Cái tôi trữ tình công dân

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 48 - 53)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI ĐỖ CHU TRONG TÙY BÚT

2.1.1 Cái tôi trữ tình công dân

Nhìn chung, nội dung cảm xúc của loại này là người nghệ sĩ bày tỏ tình cảm của mình đối với xã hội và chế độ chính trị. Cái tôi trữ tình công dân thường cổ vũ, ca ngợi sự nghiệp chung của nhân dân, lên án đả kích kẻ thù chung. Nhất là khi vận mệnh cả dân tộc lâm vào cơn thử thách, nguy nan, khi mọi người quan tâm đến vấn đề sống còn của đất nước, cái tôi trữ tình công dân hơn lúc nào hết được biểu hiện rõ nét và phổ biến trong tác phẩm văn học.

Cái tôi trữ tình công dân của Đỗ Chu bàng bạc khắp ba tập tùy bút nhưng đậm nét nhất là ở tập Những chân trời của các anh. Tiếng nói nghệ thuật của ông chính là tiếng nói của lòng yêu nước thiết tha, nồng nàn. Vì thế những sự kiện thời chiến mà ông từng tham

gia hay có dịp chứng kiến bao giờ cũng chan chứa một xúc cảm dào dạt, chân thành, không hề phô trương hay cố gồng lên. Cái tôi công dân trong ông ít biểu hiện một cách trực tiếp mà chủ yếu biểu hiện gián tiếp thông qua hình tượng được nghệ thuật. Cần thấy rằng văn học nước ta khi phản ánh về thời kháng chiến chống đế quốc xâm lược Mỹ, cái tôi trữ tình công dân trở thành một một nội dung tình cảm chủ đạo, cao đẹp, tích cực phù hợp với tiếng nói của dân tộc và thời đại. Và hiện thực mà nhà văn Đỗ Chu phản ánh ở đây chính là hiện thực chiến đấu và kiến thiết đất nước.

Đầu tiên, cái tôi trữ tình công dân của Đỗ Chu biểu hiện ở tình cảm vui tươi, sảng khoái, phấn khởi trước vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và những thành tựu trong công cuộc chiến đấu và xây dựng. Người đọc dễ dàng nhận thấy, khởi đầu cho bức tranh cuộc sống thường là một vài nét chấm phá về thiên nhiên, một thứ thiên nhiên vào độ xuân tràn đầy màu sắc và sức sống. Hãy lắng nghe những giai điệu mùa xuân trong đoạn văn đậm chất thơ sau đây: “Chim ri đã từng đàn từ đâu tìm về bay nhảy trong mấy lùm nhãn ở trước nhà. Và chúng hót, chúng ồn ã chuyện trò. Tôi ngồi bên cửa sổ hàng giờ lắng nghe tiếng chim ngoài vườn hót và tự hỏi, chúng đang véo von những gì vậy, tình tứ một cách quá công khai, nhưng ngoài chúng ra chẳng ai hiểu nổi” [14; 5]. Không những thế, niềm vui của tác giả còn gửi vào những cái nhìn, những nụ cười: “Những cái nhìn lúng liếng, những nụ cười, những câu hát lúng liếng và cuộc sống lúng liếng giờ đây cùng với những cơn gió xanh rờn ùa tới với tôi, đạp vỗ trong tôi là những cảm xúc, là những ấn tượng còn tươi nguyên sau một chuyến về thăm lại quê nhà” [14; 6]. Đỗ Chu say sưa nhìn ngắm chồi lộc xanh non: “Tôi ngắm nhìn không biết chán những chồi non nhú trên các cành cây ngoài đường, cả thành phố sớm nay là một vườn lộc” [14; 50]. Thiên nhiên trong văn của Đỗ Chu không phải là loại thiên nhiên thuần túy để thưởng lãm hay để mộng mơ theo kiểu vu vơ mà nó chính là phương tiện, là điểm tựa, là phông nền để chủ thể trữ tình bộc bạch xúc cảm đối với đất nước. Có khi tác giả như reo lên một cách hồn nhiên, trong trẻo: “Chính là mùa xuân đến rồi” [14; 50]. Những cảnh sắc thiên nhiên ùa vào trong hồn khiến tác giả phải ngây ngất, mê say. Ông nhìn ngắm những thay đổi quan trọng, vượt bậc, lớn lao của kinh tế sản xuất: một xí nghiệp cơ khí với gần ba trăm người thợ trẻ, đã bằng vai, bằng bắp tay và bằng mọi phương tiện vận chuyển khác, di chuyển xong cả một nhà máy từ nơi sơ tán về lại Đáp Cầu; một vùng đất khô cằn sau mấy năm được cải tạo đã trở thành nơi có mấy chục cái hồ nước phục vụ cho sản xuất; hàng triệu viên ngói đỏ đã được ra khỏi lò nhờ rất nhiều bàn tay của các cô gái trẻ trẻ không ngại bùn đất lấm lem; những chiếc cầu

