Thành phần lời văn nghệ thuật

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 105 - 110)

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TÙY BÚT CỦA ĐỖ CHU

3.3.3 Thành phần lời văn nghệ thuật

Lời văn của tác phẩm được cấu tạo bởi hai thành phần chính: lời trực tiếp và lời gián tiếp. Lời trực tiếp là lời do nhân vật hoặc tác giả - những người trực tiếp nói lên trong tác phẩm. Lời gián tiếp là toàn bộ phần lời của tác giả, của người trần thuật, hoặc người kể chuyện có chức năng trình bày toàn bộ thế giới hình tượng, kể cả các yếu tố nội dung, hình thức của lời nhân vật cho người đọc. Lời gián tiếp có hai loại lớn: lời gián tiếp một giọng và lời gián tiếp hai giọng. Trong lời gián tiếp hai giọng có lời nửa trực tiếp, lời gián tiếp phong cách hóa, lời gián tiếp của người kể chuyện. Trong giới hạn nghiên cứu của đề tài, chúng tôi xin đi vào nghiên cứu lời trực tiếp của nhân vật và lời gián tiếp song điệu (lời nửa trực tiếp) trong tùy bút của Đỗ Chu.

Lời trực tiếp của nhân vật trong tác phẩm tùy bút không phải là hiện tượng phổ biến. Các lời đối thoại trong tùy bút của Đỗ Chu chỉ xuất hiện với một tỉ lệ rất ít so với toàn bộ lời văn nghệ thuật của ông. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng không có chức năng và hiệu quả thẩm mĩ nhất định. Chức năng phản ánh hiện thực của lời nhân vật trong tùy bút của ông mang tính chất thông báo, trần thuật, miêu tả rất giản đơn, mang tính chủ quan rất đậm. Trong tùy bút Từ một trang nhật kí chiến đấu, Đỗ Chu để cho lời của nhân vật thực hiện chức năng này rất nhiều:

- Tại N đại đội bắn tan xác chiếc thứ 712, kiểu A – D6.

- Tại A bắn cháy chiếc F. 105 bắt sống giặc lái, đây là chiếc thứ 975.

- Báo cáo thủ trưởng, tôi có mặt.

- Khuyến đấy à, vào đây. Nghe nói quê cậu ở vùng này phải không ?

- Vâng ạ, làng tôi cách đây 15 ki- lô- mét thôi ạ.

- Cụ vá lưới khuya thế ạ.

- Vâng, mời anh vào trong này.

Những lời trực tiếp ấy phản ánh hiện thực bên ngoài nhân vật. Đó là hiện thực chiến đấu, là chiến công, là sự hiện diện kịp lúc của người chiến sĩ, là khoảng cách từ chỗ đóng quân đến quê nhà, là bà mẹ đêm khuya ngồi vá lưới, là lời mời mọc ân cần. Và chúng cho thấy sự hiện diện của các nhân vật trong không gian nhất định, như ở trên là không gian chiến khu, không gian quê nhà. Trong chức năng này, lời nói của nhân vật vô cùng tự nhiên, giống với khẩu ngữ nên chúng có giá trị tạo hình cao. Và rất nhiều lời hội thoại của các nhân vật có ở các bài tùy bút khác thực hiện chức năng này như Bên kia sông Hồng, Sông Hồng sắc đỏ, Vòm trời quen thuộc, Vầng sáng trong đêm…

Trong chức năng thể hiện nội tâm, lời trực tiếp được thể hiện thông qua các mẫu lời nói của một quá trình nội tâm, hoặc thể hiện dưới hình thức độc thoại nội tâm mở rộng. Trong chức năng này, Đỗ Chu thường để cho nhân vật tự bộc lộ tâm lí, đời sống nội tâm tinh tế. Lời của bà cụ trong tùy bút Hoa bờ giậu là một loại như thế: “ …có nhà anh mới nhầm, tôi là người ngồi bên những đàm hoa bờ giậu cho đến lúc chết, hỏi nhầm sao được. Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu nhời đắng cay” [18; 8]. Có một quá trình im lặng đằng sau vầng trán nhăn nheo của bà già hàng nước. Đó là cái im lặng của một người đàn bà đã sống mỏi mòn, tạm bợ, đơn chiếc. Đó là cái im lặng để nhân vật cất lên lời ru hời nỉ non, sầu bi….Và đó là thái độ xác minh một cuộc đời lay lắt mà chính bà là một nhân chứng sống. Mượn thân thảo mộc hoang dại, bà lão bày giãi thân phận nhỏ bé, mỏng manh, yếu đuối của mình giữa cuộc đời.

