CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TÙY BÚT CỦA ĐỖ CHU
3.3.1 Ngôn từ trong trẻo, giàu chất thơ
Không ít những nhà nghiên cứu, phê bình và người sáng tác đều cho rằng những tác phẩm văn chương của Đỗ Chu có dải ngôn từ đẹp như thơ, tươi rói như anh tân binh mới nhận quân phục, đuợc cả làng văn và bạn đọc đón nhận, và là những “bài thơ bằng văn xuôi” đã “đi rất ngọt vào lòng người đọc”. Bởi đó cái duyên ở câu văn, cách bố trí khi dài khi ngắn, âm điệu bằng trắc thế nào, Đỗ Chu gần như có được từ bản năng. Các chi tiết, sự kiện, cảnh trí…đều được nhà văn tái hiện bằng một hệ thống ngôn từ giàu chất trữ tình, gần gũi với ngôn ngữ thi ca.
Ngôn ngữ thơ tùy bút của Đỗ Chu được gieo rắc trên những áng văn phong cảnh lấp lánh màu sắc, ánh sáng và âm thanh: “Chim ri đã từng đàn từ đâu bay về bay nhảy trong mấy lùm nhãn ở trước nhà. Và chúng hót, chúng ồn ã chuyện trò. Tôi ngồi bên cửa sổ hàng giờ, lắng nghe tiếng chim ngoài vườn và tự hỏi, chúng đang véo von những gì vậy, tình tứ một cách quá công khai, nhưng ngoài chúng có lẽ chẳng ai trên đời này đã hiểu nổi. Đêm xuống. Trời chuyển rét. Và bất chợt, những tiếng mưa khe khẽ. Khe khẽ mưa. Tôi lắng nghe tiếng mưa vang vỡ trong đêm (…) Tiếng gà gáy văng vẳng. Rồi khung cửa sổ hiện lêm mờ mờ, sau cùng, nó hiện ra đầy khơi gợi trong sớm mai. Ùa qua khung cửa ấy là những làn gió trong trẻo, là tiếng những con chim cũng vừa thức dậy, là tiếng mưa, những hạt mưa chênh chếch thật bình yên” [14; 5]. Nhà văn dựng lại bức tranh phong cảnh mùa xuân bằng những nét vẽ ngôn từ thật mềm mại, tinh tế và sinh động. Tất cả cảnh sắc, âm thanh của buổi bình minh như ngời lên, vang lên những gì là tinh khôi nhất, mới mẻ nhất. Những từ gợi hình ảnh như lờ mờ, sớm mai, khung cửa, làn gió trong trẻo… làm hiển thị trong hồn người một buổi sớm mùa xuân đẹp, mát dịu, đem lại cảm giác bình yên. Bên cạnh đó, những từ gợi âm thanh như ồn ã, véo von, khe khẽ, vang vỡ…cũng làm ngân lên những thanh âm trong trẻo, rộn ràng. Những câu văn ngắn hài hòa với những câu dài khiến đoạn văn tựa như một bài thơ được làm theo thể tự do tuôn tràn mạch cảm xúc trong trẻo,
ngọt lành. Khả năng hòa phối giữa màu sắc, ánh sáng và âm thanh làm bức tranh thiên nhiên có một không gian sinh động, tràn đầy sức sống, chan hòa hương sắc. Nhà văn như phát hiện ra những biến thái tinh vi của tạo vật, nắm bắt được những khoảnh khắc quí giá lúc giao mùa. Cái gì cũng nhẹ nhàng, hiền lành và có xu hướng dung hòa để cùng nhau làm thành một bức tranh mùa xuân đẹp, thanh bình. Đọc Đỗ Chu, chúng tôi chợt nhớ đến những bức tranh mĩ lệ, thơ mộng được thêu dệt bằng tâm hồn lãng mạn và ngôn ngữ rất giàu chất thơ của nhà văn của xứ sở bạch dương Pauxtốpxki: “Nhưng đẹp nhất là những lúc trời còn tranh tối tranh sáng và mặt trăng mờ mờ hơi sương vừa nhô lên khỏi những khu rừng bạch dương ẩm thấp. Trên bầu trời buổi tối hằn rõ bóng những cành liễu mảnh dẻ. Những đêm mây trắng đứng yên trên rừng và tỏa một ánh sáng yếu ớt trong bầu không khí màu xám đen phơn phớt xanh. Rồi đêm tràn ngập không khí mát mẻ và mùi nước đưa hương bắt đầu ngự trị trên mặt đất bao la đã trở nên im lặng” [57; 77]. Hai nhà văn cùng gặp nhau trong một thế giới nghệ thuật đầy lãng mạn với những nét vẽ bằng ngôn từ mang dáng dấp thi ca đã dựng nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng, êm đềm, thanh khiết.
