Những quan niệm về văn chương

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 61 - 65)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI ĐỖ CHU TRONG TÙY BÚT

2.2.2 Những quan niệm về văn chương

Đây không phải là địa hạt của người sáng tác mà là của các nhà lí luận, phê bình văn học. Tuy nhiên, trong lịch sử văn học nhân loại nói chung, lịch sử văn học Việt nam nói riêng đã có nhiều nhận định mang tính lí luận của những người sáng tác đóng góp hữu ích cho chuyên ngành Lí luận văn học. Chắt lọc từ ngàn trang tùy bút của Đỗ Chu, chúng tôi tập hợp được một số vấn đề thật sự có giá trị hữu ích cho việc sáng tác và nghiên cứu văn học. Trong đó nổi bật lên hai luận điểm chủ đạo, đó là quan niệm về tác phẩm văn chương và phẩm cách của người nhà văn.

Xưa nay có rất nhiều luận thuyết bàn về bản chất của tác phẩm văn học. Ở đây, ta có dịp nghiên cứu quan niệm về văn chương của tác giả văn học. Có lẽ những vấn đề lí luận mà Đỗ Chu đưa ra được chưng cất từ chính cuộc đời mấy mươi năm làm nghệ thuật. Vì thế chúng không phải là mớ lí thuyết suông mà chính là tâm huyết và lập trường của người nghệ sĩ. Trong lĩnh vực văn học có vô số những kiến giải về đặc trưng của tác phẩm văn chương. Nhà văn Đỗ Chu chỉ nói lên quan niệm của mình bằng ấn tượng chủ quan: “Văn học là tiếng nói của cõi lòng tìm đến cõi lòng, cho nên một khi đã dối giả, đã hời hợt, đã láu lỉnh uốn éo là rất khó nói chuyện” [17; 225]. Những điều viết ra nếu như không được khởi đi từ trái tim thì không thể trở thành tác phẩm nghệ thuật. Hơn nữa, tình cảm thẩm mĩ trong văn chương phải là loại tình cảm chân thành và sâu sắc, xuất phát từ trái tim đa cảm. Ông cho rằng, linh hồn của tác phẩm chính là xúc cảm, không có xúc cảm dẫu có có gắng dụng công cũng thành vô ích, vô nghĩa: “Cứ việc hão huyền, cứ đại ngôn, tha hồ tinh tướng, tha hồ mê mụ, tha hồ yếm trá, tất cả đều được thêu dệt ẩn giấu sau tấm lụa ngôn từ bóng bẩy nhưng hết sức xiêu vẹo yếu đuối, do vậy một cái chết đang chờ đợi sẵn cho các tác phẩm vô hồn là không sao tránh khỏi” [18; 103]. Như vậy, những văn bản không hội tụ những đặc trưng của nghệ thuật chân chính sớm hay muộn cũng bị đào thải và có một kết cục không ra gì. Còn đối với những tác phẩm chạm được vào cõi lòng con người, dẫu có trải qua bao thăng trầm, nó vẫn bền vững, bất diệt, bất hoại, “đem đốt không cháy, dìm xuống nước không rã”. Đấy mới gọi là văn chương đích thực.

Vấn đề chính yếu thứ hai tác giả bàn luận, kiến giải là phẩm chất và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Có thể thấy rằng, đây cũng là vấn đề Đỗ Chu tỏ ra rất hứng thú của Đỗ Chu. Vì vậy nhiều lần ông trở đi trở lại để bàn luận nhiều khía cạnh của một vấn đề thực ra không mới nhưng luôn luôn là vấn đề hàng đầu trong sáng tạo nghệ thuật. Một người giàu tâm huyết và có những cống hiến nhất định cho nền văn học nước nhà như ông có lẽ hơn ai hết hằng luôn ưu tư trước trang viết về phẩm chất và năng lực sáng tạo của người cầm bút. Chính vì thế, những luận thuyết của Đỗ Chu rất sống động, giàu ngữ khí và sắc điệu tình cảm. Ông như cật vấn chính mình với câu hỏi nhà văn là ai. Theo ông, “nhà văn là người dùng tác phẩm đề giãi bày tâm sự, để nói ra bằng chữ những rung động, những suy tư trước nhiều cảnh huống mà mình đả trải, đã cảm nhận” [17; 250]. Đơn giản thế thôi. Nhưng để làm được điều đó, nhà văn phải miệt mài lao động, không ngừng phấn đấu, không ngừng tìm tòi để tạo được cho mình phong cách riêng. Người nghệ sĩ “cần tìm cho mình một bút pháp trước đây chưa ai từng có”. “Nếu không thì viết làm gì. Không gì tầm

