Nghệ thuật khắc họa chân dung

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 84 - 88)

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TÙY BÚT CỦA ĐỖ CHU

3.1.3 Nghệ thuật khắc họa chân dung

Như đã nghiên cứu ở chương một, phần lớn hình tượng thẩm mĩ trong tùy bút của Đỗ Chu là các chân dung: chân dung người lính, chân dung nghệ sĩ, chân dung trí thức bác học, chân dung Bác Hồ, chân dung người mẹ, chân dung các em bé Kinh Bắc…Những chân dung ấy hiện lên thật sống động và có giá trị tạo hình cao. Kiểu khắc họa tính cách nhân vật trong tùy bút vốn có sự khu biệt rất lớn so với truyện ngắn và tiểu thuyết, bởi một bên là hoàn toàn hư cấu, còn một bên là những nhân vật có thật được nghệ thuật hóa theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Mức độ hư cấu trong tùy bút vì thế rất ít ỏi, hạn chế, chỉ dừng lại ở nghệ thuật tổ chức, sắp xếp, sử dụng ngôn từ nghệ thuật mà tái tạo lại những con người thật trở thành hình tượng thẩm mĩ. Chân dung trong tùy bút của Đỗ Chu mặc dù không hoàn toàn là hư cấu nhưng lại có tính khái quát cao, thể hiện những hiểu biết, những khát khao, ước vọng của nhà văn về con người. Trong phạm vi nghiên cứu của công trình

này, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu nghệ thuật sử dụng chi tiết, nghệ thuật tái hiện dòng độc thoại nội tâm và nghệ thuật cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật.

Có thể thấy tính cách, tâm trạng của nhân vật được khắc họa bằng nhiều chi tiết. Mỗi loại chân dung lại có một hệ thống chi tiết khác nhau. Phải nói rằng Đỗ Chu là người có tầm hiểu biết sâu rộng, tích trữ riêng cho mình một vốn kiến thức đồ sộ. Chính những hiểu biết và trải nghiệm quí báu ấy là chất liệu để ông nhào nặn thành những chi tiết đắt giá làm nổi bật chân dung. Ông đã sử dụng rất nhiều chi tiết hay, phù hợp với tính cách, tâm trạng của nhân vật. Khi viết về nhà thơ Phạm Tiến Duật, để người đọc thấy một Phạm Tiến Duật tài hoa, giàu tư chất nghệ sĩ, nhà văn đã lấy chi tiết các cô thanh niên xung phong háo hức muốn nghe thơ ông trong cuộc gặp gỡ giữa Đỗ Chu với họ. Nhờ nhớ mấy câu trong bài thơ

Cô bộ đội ấy đã đi rồi của Phạm Tiến Duật mà nhà văn được các nàng đón tiếp niềm nở, nồng hậu. Chi tiết Phạm Tiến Duật được nhận giải nhất về thơ do báo Văn nghệ tổ chức, chi tiết nhà thơ cảm hứng viết nhiều bài thơ trong những lần đi đó đây, chi tiết nói về quan niệm sáng tác của nhà thơ, tất cả cũng đều có giá trị khắc họa sở trường thơ ca của Phạm Tiến Duật. Viết về TS. Hồ Ngọc Đại, nhà văn gợi lại cái sở nguyện của ông với Thủ tướng là được dạy cấp một. Cái chi tiết đắt giá ấy làm cho chân dung nhân vật bỗng hiện lên đẹp rạng ngời. Hóa ra, sự học của ông không nhằm mục đích để được đền bù bằng địa vị, danh lợi mà nhằm để góp phần cải thiện, nâng cao công tác giáo dục. Đỗ Chu còn bổ sung vào tính cách trong sáng, đầy nhiệt huyết của ông Đại qua các chi tiết nói về thực tế và kết quả dạy học của ông và nhóm thầy cô tận tâm với nghề dạy trẻ. Với các chân dung, Đỗ Chu không có thói quen nói suông mà nói với chúng ta về nhân vật bằng các chi tiết và thông qua các chi tiết. Cần lưu ý rằng những chi tiết này là những chi tiết có thật nhưng đã được nghệ thuật hóa. Dù vậy, nhà văn cũng không để cho chi tiết trở nên quá nhiều dẫn đến thừa thải hay đi đến xu hướng minh họa tính cách. Do đó, mỗi lần chi tiết xuất hiện thì bao giờ cũng gắn liền với một ngữ cảnh cụ thể. Có khi chỉ với một chi tiết thôi, Đỗ Chu cũng vén mở được một nhân cách sống đẹp. Họa sĩ Linh Chi, một nghệ sĩ tài hoa, có mối quan hệ khá thân tình với Đỗ Chu. Trong một lần đến chơi, ông có cảm hứng vẽ chân dung Đỗ Chu. Thời gian đưa thoi, bao biến động riêng chung xảy đến, một lần tao ngộ, Linh Chi đã đem bức vẽ năm nào tặng cho Đỗ Chu. Thế mới biết, Linh Chi không chỉ là họa sĩ tài hoa mà còn là người trọng tình cảm và có cách khu xử đầy cảm động đối với bạn bè thân hữu. Với chi tiết Kim Lân từ chối cụ lang Bách tặng bài thơ có vẻ đài các, trang trọng chỉ vì hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ ấy quá tầm thước, đĩnh đạc. Tính cách khiêm

