Cảm quan về cuộc đờ

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 58 - 61)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI ĐỖ CHU TRONG TÙY BÚT

2.2.1 Cảm quan về cuộc đờ

Người ta thấy một Đỗ Chu hay triết lí và biết triết lí bằng sáng tác nghệ thuật. Đằng sau mỗi văn nhân là một triết nhân. Không cao siêu, thần bí, dấu ấn triết luận trong tùy bút của ông rất đỗi gần gũi với nhân sinh, thấp thoáng dáng hình và phập phồng hơi thở cuộc sống. Có lẽ những tư tưởng triết lí ấy được chắt chiu từ chính những trải nghiệm dày dạn của nhà văn sau bao tháng năm miệt mài sống và sáng tạo. Về hình thức biểu đạt, Đỗ Chu không để những triết lí xuất hiện một cách độc lập thành một văn bản dài mà bao giờ cũng gắn vào chúng một ngữ cảnh, một câu chuyện cụ thể, điểm xuyết vào dòng tự sự, mở ra trước mắt người đọc chiều rộng của đời sống hiện thực và chiều sâu của những chiêm nghiệm, suy tư.

Bản chất và mối quan hệ giữa thời gian và cuộc đời con người không phải là một vấn đề mới mẻ trong triết học cổ kim của nhân loại. Viết về vấn đề này, Đỗ Chu phải vượt qua tâm lí quen thuộc tồn tại trong tầm đón đợi của độc giả. Cách đây mấy thế kỉ, Hê-ra-clít đã có một nhận thức tài tình về vấn đề này: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Mỗi khoảnh khắc thời gian vùn vụt trôi qua và không bao giờ ngừng lại và lặp lại. Đứng trước mùa xuân, Đỗ Chu đã thốt lên: “Thời tiết và không gian thì lặp lại như thế, nó quay tròn, nhưng thời gian cũng như cuộc đời của con người thì không, nó cứ trôi đi mãi. Với ý nghĩa thời gian, mỗi mùa xuân trong cuộc đời của con người là một sự mới mẻ hoàn toàn, không thể có hai lần được gặp lại nó, thật là quí giá” [14; 9]. Triết học Mác – Lênin cho rằng: “Vận động là phương thức cố hữu của vật chất, là phương thức tồn tại của vật chất”. Mọi sự trong thế giới này luôn vận động và biến đổi không ngừng, đó là chân lí khách quan mà con người không thể nào thay đổi. Thời gian là vô thủy vô chung, thước đo thời gian cũng vô cùng vô tận, còn con người thì hữu hạn, ngắn ngủi và mong manh. Từ đó, Đỗ Chu mới phát hiện ra tuổi xuân và mùa xuân trong cuộc đời con người thật hiếm hoi và quí giá. Thời gian sẽ làm con người ngày càng già đi về thể lí nhưng cũng bồi đắp cho tâm hồn thêm những trải nghiệm phong phú, “thêm nhựa sống để sinh hoa kết kết trái, thêm nghị lực để vượt qua tinh thần thử thách”. Ẩn giấu trong triết lí mang tính biện chứng về thời gian và cuộc đời là cái nhìn lạc quan của Thiền Sư Mãn Giác: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một nhành mai”. Giữa buổi sớm cuối xuân, bất thần nở trên cành những cánh hoa mai ngan ngát trắng, mảnh mai mà kiêu hãnh, lặng lẽ nhún nhường mà