thường nhàm chán hơn sự sao chép, sự bắt chước, cho dù việc đó làm khôn khéo đến đâu. Ông trời không hề bắt người ta phải nhai lại, chỗ này đặt cho ta một nguyên tắc nghiêm ngặt và lâu dài trong quá trình học hỏi những tác gia lớn” [17; 250]. Dường như Đỗ Chu muốn phê phán một bộ phận người cầm bút đã coi thường vai trò sáng tạo của mình, chỉ có giỏi mô phỏng hay kế thừa ý tưởngcủa người khác.

Để có những tác phẩm có sức lan tỏa, người nghệ sĩ phải không ngừng trau dồi, phải có một cuộc lên đường đầy gian nan, vất vả, “phải đi nhiều, học nhiều, từng trải nhiều” [17; 254]. Đỗ Chu đòi hỏi bản thân và đồng nghiệp phải thực sự chuyên tâm và nghiêm túc trong công việc sáng tạo: “Mỗi người viết càng phải tự đòi hỏi nghiêm khắc ở mình hơn nữa, viết khó nhọc kĩ lưỡng hơn nữa, chứ không sống tùy thời, ăn theo, nói theo. Sống cho một lúc, viết cho một lúc thì không thể có sức sống lâu bền. Mà văn học đồng nghĩa với những gì được xem là lâu bền. Kị nhất là sự ăn xổi ở thì, quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật” [17; 59]. Và trước nhiều vấn đề nhạy cảm như hôm nay, người nghệ sĩ không được cho phép mình a dua, ba phải, lập trường còn lờ mờ chưa rõ ràng. Đỗ Chu xác định rằng đã là nghệ sĩ thì lúc nào cũng luôn giữ cái nhìn đầy tỉnh táo để nhận thức và phản ánh chân xác những vấn đề xã hội: “Là người cầm bút mà thờ ơ được sao. Sự rờ rẫm ma mụ là biểu hiện của những nhân cách uơng hèn, viết viếc gì, bất quá chỉ là mớ chữ gà bới của đám học trò vô sư vô sách” [17; 259].

Tác phẩm văn học là bằng chứng cụ thể nhất cho tâm huyết và tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Đó còn là niềm hạnh phúc, là sự đền bù cho những tháng ngày lao động nghệ thuật miệt mài, khó nhọc. Không cần kể đến hạng người tạo ra những cuốn sách đồi trụy, phản động, người cầm bút nếu cả đời viết văn mà không có lấy nổi một tác phẩm hay, chí ít một trang sách để làm cho người ta nhung nhớ thì thật là đáng để ta phải suy nghĩ: “Không ai nghĩ rằng tất cả các nhà văn đều viết ra những tác phẩm tội lỗi đó, nhưng người ta vẫn có quyền trách một khi anh chưa có nổi những cuốn sách đủ sức hấp dẫn, đủ sức thu hút nhiều bạn đọc” [17; 260].

