Dự báo về tình hình xuất khẩu trong thời gian tới

Một phần của tài liệu Xuất khẩu mặt hàng cá tra của tỉnh An Giang sang thị trường Liên minh châu Âu - Phạm Hải Yến - K49E - 9,3 (Trang 70 - 73)

FAO đã dự báo tiêu thụ thủy sản trong các nước EU từ năm 2005 đến năm 2030 sẽ tăng thêm 9%. Mức tiêu thụ bình quân đầu người của 28 quốc gia EU (EU 27 và Na Uy) sẽ thay đổi theo hướng tăng từ 22 kg/người/năm vào năm 1998 lên 24 kg /người/năm vào năm 2030. Hai kg tăng thêm cho mỗi người cho thấy lượng thủy sản cung ứng cho người dân sẽ tăng thêm 1,6 triệu tấn, trong đó 1,1 triệu tấn tương ứng với 2 kg và 550.000 tấn còn lại sẽ được tiêu thụ bởi số dân tăng thêm trong giai đoạn này (22 triệu người). Nuôi trồng thủy sản ở EU dù có tăng trưởng nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng của người dân EU, vì thế, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng lên 11 triệu tấn (tăng 15% so với năm 1998), chính điều này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của EU vào phần còn lại của thế giới đối với cá và sản phẩm cá. EU ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm nhập và sự phụ thuộc nhập khẩu hiện đang ước tính khoảng 65%.

Xu hướng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản tại EU-27 trong thời gian tới được FAO dự đoán như sau:

 Tăng nhập khẩu: Áo, Bỉ - Luxembourg, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Hà Lan, Anh, Cộng hóa Séc, Hungary, Ba Lan, Slovenia, Bulgary, Latvia, Lithuania, Malta, Rumani và Slovakia.

 Giảm nhập khẩu: Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Síp và Estonia.

Xu hướng tiêu dùng chung của các quốc gia thuộc EU-15 hiện nay là tăng cường sử dụng những sản phẩm thủy sản. Mức tăng này được phản ánh thông qua sự gia tăng trong tiêu thụ những sản phẩm tiện lợi vì người tiêu dùng ít có thời gian rảnh rỗi cho việc chuẩn bị bữa ăn. Ngày càng có nhiều siêu thị ở EU đưa thủy sản vào danh sách hàng bán của họ, do đó, điều này cũng góp phần làm gia tăng số lượng thủy sản được tiêu thụ tại thị trường này. Xu hướng sử dụng thực phẩm tốt cho sức khỏe được người dân EU đặc biệt quan tâm chú trọng, nhất là sau những vụ tai tiếng như bệnh bò điên, dioxin...là một yếu tố quyết định sự gia tăng một cách tích cực của nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở những nước này.

Những yếu tố được cho rằng sẽ ảnh hưởng đến vị trí của cá tra trên thị trường EU trong tương lai là: Nguồn cung cá thịt trắng tăng, tỷ giá giữa đồng EURO/USD, chi phí sản xuất của cá tra, tình trạng kinh tế EU và nhận thức của người tiêu dùng đối với cá tra.

Hiện nay, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn là mối đoe dọa lớn nhất không chỉ đối với cá tra mà còn với nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Song, người tiêu dùng châu Âu đang có xu hướng mua các sản phẩm cá thịt trắng với giá rẻ hơn. Các mặt hàng cá phi-lê đông lạnh, trong đó có cá tra cũng đang được các siêu thị tại EU lựa chọn để đưa vào kinh doanh vì có nguồn cung đảm bảo quanh năm với thời gian giao nhận hàng ngắn và ít tốn kém. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp trong tỉnh An Giang có tăng hay không phụ thuộc vào khả năng của các nhà sản xuất cá tra có duy trì được chi phí sản xuất ở mức kiểm soát được hay không. Nếu chi phí sản xuất tăng thì cá tra sẽ khó có thể cạnh tranh được với các loài cá thịt trắng khác.

