Cái tôi trữ tình đời thường

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 53 - 55)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI ĐỖ CHU TRONG TÙY BÚT

2.1.2 Cái tôi trữ tình đời thường

Trong cuộc sống đời thường, Đỗ Chu là người có nhiều mối quan hệ thân tình, thích giao lưu và đón nhận những tình cảm đẹp. Chớ hiểu nhầm ông là người hướng ngoại chuộng những gì chóng đến rồi lại chóng qua, hời hợt và nông cạn. Ông là bạn thâm niên của rất nhiều người, mến thương nhiều người và cũng được nhiều người thương mến. Những người đi qua cuộc đời ông đều đáng để thương mến, nhung nhớ bởi vì họ đều là những người ưu tú, sống có lí tưởng và hoài bão.

Ở chương một, chúng tôi đã xác định, phân tích, khá rõ ràng trên phương diện nội dung phản ánh. Trong đó, đối tượng phản ánh chủ yếu là những nghệ sĩ và trí thức bác học và tản mạn một số nhân vật gần gũi với nhà văn. Có thể xếp những bài tùy bút về những đề tài này vào loại tùy bút chân dung. Ở đây nhà văn không có chủ đích viết tiểu sử và sự nghiệp của những tác giả có tác phẩm hay những công trình khoa học. Từ người thật, việc thật, ông dựng lên các bức chân dung bằng những ấn tượng chủ quan và bằng nguồn cảm hứng riêng tư giữa ông và đối tượng được phản ánh. Hình tượng chân dung được soi bóng dưới dòng cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng không kém phần sâu sắc và thắm thiết. Nhờ thế cái tôi đời trữ tình đời thường được biểu hiện khá sống động qua những bức chân dung. Ẩn dưới những trang văn đầy chất tự sự là tình cảm hết sức nồng hậu, chân thành. Những nhân vật cùng trang lứa với ông như Thavi Quý, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu, Trần Hoài Dương, Linh Chi…hay những người thuộc thế hệ đàn anh như Văn Cao, Huy Du, Kim Lân, Nguyễn Tuân…đều hội tụ về đông đảo trên trang viết. Đỗ Chu dành cho họ một thứ tình cảm thật dịu dàng, ấm áp. Dày đặc trong trang văn của ông là những kỉ niệm khó quên giữa nhà văn và bạn hữu. Với Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu có nhiều kỉ niệm đẹp nhưng có lẽ xúc động nhất là kỉ niệm ở bờ suối nào đó tại đại ngàn Trường Sơn: “Một hôm chúng tôi rủ nhau ra suối tắm, khi lên bờ thiếu quần đùi để thay, anh đã chạy về tìm một cái mang ra

cho tôi, Chu mặc tạm, anh nói ngọt ngào. Tôi đã mặc chiếc quần đùi của anh đến Bản Đông rồi quay về Hà Nội” [18; 56]. Cũng chỉ có vậy thôi nhưng ta đã cảm nhận đầy đủ tình thân ái, sự ân cần mà họ dành cho nhau. Một chút quan tâm chân thành nơi người khác, với Đỗ Chu chính là quà tặng quí giá của cuộc sống, có khi làm ông thương nhớ cả một đời…Rồi khi Phạm Tiến Duật kết hôn, vì không thể có mặt để dự lễ thành hôn, Đỗ Chu đã ra Phú Thọ trước ngày thành hôn để chúc mừng hạnh phúc cho bạn mình. Sự ân cần, chu đáo trong cách khu xử trở thành một nét đẹp trong tình bạn, là chất keo kết dính lòng người đến suốt cuộc đời. Đỗ chu không khỏi bàng hoàng, đau xót khi nghe tin Phạm Tiến Duật mắc chứng bệnh hiểm nghèo: “Cuộc đời anh Duật lại có thể dừng lại một cách vô lí đến thế này sao, không phải chỉ mình tôi nghĩ thế, rất nhiều người đang nghĩ thế. Những ông thầy thuốc Tây y, Đông y đang xem đây như một thách thức lớn với họ” [18; 65]. Đó đâu chỉ là thách thức của y học mà đó còn là thách thức của một mối thân tình sắp phải có một cuộc chia lìa vĩnh viễn.