Có thể nói trong muôn vàn nghề nghiệp thì nghề văn là một trong những nghề không cho phép người lao động đặt chữ lợi lên hàng đầu. Đến với văn chương mà chỉ có một mục đích mưu cầu lợi danh là điều hết sức thấp hèn, kém cỏi. Đỗ Chu bày tỏ thái độ khá gay gắt đối với những hiện tượng thực dụng hóa văn chương: “Tôi thường vẫn tự hỏi mình sao cổ nhân dặn lập thân tối hạ thị văn chương? Ở đời có nhiều cách lập thân, có cách chưa được sang lắm, tuy nhiên nếu dám đem cả văn chương ra để kiếm tìm cái danh cái lợi thì

đấy mới thực là tồi tệ. Lúc ấy, nguời cầm bút đã đặt mình xuống đẳng cấp thấp, còn văn chương anh ta thì chẳng biết nói thế nào nữa” [18; 101]. Người nghệ sĩ phải đến với văn chương bằng cả tâm hồn trong sáng, thoát li hẳn với những nhu cầu tầm thường thấp kém mới là nghệ sĩ đích thực. Chứa trong đầu óc một mớ bòng bông những lo lắng vặt vãnh, những ý nghĩ đổi chác, người ấy sẽ chẳng bao giờ bước lên đài hoa nghệ thuật chân chính được: “Tôi chưa thấy ai ngồi vào bàn cầm bút mà mà lòng dạ cồn cào những ham muốn, những mưu toan tầm thường mà rồi những tác phẩm anh ta viết ra lại được thiên hạ chào đón mặn mà” [18; 102]. Nhà văn gọi đấy là “một bí mật thiêng liêng trong văn học”. Một nghệ sĩ suốt đời xem nghệ thuật là duyên nghiệp, là niềm đam mê không thể nào dứt ra nổi, là bản năng, âm thầm lao sáng tạo không ngừng chắc chắn sẽ có được những tác phẩm tạo được dấu ấn trong lòng độc giả. Không những thế, ngay cả khi tuổi đời của nhà văn đã dừng lại, nhưng kì diệu thay anh ta vẫn còn sống mãi nơi lòng người đọc qua những tác phẩm nghệ thuật, thành quả của tài năng và tâm huyết của một đời cầm bút. Những tác phẩm ấy được xem như một thứ di sản tinh thần vô giá mà nhà văn gửi lại cho đời. Người nghệ sĩ tựa như một cánh chim đang mất hút vào cõi hư không mà bóng dáng của nó vẫn còn thấp thoáng trong hồn người. “Cái nó gửi lại chẳng phải là cái có thể cầm nắm được, mà chính là hơi ấm tâm linh, là niềm an ủi dặn dò, là niềm kiêu hãnh cho bao người đã và sẽ đến làm người” [17; 253]. Lịch sử văn chương nhân loại là một minh chứng sống động cho qui luật tồn vong của những tác phẩm nghệ thuật trong lòng độc giả.

Nhìn chung, một số vấn đề mang tính lí luận về văn học của Đỗ Chu chưa có tính hệ thống, tập trung như một chuyên luận khoa học. Nó chỉ xuất hiện, rải rác, giữ vai trò dẫn dắt, khái quát, liên tưởng…nhằm làm nổi bật nội dung chủ đạo của bài tùy bút. Tuy nhiên, những vấn đề ấy góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình tượng tác giả, để ta thấy thêm rằng, ngoài một Đỗ Chu đa cảm, tài hoa và uyên bác, còn có một Đỗ Chu rất sâu sắc với những biểu hiện trước cuộc sống và trước văn chương. Với vốn văn hóa của mình, Đỗ Chu đã xác lập được những quan niệm, khái niệm văn chương mới bằng những luận lí sinh động. Có được điều này rất khó, ngay cả những giáo sư đầu ngành suốt một đời cặm cụi có khi chả tạo ra cho mình một thật ngữ riêng, khái niệm riêng. Chả thế mà một vị giáo sư văn học có uy tín đã mượn mấy chữ cốt kiêu, dáng kiêu của Đỗ Chu để làm đầu đề cho một bài báo khoa học in trên Văn nghệ số ra gần đây. Mấy mươi năm cầm bút với một số lượng tác phẩm dày dặn, Đỗ Chu hoàn toàn có đủ tư cách lấy tâm huyết, kinh nghiệm của

cá nhân mà truyền đến cho mọi người, nhất là những những cây viết trẻ, niềm hi vọng của nền văn học nước nhà.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)