Dự báo trong vòng 5 năm tới thị trường cá tra sẽ khó có sự thay đổi đột biến. Cạnh tranh sẽ vẫn duy trì mạnh mẽ trong phân khúc thị trường cá thịt trắng có giá trị thấp. Mặt hàng cá tra tại thị trường EU được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục cạnh tranh về giá vì sản phẩm cá tra không thể lấy lại vị trí là một sản phẩm có giá trị cao. Một số quốc gia ưa chuộng sản phẩm bền vững như Italy và Tây Ban Nha, cho rằng trong dài hạn chứng nhận bền vững sẽ góp phần cải thiện nhận thức của người tiêu dùng đối với cá tra. Điều này sẽ giúp cá tra lấy lại thị phần tại các nước mà cá tra đã phải hứng chịu các chiến dịch truyền thông bôi bẩn. Xa hơn nữa đây sẽ là một biện

pháp để xác định lại vị trí cá tra như một sản phẩm có giá trị cao vì chứng nhận bền vững có thể sẽ trở thành một giấy phép hoạt động. Các chiến dịch truyền thông tích cực cho cá tra cần tác động vào nhận thúc của người tiêu dùng, đặc biệt ở các nước có nhận thức tốt về cá thịt trắng khai thác như Anh, Italy và Tây Ban Nha (Ngọc Thủy – Ngọc Hà dịch, 2013).

Mặc dù theo dự báo mức tiêu thụ thủy sản ở các nước EU thời gian tới sẽ tăng, tuy nhiên, hiện nay, do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, tình hình XK sang thị trường EU của các DN chế biến cá tra trong tỉnh An Giang tương lai gần có thể không mấy khả quan.

Trong thời gian sắp tới, tình hình XK cá tra của các DN trong tỉnh An Giang sang thị trường EU vẫn chưa thể tăng trưởng do ảnh hưởng của những khó khăn từ thị trường EU. Hiện nay, tình hình nợ công ở EU vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, do đó, tình hình tài chính, tiêu dùng của người dân ở thị trường này vẫn chưa có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, việc đồng Euro mất giá so với đồng USD cũng khiến các nhà nhập khẩu EU bị giảm lợi nhuận do thiệt hại về tỷ giá trong việc thanh toán.

Nhìn chung, tình hình XK cá tra sang EU trong tương lai gần chưa có dấu hiệu khởi sắc, bởi đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu EU vẫn tiếp tục ở mức thấp. Theo VASEP, nguyên nhân dẫn đến điều này là do cuộc khủng hoảng nợ công tại EU đã khiến các DN và nhà nhập khẩu mất niềm tin kinh doanh, họ chỉ mua bán cầm chừng và phải cân nhắc kỹ việc mua dự trữ hàng như các năm trước.

Tuy nhiên, trong tương lai xa hơn, với hi vọng nền kinh tế EU sẽ phục hồi trở lại, cùng với những hiệp định hợp tác toàn diện được ký kết giữa Việt Nam và EU có hiệu lực và dự án xây dựng Trung tâm phân phối và sàn đấu giá hàng thủy sản Việt Nam tại cảng Zeebrugge, Bỉ được thực hiện sẽ tạo tiền đề phát triển giao thương, quảng bá xúc tiến thương mại giữa hai nước, mở ra cơ hội lớn cho các DN XK Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu thủy sản tới EU. Từ đó, sản lượng và kim ngạch nhập khẩu vào EU từ các DN An Giang sẽ bắt đầu tăng trưởng và các DN XK An Giang sẽ có cơ hội mở rộng và chiếm lĩnh thị trường nhờ vào những nỗ lực hoàn thiện tất cả các khâu trong nuôi trồng, chế biến và XK cá tra trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu mặt hàng cá tra của tỉnh An Giang sang thị trường Liên minh châu Âu - Phạm Hải Yến - K49E - 9,3 (Trang 70 - 73)