3. Kinh Di Giáo với các bản Kinh liên quan
1.2.2. Thể loại ký sự
Là một thể của ký thiên về tự sự, thường ghi chép các sự kiện, hay kể lại một câu chuyện khi nó mới xảy ra.Kinh Di Giáo đã kể lại chuyến du hành cuối đời đức Phật đi từ Vương Xá đến Kusinara, đi qua từ 14 đến 17 địa danh khác nhau. Qua
mỗi địa phương đức Phật và đại chúng dừng lại nghỉ ngơi một thời gian, mỗi nơi đức Phật đều thuyết pháp độ sinh, những thời pháp ấy đều được ghi lại thành một thời thuyết pháp từ đầu cho tới cuối và đặt ngay vào thời điểm đức Phật sắp nhập Niết bàn.
2. Tư tưởng
Tư tưởng Kinh Di Giáo chứa đựng một cách vắn tắt và đầy đủ giáo lý căn bản của đạo Phật, qua những bài thuyết giảng của đức Phật Thích Ca cho các tỳ kheo đi cùng với ngài, hay nhân những buổi tụ họp các tỳ kheo và cư sĩ địa phương. Điều được đức Phật nhiều lần nhắc tới là Giới (sila), Định (samadhi), Huệ (pañña), ba cái học đưa tới vô lậu: " Đây là Giới, đây là Định, đây là Huệ. Định sẽ đem tới kết quả và ích lợi lớn nếu phát triển với Giới, Huệ sẽ đem tới kết quả và ích lợi lớn nếu phát triển với Định. Tâm phát triển với Huệ sẽ giải thoát khỏi các lậu hoặc (asava), tức là dục lậu (kamasava), hữu lậu (bhavasava), tri kiến lậu (ditthasava) và vô minh lậu (avijjasava)".
Ngài cũng nhắc lại lý do vì sao con người mãi bị trói buộc trong vòng luân hồi (sansara). Đó là vì không hiểu rõ bốn sự thật là: khổ (dukkha), nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ (phẩm 2).
Và với tăng chúng sống ở gần Vesali, ngài còn nói về 37 phẩm trợ đạo (bodhipakkhiya-dhamma), là những pháp ngài đã chứng ngộ và giảng dạy, và khuyên họ phải học hỏi, thực hành, trau dồi và phát triển .
Ngài đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của 4 niệm xứ, khi nói với Ananda (cuối phẩm 2): " Này Ananda, hãy tự mình làm hòn đảo (dipa) cho mình, làm nơi nương tựa cho chính mình, không nương tựa vào ai khác. Hãy lấy Chánh Pháp làm hòn đảo cho mình, làm nơi nương tựa cho chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác. Bằng cách nào một vị tỳ kheo làm được như vậy, Ananda! Đối với thân, vị ấy quán thân, đối với thọ, vị ấy quán thọ, đối với tâm, vị ấy quán tâm, đối với pháp, vị ấy quán pháp, sống tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục được mọi tham ái, sân si trên đời. Này Ananda, những ai tự mình làm hòn đảo cho mình, lấy Chánh Pháp làm hòn
đảo cho mình, làm nơi nương tựa cho chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác, những vị tỳ kheo tinh tấn ấy, ngay bây giờ và sau khi ta diệt độ, sẽ là những vị tối thượng trong hàng tỳ kheo của ta." [31, tr.182]