CHƯƠNG 2: CÁI TÔI ĐỖ CHU TRONG TÙY BÚT
2.1.3 Cái tôi trữ tình hoài niệm về tuổi thơ và quê nhà yêu dấu
Cái tôi trữ tình hoài niệm của Đỗ Chu tản mác khắp các trang tùy bút, gửi gắm bao tình cảm ấm áp, thiêng liêng về miền quê yêu dấu và tuổi thơ hồn nhiên nhiều mơ mộng. Đỗ Chu đi giữa lòng cuộc sống hiện tại nhưng lại mê mải tìm về những tháng ngày cũ, giữ nguyên vẹn những kỉ niệm êm đềm của thời niên thiếu. Phải thấy rằng nhà văn là người may mắn vì ông có một tuổi thơ với nhiều kỉ niệm đẹp, có một thế giới hồn nhiên để tìm về, mơ về mỗi khi thấy lòng trống trải, cô đơn…
Thế giới mà nhà văn tìm về, mơ về thật bình dị, quê kiểng mà hết sức gần gũi và thấm đẫm tình người. Đó là mảnh vườn xưa hoang vắng có hương lá hương cây: “Đêm mùa xuân dìu dịu hương cây, hương lá, dìu dịu những nỗi niềm, những ý tưởng, tôi tìm về tổ ấm, với một mảnh vườn xưa thân ái của mình” [14; 87]. Đó là vùng đất trù phú, xinh đẹp tựa như một bức tranh sơn thủy: “một vùng đất trù phú, mênh mang lau sậy mênh mang bờ bãi đang khô ráo dần. Trước mặt là bể Đông, sau lưng là miền đất thoai thoải rồi chập chùng núi cao rừng đại ngàn nguyên thủy sẫm đen chim kêu vượn hót. Từng đàn trâu gặm cỏ trong thung lũng khe, hổ cọp ngồi bên mép nước, ngoài sông, trong đầm là thuồng luồng ma Nam, là những con dải mép vàng” [18; 319]. Hình ảnh những con trâu gặm cỏ trên bờ bãi, hình ảnh những đứa trẻ ngây ngô mặt mũi lúc nào cũng lấm lem bùn đất í ới gọi nhau tham gia những trò chơi tuổi nhỏ…cứ cư ngụ mãi trong lòng ông như một nỗi ám ảnh da diết.
Thấp thoáng trong dòng hoài niệm về miền tuổi thơ của tác giả còn là hình ảnh của những người thân yêu. Đó là người bà già nua, lẩm cẩm, suốt đêm rên rỉ, tỉ tê gọi đứa cháu mà theo bà rất đỗi vô tâm: “Nằm trong buồng một đêm mấy lần bà tôi rên rỉ, Gái ơi thức hay ngủ, nghe như đứa nào bẻ nhãn đấy. Gái ơi, sao con lợn hôm nay nó kêu khác thế. Gái ơi, con gái mà ngủ say li bì như cái cối đá thì đứa nào nó thèm rước, dậy xem đã đóng cửa chuồng gà chưa” [18; 280]. Đó là người chị tên Gái nhanh nhẹn, tưởng như vô tâm, trẻ con nhưng lại có một tấm lòng yêu nước nồng nàn, nhanh nhẹn và hết sức gan dạ. Đó là người em gái bên nhà hàng xóm ngày ngày cùng tác giả dắt trâu ra đồng. Thuở ấy, nhà văn có một niềm mơ ước cháy bỏng là được thành đôi với cô bé: “Đấy là cái mơ ước một đời của tôi, tôi chỉ có một mơ ước ấy, suốt đời được thế, được giữ một chân theo em ra đồng bốc phân trâu bón vào những gốc bầu, gốc mướp, vậy mà cũng không xong. Loạn li bèo dạt mây trôi làm mỗi đứa một ngả, xa nhau là xa nhau cả một đời, lấy vợ là lấy người lạ hoắc ngoài thiên hạ, rồi cũng phải sinh con đẻ cái với người ta chứ biết còn xoay xở thế nào” [18; 301]. Cái mơ ước ấy đã biến tác giả thành một chàng trai trưởng thành mang hình hài thơ bé. Vậy mà những thăng trầm của cuộc sống đã không để cho mơ ước ấy trở thành hiện thực để nhà văn suốt đời khư giữ một tình yêu trong niềm hoài vọng, tiếc nuối…
Tùy bút của Đỗ Chu luôn bám lấy cái gốc chữ tình, trong đó đậm đà nhất là cái tình quê mà phần ba của tập sách Về quê đốt lửa rất rõ cái tình ấy. Mỗi người đều có một cõi quê sống trong kí ức, càng về cuối đời nó càng hiện về rõ hơn, da diết hơn. Hình như các cụ ta triết lí về điều này qua thành ngữ “lá rụng về cội”, thật ngắn về chữ mà thật dài rộng
và sâu sắc về ý tình. Đỗ Chu nặng lòng với vùng đất Kinh Bắc, một miền quê giàu truyền thống văn hóa, xứ sở của làn điệu dân ca quan họ làm mê đắm hồn người.