mới được xây cất bắc qua sông …Tuy không hoàn toàn là cảm hứng hồi sinh nhưng không gian nghệ thuật trong tác phẩm lại khiến lòng người phấn khởi trước đà phát triển vượt trội của một vùng đất đầy những khó khăn. Tâm hồn nhà văn như có đôi cánh thiên thần bay qua những cánh bãi phù sa, những dòng sông êm đềm lửng lờ trôi. Nhà văn mở rộng đến cực độ tầm mắt để thưởng ngắm những gì nhân dân đang dựng xây trong gian lao, khổ nhọc…Trong tùy bút Vầng sáng trong đêm, người đọc thấy vầng sáng rạng ngời chiếu tỏa từ công trình nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Thiết tưởng ánh sáng ấy được thắp lên bởi hai nguồn năng lượng, thứ nhất là năng lượng tự nhiên, thứ hai là năng lượng xúc cảm đang tồn trữ trong tâm hồn của tác giả. Ánh sánh từ công trường lại thắp lên trong nhà văn niềm hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn: “Không bao lâu nữa phố phường, làng mạc gần xa quanh đây sẽ bừng lên, quê hương chúng ta bừng lên, bóng tối đang bị dồn đuổi, đói nghèo dốt nát bị dồn đuổi” [14; 86]. Đỗ Chu cứ say sưa ca ngợi tưởng chừng như không thể nào vơi cạn nguồn cảm hứng. Dòng cảm xúc trong cái tôi Đỗ Chu không ồ ạt, mạnh mẽ khiến ta phải choáng ngợp, bối rối…Ông cứ thì thầm kể chuyện, thì thầm ca hát khúc nhạc dựng xây, thì thầm vui sướng. Thì thầm, không phải là yếu ớt, ít cảm xúc hay đơn điệu mà là một trạng thái cảm xúc đã đạt đến độ sâu sắc của một con người từng trải, từng kinh qua những thăng trầm của cuộc sống…Những sự thay đổi ấy ai cũng nhìn thấy nhưng lại mấy ai có được niềm vui đẹp đẽ như thế, dạt dào như thế. Hơn nữa, ông không vui cho mình mà vui cho đất nước, vui cho dân tộc. Cái tôi của Đỗ Chu thật sự đã hòa làm một với cái ta chung của dân tộc. Nếu không thực sự hòa quyện, hòa nhập chắc chắn nhà văn không có những cảm xúc tự nhiên, hồn nhiên đến thế.

Không những thế, cái tôi trữ tình công dân của Đỗ Chu còn được biểu hiện khi ông ghi lại những chiến công mà bộ đội ta lập được. Trong tùy bút Từ một trang nhật kí chiến đấu, Đỗ Chu trở thành người thư kí của trận mạc: “Năm qua, đại đội 5 pháo cao xạ đã hành quân hơn hai ngàn kí-lô-mét và đã đánh gần 100 trận. Trong chiến công chung miền Bắc bắn rơi 2000 máy bay, đại đội 5 góp vào đó 13 chiếc (…) Anh chiến sĩ trẻ đếm miết và đến chiếc thứ 13 mà đại đội anh bắn rơi thì, con số máy bay giặc Mỹ bị quân và dân miền Bắc bắn rơi đã vượt quá con số 1500 chiếc rồi; 13 chiếc đại đội anh bắn đều rơi vào con số lẻ. Vả lại ai cũng biết, so với con số 2000 thì con số 13 rất nhỏ bé. Nhưng anh thấy anh cũng như đồng đội rất có quyền tự hào, vì một lẽ giản đơn, nếu không bắt đầu từ những chiến công nhỏ góp lại thì làm sao có được chiến công lớn. Mỗi con số đều chỉ một trận thắng, đều có mang ý nghĩa lịch sử đẹp” [14; 52]. Dầu thế, những chiến công quân