Cũng là lời của một bà lão, người mẹ có đưa con đi kháng chiến, hôm nay bất ngờ được con về thăm. Nỗi vui mừng rưng rưng cùng với niềm tri ân lóe lên trong giọng nói đầy yếu ớt của bà: “Mày cho u hỏi thăm sức khoẻ cái anh chỉ huy cho mày về thăm nhà ấy. Việc quân đang bận mà anh ấy còn chiếu cố hoàn cảnh cho mày về, thế là quí lắm” [14; 55]. Khi ông Bách có nhã ý đề tặng bài thơ Đường, nhà văn Kim Lân đã nói những lời như sau: “Tôi chẳng dám liệt mình vào đám người đó, tôi làm đếch gì phải giấu mình. Tôi cứ sống như tôi đang sống, giữa thanh thiên bạch nhật, thích thì làm, lười thì đừng làm, nào có ai bắt ai giục, mà bản thân mình thì cũng có thèm khát nỗi gì, như thế là thanh thản, là biết dừng. Tôi cũng chẳng cần một chữ tâm, một chữ nhẫn mà thiên hạ đang tìm như một cái mốt vậy. Ông cứ nghĩ cho kĩ đi đã, nhất định ông sẽ có mấy chữ thật hay để tặng tôi năm nay, viết cho thật phóng túng tít mù nom mới hả” [17; 143]. Chỉ qua một lời thoại, Kim Lân đã bộc lộ quan điểm sống hết sức rạch ròi của mình: chú trọng thực chất hơn là việc tô vẽ bên ngoài, sống tự do tự tại không bị ràng buộc bởi búa rìu dư luận, tự hài lòng với những gì đang có ở hiện tại. Đỗ Chu biết cách để cho nhân vật tự thể hiện chiều sâu tâm trạng, đời sống tâm lí bằng lời của chính họ.

Ở lời văn gián tiếp hai giọng, lời nửa trực tiếp hay còn gọi là lời văn song điệu cũng là một đặc điểm độc đáo trong những bài tùy bút. Lời nửa trực tiếp là lời gián tiếp bao hàm các yếu tố khác nhau của lời trực tiếp. Nhân vật ông Đắc trong tác phẩm Ghi chép ở Ban được nhà văn kể lại dòng hồi tưởng về quá khứ trong một lần trở lại Ban Mê: “Thế là thế nào nhỉ, ông Đắc vừa tự hỏi mình vừa lặng lẽ nhìn về cuối thềm. Mảnh sân tù ngày trước là chỗ các ông vài ba ngày được phép lê ra đó một lần, ngồi túm tụm thành một đám

rách rưới, bắt chấy bắt rận và phơi nắng. Nay thì nó biến thành mấy vạt sắn xanh um tùm. Thôi thì mặc kệ đời, nước trôi thuyền trôi, ta đâu phải là người có thể đội đá vá trời. Hãy cứ cố mà sống thêm lấy dăm mười năm thử xem đời sẽ đi về đâu” [17; 25]. Vẫn là lời gián tiếp nhưng ý thức, ngữ điệu là của nhân vật. Đỗ Chu vừa miêu tả dòng hồi tưởng của ông Đắc vừa để cho ông Đắc thể hiện nỗi ngậm ngùi của mình khi nhớ về ngày trước. Cái kỉ niệm của một thời khổ nhục giờ trở thành những thước phim quay chậm lên dòng kí ức khiến cho ông nghiệm ra bao điều sâu sắc. Dường như nhà văn để cho nhân vật tìm kiếm những cái đã qua và cho họ nhận ra những biến thiên lớn lao mà con người không thể nào cưỡng lại nổi. Những bạn tù ngày ấy đâu rồi, kẻ mất người còn, nhưng trong số còn ấy có mấy ai lưu giữ những kỉ niệm yêu thương ấy chăng, hay đã thành ông nọ bà kia lùa kỉ niệm vào một xó xỉnh nào đó trong kí ức. Suy nghĩ của nhân vật song hành với lời tự sự của nhà văn đã làm nên hiện tượng song điệu trong trần thuật. Đến với tùy bút Ông già ngồi dịch Đăm Săn, người đọc có dịp đi sâu vào đời sống nội cảm của cụ giáo Thấu qua những lời văn song điệu: “Cụ bật dim, từ từ nhả cho làn khói bay nhẹ lên trần. Hôm nay mà Thấu này còn chưa được vui thì hỏi còn hôm nào đây. Cụ nhìn ra ngoài cửa sổ, mưa bụi đang làm mờ mịt một vùng thành phố. Đầu óc lại chợt muốn quay về với những ngày đã xa, cụ lại nghĩ đến họ, những học trò, những đồng chí của cụ. Tất cả đều được cụ điểm danh, từng khuôn mặt được cụ gọi về. Thấu này vẫn đang sống xứng đáng với các bạn, Thấu này vẫn đang làm việc và nó đang bước đến gần, nó đã sờ thấy kết quả của công việc” [17; 62]. Hình ảnh một ông già đang ngồi ôn lại chuyện cũ, khơi lên những gì thân thuộc nhất, thân thương nhất. Cái hiện tại hòa vào quá khứ, bỗng chốc dậy lên bao nỗi niềm, bao trầm tư mặc tưởng trong tâm hồn con người đã từng một thời gắn bó máu thịt với xứ rừng Tây Nguyên. Cái độc đáo của Đỗ Chu là ông vừa tả cảnh mưa bụi đang bay đầy trời vừa miêu tả nhân vật, đi sâu vào cõi lòng của nhân vật bằng chính dòng ý thức của nhân vật. Với lời văn song điệu, Đỗ Chu tái hiện, miêu tả cảnh vật và con người rất sinh động, đào sâu vào sâu thế giới nội tâm của nhân vật. Ông tỏ ra đồng cảm, tri âm sâu sắc với những nhân vật. Có thể nói, lời văn song điệu là một trong những phương thức qua trọng để nhà văn phản ánh thế giới khách quan và biểu hiện được những rung cảm tinh tế nhất, sâu sắc nhất của đối tượng tự sự và chủ thể sáng tạo. Nó trở thành một đặc trưng nổi bật trong văn xuôi nói chung, thể loại tùy bút của Đỗ Chu nói riêng.