Đọng lại nhiều hơn trên trang tùy bút của Đỗ Chu viết về thiên nhiên là hình ảnh bờ cỏ non, dòng sông, cổng làng, hương nhãn, vạt rừng xanh thẳm, tiếng gà gáy…Trong tùy bút
Về quê đốt lửa, tác giả bồi hồi nhớ cảnh sắc và con người nơi quê nhà. Trong nguồn cảm hứng hoài niệm ấy, những câu văn xuôi với ngôn ngữ trong trẻo đã gợi lại được một không gian hiền hòa, yên ả: “Sương mù đục trắng như khói bếp, u uẩn khắp trời đất, một màng sương có thấm nhè nhẹ mùi thơm thơm chua chua của cây hoa men màu vàng chanh, hoa mà nom như lá, hoa lá một hình giống nhau, giá không quen chả ai dám bảo đâu là hoa đâu là lá. Sớm ra có nắng là nức mùi hoa men, chiều xuống mặt trời lặn là có mùi cây cơm nếp. Trong bóng đêm choàng phủ mênh mông, khắp đường làng ngõ xóm, mùi cơm nếp dâng lên ngào ngạt” [18; 258]. Tất cả đều giàu sức gợi. Những cảnh sắc ấy bắt nguồn từ một tình yêu thiên nhiên sâu sắc và một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, nhạy cảm dễ rung động với những biến thái tinh vi diễn ra xung quanh.
Ngôn ngữ giàu trong trẻo, giàu chất thơ còn được thấy ở những dòng văn chắp bút từ cảm hứng hoài niệm về thời thơ ấu của tác giả. Những lúc ấy, bao nhiêu là kỉ niệm trong sáng, hồn nhiên chợt ùa về. Cảnh làng quê, dòng hoài niệm về tuổi thơ dấy lên trong lòng tác giả những xúc cảm mượt mà, sâu lắng và được thể hiện bằng một lối viết đầy chất thơ: “Dòng sông Hồng vừa thoát ra khỏi hai bờ thành phố đã mau chóng tìm lại được vẻ trầm tĩnh của mình. Nó nhoài trôi lặng lẽ giữa miền đồng bằng thân thuộc. Những mảnh đất
đang được cày xới, những luống đất nâu chạy ngang chạy dọc từ chân đê ra tới mép nước. Rau tháng ba xanh rờn, hoa cải vàng hào phóng nở rộn ràng như không cần biết ai là người đang nhìn ngắm nó” [18; 333]. Ngôn từ trong đoạn văn trên không phải là loại ngôn từ mang dấu vết của sự mài giũa, gọt đẽo công phu mà là thứ ngôn từ nghệ thuật gần gũi, giữ được phong vị của dân dã, quê kiểng. Vậy mà khi đọc lên, ta như thấy dòng sông Hồng chở đầy sắc đỏ đang nghiêng mình chảy giữa miền đồng bằng châu thổ làm cho vùng đất này căng tràn sức sống và mang vẻ đẹp nên thơ. Nhà văn đã xâu chuỗi thứ ngôn từ giàu giá trị tạo hình để kiến tạo thành một bức tranh làng quê thanh bình, yên ả, gieo vào lòng người cảm xúc yêu mến và thức dậy những tình cảm hồn nhiên, trong sáng đối với đất quê. Xu hướng giãi bày cảm xúc trên những trang tùy bút cũng làm cho văn xuôi Đỗ Chu trở thành những trang thơ văn xuôi: “Còn với tôi thì sao, với tôi hình bóng một người chị tất tả chạy lên hướng có tiếng súng hôm nào ở cánh đồng làng và những ánh lửa bập bùng trong tuổi thơ đã là quá đủ để tôi mang theo suốt một kiếp người, ai đó đã nói hành trang càng nhẹ thì đường đi càng dài. Trong tư cách là một người cầm bút tôi nói, với tôi quê nhà yêu dấu bao giờ cũng là cội nguồn của mọi sáng tạo” [18; 283]. Cái tình của nhà văn đối với đất quê là cái tình muôn thuở có thể viết mãi mà vẫn dâng tràn một niềm cảm hứng dào dạt, bất tận.
Đỗ Chu không bao giờ làm xiết ngôn từ hay có xu hướng bị chữ nghĩa đưa tới trường hợp duy mĩ. Vậy mà mỗi lần đặt bút viết, ông luôn có những trang văn đẹp, cái đẹp của sự giản dị, nhẹ nhàng, chân phương. Có thể nói rằng, Đỗ Chu không chuộng lối viết kĩ thuật hóa nhưng bao giờ ngôn từ nghệ thuật của ông cũng được dìm trong bể cảm xúc ngập tràn. Vì thế, ông có một loại ngôn từ nghệ thuật lung linh ánh sắc, hòa phối hình ảnh, màu sắc âm thanh, nhịp điệu cùng với những liên tưởng so sánh giàu sức gợi theo qui luật của cái đẹp. Bởi vậy, nó lưu giữ mãi trong tâm hồn người đọc những câu thơ bằng văn xuôi mà không phải người nghệ sĩ ngôn từ nào cũng diễm phúc sở hữu được.