vẫn rạo rực. Cảm thức về chân lí mối quan hệ giữa thời gian và đời người không những không làm tác giả rơi vào bi quan, hoảng hốt… mà còn đưa nhà văn đến một sự chiêm nghiệm đích thực: một sức sống mới đang bừng lên giữa những sự vật tưởng chừng như tàn tạ, già nua. Lóe sáng trong tâm hồn Đỗ Chu một niềm vui triết học lạc quan tràn đầy. Bày tỏ nhân sinh quan, Đỗ Chu còn bàn luận về qui luật tâm hồn con người. Ông cho rằng, cuộc đời con người: “có cả vui lẫn buồn, mà chừng cái buồn muốn nhiều hơn cái vui thì phải. Còn biết buồn vui chính là bởi còn yêu, còn gắn bó. Ví phỏng không yêu, không gắn bó với đời thì còn vui buồn làm gì nữa, lúc ấy hẳn lòng người sẽ hóa băng giá, sẽ dửng dưng hết tất thảy. Cho nên sự vui buồn hằng ngày chính là tình cảm, là nhựa sống, là cái đủ sức nâng con người ta dậy, là cả một quấn bện, nghĩ ngợi, vân vi” [17; 148]. Quả là như thế, cõi đời tựa như một bản hợp xướng đa thanh phức điệu. Theo nhà văn, nguyên nhân khiến người ta sầu lụy chính là tình yêu và lòng khao khát mãnh liệt đối với những gì thuộc về cuộc sống. Đây là một kiểu quan niệm nhập thế, có ý nghĩa tích cực thúc đẩy con người gắn bó nhiều hơn với cuộc đời, dẫu nhiều khi ta phải đối diện những điều trái ngược với mong muốn và sự chờ đợi của ta. Nó hoàn toàn khác biệt với quan niệm nhà Phật, một tôn giáo khuyên con người rũ áo bụi trần tìm đến nương nhờ cửa thiền, từ bỏ dục vọng, xa lánh những mối tình nhân thế…Chiều sâu tư tưởng ấy của Đỗ Chu không chỉ có ý nghĩa nhân sinh mà còn mang sắc màu tư duy hiện đại. Rõ ràng, khi thể hiện cảm quan về cuộc đời, Đỗ Chu một mặt có sự kế thừa sinh động, mặt khác có những quan niệm riêng phù hợp với tinh thần nhân bản của cuộc sống hôm nay.

Hơn một lần ta được nghe Nguyễn Bỉnh Khiêm bày giãi quan niệm và lí tưởng sống của ông trong bài Nhàn: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn, người đến chốn lao xao”. “Dại” – “khôn” chính là cả một triết lí sống của Bạch Vân cư sĩ mang tâm hồn thanh khiết, thông suốt mọi lẽ thiệt – hơn, được – mất, tốt – xấu …của đời người. Nhà văn Đỗ Chu tiếp bước người xưa cũng nhận thức về vấn đề dại khôn, đúng sai: “Con người ta sống trong trời đất là ngổn ngang những khôn dại, đúng sai, hết đứng dậy lại vấp ngã; lẫn lộn những kiêu hãnh và tầm thường, đầu óc lúc quang lúc tối, khi nó mở ra thì khôn ngoan vượt cả Khổng Minh, Hàn Tín, mà khi nó đóng lại thì mờ mịt yếu đuối như con vờ ngoài sông vào lúc chiều tà. Sự hơn kém nhau có lẽ là chỉ ở chỗ người ấy có chịu nhớ hay không chịu nhớ mình là ai, mình từ đâu đến và mình đi về đâu” [17; 112]. Cái nhìn triết học có tính biện chứng, toàn diện của nhà văn mang đến cho người đọc bức chân dung sống động, chân thật về con người. Những xu hướng trái chiều luôn tồn tại trong tâm hồn mỗi người,

khiến con người nhận thức và hành động có khi không thống nhất và đồng nhất. Nhưng theo nhà văn, tất cả những điều đó không quan trọng. Cái quan trọng hàng đầu trong đời sống này chính là cái đẹp: “Cái đúng sai quả là chưa mấy can hệ, cái khôn dại, được mất nào có gì đáng bàn, bất quá chỉ là những cái để đám người đang tất tưởi ngoài đường kia quan tâm. Với người cầm bút thì không chỉ có thế, tầm tư tưởng phải dám vượt qua những gì thuộc về tầng hình nhi hạ để bước vào miền hình nhi thượng, ở đó làm gì có đúng sai khôn dại nữa, ở đó chỉ còn có những gì thuộc về cái đẹp thuần khiết, nó nhẹ tênh như mờ tỏ xa xăm và bay lượn” [17; 112]. Như thế, cuộc đời người nghệ sĩ là phải luôn qui hướng về cái đẹp, một cái đẹp không bị lệ thuộc vật chất, danh lợi, một cái đẹp vượt lên trên tất cả mọi nhu cầu tầm thường để cất cánh bay lên.