đội ta lập được phải trả bằng bao gian khổ, nguy nan và rất nhiều những hi sinh mất mát. Nhà văn tỏ ra trân trọng đối với những chiến công, dẫu có khi chỉ là chiến công nhỏ bé. Không những thế, ông còn hết sức kiêu hãnh, tự hào: “Như một tỉ lệ thuận, cùng với lòng yêu nước và chí căm thù giặc Mỹ của các chiến sĩ, con số máy bay Mỹ bị bắn rơi sẽ tăng đến một tốc độ khiến chúng ta và loài người tiến bộ ngày càng thêm kiêu hãnh, và kẻ thù phải khiếp sợ” [14; 58].

Viết về những năm tháng mưa bom bão đạn, Đỗ Chu không phải chỉ có những xúc cảm, phơi phới tươi hồng ấy. Lòng yêu nước đã khiến ông bao lần phải đau đớn trước cảnh quê hương ta bị giặc tàn phá và những mất mát to lớn. Đỗ Chu nhiều lần ghi lại tội ác của kẻ thù trên những trang viết thấm đẫm nỗi đau và lòng căm thù, thấm đẫm máu và nước mắt của dân tộc: “Quả bom Mỹ lần đầu ném xuống Hà Nội trong chiến tranh phá hoại đã rơi vào phố Huế mùa Hạ 1967, còn những trái sau cùng là những chùm đã trút xuống khu Khâm Thiên vào đêm thánh Chạp 1972. Những năm ấy gần như vòm trời trên đầu chúng ta lúc nào cũng xanh đến nóng ruột (…) Hậu phương miền Bắc ngày đó đã nằm trong bom lửa…” [17; 341]. Lời văn bỗng trở nên đanh thép khi nhà văn kể lại tội ác của lũ ngoại xâm. Cả một Hà Nội ngày ấy quằn quại dưới gọng kìm của đế quốc Mỹ hiện lên trong người đọc với bao nỗi đau thương. Chúng nhẫn tâm giết người nông dân trên đồng ruộng, chúng phá đem bom thả xuống làm đổ sập những ngôi nhà làm chết bao người vô tội. Bom Mỹ không hề biết tránh né nhà trẻ, trường học, và nhà tù của Mỹ bao giờ cũng có các cỡ cùm dành cho trẻ con. Nhà văn lại vô cùng đau đớn khi kể lại những câu chuyện hi sinh của quân đội ta, đồng bào ta. Đau thương nhất là câu chuyện về mùa hè 1972 ở Quảng Trị, mỗi ngày là một đại đội có đến 200 người phải ra đi, kéo dài suốt tám mươi mốt ngày.

Nếu ai đã đọc tùy bút Những chân trời của các anhmột cách kĩ lưỡng thì sẽ nhận ra hình tượng xuyên suốt tác phẩm chính là những người lính. Và hình tượng này cũng bàng bạc trong hai tập tùy bút còn lại. Đỗ Chu rất tỏ ra rất gần gũi với họ, bởi đơn giản ông cũng là một người lính, một người từng là lính phòng không. Chân dung người lính đã được chúng tôi khai thác khá kĩ ở chương một. Ở đây chỉ dành để nói về cảm hứng của nhà văn khi chấp bút sáng tạo nên những hình tượng văn chương. Ta thấy rằng, hình tượng người lính trong văn xuôi của ông nói chung và trong tùy bút nói riêng luôn hiện ra với những vẻ đẹp lí tưởng. Đó là những con người một lòng yêu mến nước non, xứ sở, quyết tâm chiến đấu tiêu diệt kẻ thù giải phóng dân tộc. Họ là những anh hùng của thế kỉ hai mươi, là Phù Đổng của thời đại…Tình cảm của nhà văn dành cho các chiến sĩ hết sức tốt đẹp và chân