nhường, chân thành, không thích làm ra dáng vẻ cao đạo, mẫu mực mà thích xuề xòa, gần gũi của Kim Lân được biểu hiện rõ nét.

Tính cách nhân vật trong tác phẩm tùy bút của Đỗ Chu, trừ một số bài viết về trận chiến thì hầu như không có những chi tiết mâu thuẫn, xung đột giữa các tuyến nhân vật. Có chăng chỉ là những yếu tố môi trường, điều kiện sống để các nhân vật của ông hiện lên không giống nhau. Trong phần tùy bút Thăm thẳm bóng người, ở bài số 2, ý chí vươn lên của Việt kiều Thái, ông Thavi Quý, được tô đậm khá rõ nét: “Năm 1951, cơ quan này phải đóng cửa, ông Quỳ về nước để nhận nhiệm vụ khác còn anh Quý thì xin phép được ở lại, định cư hẳn bên Thái. Thân cô thế cô, bắt đều bằng một thời lang bạt với hai bàn tay trắng và một cái túi rỗng lặn lội sống giữa xứ người” [18; 30].

Việc nhà văn miêu tả thành công tâm lí của chân dung nhân vật phải kể đến dòng độc thoại nội tâm. Đây là một phương tiện giúp nhà văn đi sâu vào thế giới nội cảm của nhân vật. Tùy bút Ghi chép ở Ban Mê kể câu chuyện xúc động về người chiến sĩ xích vệ năm xưa nay tìm về mảnh đất Tây Nguyên nơi lưu dấu những kỉ niệm một thời. Ở đó, ông đã từng chiến đấu và sống những năm tháng cơ cực. Hành trình tìm về với vùng đất này là tìm về trả nợ những người đã cưu mang, cứu sống ông như hai ông cháu người dân tộc Y Bí Alêô. Đỗ Chu ghi lại những xúc cảm dạt dào của ông Đắc khi tìm về chốn xưa qua dòng độc thoại nội tâm. Cảnh đổi thay, người xưa vắng. Người xích vệ ngẩn ngơ nhớ đến đồng đội cũ. Nghe bài Độc huyền cầm của một ông bạn nhạc sĩ, ông Đắc cảm thấy xót xa, thương cho sự cô đơn, lẻ loi của mình: “Độc huyền cầm buồn lắm mấy ai tri ân, độc huyền cầm lẻ loi ngang cánh chim hồng, bất phong kì tả tơi, Lĩnh nam cầm lả lơi, khách anh hùng còn ai tri âm, độc huyền cầm, gió mây ngàn bể đông cũng thu về một bóng, tráng sĩ ngồi lặng câm tri âm độc huyền cầm” [17; 25]. Đôi khi ông Đắc tự hỏi sao mình lại thương nhớ mảnh đất Tây Nguyên này. Phải chăng phần đời trai trẻ của ông đã nằm lại nơi đây, cả đứa con trai của ông cũng chết trên mảnh đất này mà chưa tìm thấy xác ? Chính mảnh đất thiêng liêng này đã nợ ông một món nợ lớn. Đôi lúc buồn cho thân phận, ông tự buông xuôi: “Thôi thì mặc kệ đời, nước trôi thuyền trôi, ta đâu phải là người đội đá vá trời. Hãy cứ cố mà sống thêm lấy dăm mười năm thử xem đời sẽ đi về đâu” [17; 25]. Lúc nào ông cũng mang nặng nỗi thướng nhớ Tây Nguyên: “Con người ta rất có thể sinh một nơi, chết một nơi và suốt đời lại mang một lòng thương nhớ về một nơi khác” [17; 25]. Và ông phải tự tìm thấy niềm vui bằng việc nâng niu, gìn giữ kí ức: “Như là số phận vậy, hạnh phúc mà ta tìm thấy ở nơi này có lẽ không gì khác hơn là ta biết yêu thương nó” [17; 44]. Hình như