Như thế, phong cách nghệ thuật trong tùy bút của Đỗ Chu vừa mang chất thơ vừa mang chất truyện. Điều này làm cho tùy bút của ông mang đặc điểm tự sự - trữ tình trong

một kiểu văn xuôi tự nhiên, giản dị nhưng lại mang nhiều dấu ấn nghệ thuật đặc sắc. Đỗ Chu đã chinh phục bạn đọc ở nhiều phương diện, trong đó kết cấu, ngôi kể, nghệ thuật khắc họa chân dung, giọng điệu và nhịp điệu, ngôn từ nghệ thuật góp phần quan trọng tạo nên phong cách sáng tạo tùy bút riêng. Đồng thời, hệ thống nghệ thuật đặc trưng ấy giúp nhà văn chuyển tải được tất cả những đề tài mà nhà văn ấp ủ, bày giãi tư tưởng và tình cảm một cách trọn vẹn, sinh động.

KẾT LUẬN

Hơn bốn mươi năm cầm bút, với mười tập truyện ngắn, một tuyển tập và ba tập tùy bút, Đỗ Chu đã thực sự khẳng định tài năng của mình trong nền văn học hiện đại và đương đại Việt Nam. Riêng với thể loại tùy bút, Đỗ Chu đã góp cho vườn hoa tùy bút thêm nhiều hương sắc bằng những tác phẩm thật sự có giá trị. Đây cũng là những tác phẩm kết tinh cao nhất tài năng và tâm huyết văn học của Đỗ Chu tựa những đóa hoa cuối mùa hết mình dâng hiến trọn vẹn hương sắc cho cuộc đời

Về mặt cảm hứng, Đỗ Chu có một nguồn cảm hứng đa dạng, phong phú, dào dạt và ổn định. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời mà trang viết của ông vẫn không biết thế nào là chối bỏ những cái gì gọi là quen thuộc. Nguồn cảm hứng trong tùy bút của ông luôn gắn liền với quê hương, đất nước và con người. Nhất là chân dung con người, nơi ấy Đỗ Chu cũng đã phần nào làm hiện lên vẻ đẹp của con người nơi đất Việt. Hơn nữa, những vấn đề mà nhà văn đưa vào trong tác phẩm của mình hoàn toàn là những vấn đề mà công chúng quan tâm. Để thấy rằng, trang viết của Đỗ Chu mang tính nhân dân, tính dân tộc rõ nét. Nói về chủ thể sáng tạo, tùy bút của Đỗ Chu bên cạnh nhận thức, phản ánh hiện thực bên ngoài còn bộc lộ một cái tôi Đỗ Chu đa diện, đa sắc : trữ tình – triết luận – tài hoa – uyên bác. Cấp độ đậm nhạt dẫu có khác nhau nhưng nhìn chung đó là một cái tôi đáng trọng, đáng quí. Qua ba tập tùy bút, ta nhìn thấy chân dung một Đỗ Chu vừa đa cảm, ưu đời mẫn thế, vừa có tầm văn hóa sâu rộng.

Cuối cùng, Đỗ Chu có một lối viết tùy bút mang tính lưỡng hợp với sự kết hợp giữa thi pháp truyện và thi pháp thơ làm nên một sự độc đáo, có tính khu biệt rõ với các cây bút trước đây và đương thời. Đỗ Chu xứng đáng được xưng tụng là nhà văn có phong cách trong thể loại tùy bút.

Với đề tài “Thế giới nghệ thuật trong tùy bút của Đỗ Chu”, chúng tôi đã đi vào ba phương diện một chỉnh thể nghệ thuật bộ ba tùy bút. Chắc chắn có chỗ chưa được thỏa đáng và hợp lí, mong được chia sẻ với mọi người công trình khoa học đầu tay nhằm có những nghiên cứu sâu hơn về đề tài hấp dẫn và thú vị này.

Một phần của tài liệu thế giới nghệ thuật trong tùy bút của đỗ chu (Trang 105 - 110)