Đối với biện pháp này, vai trò quan trọng nhất thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở NN&PTNT cùng với sự phối hợp của các Sở ngành khác và các Hiệp hội.
Điều kiện triển khai
Đòi hỏi phải có nguồn nhân lực trình độ cao để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, thực hiện công tác hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp làm đúng theo yêu cầu, ngoài ra, cần có sự tuân thủ, hợp tác của các doanh nghiệp, hộ nuôi và những biện pháp chế tài đủ mạnh khi phát hiện sai phạm của UBND tỉnh.
Cách thực hiện
UBND tỉnh, các Sở, ban ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiên các quy định của Nhà nước về đất đai và bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi trồng, khai thác và chế biến cá tra của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Sở NN&PTNT phối hợp cùng Hiệp hội nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, các tổ chức đoàn thể tổ chức lại sản xuất nhằm gắn kết các hộ nuôi nhỏ lẻ với các DN chế biến trong sản xuất theo hướng ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Sở NN&PTNT kết hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, các viện trường đào tạo, tập huấn kỹ thuật xử lý nước thải, kỹ thuật nuôi hạn chế ô nhiễm trong nuôi trồng cá tra cho DN và các hộ nuôi nhỏ lẻ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dịch vụ cung cấp thức ăn, vận chuyển cá tươi sống phải đảm bảo đủ điều kiện, tránh hao hụt, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản.
Kết quả dự kiến đạt được
Giải pháp này giúp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng nước ngoài đối với sản phẩm cá tra có xuất xứ từ Việt Nam, đặc biệt là An Giang, bên cạnh đó, góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường nước đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.