tuổi già mang đến cho người ta những suy nghĩ hướng vào thế giới tinh thần nhiều hơn, tự soi bóng mình trong mặt nước thời gian tĩnh lặng phảng phất hơi sương của kí ức. Đọc tùy bútÔng già ngồi dịch Đăm săn, người đọc thường trông thấy hình dáng cụ giáo Thấu lặng lẽ trong không gian nhỏ quen thuộc sau mấy mươi năm rong ruổi kiếm tìm nét đẹp văn hóa của miền đất Tây Nguyên bao la, rộng lớn: “Cụ Thấu toan ngồi vào bàn thì có tiếng kẹt cửa, cụ bà đang nhòm vào, chắc là bà ấy xem mình có còn ngồi đây nữa hay không chứ gì, bà cứ yên tâm đi. Thấu này vẫn còn tiếp tục ngồi, nó còn ngồi đây lâu (…) Hôm nay mà Thấu này còn chưa được vui thì hỏi còn là hôm nào đây. Cụ nhìn ra ngoài cửa sổ, mưa bụi đang làm mờ mịt một vùng thành phố. Đầu óc lại chợt muốn quay về với những ngày đã xa, cụ lại nghĩ đến họ, những học trò, những đồng chí của cụ. Tất cả đều được cụ điểm danh, từng khuôn mặt đều được cụ gọi về. Thấu này vẫn đang sống xứng đáng với các bạn, Thấu này vẫn đang làm việc và nó đang bước đến gần, nó đang sờ thấy kết quả của công việc” [17; 62]. Như thế, dòng tâm tư miên man của cụ giáo Thấu đưa người đọc đến với thế giới nội tâm của ông, một người từng kinh qua những năm tháng tìm tòi, cống hiến không mệt mỏi. Những năm tháng ấy không ngừng bồi đắp lên tâm hồn người thầy giáo ấy bao kỉ nệm thân thương, ấm áp. Cụ lặng lẽ ngắm mình sau ba mươi năm ròng rã gắn bó với Tây Nguyên dấu yêu và phập phồng nghĩ về công trình nghiên cứu, dịch thuật, hiệu đính sử thi Đăm Săn của mình sắp được ra mặt độc giả. Rõ ràng, với dòng độc thoại nội tâm, nhà văn khơi sâu, khắc họa có chiều sâu hơn đời sống nội tâm của nhân vật.

