự lặp lại có tính chất chu kì, cách quãng hoặc luân phiên của các yếu tố có quan hệ tương đồng trong thời gian hay quá trình nhằm chia tách và kết hợp các ấn tượng thẩm mĩ. Trong văn học, nhịp điệu là sự lặp lại cách quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, mô típ, nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ về thế giới, tạo ra

cảm giác vận động của sự sống chống lại sự đơn nhất, đơn điệu của văn bản nghệ thuật. Như vậy, nhịp điệu là sự cảm nhận của nhà văn về sự vận động của cuộc sống được miêu tả trong tác phẩm. Thực ra viết văn là để đi tìm và tiến đến nhịp điệu. Và “trong tác phẩm tự sự, nhịp điệu trần thuật chủ yếu được xác định được bởi tiến trình nhanh hay chậm của các tình tiết, biến cố” [50; 45]. Ở phương diện này, chúng ta thường nhắc tới nhịp điệu trần thuật nhanh, căng thẳng, gấp gáp được tạo nên bởi liên tiếp các sự kiện, biến cố xảy ra dồn dập đối với cuộc đời các nhân vật, trong các tác phẩm của các cây bút hiện thực phê phán như Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Giông tố (Vũ Trọng Phụng), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan); còn nhịp điệu chậm rãi, thong thả trong các tác phẩm của các cây bút văn xuôi trữ tình như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ DZếnh.

Một nhà văn nước ngoài từng nói: “Viết văn là cảm thấy một nhịp điệu, là tiến gần đến nhịp điệu ấy”. Văn xuôi nói chung, tùy bút của Đỗ Chu nói riêng là một thứ văn có nhịp điệu. Nhịp điệu đó được thể hiện ở khắp tác phẩm. Người đọc văn Đỗ Chu cũng cảm thấy có cảm tình ở nhịp điệu lời văn. Nhìn chung, nhịp điệu trần thuật tùy bút của Đỗ Chu phổ biến là nhịp điệu khoan thai, chậm rãi,sâu lắng...

Ba mươi hai bài tùy bút của ông có vô số chi tiết, sự kiện nhưng hầu như không có biến cố gì trọng đại, chủ yếu là kể chuyện đời chuyện người, miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Như chúng tôi đã nhận xét, tính cách nhân vật trong tùy bút của Đỗ Chu không được xây dựng trên mối xung đột hay mâu thuẫn cá nhân, giai cấp và dân tộc. Nó chủ yếu được khắc họa bằng giọng kể nhẹ nhàng, sâu lắng với những câu chuyện đời thường gần gũi. Hoạt động của các nhân vật cũng diễn ra một cách chậm rãi, khẽ khàng. Không có hoạt động hay biến cố thật lớn diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn để gây ấn tượng về sự vận động nhanh chóng của sự vật và thời gian kéo theo nhịp điệu nhanh, gấp. Chính vì biến cố ít nên ấn tượng về sự chậm chạp, rề rà trong tùy bút của Đỗ Chu là tất yếu. Tùy bút Lời mai trò chuyện cũng chỉ với nội dung giới thiệu về tên tuổi, nhân cái tuổi mà bàn rộng chuyện rồng trong quan niệm nhân gian, rồi tiếp đến nói về tính cách điềm đạm, khề khà, nhát gừng …của Mai Ngữ, quá trình tham gia kháng chiến và những cảm nhận về văn chương của ông. Đồng thời, những lời nói và hoạt động của nhà văn Mai Ngữ đều được gián tiếp kể lại, miêu tả lại trong lối tự sự từ tốn của nhà văn Đỗ Chu. Chính lối tự sự gián tiếp này cũng đã làm chậm lại các sự kiện.

Ít các biến cố, nhà văn Đỗ Chu còn chiêm vào câu chuyện những tình cảm, nhận xét, đánh giá đối với các đối tượng được phản ánh và những chiêm nghiệm, suy tư về nghệ

