3. Kinh Di Giáo với các bản Kinh liên quan
3.3. Tu (修): là thực hành, tu tập.
Hành giả thực hành và tu tập những pháp đã nghe, đã tư duy để phát sinh trí tuệ. Đây là phần ứng dụng thực tiễn những gì đã được nghe và được học. Đức Phật đã từng nhấn mạnh việc thực hành có ý nghĩa hơn là có niềm tin mà
thiếu sự thực hành, “tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. “Tu sở thành tuệ”, nhờ thực tập ứng dụng những điều đã nghe đã học, nhằm phản tỉnh những ác nghiệp của thân khẩu ý mà phát sinh trí tuệ. Tu có nhiều loại, như: khổ tu, lạc tu, chơn tu, nội tu, cộng tu, tự tu. Sự tu tập được dụ như y phục rách rồi, cần phải vá lại mới có thể mặc được. Cũng vậy, thân tâm con người một khi đã có vết dơ nhớp hoặc có lỗ khuyết hỏng hư hại, đương nhiên càng nên cần phải sửa đổi tu bổ mới đảm bảo được phẩm chất hữu dụng của đời người, đồng thời từ chỗ lập nguyện tu dưỡng sẽ tạo nên động lực vi diệu thăng hoa cuộc sống đến chỗ cực chí mục tiêu.
Đường dài vạn dặm, chỉ cần dụng công khởi chân cất bước thì lo gì không đến đích! Sự nghiệp ngàn muôn, chỉ cần dũng cảm đảm nhận tiến hành thực tiễn thì lo gì sự nghiệp không thành công! Tu hành sẽ thành tựu được nhân phẩm và phong cách trang nghiêm; tu tâm sẽ thành tựu được đạo nghiệp thậm thâm vi diệu. Chỉ cần chúng ta kiên tâm quyết chí thực hành, tất nhiên sẽ có quả chứng. Đó là thành quả diệu dụng của “Tu sở thành tuệ”. Từ cái diệu dụng thực tiễn của Văn Tư Tu đối với cuộc sống con người, Phật giáo khuyến cáo chúng ta không thể thiếu và không thể xem nhẹ thực tiễn hành trì Văn, Tư, Tu, bởi chỉ có ba pháp đó mới có thể giúp hành giả tiến sâu vào con đường Thánh đạo của Phật.
Ta thấy rằng, có người học cao, địa vị lớn, trí thức lớn nhưng chưa chắc có trí tuệ như người ta thường nói học vị cao chưa hẳn đã có văn hóa. Triết gia Hê Ghen, người Đức cho rằng: “Trí tuệ con người quyết định hoàn cảnh xã hội, nên xã hội tốt hay xấu đều xuất phát từ tư duy và hành động ở mỗi một con người”.
Trong suốt bốn mươi lăm năm giáo hoá đức Thế Tôn đã đem Tuệ giác của mình dẫn dắt chúng sanh ra khỏi đường mê đi vào nẻo giác. Điều này được ấn chứng trong kinh Pháp Hoa khi nói đến đại nhân duyên mà đức Phật ra đời: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.” Phật tri kiến ấy chính là
Trí Tuệ, là Tuệ Giải thoát…Như vậy, nội dung của Tuệ là bao gồm toàn bộ hệ thống giáo lý của Ngài, trong đó gồm cả Giới học và Định học. Và giữa chúng luôn mang tính tương quan, chặt chẽ và nhất quán. Thể hiện một cái nhìn thật sâu sắc về vạn pháp đó là Vô thường, Khổ không và Vô ngã. Thể hiện một cái nhìn chân thực “Các pháp do duyên sinh”. Thể hiện một cái nhìn như trong kinh đức Phật đã dạy: “Như thế nào được gọi là trí tuệ? Vì có tuệ tri nên được gọi là trí tuệ. Tuệ tri là gì? Tuệ tri đây là khổ. Tuệ tri đây là khổ tập. Tuệ tri đây là khổ diệt. Tuệ tri đây là con đường đưa đến khổ diệt.”[9, tr.393]
Đến đây, vị hành giả không còn nghi ngờ gì nữa, hãy bắt tay vào công việc tu tập một cách tinh tấn ngay bây giờ và tại đây. Và tùy theo căn cơ, tùy trình độ của mình mà chọn một pháp tu cho thích hợp. Đừng như một kẻ ngu mà đức Phật đã dẫn:
“Có một kẻ khát muốn uống nước, tìm đến chỗ nhiều nước. Đến đó, đứng xem mà chẳng uống. Có người bảo “Ngươi khát nước, đi tìm lắm bề khổ nhọc, nay tìm gặp nước mà chẳng uống là tại sao?” Anh chàng đáp: “Nếu tôi uống hết thì mới uống, nhưng nước đây nhiều quá, uống không thể hết nên tôi không uống.” Bọn kia nghe vậy, cười cho là ngu. Cũng như người thấy giáo pháp của Phật quá nhiều, rồi cho mình không thể hiểu hết được, nên chẳng học hỏi, suy nghĩ, tu tập.” [76, tr.25 ].
Trong Kinh Di Giáo đức Phật dạy rằng: “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”. Khi tâm được chế định vào một chỗ thì trí tuệ được khai thông. Và khi trí tuệ được khai thông chính là khi con người nhận chân được giá trị thực tại của cuộc sống. Rồi từ đó con người hết hoang mang, hết lo sợ khi phải đối diện với những già, bệnh và chết, và như thế khổ đau sẽ vắng mặt, hạnh phúc chân thật sẽ hiển bày.
Đã là một con người, ai cũng lựa chọn cho mình một lý tưởng, một chí nguyện cho riêng mình để sống, để phấn đấu. Là ý muốn thiết tha để thực hiện một hoài bão nhằm đạt đến mục đích tự lợi và lợi tha.Theo lời Ngài chỉ dạy rằng:“Người chưa được độ mà muốn độ người khác đó là tâm Bồ tát;
người đã được giác ngộ, rồi đem ra khai sáng cho người khác là hạnh của Như Lai”[73, tr.372]
Nhờ hiểu thêm về giáo pháp của Ngài mà chúng ta xa rời bớt lạc thú trần tục của trần gian, noi theo bước chân của đấng Từ phụ sống cuộc sống “thiểu dục tri túc”, an lạc ngay trong hiện tại và hướng đến bến bờ giải thoát trong tương lai bằng cách tu tập Giới Định Tuệ, tinh tấn thực hành lời Phật dạy nhằm đạt đến một mục đích cao thượng mục đích của sự giác ngộ viên mãn, của sự tỉnh thức vĩ đại.