Một thành công khác trong nghệ thuật khắc họa chân dung là nhà văn sử dụng một hệ thống ngôn từ đắc địa, ấn tượng, thâu tóm thần thái, tính cách cũng như những đặc điểm thuộc về nhân vật. Vì thế, ấn tượng về mỗi nhân vật không bao giờ bị trùng lập hay chồng chéo. Nhà văn sáng tạo ra những câu chữ giàu sức biểu hiện theo cái nhìn rất riêng tư của tác giả. Sau khi viết về chặng đường mà nhà văn Trần Hoài Dương đã trải qua, những dấn thân và phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp cầm bút, Đỗ Chu dành những lời cảm nhận về văn phong của ông: “Hay một cách yên ả, không ồn ào, đẹp một cách mong manh dung dị như cây cỏ lan kia đang lặng lẽ tỏa hương nơi u cốc (…) Anh đã nói được với họ nhiều lắm, đã nói được điều có ý nghĩa rất chính yếu, rất căn bản, đó là việc ngày ngày chăm chỉ nuôi dưỡng lòng trung hậu, lòng nhân ái” [17; 95]. Hãy xem tính cách nhà văn Nguyễn Minh Châu hiện rõ qua dòng miêu tả với ngôn từ giàu giá trị tạo hình: “Anh nghển cổ lên như chọt nghe thấy tiếng ai đang thì thầm, rồi anh nhìn thấy người đang ngồi xung quanh, nở một nụ cười buồn bã. Không ai có cái cười vô duyên như anh. Rồi bằng một giọng nằng

nặng khê khê của người vùng biển Quỳnh Lưu, anh bắt đầu độc thoại” [17; 145]. Đến với Nguyễn Tuân, Đỗ Chu luôn dành cho ông một cái nhìn ngưỡng mộ, yêu mến. Hình ảnh người nghệ sĩ giàu cá tính và phong cách sáng tác độc đáo hiện lên qua ngôn từ miêu tả cử chỉ tỉ mỉ, cà kê, có vẻ lẩn thẩn, kì quặc: “Ông cụ thường đổ ra la liệt ra chiếu để tìm một vật gì đó, hết ngắm nghía cái này cái nọ một lúc lại ném tuốt cất đi. Một chiếc tẩu cổ với một hợp thuốc lá vụn, một lọ tăm tre với mươi chiếc tăm vót công phu, cái bút máy và cuốn sổ ghi chép, chút rượu đế và chút thức nhắm khô được gói cầu kỳ, nhiều khi trong đó chỉ là một con mực nướng. Ông đã mang cái túi ấy đi khắp gầm trời này, đã lang thang cùng nó rong chơi một đời và cũng đã để lại sau lưng mình một sự nghiệp sáng tạo âm thầm và khó nhọc với những cuốn sách ở đẳng cấp cao” [18; 83]. Nguyễn Tuân thật nặng nợ với văn chương. Có thể nói văn chương chính là cuộc sống của ông, cá tính trong đời thường thống nhất với cá tính trong sáng tạo nghệ thuật. Ở ông, con người xã hội và con người nghệ sĩ không có sự tách bạch mà luôn thống nhất trong cùng một bản thể.

Mỗi nhân vật, Đỗ Chu dành cho một kiểu ngôn từ riêng sao cho xứng hợp với từng cá thể, nhất là cá thể đó là người có cá tính. Nhờ thế mà nhân vật trên trang viết của ông mang một thần thái riêng, một cá tính riêng, một phong cách riêng. Thông qua các câu chuyện làng văn mà Đỗ Chu kể, chân dung người nghệ sĩ hiện lên sống động: một Nguyễn Tuân tài hoa mà tính cách chỉ tóm gọn trong hai chữ dáng kiêucốt kiêu; một Nguyễn Khải thông minh và tỉnh táo, dám nói những điều người khác không dám; một Kim Lân quê mùa, mộc mạc, hồn hậu; một Chế Lan Viên uyên bác, duy lí, nhưng đôi khi cả nghĩ và dễ tủi thân; một Hoàng Cầm lãng mạn và hồn nhiên nhưng bên trong luôn chứa nhiều u uẩn và nỗi niềm xa xăm…Tất cả đều là hiệu quả thẩm mĩ của sự cảm nhận, lối miêu tả độc đáo và hệ thống ngôn từ sống động, tài hoa.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)