thuật và cuộc đời. Đó là những ngoại đề trữ tình. Chúng “là hình thức của ngôn từ tác giả; là ngôn từ của tác giả kiêm người trần thuật, bị chệch ra ngoài việc miêu tả các sự kiện trong cốt truyện, nhằm bình luận và đánh giá về chúng, hoặc điều khác không trực tiếp gắn với hành động của tác phẩm” [40; 222]. Trong tùy bút Một con người ra đi, trước sự kiện Văn Cao qua đời, Đỗ Chu có đến ba đoạn văn suy niệm về cuộc ra đi của người nghệ sĩ tài hoa ấy. Ở đây chỉ trích dẫn đoạn thứ hai, một đoạn văn mang nhịp điệu trầm tư, sâu lắng: “Làm người là hữu thân hữu khổ, hữu hình, hữu hoại. Vậy thì sướng hay khổ chưa phải là lẽ lớn, được hay mất cũng chưa lớn, sống hay chết cũng chưa phải là chuyện gì quá ghê gớm. Những toan tính tầm thường, những mưu sự xoàng xĩnh chẳng qua cũng chỉ là vơ bèo gạt tép, nào có cao giá nỗi gì. Văn Cao vụng dại và xin chắp tay chịu thua, ông không có sự chuẩn bị để làm những việc ấy, ngay từ lúc sinh ra bên cây mận trắng đầu nhà. Ông sinh ra là để hát giữa nhân dân mình và cùng nhân dân mình vật vã đứng dậy giành chính quyền làm người” [17; 198]. Những ngoại đề trữ tình tồn tại song song với những câu chuyện được nhà văn trần thuật, khi thì ở vai trò dẫn dắt, khi thì dùng để đưa người đọc đi vào thế giới của xúc cảm và chiêm nghiệm sâu xa của chủ thể sáng tạo. Chỉ có điều chúng không xuất hiện suông, độc lập mà luôn luôn gắn kết, hài hòa, pha trộn nhuần nhị với chi tiết, sự việc. Có thể nói những ngoại đề trữ tình là sở trường của tác giả và cũng là một nội dung thẩm mĩ quan trọng, chính yếu tạo nên đặc trưng cho tùy bút của Đỗ Chu. Giả sử nếu không có những ngoại đề trữ tình chắc chắn các tác phẩm tùy bút của ông sẽ mất đi phong vị rất riêng của thể loại. Cho nên, ẩn sau mỗi câu chuyện là cái tôi tùy bút Đỗ Chu, một cái tôi không những làm nên sự hấp dẫn cho tác phẩm mà còn trì hoãn thời gian, níu kéo sự kiện tạo ra những khoảng tâm tư để xúc cảm và suy tư. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho nhịp điệu trần thuật trong tùy bút của Đỗ Chu ít khi dồn dập, gấp gáp.

Một nguyên nhân nữa khiến cho tùy bút của Đỗ Chu mang nhịp điệu slowlà nhà văn có sử dụng phổ biến lối trần thuật hồi cố. Theo Galperin: “Hồi cố là một phép lặp độc đáo. Lặp lại ý nghĩa khiến tiến trình kể chuyện đương nhiên chậm lại” [40; 35] . Những dòng hồi tưởng của tác giả thường chiếm một nội dung khá lớn trong truyện ngắn cũng như trong tùy bút của Đỗ Chu. Cái tôi hay hoài niệm về quá khứ đưa ông đến với lối viết hồi cố. Tùy bút Về quê đốt lửa là tác phẩm được viết bằng kiểu trần thuật hồi cố, trong đó tất cả những chuyện kể được khơi lên từ một miền kí ức xa xưa, cảnh đất cảnh người được bao bọc trong vầng ánh sáng của nỗi thương nhớ miên man sâu thẳm. Cái tình đối với quê hương xứ sở biến những cái tầm thường, dung dị, giản đơn thành những trang văn giàu

chất thơ. Ta như thấy Đỗ Chu một mình lặng lẽ thả hồn về giấc mơ tuổi thơ, chậm rãi đi trên những con đường làng, những bãi đê xanh ngời sắc cỏ… Hết tìm về kỉ niệm chăn trâu, tắm sông, mơ màng với tiếng gà gáy gắn liền hình ảnh người bà già nua, nghèo khổ, nhà văn lại nhớ quay quắt hình ảnh cô bé nhỏ năm nào…Mới đó mà đã mấy mươi năm trời có lẽ. Tất cả dòng hồi tưởng của nhà văn được trải ra theo nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng, lãng đãng như khói sương huyền hoặc…Không những thế, Đỗ Chu tái hiện lại chân dung như chân dung người lính, chân dung nghệ sĩ, chân dung trí thức uyên bác…cũng bằng cảm thức hoài niệm, nhớ thương. Một ngòi bút luôn tìm về với quá khứ thì không thể chuộng lối viết gấp gáp hay mạnh mẽ, dồn dập được. Có thể nói, những dòng hồi cố khá phổ biến và đậm đặc trong tùy bút của Đỗ Chu như cỗ phanh hãm tiến trình vận động các tình tiết, sự việc trong tác phẩm làm nên nhịp điệu êm ả, chậm rãi như một nét phong cách nổi bật của nhà văn.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 88 - 91)