thành. Viết về họ, cái tôi trữ tình công dân của Đỗ Chu biểu hiện hết sức phong phú, đa diện. Ông ca ngợi họ, tìm thấy nơi họ những vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng. Hình bóng của họ cứ ám ảnh nhà văn khôn nguôi: “Tôi nghĩ tới những đội quân hôm qua cầm tiểu liên chạy lên các chiến trường, giờ đây lại trở về với những công trình mới mẻ, họ vẫn đang đi tới, bằng mồ hôi, bằng trí tuệ, bằng những hi sinh không hề tính toán và sẽ để lại phía sau mình những con đường táo bạo, những dòng thác được chinh phục, những cánh rừng được cứu sống. Tôi nghĩ tới những người bạn chiến đấu của mười năm qua, giờ đây đang đứng gác trên một hòn đảo nhỏ giữa trùng khơi” [14; 49]. Những khi viết về chiến công của bộ đội ta, trong ông lại dậy lên niềm vui sướng lẫn tự hào, phấn khích. Điều này làm cho tác phẩm mang khuynh hướng sử thi đậm nét, rất gần với những tác phẩm của Tố Hữu, Chế Lan Viên , Lê Anh Xuân…Khi nói về những hi sinh, lời văn của Đỗ Chu bề ngoài là tự sự nhưng chiều sâu trong câu chữ là nỗi đau xót, ngậm ngùi: “Người anh hùng ở lại mãi mãi với bầu trời. Anh gửi lại trong thành phố người mẹ một lần tiễn chồng ra trận, một lần tiễn con trai duy nhất ra trận, cả hai đều không trở về. Vợ anh còn rất trẻ, họ cũng vừa mới cưới nhau được ít lâu, chị cũng là một sinh viên kinh tế vừa mới ra trường” [14; 8]. Suy nghĩ về những hi sinh cao cả của người chiến sĩ, Đỗ Chu cảm thấy mình thật nhỏ bé, tầm thường và thành thật tự thú những yếu đuối cá nhân: “Tôi trông lên dãy núi kia, cũng như tôi đã trông vào những cồn cát ở ven biển, tự hỏi nếu những năm tháng ấy mình được đưa vào mặt trận này thì liệu mình có nhấc nổi chân lên mà theo kịp đồng đội lấy vài ba tháng. Đừng có nói khoác, không dễ dàng gì đâu” [17; 76]. Chính tình cảm ngưỡng vọng, yêu mến cùng bao nỗi tiếc thương đã tạo nơi Đỗ Chu chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giúp ông xây dựng những tượng đài nghệ thuật kì vĩ, lớn lao…

Đỗ Chu còn có những trang viết đầy xúc động dành cho Bác Hồ kính yêu. Ông thấu hiểu được nỗi trăn trở ưu tư của Người khi vận nước đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Ông nhìn thấy Bác trầm ngâm suy nghĩ để đưa con thuyền đất nước vượt qua những thác ghềnh. Nhà văn nhận ra rằng trong nước mắt, khổ đau, “đời mình từ lâu rồi đã có và có một cái gì thiêng liêng, một điểm tựa vô cùng vững chãi, khó có thể mất được” [14; 13]. Quả thế, trong tâm hồn Đỗ Chu, Bác là cả niềm tin và hi vọng cho cả dân tộc để từ đó mọi người có thể “bình tâm sống, mạnh mẽ sống, kiêu hãnh sống”. Nhà văn cảm thấy sung sướng khi được ướm tầm vóc bình thường của mình vào cái mức chuẩn cao quí của Bác. Với Đỗ Chu, Bác không chỉ là một vị anh hùng dân tộc đáng quí, đáng ngưỡng vọng như một quả núi cao càng nhìn càng khó thấy đỉnh. Cần phải thấy rằng, ca ngợi Hồ Chủ tịch

không phải là nguồn cảm hứng khan hiếm mà rất phổ biến không chỉ trong văn học mà còn có trong các loại hình nghệ thuật khác. Ngay trong văn học cũng có rất nhiều cây bút thành công với cảm hứng này như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Trần Đăng Khoa….Tuy nhiên, cái tôi trữ tình của Đỗ Chu vẫn có một sắc thái riêng, một sức hút riêng không hề mờ nhạt một chút nào. Phải chăng tình cảm chân thành làm thành một cái đà vững chắc giúp ông luôn lướt thắng và vượt qua những cái tưởng chừng như phổ biến và khó có thể tạo được dấu ấn riêng ?

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 48 - 53)