Trong hai tập tùy bút Tản mạn trước đèn và Thăm thẳm bóng người, cái tôi hoài niệm về quá khứ được thể hiện rõ nét hơn. Nhất là khi nhà văn thân hành âm thầm tìm về với cảnh xưa vườn cũ thì cái tôi ấy khiến người ta phải cùng ông ngậm ngùi, xót xa trước những thay đổi quá lớn lao và nhanh chóng. Đỗ Chu lần tìm về những giá trị đích thực, miên man đi tìm bóng người, bóng cảnh thăm thẳm…. Có người bảo đó là cái tôi xê dịch. Nếu quả là như thế thì cũng không phải hoàn toàn là xê dịch để khám phá, tìm tòi những cái mới lạ nhằm thỏa thị hiếu mà cốt là để tìm về với gốc gác, với bản lai diện mục. Cái sở thích được lang thang đó đây cũng là một sắc thái của cái tôi hoài niệm: “Lớn lên tôi có một thời thích lang thang trong nhiều xóm ngõ của làng Niềm để tìm dấu xưa, hay đứng ngẩn ngơ trước một cái cổng lớn có đắp chữ Nho làm Đại tự, có mảnh sân đắp gạch Bát Tràng, có ao sen, có hòn non bộ, có bóng hoàng lan, hỏi liệu đây có phải nhà bà Hồng, bà Tuyết ngày xưa không, người ta lắc đầu bảo là nhà ông Phán Cư, con cháu giờ đang ở bên Pháp, bên Mỹ không thấy ai buồn về dòm ngó nữa” [17; 357].
Nhà văn tìm về với bến sông Tương, cái bến sông nhiều lần đã đi vào thi ca: “Gánh vàng đi đổ sông Ngô / Đêm nằm mơ tưởng đi mò sông Tương”. Giờ đây trong cảm hứng hoài niệm, nó trở thành vẻ đẹp xưa để kiếm tìm trong khắc khoải: “Đêm đêm trước đèn mình thức với mình, tôi vẫn mông lung đi tìm cái dòng Tương muôn thuở ấy. Tôi vẫn tin là đang có nó, nó vẫn đang chảy trong lòng đời sống dân tộc. Nó là dòng sông của thi ca, là tình yêu là nguồn cảm hứng vô tận để chúng ta sống và sáng tạo, là nguồn trí tuệ đáng tin cậy nhất trong sứ mệnh dẫn đường” [17; 272]. Ai đó cho rằng không nên sống mãi với quá khứ, cần phải rũ bỏ quá khứ để sống cho thanh thản và mạnh mẽ. Đỗ Chu chưa một lần trực tiếp phát biểu quan niệm của mình nhưng qua những gì ông viết, ta cũng đủ thấy ông là người rất nặng lòng với quá khứ, quá khứ làm cho tâm hồn ông thêm giàu có và phong phú. Với ông, tìm về với quá khứ là tìm về với chính mình, tìm về với cái tình người, tình đời. Quá khứ cũng chính là điểm tựa nâng bổng tâm hồn ông bay lên với những giá trị nhân văn cao đẹp.