Song song với vấn đề trên, Đỗ Chu còn bàn luận đến ý nghĩa xã hội của đồng tiền: “Đồng tiền ở chỗ này là đầu tiên nhưng đến một chỗ kia lại khó có thể là đầu tiên được nữa, thế mới là hợp lẽ. Đợi đến lúc nó sẽ là đầu tiên ở mọi việc, mọi chỗ, ấy sẽ là lúc hỏng bét, hỏng không cứu vãn nổi, là vì con người đã bị đồng tiền làm hư hỏng hết rồi. Đồng tiền mà làm ở vị trí đầy tớ thì nó sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng để nó làm ông chủ còn mình chuyển xuống làm đầy tớ cho nó thì nó sẽ là một ông chủ tồi” [17; 145]. Đỗ Chu nhìn ra được hai mặt khác nhau xung quanh vấn đề thái độ của con người trong mối tương quan với đồng tiền. Đó cũng là một trong những biểu hiện quan trọng của nhân cách sống. Hạnh phúc ở đời này không phải làm sao kiếm cho thật nhiều tiền, tích góp cho thật nhiều của cải mà là phải tích trữ kho báu yêu thương người thân và đồng loại. Mỗi ngày ta sống là một ngày nếm trải, có khi phải cố gắng sống, phải bỏ qua nhiều chuyện để mà sống. Có lẽ hạnh phúc ở đời này không gì khác chính là tình yêu cuộc sống, một tình yêu cao cả và vị tha. Có thể nói bài học cuộc đời quan trọng nhất chính là bài học yêu thương. Nhà văn kể câu chuyện một người sau khi chết đi đã đến gặp Phật Tổ. Nhà Phật yêu cầu anh ta phải bỏ lại con chó anh đang bồng trên tay thì mới nhập tịch nhưng anh ta nhất định không đồng ý. Với anh, con vật kia không phải là con vật bình thường mà đó là một người bạn thân thiết mà anh không thể nào phản bội được. Câu chuyện kết thúc khá bất ngờ và để lại nhiều dư vị về bài học làm người. Anh cùng với chú chó nhỏ được vào Niết bàn. Muợn câu chuyện giàu sắc màu huyền thoại, Đỗ Chu muốn khẳng định rằng cái mà con người phải mang theo trên đường đời xa lắc chính là tình thương và lòng chung thủy, ngoài ra mọi thứ đều trở nên không cần thiết. Do đó, cần biết sống yêu thương và loại trừ điều ác ra khỏi thế gian. Bởi vì, “chừng nào thế gian này còn lắm âm mưu lừa gạt, lắm tham vọng cay nghiệt,

lắm đói nghèo tăm tối, lắm xô đẩy đâm chém thì tiếng nói nhân đạo, những hành vi, tư tưởng nhân đạo cũng là cái có bao nhiêu cũng là còn thiếu trong cuộc sống con người. Nó chẳng khác nào nước lã đối với muôn loài vậy” [17; 314].

Đỗ Chu còn phát hiện ra một nguyên lí khác. Đó là được tôi rèn trong môi trường khắc nghiệt, con người sẽ trở nên vững vàng trước những khó khăn của đời sống, không biết khuất phục hay đầu hàng trước hoàn cảnh. Nhà văn đã diễn đạt nguyên lí này qua hình ảnh cây mận trắng bên vách núi: “Đời người giống như cây mận nở hoa trắng ngát bên vách đá đứng dựng trước biển. Ngày lại ngày cây mận bám sâu rễ cắm chặt lấy vách đá, nó hút dần từng chút muối biển để sống. Có người thợ khéo chặt lấy một nhánh rễ mận mang về đẽo gọt thành chiếc tẩu thuốc, rồi chiếc tẩu ấy một lần rơi vào tay ta. Đêm đông thức dậy nhồi một mồi thuốc vào tẩu, xòe một que dim, lắng nghe làn khói thơm ngào ngạt trong bóng tối, ngắm nhìn ngọn lửa lập lòe sưởi ấm nơi bàn tay và chợt hỏi nó là thứ gỗ gì vậy, vì sao nó không sợ lửa. Chính là muối mặn đã nuôi thứ gỗ ấy. Vị mặn chát của năm tháng đã thấm vào cây mận ấy khiến nó có những phẩm chất mà không một thứ cây nào có nổi” [17; 124-125]. Tính cách con người do bởi hoàn cảnh cá nhân tạo nên, “không ai sống hộ ai được và cũng không ai dám nói trước, các cụ đã dặn có thân thì phải lo lấy thân, mỗi người đang có một chương trình”. Tuy nhiên, sống trong môi trường xã hội, nhân cách con người chịu sự chi phối, chịu sự tác động rất mạnh mẽ từ người khác, thậm chí từ các thế hệ tiền nhân: “Những cuộc đời như rượu tăm để lâu, dành cho con cháu đến sau. Đó thực là vô giá với những ai biết cảm nhận giá trị của nó” [17; 122].

Nhìn chung, nhân sinh quan của Đỗ Chu được thể hiện trên các trang tùy bút chưa tập trung thành hệ thống luận nhưng tất cả cái nhìn của ông về cuộc đời chắc chắn có ý nghĩa nhất định để ta nhìn đời thêm sâu sắc, phong phú và toàn diện.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)