Từ kết quả khảo sát, ta có thể thấy được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến hoạt động XK cá tra của tỉnh An Giang được nhìn nhận trên góc độ của các DN XK. Các DN XK cá tra của An Giang sang thị trường EU đánh giá cao tầm ảnh hưởng của dung lượng thị trường EU và mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam – EU đến sự thuận lợi của hoạt động xuất khẩu. Thực chất, hai yếu tố này cũng là một trong những yếu tố then chốt được doanh nghiệp xem xét, đánh giá trước khi thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu sang một thị trường nào đó, dung lượng thị trường lớn đồng nghĩa với sức mua lớn, khả năng sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng cao; về phương diện quan hệ song phương giữa Việt Nam – EU, có thể thấy, mối quan hệ này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho không chỉ doanh nghiệp XK An Giang mà còn cho cả những DN XK của Việt Nam nói chung. Từ lâu, EU đã giúp đỡ những doanh nghiệp XK của An Giang thông qua những hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam và EU, những dự án tài trợ cho các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng như những hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chuyên gia cho phía Việt Nam. Bên cạnh đó, EU còn cho Việt Nam hưởng một số ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về thuế nhập khẩu, giúp làm tăng thêm lợi thế cạnh tranh của mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam cũng như của An Giang trên thị trường EU.
Thị hiếu khách hàng EU, thu nhập của người dân EU và nhu cầu thị trường EU về mặt hàng thủy sản là 3 yếu tố được doanh nghiệp đánh giá ở mức độ thuận lợi cho công tác xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Nhìn chung, những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ thủy sản nhập khẩu, bao gồm cả cá tra, của người dân EU tăng lên một cách đáng kể. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung thủy sản trong nước. Ngoài ra, EU cũng là một trong những khu vực có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, với mức thu nhập cao như vậy nên người dân đặc biệt chú trọng đến vấn đề sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thủy sản từ lâu đã được biết đến là loại thực phẩm đặc biệt tốt cho sức khỏe con người, do đó, người dân EU ngày càng có xu hướng sử dụng thủy sản thay thế cho thịt trong những bữa ăn hằng ngày của mình. Dựa vào những yếu tố này, các doanh nghiệp có thể lạc quan khi đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường EU.
trường EU được doanh nghiệp đánh giá với mức độ thuận lợi vừa phải, nghĩa là thuận lợi nhưng bên cạnh vẫn còn tồn tại một ít khó khăn, trong đó bao gồm mức độ ổn định của nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến, nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng thực hành giỏi, thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, lưu trữ, bảo quản hàng hóa, thanh toán, xúc tiến thương mại. Trong đó, xúc tiến thương mại là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu, vì các doanh nghiệp An Giang vẫn còn rất yếu ở khâu này, chưa có đủ năng lực và trình độ để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại EU.
Hai yếu tố được các doanh nghiệp đánh giá ít thuận lợi nhất là các rào cản kỹ thuật của EU đối với hàng thủy sản nhập khẩu và những đối thủ cạnh tranh trên thị trường này. Việc phải thực hiện theo đúng những yêu cầu kỹ thuật ngày càng gắt gao mà bên phía EU đề ra đã tạo không ít khó khăn cho những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của An Giang. Hạn chế về vốn, trình độ khoa học công nghệ, nhân lực giỏi... đã phần nào khiến cho các DN XK An Giang khó có khả năng đáp ứng được toàn bộ những tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu ở EU. Những đối thủ cạnh tranh trên thị trường EU ngày càng nhiều, đặc biệt là những nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, được sự hỗ trợ từ chính phủ đã khiến cho con cá tra của An Giang mất dần vị thế độc quyền trên thị trường EU.