Nhà văn chăm chỉ thăm viếng những người mà ông yêu mến, vì ông thích được gần họ, muốn được nghe họ tâm sự về văn chương, về nghệ thuật, về thú tiêu dao, về nhân tình thế thái…Cảm động nhất là những lần Đỗ Chu thăm viếng bạn hữu lâm bệnh thập tử nhất sinh: “Lần này anh ốm nặng, tôi vội vào viện thăm, cầm tay rất lâu, tay tôi đã lạnh, tay anh còn lạnh hơn. Lúc sắp ra về tôi ghé tai hỏi anh, anh có dặn gì bọn em không, anh Chính Hữu nháy nháy má mấy cái liền rồi bảo, cố gắng bảo nhau viết cho sang, sống cho sang, thiếu yêu thương thì không thể sang được” [18; 126]. Hãy cùng nghe lời thương cảm của tác giả dành cho linh hồn Chính Hữu: “Bây giờ thì anh đã đi rồi, ra đi ôm một khối u trong lòng mà mấy ai đã biết, ra đi trong nỗi đau chỉ mình anh chịu, không một lời than thở, không một tiếng rên, cứ nuốt vào lòng, cứ bình thản mà đi” [18; 130]. Lời văn đọc lên cứ rưng rưng, nghẹn ngào, vừa cảm thông vừa thương xót cho người nghệ sĩ tài hoa nhưng luôn hứng chịu nhiều nỗi đau trong cuộc đời. Một lần khác Đỗ Chu thăm Kim Lân, cũng là lần sau cùng nhà văn được gặp gỡ nhà văn, tác giả của những truyện ngắn đặc sắc: “Một sớm nghe người con trai thứ của ông nói thầy em vừa ra viện, đang ngồi một mình ở nhà, tôi vội tạt vào một lúc, khi chia tay tôi rút trong túi ra tờ một trăm gài vào túi áo ngực ông, chợt thấy cái ngực lép nhô ra nhọn như ngực con cuốc héo. Ông nhón hai tay cặp lấy tờ giấy bạc nhìn ngắm rồi nhè nhẹ cười, nom cứ thấy dài dại thế nào, tiền giấy mà lại không phải tiền giấy nhỉ. Đến lúc thấy tiền mà dửng dưng là cũng sắp kính chào tất cả rồi đây. Năm nay lập thu sớm, tiết trời nghe chừng cũng lạ” [18; 73]. Có thể nói tình cảm thương

mến Đỗ Chu dành cho thân hữu là đến cùng, không vơi cạn, sống thì thương yêu, gắn bó, thác rồi thì ngậm ngùi thương nhớ…

Tình cảm Đỗ Chu dành cho nghệ sĩ, trí thức bác học vô cùng phong phú. Ông có sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với sở trường thiên tư của họ. Đỗ Chu nghiêng mình trước tài văn chương của Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Kim Lân, Phạm Tiến Duật…; cũng như bái phục khả năng ngoại ngữ thiên bẩm của Thavi Quý; năng lực tư duy triết học sắc sảo của Trần Đức Thảo; tâm huyết giáo dục của tiến sĩ Hồ Ngọc Đại; kính phục tầm hiểu biết sâu rộng văn hoá Tây Nguyên của cụ giáo Thấu, cụ Điểu Câu…Nhà văn đánh giá rất cao trí tuệ và tài hoa của những người đã cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị cao và những thành tựu vượt trội. Khiêm nhường trước tài năng, đó cũng là thái độ đáng quí, đáng trọng biểu hiện một nhân cách trong sáng, trưởng thành. Đứng bên cạnh họ, Đỗ Chu cảm thấy mình bé nhỏ, muốn được noi gương học hỏi.

Viết về họ, nhà văn còn bày tỏ niềm cảm thông và tri âm sâu sắc. Ông thấu hiểu nỗi khao khát của Trần Hoài Dương lúc rời bỏ tòa soạn để lên đường đi tìm nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, thông cảm cho hoàn cảnh xa cách gia đình của Nguyễn Minh Châu, thấy được nỗi lòng xa xứ của Thavi Quý…Lúc nào cũng thế, trang viết của Đỗ Chu luôn là tiếng lòng thấu cảm, tri âm và thông suốt, biết trân trọng những tình cảm chân thành.

Tóm lại, cái tôi trữ tình đời thường của Đỗ Chu chủ yếu hướng tới những mối quan hệ thân tình mà vô cùng rộng rãi. Ai cũng được ông dành cho những dòng tâm tình đẹp đẽ, đáng quí. Mới thấy rằng, giữa cuộc sống xô bồ này vẫn còn có những người biết sống hiền hòa, thân ái, sâu sắc, biết mến yêu những giá trị đích thực, biết gìn giữ, nâng niu những tình cảm chân thành. Chưa một lần ta thấy nhà văn tỏ ra cay cú hay bất mãn với ai đó. Nếu có chăng thì cũng chỉ là một cái tôi trữ tình đời thường vô cùng đa cảm, dễ nhạy cảm với những hiện tượng cuộc sống và luôn có những tình cảm chân thành, sâu sắc.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)